Bệnh Rối Loạn Tiền Đình

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI BÁC SĨ DOÃN HỒNG PHƯƠNG – Khoa Thần kinhGiám đốc Chuyên môn Trung tâm Đông Phương Y Pháp – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Bệnh rối loạn tiền đình xảy ra khi hệ thống tiền đình ở ốc tai bị rối loạn, dẫn đến chóng mặt và nhiều triệu chứng đi kèm. Bệnh gặp nhiều ở nữ giới trên 35 tuổi khiến cho sức khỏe và chất lượng cuộc sống sụt giảm. Để quản lý bệnh thành công, ngoài dùng thuốc còn cần điều trị bệnh nguyên và xây dựng lối sống phù hợp.

Tổng quan

Bệnh rối loạn tiền đình (Vestibular Disorder) là hội chứng thường gặp, xảy ra khi bộ máy tiền đình và thần kinh trung ương bị rối loạn tích hợp thăng bằng. Kết quả là dẫn đến một loạt các triệu chứng, điển hình là mất thăng bằng, dễ chóng mặt, ù tai, hoa mắt, buồn nôn.

bệnh rối loạn tiền đình là gì
Bệnh rối loạn tiền đình là tình trạng tiền đình bị rối loạn dẫn đến giảm khả năng cân bằng và phối hợp

Hệ thống tiền đình nằm cạnh ốc tai và dây thần kinh thính giác. Đây là một trong những bộ phận của hệ thần kinh với chức năng giữ cân bằng cho cơ thể và đảm bảo sự phối hợp linh hoạt, nhuần nhuyễn giữa các chi, thân mình và chuyển động mắt.

Ở người bị rối loạn tiền đình, tiền đình bị rối loạn dẫn đến suy giảm chức năng gây chóng mặt, giữ thăng bằng kém, đau đầu, nhìn mờ, buồn nôn… Do ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại hóa, tỷ lệ mắc bệnh ngày một gia tăng. Bệnh có thể gặp ở mọi độ tuổi nhưng ảnh hưởng chủ yếu đến người trên 40 tuổi và nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới.

Rối loạn tiền đình tuy không phải bệnh nguy hiểm nhưng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Khả năng lao động của người bệnh cũng sụt giảm đáng kể nếu không có biện pháp điều trị và chăm sóc hợp lý.

Phân loại bệnh

Dựa vào biểu hiện lâm sàng, bệnh rối loạn tiền đình được chia thành 2 loại sau:

Rối loạn tiền đình có nguồn gốc ngoại biên

Hệ thống thần kinh ngoại biên có vai trò truyền tín hiệu của não bộ và tủy sống đến những cơ quan trong cơ thể. Tổn thương thần kinh ngoại biên do suy giáp, thủy đậu, quai bị, zona thần kinh, tiểu đường, hội chứng Meniere… có thể gây ra bệnh rối loạn tiền đình.

nguyên nhân và triệu chứng bệnh rối loạn tiền đình
Rối loạn tiền đình có nguồn gốc ngoại biên là loại thường gặp, triệu chứng khởi phát rầm rộ, đột ngột

Với rối loạn tiền đình có nguồn gốc ngoại biên, tổn thương xảy ra ngay tại hệ thống tiền đình nằm ở vùng tai trong. Vì vậy, loại này có đặc điểm là triệu chứng rầm rộ, xuất hiện đột ngột. Tỷ lệ bệnh nhân bị rối loạn tiền đình có nguồn gốc ngoại biên cao hơn so với rối loạn tiền đình có nguồn gốc trung ương.

Rối loạn tiền đình có nguồn gốc trung ương

Rối loạn tiền đình có nguồn gốc trung ương ít gặp. Nguyên nhân trực tiếp là nhân tiền đình ở tiểu não và thân não bị tổn thương, liên quan đến những vấn đề sức khỏe như tai biến mạch máu não, đau nửa đầu Migraine, chấn thương vùng đầu, u tiểu não, xơ cứng rải rác, hạ huyết áp thế đứng, thiểu năng tuần hoàn sống nền…

Đặc điểm của rối loạn tiền đình có nguồn gốc trung ương là triệu chứng không rầm rộ, không có tính điển hình. Dù triệu chứng có mức độ nhẹ hơn nhưng tổn thương nằm ở hệ thống thần kinh trung ương nên rất khó điều trị, bệnh thường có tính chất dai dẳng, dễ tái phát.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh rối loạn tiền đình. Trong đó được chia thành 2 nhóm nguyên nhân chính sau:

nguyên nhân và triệu chứng bệnh rối loạn tiền đình
Các vấn đề ở tai là nguyên nhân hàng đầu gây rối loạn tiền đình có nguồn gốc ngoại biên

Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình có nguồn gốc ngoại biên bao gồm:

  • Bệnh Meniere (rối loạn thính lực)
  • Chấn thương đầu
  • Biến chứng, di chứng sau khi phẫu thuật vùng đầu mặt cổ
  • Viêm mê đạo, viêm tai giữa
  • Viêm dây thần kinh tiền đình do virus quai bị, thủy đậu, virus gây zona thần kinh
  • Rối loạn chuyển hóa (suy giáp, tăng ure huyết, tiểu đường)
  • Tổn thương thần kinh do ma túy, rượu
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc như Gentamycin, Streptomycin
  • U dây thần kinh số 8
  • Sỏi tiền đình (thạch nhĩ lạc chỗ)
  • Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính
  • Say tàu xe

Rối loạn tiền đình có nguồn gốc thần kinh trung ương thường có liên quan đến những nguyên nhân sau:

  • Hạ huyết áp tư thế
  • Xơ cứng rải rác
  • Chấn thương
  • Bệnh Parkinson
  • Đau nửa đầu Migraine
  • U tiểu não, u màng não, u sao bào
  • Do các bệnh lý mạch máu não như nhồi máu động mạch sống nền, thiếu máu động mạch cột sống, nhồi máu tiểu não, xuất huyết tiểu não…
  • Giang mai thần kinh

Các yếu tố nguy cơ:

  • Nữ giới từ 35 tuổi trở lên
  • Tiền sử chóng mặt, hoa mắt
  • Sinh sống, làm việc ở những môi trường ồn ào
  • Căng thẳng thần kinh
  • Ít vận động
  • Yếu tố di truyền

Triệu chứng và chẩn đoán

Tiền đình là cơ quan chịu trách nhiệm giữ sự thăng bằng cho cơ thể ở các tư thế khác nhau. Bên cạnh đó, cơ quan này còn đảm bảo sự phối hợp giữa cử động mắt, tay, chân và thân mình. Vì vậy, khi tiền đình bị rối loạn, biểu hiện dễ nhận thấy nhất là chóng mặt, hoa mắt, nhìn mờ.

nguyên nhân và triệu chứng bệnh rối loạn tiền đình
Chóng mặt là triệu chứng điển hình nhất của bệnh rối loạn tiền đình

Các triệu chứng của bệnh rối loạn tiền đình:

  • Chóng mặt là triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh rối loạn tiền đình. Bệnh nhân có cảm giác mọi thứ xung quanh xoay tròn, nhìn mờ dẫn đến mất thăng bằng và dễ té ngã.
  • Buồn nôn, nôn
  • Rung giật nhãn cầu (nhìn mờ, nhìn đôi)
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Ù tai
  • Mạch nhanh, vã mồ hôi
  • Dáng đi như người say rượu do khả năng giữ thăng bằng kém
  • Giảm phối hợp các động tác (thường gặp ở người bị rối loạn tiền kinh có nguồn gốc trung ương)

Rối loạn tiền đình nguồn gốc ngoại biên có tính chất khởi phát đột ngột, triệu chứng mức độ nặng từ vài phút đến vài giờ. Triệu chứng điển hình là chóng mặt kèm theo buồn nôn, nôn và ù tai. Ngược lại, rối loạn tiền đình có nguồn gốc trung ương thường khởi phát từ từ, không đột ngột. Triệu chứng kéo dài từ vài tuần đến vài tháng với cường độ trung bình.

Rối loạn tiền đình khiến khả năng giữ thăng bằng và phối hợp của cơ thể suy giảm. Vì vậy, khi phát hiện triệu chứng bất thường, nên thăm khám để được chẩn đoán kịp thời.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh rối loạn tiền đình khá rõ rệt. Do đó, bước đầu tiên bác sĩ sẽ trao đổi với bệnh nhân về các triệu chứng gặp phải như chóng mặt, buồn nôn, nôn, nhìn mờ, mất thăng bằng. Đặt câu hỏi để khai thác bệnh sử (tiền sử chấn thương, phẫu thuật, bệnh lý, lịch sử dùng thuốc…).

Rối loạn tiền đình xảy ra do nhiều nguyên nhân. Bên cạnh khám lâm sàng, các xét nghiệm cận lâm sàng sẽ được thực hiện để xác định nguyên nhân và đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh.

triệu chứng bệnh rối loạn tiền đình
Chẩn đoán bệnh rối loạn tiền đình chủ yếu dựa vào lâm sàng, đo động mắt, xét nghiệm xoay vòng...

Các kỹ thuật cận lâm sàng được cân nhắc thực hiện bao gồm:

  • Điện ký rung giật nhãn cầu (Đo động mắt): Phương pháp này sử dụng các điện cực nhỏ đặt ở xung quanh mắt nhằm đo chuyển động của mắt. Kết quả của đo động mắt có thể xác định các dấu hiệu ở mắt là do rối loạn tiền đình hay các vấn đề khác.
  • Xét nghiệm xoay vòng: Xét nghiệm này được thực hiện để đánh giá sự phối hợp giữa tai trong và mắt. Các bác sĩ sẽ sử dụng điện cực để đánh giá chuyển động của mắt khi đầu di chuyển.
  • Đo âm ốc tai: Đo âm ốc tai giúp các bác sĩ đánh giá hoạt động của các tế bào lông chuyển trong ốc tai. Khi đo, các bác sĩ sẽ sử dụng loa nhỏ đặt vào trong ốc tai, sau đó tạo ra các kích thích âm thanh để đo sự đáp ứng của các tế bào này.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Siêu âm mạch máu ngoài sọ, CT sọ não, MRI não được chỉ định trong trường hợp rối loạn tiền đình có nguồn gốc trung ương. Hình ảnh từ các phương pháp này giúp bác sĩ phát hiện sự bất thường ở mạch máu và phát hiện khối u ở tiểu não…

Biến chứng và tiên lượng

Rối loạn tiền đình là bệnh hay tái phát dù có nguồn gốc ngoại biên hay trung ương. Tiên lượng bệnh đa dạng, tùy thuộc vào nguyên nhân. Trong đó, rối loạn tiền đình có nguồn gốc ngoại biên thường có tiên lượng tốt hơn. Nếu được điều trị đúng cách, bệnh có thể thoái lui nhanh.

Rối loạn tiền đình nguồn gốc trung ương có tiến triển dai dẳng, mất nhiều thời gian điều trị. Vì có tính chất hay tái phát, cần điều trị củng cố thêm 3 - 4 tuần sau giai đoạn cấp để hạn chế nguy cơ tái phát và kéo dài thời gian bệnh ổn định.

Nếu không điều trị tích cực, rối loạn tiền đình có thể tái phát thường xuyên làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Tình trạng chóng mặt, nhìn mờ, ù tai… xảy ra thường xuyên khiến khả năng lao động giảm. Người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi, kém tập trung, ngủ kém.

triệu chứng bệnh rối loạn tiền đình
Người bị rối loạn tiền đình dễ bị té ngã do khả năng giữ thăng bằng kém

Ngoài ra, rối loạn tiền đình gia tăng té ngã, chấn thương do mất thăng bằng. Đôi khi biến chứng có liên quan đến nguyên nhân gây bệnh - đặc biệt là tai biến mạch máu não. Do đó, tuyệt đối không chủ quan trước những biểu hiện của cơ thể. Khi phát hiện thường xuyên bị chóng mặt, buồn nôn, ù tai, nhìn mờ… nên sắp xếp thời gian đến bệnh viện thăm khám sớm.

Điều trị

Điều trị rối loạn tiền đình nên được thực hiện sớm để cải thiện triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Chỉ định điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân, nhưng trước tiên bệnh nhân sẽ được dùng thuốc để xử trí cơn chóng mặt.

Rối loạn tiền đình là bệnh mãn tính và rất hay tái phát. Bên cạnh các phương pháp y tế, điều chỉnh lối sống cũng góp phần cải thiện bệnh và phòng ngừa tái phát hữu hiệu:

Sử dụng thuốc

Sau khi được chẩn đoán, bệnh nhân thường được dùng thuốc để kiểm soát nhanh cơn chóng mặt cấp tính. Trường hợp kèm nôn nhiều, căng thẳng sẽ được sử dụng thêm một số loại thuốc khác.

điều trị bệnh rối loạn tiền đình
Thuốc được sử dụng để điều trị triệu chứng chóng mặt, buồn nôn do rối loạn tiền đình gây ra

Các loại thuốc điều trị rối loạn tiền đình thông dụng:

  • Thuốc kháng histamin: Thuốc kháng histamin là lựa chọn đầu tay trong điều trị rối loạn tiền đình vì vừa có hiệu quả giảm chóng mặt, vừa giúp giảm buồn nôn, nôn mửa. Các loại thuốc thông dụng bao gồm Diphenhydramine, Promethazine, Scopolamine…
  • Acetylleucine: Acetylleucine là loại thuốc trị chóng mặt được sử dụng phổ biến trong điều trị rối loạn tiền đình. Thuốc có đáp ứng tốt, hiệu quả nhanh nên thường được dùng trong cơn chóng mặt cấp tính. Tùy theo trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc viên hoặc thuốc tiêm tĩnh mạch.
  • Thuốc chẹn kênh calci: Các loại thuốc chẹn kênh calci như Flunarizine, Cinnarizin… có tác dụng giảm đau đầu, nhìn mờ và chóng mặt do rối loạn tiền đình. Thuốc thường được dùng cho rối loạn tiền đình có liên quan đến bệnh đau nửa đầu vì có thể làm giảm triệu chứng của cả hai bệnh lý.
  • Thuốc an thần nhóm Benzodiazepin: Các loại thuốc an thần nhóm Benzodiazepin như Valium, Diazepam được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân lo lắng, căng thẳng quá mức. Thuốc có tác dụng trấn tĩnh, an thần với hiệu quả nhanh. Tuy nhiên, loại thuốc này có khả năng gây nghiện nên thường chỉ được dùng trong thời gian ngắn.
  • Thuốc chống nôn: Trường hợp nôn nhiều cần dùng thuốc để kiểm soát. Các loại thuốc chống nôn thường được sử dụng trong điều trị bệnh rối loạn tiền đình bao gồm Dimenhydrinate, Domperidone, Metoclopramide. Có thể truyền dịch bù nước, bù điện giải trong trường hợp cần thiết.
  • Các loại thuốc, viên uống tăng tuần hoàn não và tiền đình: Nhóm thuốc này thường được dùng khi các triệu chứng đã ổn định với mục đích duy trì, phòng ngừa. Các loại thuốc được sử dụng phổ biến bao gồm Betahistine, Piracetam và Ginkgo biloba (chiết xuất lá bạch quả).

Điều trị nguyên nhân

Rối loạn tiền đình là hội chứng gây ra bởi nhiều nguyên nhân. Ngoài sử dụng thuốc làm giảm triệu chứng, cần điều trị bệnh nguyên để có thể kiểm soát bệnh triệt để. Nếu nguyên nhân là các vấn đề sức khỏe mãn tính, cần có kế hoạch kiểm soát chặt chẽ để phòng ngừa rối loạn tiền đình tái phát.

Phần lớn các trường hợp rối loạn tiền đình đều có liên quan đến bệnh Meniere, đau nửa đầu Migraine, viêm dây thần kinh tiền đình… Những bệnh lý này có thể kiểm soát bằng cách dùng thuốc và thay đổi lối sống.

Tổ chức lại lối sống

Điều chỉnh lối sống giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện triệu chứng của bệnh rối loạn tiền đình cả trong giai đoạn cấp và giai đoạn ổn định. Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp này sẽ giúp kiểm soát bệnh hiệu quả, nguy cơ tái phát vì thế cũng giảm đi đáng kể.

điều trị bệnh rối loạn tiền đình
Lối sống khoa học, lành mạnh giúp kiểm soát bệnh rối loạn tiền đình hiệu quả

Các biện pháp chăm sóc giúp kiểm soát bệnh rối loạn tiền đình bao gồm:

  • Nên nằm ở tư thế đầu thấp, hạn chế di chuyển đầu để tránh chóng mặt.
  • Nên nằm ở nơi ít ánh sáng để giảm tình trạng rung giật nhãn cầu.
  • Nghỉ ngơi trong thời gian điều trị, tránh căng thẳng, lo âu. Ngủ sớm và ngủ đủ 7 - 8 giờ/ ngày để giảm sự nhạy cảm của hệ thống tiền đình.
  • Uống đủ 2 lít nước/ ngày nhưng cần hạn chế ăn muối để tránh tăng phù nề mê đạo khiến cho tình trạng chóng mặt trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Sau khi triệu chứng đã được kiểm soát, có thể sinh hoạt và làm việc trở lại nhưng cần tránh đọc sách, dùng điện thoại, máy tính khi đang di chuyển bằng tàu lửa, máy bay, ô tô…
  • Không nên thay đổi tư thế đột ngột.
  • Khi bị chóng mặt, cần nằm xuống nhắm mắt và thở đều để cải thiện triệu chứng.
  • Người bị rối loạn tiền đình thường nhạy cảm với ánh sáng. Vì vậy, nên sử dụng ô dù, nón và đeo kính râm khi ra ngoài vào thời tiết nắng gắt.
  • Giảm kích thích tai bằng cách hạn chế tiếng ồn, tránh nghe nhạc, âm thanh quá lớn.
  • Nên tập thể dục mỗi ngày để tăng cường khả năng giữ thăng bằng và thúc đẩy lưu thông máu. Tuy nhiên, nên tránh các bộ môn có cường độ quá mạnh, tác động nhiều đến vùng đầu cổ. Yoga, đi bộ, chạy bộ, đánh cầu lông… là những bộ môn thích hợp với người bị rối loạn tiền đình.
  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng qua chế độ ăn cân bằng. Hạn chế đạm, chất béo động vật, tập thói quen ăn nhạt.
  • Hạn chế bia rượu, thuốc lá và đồ uống chứa caffeine.
  • Thư giãn hằng ngày bằng cách nghỉ ngơi hợp lý, ngồi thiền 15 - 30 phút. Khi hệ thần kinh giảm căng thẳng, mức độ triệu chứng của bệnh rối loạn tiền đình sẽ giảm đi đáng kể.

Các biện pháp khác

Như đã đề cập, bệnh rối loạn tiền đình rất dễ tái phát. Ngoài sử dụng thuốc, có thể kết hợp với một số phương pháp khác để hạn chế lạm dụng thuốc quá mức. Các biện pháp này cũng hỗ trợ giảm triệu chứng và phục hồi chức năng của hệ thống tiền đình nằm ở ốc tai.

Các biện pháp được áp dụng phổ biến hiện nay bao gồm:

  • Các bài tập phục hồi chức năng tiền đình
  • Điều trị rối loạn tiền đình bằng oxy cao áp
  • Các kỹ thuật từ y học cổ truyền như châm cứu, điện châm, cấy chỉ…

Trong các phương pháp kể trên, phục hồi chức năng tiền đình bằng bài tập được áp dụng phổ biến nhất. Hiện nay, có rất nhiều bài tập được thiết kế để phù hợp với bệnh nhân rối loạn tiền đình do u thần kinh thính giác, nhiễm độc do thuốc, hội chứng Meniere…

Thực hành các bài tập này thường xuyên giúp cải thiện tình trạng mất thăng bằng, từ đó giảm đáng kể chóng mặt, ù tai, hoa mắt và hạn chế tối đa tình trạng chấn thương do té ngã.

Phòng ngừa

Rối loạn tiền đình là nguyên nhân hàng đầu gây rối loạn thăng bằng, gia tăng nguy cơ té ngã và chấn thương. Vì vậy, cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh lý này:

điều trị bệnh rối loạn tiền đình
Làm việc vừa phải, nghỉ ngơi hợp lý để tránh căng thẳng thần kinh là cách phòng ngừa rối loạn tiền đình hiệu quả

  • Điều trị và quản lý các bệnh lý về tim mạch như hẹp động mạch, huyết áp thấp, thiếu máu, xơ vữa động mạch…
  • Điều trị các bệnh về tai và thần kinh ngoại vi.
  • Hạn chế stress, căng thẳng trong cuộc sống.
  • Giảm tiếng ồn bằng cách tránh đến những nơi đông đúc, không nghe nhạc quá lớn.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Nói không với thuốc lá, bia rượu, hạn chế trà và cà phê.
  • Có chế độ ăn uống hợp lý, cân bằng.
  • Uống đủ nước (1.5 - 2 lít nước/ ngày).
  • Tránh thay đổi tư thế đột ngột, đặc biệt là xoay cổ, xoay người, nên đứng dậy từ từ sau khi ngồi lâu…
  • Khám sức khỏe định kỳ 1 năm/ lần để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh?

2. Nguyên nhân khiến tôi bị rối loạn tiền đình?

3. Tình trạng bệnh lý của tôi có nghiêm trọng không?

4. Tôi nên sử dụng loại thuốc gì để điều trị rối loạn tiền đình?

5. Tôi có thể gặp phải tác dụng phụ khi dùng thuốc hay không?

6. Tôi có cần tập vật lý trị liệu sau khi dùng thuốc?

7. Thời gian điều trị rối loạn tiền đình khoảng bao lâu?

8. Rối loạn tiền đình có tái phát không? Làm sao để ngăn ngừa?

Bệnh rối loạn tiền đình là hội chứng rất phổ biến ở nữ giới trong độ tuổi trung niên. Tình trạng mất thăng bằng do hội chứng này sẽ gia tăng nguy cơ té ngã, chấn thương trong sinh hoạt và làm việc. Vì vậy, cần phải có biện pháp điều trị và chăm sóc để quản lý bệnh hiệu quả.