Bệnh xơ cứng rải rác

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI BÁC SĨ DOÃN HỒNG PHƯƠNG – Khoa Thần kinhGiám đốc Chuyên môn Trung tâm Đông Phương Y Pháp – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Bệnh xơ cứng rải rác là một trong những bệnh lý tự miễn liên quan đến hệ thần kinh. Triệu chứng điển hình bao gồm tê ngứa, châm chích, yếu cơ, giảm thị lực, thường xuyên đau mắt,... Bệnh có khả năng phát sinh nhiều biến chứng nếu không phát hiện và điều trị.

Tổng quan

Bệnh xơ cứng rải rác (Multiple Sclerosis - MS) hay còn gọi đa xơ cứng, đây là bệnh lý liên quan đến hoạt động tự miễn. Khi đó, bao Myelin của hệ thần kinh trung ương bị biến mất hoặc thoái hóa. Điều này gây ra nhiều ảnh hưởng đối với dây thần kinh thị, não bộ, tủy sống và thân não,...

Xơ cứng rải rác là bệnh gì
Tình trạng xơ cứng rải rác hay còn gọi là đa xơ cứng có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào

Bệnh nhân gặp phải các biểu hiện lâm sàng đa dạng, triệu chứng ở mỗi người sẽ không hoàn toàn giống nhau gây khó khăn cho việc phát hiện bệnh từ sớm. Đa số các trường hợp bị xơ cứng rải rác chuyển thành mãn tính với từng đợt bùng phát.

Để chẩn đoán, thông thường bác sĩ sẽ chỉ định chụp MRI kết hợp với các triệu chứng lâm sàng bệnh nhân gặp phải. Tùy vào mức độ tổn thương, bệnh nhân sẽ được bác sĩ hướng dẫn cách điều trị phù hợp. Những đối tượng chủ quan hoặc điều trị sai cách có nguy cơ gặp phải các biến chứng ảnh hưởng sức khỏe nặng nề.

Phân loại

Bệnh xơ cứng rải rác (MS) có các thể bệnh điển hình bao gồm:

  • Thể tái phát - thuyên giảm: Triệu chứng xuất hiện sau đó biến mất, bùng phát nhiều đợt. Mỗi đợt có thể diễn ra trong vài ngày cho đến vài tuần, sau đó các triệu chứng tự động thuyên giảm. Người bệnh thường trở về trạng thái bình thường giữa các đợt bùng phát cấp tính. Đây là thể bệnh thường gặp nhất.
  • Thể thứ phát: Triệu chứng có thể xuất hiện rồi thuyên giảm mất dần. Tuy nhiên sau khi bùng phát trở lại, các triệu chứng có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Thể nguyên phát: Ngay từ khi xuất hiện, các triệu chứng MS của bệnh nhân đã rất nặng nề.
  • Thể tái phát tiển triển: Triệu chứng nặng dần, xuất hiện nhiều đợt bùng phát ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe bệnh nhân.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Cho đến nay nguyên nhân gây ra hiện tượng xơ cứng rải rác vẫn chưa được tìm thấy cụ thể. Các chuyên gia xếp bệnh lý này vào nhóm các chứng bệnh tự miễn, liên quan đến hoạt động không ổn định của hệ thống miễn dịch cơ thể. Kháng thể tạo ra tấn công nhầm lẫn các mô khỏe mạnh thay vì tác nhân gây hại.

Nhiều trường hợp cho thấy cơ sự xuất hiện của tình trạng phá hủy chất béo bao xung quanh sợi thần kinh tại khu vực tủy sống và não bộ hay còn gọi là bao Myelin. Chính điều này gây ra nhiều vấn đề cho hệ thống thần kinh. Dây thần kinh lộ ra bên ngoài làm chậm quá trình dẫn truyền thần kinh.

Nguyên nhân gây đa xơ cứng
Tình trạng đa xơ cứng có thể xuất hiện do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố nguy cơ

Bệnh xơ cứng rải rác có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào. Trong đó, ghi nhận bệnh nhân mắc MS chủ yếu là người cao tuổi. Ngoài hiện tượng rối loạn hệ miễn dịch gây bệnh, các yếu tố nguy cơ khác được đề cập đến bao gồm:

  • Bệnh xơ cứng rải rác có xu hướng xảy ra ở nữ giới nhiều hơn gấp 2-3 lần so với nam giới, độ tuổi từ 20-40 tuổi.
  • Những đối tượng có người thân cận huyết trong gia đình bị bệnh MS đều có khả năng mắc phải chứng bệnh này.
  • Một số trường hợp khác, xơ cứng rải rác xảy ra liên quan đến sự tấn công của virus gây bệnh. Khi đó, chúng sẽ làm cho lượng bạch cầu đơn nhân trong cơ thể tăng khả năng bị nhiễm trùng.
  • Một vài tài liệu khác ghi nhận yếu tố nguy cơ gây bệnh còn liên quan đến chủng tộc. Theo đó, những người da trắng có khả năng mắc bệnh xơ cứng rải rác cao hơn người da màu.
  • Các yếu tố rủi ro khác được đề cập đến bao gồm thời tiết địa phương bệnh nhân sinh sống, sự thiếu hụt vitamin D trong cơ thể, người mắc bệnh tự miễn trước đó, những đối tượng có thói quen hút thuốc lá,...

Nhận biết triệu chứng bất thường, thăm khám tìm ra nguyên nhân hoặc yếu tố nguy cơ để có hướng điều trị khắc phục chứng xơ cứng rải rác càng sớm càng tốt. Tránh trường hợp bệnh tiến triển nặng gây ra biến chứng ảnh hưởng chất lượng đời sống, sức khỏe.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Như đã đề cập, mỗi trường hợp mắc bệnh xơ cứng rải rác sẽ có triệu chứng không hoàn toàn giống nhau. Tùy tình trạng, mức độ tổn thương, các dấu hiệu nhận biết bùng phát nặng hay nhẹ với các hình thức đa dạng. Dưới đây là một số triệu chứng điển hình:

  • Tăng dị cảm ở một chi hoặc xảy ra đồng thời ở nhiều chi, khuôn mặt và thân người của bệnh nhân.
  • Người bệnh nhận thấy tay, chân trở nên yếu hơn, hoạt động vụng về không còn linh hoạt như trước.
  • Nhiều trường hợp bệnh nhân gặp phải triệu chứng rối loạn thị giác, đau một bên mắt, liệt vận nhãn, mất thị lực một phần.
  • Cơ thể mệt mỏi, chi yếu và cứng, choáng váng, chóng mặt đột ngột không rõ nguyên nhân, bệnh nhân còn bị rối loạn cảm xúc, rối loạn dáng đi.

Những biểu hiện xảy ra không rõ ràng khiến bệnh nhân dễ nhầm lẫn, chủ quan không điều trị kịp thời. Người bệnh còn có triệu chứng tại bàng quang với việc tiểu tiện không kiểm soát, tiểu tiện không tự chủ hoặc không tống hết nước tiểu trong bàng quang ra ngoài.

Thân nhiệt của bệnh nhân sẽ tăng cao theo nhiệt độ ngoài trời, tăng khi tắm nước ấm, một số đối tượng bị sốt cao. Không những thế, người bệnh còn gặp phải các biểu hiện bất thường về nhận thức, giảm khả năng phán đoán, không tập trung.

Triệu chứng bệnh xơ cứng rải rác
Bệnh nhân gặp phải nhiều triệu chứng bất thường cần đến gặp bác sĩ thăm khám

Tình trạng xơ cứng rải rác trở nên nặng nề, bệnh nhân bị rối loạn cảm giác dẫn đến đa cảm, trầm cảm, co giật. Mỗi bộ phận, chức năng của cơ thể sẽ có các dấu hiệu bất thường khi xảy ra tình trạng xơ cứng rải rác. Cụ thể:

  • Đối với thần kinh sọ: Liệt vận nhãn liên nhân hoặc bị viêm dây thần kinh thị dẫn đến thị lực trung tâm giảm. Khi tình trạng viêm nặng, thị lực mất dần từ ám điểm trung tâm cho đến mù lòa vĩnh viễn. Nhìn sang ngang bị cản trở, một mắt có xu hướng nhìn vào bên trong, một mắt hướng ra ngoài kèm theo các cơn rung giật nhãn cầu. Bệnh nhân bị đau mắt thường xuyên gây chóng mặt, tầm nhìn kém,...
  • Đối với vận động: Có sự tổn thương bó vỏ não gai trước tủy sống dẫn đến tình trạng cứng cơ, tổn thương hai chân. Khả năng phản xạ gân xương tăng, gần như là nhạy cảm hơn ảnh hưởng đến khả năng vận động. Đôi khi bệnh nhân bị liệt cứng hai chân không thể đứng, giữ thăng bằng, thậm chí phải ngồi xe lăn. Các cơn đau xuất hiện khi hai chi dưới bị kích thích, tình trạng nặng gây liệt nửa người, không còn khả năng vận động.
  • Đối với tiểu não: Bệnh tiến triển kèm theo nhiều dấu hiệu bất thường. Nhất là ở giai đoạn muộn, người bệnh gặp phải các cơn co cứng dẫn đến tàn phế. Bệnh nhân bị tổn thương tiểu não sẽ gặp phải nhiều triệu chứng liên quan đến khả năng phát âm, giọng nói,...
  • Đối với cảm giác: Như đã đề cập bệnh nhân xơ cứng rải rác bị dị cảm hai tay, mất cảm giác ở các chi. Rối loạn cảm giác xuất hiện khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong việc vận động tay chân.
  • Đối với tủy sống: Chức năng của bàng quang giảm, bệnh nhân mất tự chủ tiểu tiện một phần hoặc hoàn toàn. Một số trường hợp ảnh hưởng tủy dẫn đến tình trạng rối loạn cương dương ở nam giới, làm suy giảm ham muốn tình dục, mất cảm giác vùng kín nữ, gây táo bón,... và nhiều vấn đề khác.

Người bệnh cần đến bệnh viện thăm khám ngay khi nhận thấy cơ thể có dấu hiệu nghi ngờ. Trình bày các triệu chứng, tình trạng sức khỏe cho bác sĩ để được hỗ trợ điều trị, ngăn chặn kịp thời các biến chứng không mong muốn.

Chẩn đoán

Chỉ định thực hiện thủ thuật chẩn đoán xác định xơ cứng rải rác:

  • Xét nghiệm máu: Xác định tình trạng bệnh lý có liên quan đến bệnh về máu huyết hay không, loại trừ khả năng mắc bệnh lý khác. Biện pháp chẩn đoán này cũng giúp xác định kháng thể IgG, kháng thể NMO-IgG.
  • Chọc dò cột sống thắt lưng: Phương pháp chỉ định trong chẩn đoán đa xơ cứng. Mục đích lấy dịch não tủy để phân tích, xét nghiệm tìm ra các kháng thể gây bệnh. Thông qua biện pháp này, bác sĩ cũng phân biệt và loại trừ những khả năng khác gây ra các triệu chứng bệnh nhân đang gặp phải.
  • Chụp MRI: Chỉ định chụp MRI thu hình ảnh não, tủy, vị trí bị xơ cứng. Hình ảnh thu được giúp phân biệt MS với các bệnh lý có triệu chứng tương đồng khác.

Ngoài các biện pháp kể trên, bệnh nhân còn được chẩn đoán điện thế gợi, xác định đường dẫn truyền thần kinh, khả năng thu - phát tín hiệu tại não bộ có bình thường hay không. Sau khi kết luận chẩn đoán, biện pháp điều trị phù hợp sẽ được xây dựng cụ thể cho từng bệnh nhân.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh xơ cứng rải rác có thể kéo dài mãn tính, bùng phát các triệu chứng theo từng đợt từ nhẹ đến nặng nề. Nếu không kiểm soát, các tổn thương cơ thể có khả năng trở nên trầm trọng, gây ra biến chứng kể đến như:

Biến chứng bệnh đa xơ cứng
Người bệnh gặp phải biến chứng nặng nề như bại liệt và các tổn thương khác

  • Nguy cơ bại liệt một số cơ làm khả năng vận động của người bệnh giảm, khả năng giữ thăng bằng, phối hợp hoạt động không thể diễn ra.
  • Người bệnh bị run, co giật thường xuyên ở các cơ bị tổn thương, dây thần kinh điều kiển cơ bị rối loạn hoạt động. Khi kéo dài, cơ cứng hơn và không thể cử động trở lại như bình thường.
  • Thị lực bị giảm nặng, người bệnh bị viêm thần kinh thị dẫn đến các cơn đau nhức mắt nhẹ đến dữ dội, một phần thị lực có thể mất hoàn toàn.

Ngoài các vấn đề kể trên, bệnh nhân còn có khả năng bị trầm cảm, động kinh, gặp nhiều bệnh lý liên quan đến tâm thần,... Do đó, khi nhận thấy triệu chứng nghi ngờ, tốt hơn hết bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ để thăm khám điều trị bằng biện pháp phù hợp, bảo đảm an toàn sức khỏe thần kinh cũng như sức khỏe tổng thể.

Điều trị

Sau khi có kết luận chẩn đoán, dựa vào tình trạng xơ cứng rải rác của người bệnh, chỉ định phác đồ can thiệp tương ứng. Các biện pháp được áp dụng bao gồm:

Điều trị nội khoa

Chỉ định thuốc giảm triệu chứng phù hợp với mức độ bệnh lý bệnh nhân gặp phải. Thuốc có tác dụng kiểm soát triệu chứng, ngăn chặn các viêm nhiễm, tổn thương trở nên trầm trọng hơn. Thuốc được dùng bao gồm:

  • Thuốc Steroid
  • Thuốc chống co thắt
  • Thuốc giảm đau
  • Thuốc kiểm soát tiết niệu
  • Thuốc chống trầm cảm
  • Thuốc cải thiện sinh lý nam, nữ

Phác đồ điều trị có thể gồm:

  • Giai đoạn cấp tính và tái phát: Chỉ định sử dụng thuốc corticosteroid giai đoạn ngắn, mục đích làm giảm các khiếm khuyết, ổn định chức năng thị lực, chức năng các cơ, các chi. Liều dùng như Methylprednisone mỗi ngày 1 lần 500-100mg trong 3-5 ngày hoặc Prednisone uống 1250mg mỗi ngày trong 3-5 ngày. Trường hợp không hiệu quả, kết hợp trao đổi huyết tương và cấy ghép tế bào gốc tạo máu.
  • Liệu pháp điều hòa miễn dịch: Giai đoạn cấp tính sử dụng phác đồ Interferon beta-1b với 250mcg tiêm dưới da, Interferon beta-1a liều 30mcg IM mỗi tuần 1 lần duy nhất, Interferon beta-1a 22mcg - 44mcg tiêm mỗi tuần 3 lần, Interferon beta-1a 125mcg tiêm mỗi tuần 2 lần. Ngoài thuốc đường tiêm, bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng thuốc đường uống như Fingolimod, Siponimod, Ozanimod, Teriflunomide,... liều dùng phù hợp.

Trường hợp sau khi sử dụng các nhóm thuốc kể trên không đạt hiệu quả như mong đợi, chỉ định thay thế hoặc kết hợp thuốc tăng liều lượng tấn công kiểm soát bệnh. Bao gồm thuốc ức chế miễn dịch Mitoxantrone, Natalizumab, Alenmtuzumab, Cladribine, Ocrelizumab, Rituximab,...

Người bệnh sẽ được xây dựng phác đồ dùng thuốc tương ứng với tình trạng sức khỏe. Tuyệt đối không tự ý ngưng, sử dụng bừa bãi thuốc tân dược để tránh gặp tác dụng phụ không mong muốn. Ngoài ra, trong thời gian điều trị nếu bệnh nhân gặp phải tác dụng phụ kéo dài, nặng nề hãy thông báo ngay với bác sĩ để được hỗ trợ, thay thế thuốc cho phù hợp.

Điều trị xơ cứng rải rác
Chỉ định điều trị bệnh xơ cứng rải rác phù hợp với tình trạng sức khỏe bệnh nhân

Điều trị ngoại khoa

Chỉ định điều trị ngoại khoa đối với trường hợp bệnh nhân không đáp ứng điều trị nội khoa. Đồng thời cần can thiệp xâm lấn khi các triệu chứng trở nặng, tổn thương cơ thể người bệnh không điều trị đơn thuần bằng thuốc.

Phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu là cách điều trị bệnh xơ cứng rải rác đang được thực hiện tại nhiều cơ sở y tế. Tế bào gốc tạo máu được lấy từ chính cơ thể người bệnh trong tủy xương, trong máu. Tế bào gốc sẽ được chọn lọc và lưu trữ.

Khi giai đoạn cấy ghép đến, bệnh nhân sẽ được truyền ngược các tế bào gốc đã lưu trữ vào lại cơ thể. Chúng sẽ nhanh chóng di chuyển, tái tạo máu, phục hồi hoạt động của hệ thống miễn dịch. Triệu chứng xơ cứng rải rác sau đó thuyên giảm, cơ thể người bệnh phục hồi.

Mỗi biện pháp can thiệp điều trị đều có ưu và nhược điểm riêng, bệnh nhân cần tuân thủ theo hướng dẫn điều trị, kết hợp chăm sóc cơ thể đúng cách để sớm phục hồi sức khỏe. Nếu có bất kỳ vấn đề gì phát sinh hãy nhanh chóng thông báo để được bác sĩ hỗ trợ.

Phòng ngừa

Bệnh xơ cứng rải rác cơ thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào. Trường hợp bệnh phát triển không kiểm soát gây ảnh hưởng nặng nề sức khỏe bệnh nhân. Do đó, bạn nên chủ động phòng ngừa từ sớm, một số lưu ý:

  • Xây dựng đời sống lành mạnh, ăn uống đủ chất, bổ sung cho cơ thể các thực phẩm có lợi cho sức khỏe. Hạn chế ăn nhiều đồ ăn cay nóng, đồ ăn chế biến sẵn, thức ăn quá ngọt hoặc quá mặn,... Hạn chế sử dụng rượu bia, thức uống chứa cồn, không sử dụng chất kích thích.
  • Tập thể dục, vận động cơ thể, không nên nằm ngồi một chỗ quá lâu. Duy trì thói quen vận động tăng cường trao đổi chất, đề kháng cho cơ thể. Vận động cũng giúp bạn khỏe mạnh hơn, phòng ngừa nhiều vấn đề như chấn thương hoặc xơ cứng cơ,...
  • Ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya, làm việc quá sức. Không nên khiêng vác nặng thường xuyên, tránh các công việc phải làm việc nặng nhọc khi cơ thể đang gặp vấn đề về máu huyết, xương khớp, hệ thần kinh,...
  • Điều trị bệnh theo phác đồ của bác sĩ, tránh tùy tiện sử dụng thuốc tân dược để không gặp tác dụng phụ gây hại sức khỏe. Theo dõi điều trị, thông báo với bác sĩ nếu nhận thấy cơ thể có biểu hiện bất thường.
  • Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bất thường và điều trị, bảo đảm an toàn sức khỏe.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Bệnh xơ cứng rải rác có thể xảy ra với đối tượng nào?

2. Tôi có thể nhận biết triệu chứng bệnh xơ cứng rải rác không?

3. Nguyên nhân nào khiến tôi bị bệnh xo cứng rải rác?

4. Tôi cần thực hiện xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh xơ cứng rải rác?

5. Nếu không điều trị bệnh xơ cứng rải rác có tự khỏi không?

6. Tôi cần dùng thuốc nào để chữa bệnh xơ cứng rải rác?

7. Sử dụng thuốc trong bao lâu thì có tác dụng?

8. Tôi có gặp phải tác dụng phụ nào khi sử dụng thuốc không?

9. Khi nào tôi phải cấy ghép tế bào gốc tạo máu?

10. Tôi có cần quay lại bệnh viện tái khám không?

Bệnh xơ cứng rải rác nếu không được phát hiện và kiểm soát có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Bệnh nhân nếu nhận thấy cơ thể có triệu chứng nghi ngờ nên đến bệnh viện sớm. Thăm khám và điều trị theo phác đồ điều trị bệnh bảo vệ an toàn sức khỏe.