Hội Chứng Rett
Hội chứng Rett là một dạng bệnh do đột biến gen gây ra, chủ yếu ảnh hưởng đến các bé gái sau sinh. Các ảnh hưởng chủ yếu của bệnh gây tổn thương hệ thần kinh, suy giảm trí tuệ, thể chất kém cùng hàng loạt các bất thường về sức khỏe, khả năng ăn uống, đi lại, hô hấp... Không có cách điều trị bệnh dứt điểm, việc điều trị chủ yếu nhằm cải thiện triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ.
Tổng quan
Hội chứng Rett (Rett Syndrome) là một bệnh rối loạn thần kinh di truyền rất hiếm gặp, thường chỉ xảy ra ở nữ giới. Bệnh lý được mô tả xảy ra do đột biến gen MECP2 trên nhiễm sắc thể X. Bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc sống như ăn uống, nói chuyện, đi lại, giao tiếp, hô hấp...
Ước tính có khoảng 1/10.000 - 15.000 trẻ gái sinh ra mắc phải hội chứng Rett. Tỷ lệ này khá hiếm nhưng bất kỳ chủng tộc hay sắc tộc nào cũng có thể bị ảnh hưởng. Cần có phương pháp điều trị tích cực đối với những trẻ mắc hội chứng này, tạo điều kiện cho trẻ phát triển và hòa nhập với cộng đồng, nâng cao sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.
Phân loại
Dựa vào mức độ nghiêm trọng của từng thể bệnh, hội chứng Rett được chia làm 2 dạng cơ bản sau:
- Loại 1: Thể điển hình của hội chứng Rett xảy ra phổ biến nhất, chủ yếu ảnh hưởng đến những trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi. Thể này đặc trưng bởi các biểu hiện về giảm chức năng thần kinh, mất kỹ năng vận động, giao tiếp và tương tác xã hội. Một vài trường hợp còn kèm theo biểu hiện khó thở, co giật và cong vẹo cột sống. Thể này tiến triển qua 4 giai đoạn từ nhẹ đến nặng.
- Loại 2: Là hội chứng Rett thể không điển hình, có mức độ nhẹ hơn so với thể điển hình. Các triệu chứng thường xuất hiện muộn, sau 18 tháng tuổi và tương tự như thể cổ điển. Trong đó, có 5 loại nhỏ của thể không điển hình này, được phân loại dựa vào các triệu chứng, cấu trúc di truyền và độ tuổi khởi phát triệu chứng. Bao gồm:
- Hội chứng Rett bẩm sinh Rolando Variant-6;
- Hội chứng Rett khởi phát sớm (Biến thể Hanafeld-6);
- Hội chứng Rett thời thơ ấu;
- Hội chứng Rett ít triệu chứng;
- Hội chứng Rett biến thể Zappella;
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Theo các tài liệu nghiên cứu, một người được chẩn đoán mắc hội chứng Rett là do mang gen đột biến MECP2 trên nhiễm sắc thể X. Cho đến nay, loại gen này vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng về chức năng chính hay cơ chế dẫn đến đột biến. Nhưng trong đa số trường hợp, khi gen này bị đột biến sẽ gây ra các bất thường về thần kinh, nên các chuyên gia nhận định có thể nó đảm nhiệm điều hòa sự phát triển và chức năng não.
Hầu hết trường hợp mắc hội chứng Rett là do đột biến gen xảy ra một cách tự phát (ngẫu nhiên). Chỉ 1% được xác định hội chứng Rett di truyền từ bố mẹ sang con cái. Tỷ lệ tế bào mang gen đột biến có thể khác nhau ở từng trường hợp, dẫn đến sự khác biệt về mức độ nghiêm trọng của chứng rối loạn này.
Ngoài nguyên nhân đột biến ở gen MECP2, các yếu tố di truyền và môi trường khác cũng góp phần vào sự khởi phát của hội chứng Rett. Chẳng hạn như:
- Những đột biến gen khác đối với gen MECP2 có thể làm ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của tình trạng rối loạn. Chẳng hạn như:
- Hội chứng Angelman gây rối loạn cử động và mất kiểm soát hành vi;
- Đột biến gen CDKL5 gây tổn thương não và động kinh;
- Bất thường gen FOXG-1 gây động kinh, khiến trẻ chậm phát triển về trí tuệ và nhận thức;
- Một số yếu tố môi trường cũng làm tăng tỷ lệ ảnh hưởng như ô nhiễm, nhiễm trùng, tiếp xúc hóa chất hoặc căng thẳng quá mức;
Triệu chứng và chẩn đoán
Các triệu chứng của hội chứng Rett thường được nhận biết khi trẻ được 6 - 18 tháng tuổi. Đây là giai đoạn trẻ có những biểu hiện rõ rệt của việc chậm phát triển, không đạt được những cột mốc quan trọng hoặc mất đi những kỹ năng vốn có. Tình trạng này được gọi là sự thoái triển, có thể xảy ra dần dần hoặc đột ngột.
Chuyên gia phân loại có 4 nhóm triệu chứng chính của hội chứng Rett tập trung vào: nhận thức, vận động, thần kinh tự trị và hành vi.
- Triệu chứng nhận thức:
- Thiểu năng trí tuệ;
- Gặp khó khăn về phát triển ngôn ngữ, khả năng giao tiếp;
- Trí nhớ kém, không thể tập trung;
- Triệu chứng vận động:
- Mất khả năng sử dụng tay;
- Thường xuyên phải vặn vẹo, xoa tay, đưa tay lên miệng;
- Gặp khó khăn trong việc phối hợp và giữ thăng bằng;
- Hay bị run, cứng cơ;
- Khó di chuyển, đi lại;
- Triệu chứng tự chủ:
- Thở không đều;
- Bất thường về nhịp tim;
- Các vấn đề về tiêu hóa;
- Nghiến răng;
- Chảy nước dãi;
- Khó ngủ;
- Chuyển động mắt bất thường;
- Mất trương lực cơ;
- Co giật;
- Triệu chứng hành vi:
- Tâm lý lo âu, căng thẳng, sợ hãi quá mức;
- Hung hăng, khó chịu, tự gây thương tích cho bản thân;
- Thỉnh thoảng la hét hoặc cười lớn kéo dài;
Ngoài ra, trẻ mắc hội chứng Rett cũng có những dấu hiệu ngoại hình khác biệt so với những đứa trẻ cùng trang lứa. Chẳng hạn như bàn tay, bàn chân nhỏ, kích thước vòng đầu nhỏ hơn bình thường... Những triệu chứng này càng thể hiện rõ ràng hơn khi trẻ lớn.
Cụ thể 4 giai đoạn phát triển của hội chứng Rett như sau:
- Giai đoạn khởi phát sớm: Giai đoạn đầu tiên rất dễ bị bỏ qua vì các triệu chứng chưa biểu hiện rõ ràng. Thường khởi phát khi trẻ được 6 - 18 tháng tuổi, đặc trưng với các triệu chứng kéo dài vài tháng hoặc 1 năm. Nếu chú ý quan sát kỹ, bố mẹ có thể thấy trẻ trong giai đoạn này gần như không có khả năng giao tiếp bằng mắt, không chơi đồ chơi, chậm biết bò hoặc ngồi.
- Giai đoạn thoái trào: Trẻ mắc hội chứng Rett từ 1 - 4 tuổi được chẩn đoán xác định đang ở giai đoạn thoái trào. Trong suốt giai đoạn này, trẻ mất dần các kỹ năng cơ bản trước đây. Gây ra các triệu chứng điển hình như bất thường cử động tay, khó phối hợp thực hiện các động tác, mất tương tác xã hội, thường xuyên khóc lóc, la hét và khó thở.
- Giai đoạn ổn định: Các triệu chứng hội chứng Rett ban đầu vẫn kéo dài từ 2 - 10 tuổi được xem là bệnh ổn định. Vào thời điểm này, sự thoái triển ở trẻ bắt đầu chậm lại, một số triệu chứng ban đầu có thể biến mất hoặc tiến triển tốt hơn. Triệu chứng chủ yếu trong giai đoạn này là co giật, khó di chuyển. Tuy nhiên, tiên lượng sống sót đến độ tuổi trưởng thành khá cao.
- Giai đoạn suy giảm vận động muộn: Khi trẻ được 10 tuổi, cũng đồng nghĩa các triệu chứng hội chứng Rett đã phát triển kéo dài rất lâu. Các triệu chứng về hô hấp hoặc cử động, phối hợp tay thường có xu hướng giảm dần. Nhưng cũng có nhiều trường hợp phát triển nặng triệu chứng yếu cơ, cứng cơ, thậm chí tê liệt hoàn toàn.
Chẩn đoán
Việc chẩn đoán hội chứng Rett ban đầu thường bắt đầu thông qua đánh giá các triệu chứng và hành vi bất thường của con. Bác sĩ cũng có thể đặt thêm các câu hỏi để khai thác chi tiết về thời điểm khởi đầu của triệu chứng. Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ thường kiểm tra để loại trừ các bệnh lý khác như bại não, tự kỷ, hội chứng Down...
Để xác nhận chẩn đoán hội chứng Rett, cần phải thực hiện kết hợp một loạt các kỹ thuật xét nghiệm sau đây:
- Xét nghiệm máu;
- Xét nghiệm nước tiểu;
- Kiểm tra thính lực, thị giác;
- Kiểm tra hình ảnh như chụp CT hoặc MRI;
- Đo điện não đồ;
Nếu nghi ngờ con mắc hội chứng Rett, bước cuối cùng là cho trẻ thực hiện xét nghiệm di truyền. Kỹ thuật này liên quan đến việc lấy một lượng máu nhỏ ở tĩnh mạch cánh tay, gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích DNA, kiểm tra những thay đổi trong gen MECP2.
Biến chứng và tiên lượng
Hội chứng Rett là một dạng rối loạn và tổn thương chức năng thần kinh mãn tính. Đa số triệu chứng khi đã phát triển đến một mức độ nhất định thường sẽ ổn định, không thay đổi hoặc xấu dần đi nhưng rất chậm. Do đó, hầu hết bệnh nhân mắc hội chứng Rett đều có tuổi thọ tốt, sống đến độ tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, tuổi thọ thường không lâu như người bình thường.
Nhưng không thể loại trừ các biến chứng có thể xảy ra trong quá trình phát triển bệnh. Chúng thường xuất phát từ các triệu chứng ban đầu như khó nuốt, khó thở, dẫn đến bệnh viêm phổi do hít phải. Xảy ra khi nước bọt hoặc thức ăn, các chất lỏng khác đi thẳng vào phổi.
Ngoài ra, còn một số ảnh hưởng tiêu cực khác cũng được xem là biến chứng hội chứng Rett như:
- Rối loạn giấc ngủ;
- Suy dinh dưỡng;
- Mất tự chủ về bàng quang, ruột, tăng nguy cơ phát triển táo bón, viêm túi mật, trào ngược dạ dày thực quản;
- Các vấn đề về cơ, xương, khớp, điển hình là cong vẹo cột sống;
- Phát triển trầm cảm, rối loạn lo âu, tự kỷ hoặc phổ tự kỷ;
- Ảnh hưởng đến tính mạng do những cơn động kinh không kiểm soát xảy ra đột ngột;
Khác với những bé gái, bé trai mắc hội chứng Rett thường hiếm khi sống sót sau khi sinh. Vì trẻ trai chỉ mang 1 NST X duy nhất, nên khi có đột biến xảy ra mức độ ảnh hưởng sẽ rất nghiêm trọng. Do đó, hầu như những đứa trẻ sơ sinh nam mắc hội chứng Rett đều sẽ tử vong ngay chào đời.
Điều trị
Hiện tại, hội chứng Rett không có cách chữa trị đặc hiệu. Tuy nhiên, những tiến bộ vượt bậc của y học hiện đại đã đưa ra nhiều giải pháp hiệu quả nhằm kiểm soát triệu chứng.
Điều trị bằng thuốc
Năm 2023, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt và chấp thuận sử dụng một loại thuốc mới trong điều trị hội chứng Rett, đó là thuốc Trofinetide dành cho trẻ từ 2 tuổi trở lên.
Cơ chế chính của thuốc là giảm mức độ sưng não, tăng lượng protein có lợi bảo vệ cấu trúc não. Đồng thời, ức chế sự hoạt động quá mức của một số loại tế bào.
Ngoài ra, để kiểm soát các triệu chứng do hội chứng Rett gây ra, tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ kê toa sử dụng các loại thuốc phù hợp. Những nhóm thuốc này chủ yếu tập trung vào kiểm soát:
- Cơn động kinh;
- Các triệu chứng tiêu hóa;
- Điều hòa ổn định nhịp tim;
- Các vấn đề về hô hấp;
- Ổn định giấc ngủ;
- Cải thiện triệu chứng căng cơ, đau nhức cơ xương khớp, duy trì khả năng vận động;
Các liệu pháp tiêu chuẩn và chăm sóc y tế
Bệnh nhân mắc hội chứng Rett cần được theo dõi thường xuyên và tạo điều kiện để áp dụng các liệu pháp phù hợp nhằm cải thiện triệu chứng, phục hồi các kỹ năng, hành vi đúng đắn.
Vật lý trị liệu hỗ trợ trẻ phục hồi khả năng vận động, đi lại thuần thục và sử dụng cơ khớp tay nhanh nhẹn
- Vật lý trị liệu: Giúp cải thiện chức năng vận động khá hiệu quả. Nhất là đối với trẻ mới biết đi, có thể được trị liệu phục hồi chức năng sử dụng cơ khớp tay, giảm tiến triển vẹo cột sống. Duy trì khả năng vận động, đi lại, giữ thăng bằng tốt hoặc ngồi thoải mái hơn. Một số trường hợp có thể được hướng dẫn sử dụng xe lăn hoặc xe tập đi.
- Trị liệu ngôn ngữ: Hỗ trợ cải thiện khả năng sử dụng ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp. Tùy từng trường hợp mà trẻ có thể được dạy trực tiếp ngôn ngữ hoặc kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ nếu gặp khó khăn lớn khi nói chuyện.
- Trị liệu nghề nghiệp: Những trẻ được trị liệu nghề nghiệp sớm có khả năng phục hồi cao các kỹ năng sống hàng ngày như tự ăn uống, mặc quần áo, tắm rửa, chải tóc...
- Trị liệu hành vi: Giúp trẻ cải thiện các hành vi hung hăng, bốc đồng không kiểm soát, tự làm đau bản thân hoặc những người xung quanh. Có thể hữu ích trong việc caui3 thiện cảm xúc của trẻ. Đồng thời, việc trị liệu hành vi tích cực cũng hỗ trợ tạo cho trẻ thói quen ngủ tốt, nhất là vào ban đêm.
- Dinh dưỡng: Đảm bảo thực hiện một chế độ dinh dưỡng khoa học và cân bằng, bổ sung đa dạng các loại thực phẩm lành mạnh vào khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ. Ưu tiên bổ sung các nhóm thực phẩm có lợi cho xương khớp, giàu canxi, giàu đạm, calo, chất béo để thúc đẩy tăng trưởng cân nặng, chiều cao cho trẻ. Một số trẻ gặp vấn đề về nhai nuốt có thể cho ăn bằng cách đặt ống. Cần chú ý cách cho ăn phù hợp để tránh khiến trẻ bị nghẹn thức ăn hoặc nôn ói gây khó thở.
Phòng ngừa
Không thể phòng ngừa hội chứng Rett do đây căn bệnh liên quan đến gen đột biến. Tuy đa số trường hợp phát bệnh là ngẫu nhiên, nhưng để đảm bảo giảm tỷ lệ sinh con mắc phải hội chứng này. Tốt nhất các cặp vợ chồng có kế hoạch sinh con nên thực hiện sớm tư vấn và các xét nghiệm di truyền chuyên sâu.
Nếu phát hiện có mang gen bệnh, có thể chọn áp dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản phù hợp. Thường là phương pháp thụ tinh nhân tạo IVF và sàng lọc phôi. Cách này giúp phôi thai được thụ tinh từ trứng và tinh trùng của bố mẹ hoàn toàn khỏe mạnh, khi con chào đời không mắc hội chứng Rett và các bệnh lý di truyền khác.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tại sao con tôi có những biểu hiện bất thường như chậm phát triển thể chất, trí não, ăn uống, đi lại khó khăn?
2. Cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán căn nguyên gây ra?
3. Nguyên nhân vì sao con tôi mắc hội chứng Rett?
4. Hội chứng Rett có chữa khỏi được không?
5. Nếu không chữa trị, con tôi có thể gặp phải những biến chứng gì?
6. Con tôi mắc hội chứng Rett sống được đến năm bao nhiêu tuổi?
7. Những biện pháp điều trị hội chứng Rett tốt nhất dành cho con tôi?
8. Tôi cần chăm sóc và hỗ trợ những gì cho trẻ trong sinh hoạt hàng ngày?
Hội chứng Rett khiến một đứa trẻ không thể phát triển bình thường ngay từ khi sinh ra. Đặc biệt, tuổi thọ còn bị rút ngắn hơn so với người bình thường. Do đó, bố mẹ cần tạo điều kiện hết mức để chữa trị và chăm sóc, hỗ trợ tích cực để giúp trẻ phát triển cũng như hòa nhập với cộng đồng, xã hội.
Tham khảo thêm: