Hội Chứng Guillain-Barre

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG – Khoa Thần kinhGiám đốc Chuyên môn Phòng khám đa khoa Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Hội chứng Guillain-Barre là tình trạng rối loạn thần kinh hiếm gặp. Xảy ra do liên quan đến sự hoạt động bất thường của hệ thống miễn dịch, tấn công và làm tổn thương các dây thần kinh ngoại biên nằm ngoài não, tủy sống. Tùy vào loại và vị trí tổn thương, mức độ bệnh có thể nhẹ hoặc nặng.

Tổng quan

Hội chứng Guillain-Barre (Guillain-Barre Syndrome) là một chứng rối loạn hiếm gặp, xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công đến các dây thần kinh ngoại biên. Bệnh đặc trưng bởi triệu chứng yếu cơ, ngứa ran và tê liệt trong những trường hợp nghiêm trọng.

Hội chứng Guillain-Barre xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công các dây thần kinh ngoại biên nằm ngoài não và tủy sống

Mức độ ảnh hưởng của bệnh có thể nhẹ hoặc nặng tùy từng trường hợp cụ thể. Nhưng đa số hầu hết bệnh nhân đều có khả năng phục hồi tốt, ngay cả khi mắc hội chứng Guillain-Barre thể nghiêm trọng nhất. Tuy nhiên, mức độ và thời gian hồi phục sẽ khác nhau ở từng người.

Hội chứng này có thể gây ảnh hưởng đến bất kỳ đối tượng nào, không phân biệt độ tuổi hay giới tính. Theo thống kê, căn bệnh này ảnh hưởng đến khoảng 1 - 2 người/ 100.000 dân số thế giới mỗi năm. Bệnh không có khả năng lây nhiễm hoặc di truyền.

Phân loại

Hội chứng Guillain-Barre được phân chia làm nhiều loại khác nhau, được phân loại dựa vào vị trí nơi kháng thể tấn công dây thần kinh. Mỗi loại có các triệu chứng và đặc điểm khác nhau. Bao gồm:

  • Bệnh đa dây thần kinh mất myelin do viêm cấp tính (AIDP): Đây là thể bệnh phổ biến nhất, chiếm khoảng 85% trong tổng số các trường hợp mắc phải. Căn bệnh này đặc trưng bởi sự khởi phát nhanh chóng của tình trạng yếu cơ và ngứa ran, lan dần từ chân lên tay và các phần trên của cơ thể.
  • Hội chứng Miller Fisher (MFS): Chỉ chiếm khoảng 5% trường hợp trong tổng số các ca mắc. Đặc trưng của thể hội chứng Guillain-Barre này gồm tam chứng mất khả năng phối hợp, liệt cơ mắt và mất khả năng phản xạ. Các triệu chứng thường bắt đầu ở mắt và mặt, sau đó mới lan sang các chi.
  • Các thể hội chứng Guillain-Barre khác: Thường ít gặp phải hơn so với 2 dạng trên, chẳng hạn như:
    • Thể thần kinh sợi trục vận động cấp tính (AMAN);
    • Thể thần kinh sợi trục cảm giác vận động cấp tính (AMSAN);
    • Thể thần kinh toàn thân cấp tính;

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Hội chứng Guillain-Barre được mô tả là một dạng rối loạn tự miễn dịch, gây tổn thương các dây thần kinh ngoại biên và gây cản trở quá trình thực hiện nhiệm vụ truyền dẫn tín hiệu. Vị trí tổn thương cụ thể chính là vỏ myelin bảo vệ dây thần kinh. Khi bị tổn thương, đường truyền không được dẫn đi đúng cách, khiến các cơ không thể hoạt động đúng theo ý muốn, thậm chí gây ra liệt.

Cho đến nay, không ai biết được chính xác nguyên nhân gây ra hội chứng Guillain-Barre. Vì có rất nhiều trường hợp cùng phát sinh một tác nhân nhưng lại có người mắc bệnh, người không bệnh. Nhưng các chuyên gia cho rằng, hội chứng này được gây ra bởi phản ứng miễn dịch bất thường của cơ thể khi phát hiện các tác nhân nhiễm trùng như virus, vi khuẩn.

Các bệnh nhiễm trùng ở phổi hoặc hệ tiêu hóa là tác nhân chính dẫn đến hội chứng Guillain-Barre

Tuy biết việc khởi phát có liên quan đến nhiễm trùng, nhưng các nhà khoa học không biết tại sao việc nhiễm trùng này lại dẫn đến hội chứng Guillain-Barre. Hầu hết những người mắc hội chứng GBS này thường là do nhiễm trùng bởi các loại vi khuẩn như:

  • Vi khuẩn E.Coli;
  • Vi khuẩn campylobacter gây viêm phổi;
  • Virus Epstein Barr gây bệnh tăng bạch cầu đơn nhân;
  • Virus cúm;
  • Virus virus HIV gây bệnh AIDS;

Độ tuổi nào cũng có thể mắc phải hội chứng Guillain-Barre, nhưng phổ biến nhất vẫn là xảy ra ở người cao tuổi và thanh niên trưởng thành. Trong một số trường hợp, GBS cũng có thể được kích hoạt thông qua các thủ thuật y tế như phẫu thuật, tiêm chủng...

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Các triệu chứng của hội chứng Guillain-Barre có thể biểu hiện khác nhau về mức độ tùy thuộc vào loại và tính chất nghiêm trọng. Nhưng về cơ bản, ở hầu hết các trường hợp đều gặp phải các triệu chứng sau:

Bệnh nhân bị ngứa, tê bì, yếu chi, khó đi lại, khó thở, khó cử động mắt...

  • Có cảm giác ngứa ran ở tay, chân;
  • Tiến triển thành yếu cơ;
  • Nặng nhất là tê liệt;
  • Kèm theo các biểu hiện như khó thở, khó nuốt, mất kiểm soát chức năng bàng quang;
  • Trong những trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong;

Chẩn đoán

Chẩn đoán hội chứng Guillain-Barre thường dựa vào kết hợp giữa việc đánh giá các triệu chứng lâm sàng, khám thực thể kết hợp làm các xét nghiệm cần thiết nhằm xác nhận. Trong đó:

Chọc dò tủy sống kết hợp các nghiệm pháp nghiên cứu dẫn truyền thần kinh giúp chẩn đoán chính xác hội chứng Guillain-Barre

  • Khám sức khỏe: Đây là bước đầu tiên nhằm khoanh vùng tình trạng bệnh lý mà bệnh nhân đang mắc phải. Bác sĩ sẽ cẩn thận kiểm tra từng triệu chứng và tìm kiếm những bất thường nhất định trên cơ thể bệnh nhân. Chẳng hạn như kiểm tra tay, chân xem có bị tê, yếu, ngứa ran hay không. Trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu khó thở nặng sẽ được chỉ định thở máy hoặc đặt nội khí quản ngay.
  • Chọc dò tủy sống: Mục đích của phương pháp này lấy mẫu dịch não tủy (CSF) ở tủy sống. Việc kiểm tra và phân tích này giúp đánh giá chính xác về lượng protein có trong dịch. Vừa xác định có liên quan đến các rối loạn tự miễn gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, vừa loại trừ các nguyên nhân tiềm ẩn khác.
  • Đo điện cơ và dẫn truyền thần kinh: Khi nghi ngờ bệnh nhân mắc hội chứng Guillain-Barre, kỹ thuật nghiên cứu chẩn đoán điện cơ này có thể đem lại lợi ích trong việc chẩn đoán. Kỹ thuật này giúp xác định xem các sợi trục hoặc vỏ myelin của dây thần kinh có đang bị tổn thương hay không, do tác nhân nào gây ra.
  • Xét nghiệm máu: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện xét nghiệm máu để chẩn đoán hội chứng Guillain-Barre. Mục đích nhằm tìm kiếm sự hiện diện của các kháng thể có liên quan. Ngoài ra, xét nghiệm máu còn giúp loại trừ các tình trạng sức khỏe khác gây ra triệu chứng tương tự hội chứng Guillain-Barre.

Ngoài ra, để đảm bảo việc điều trị đi đúng hướng và đạt kết quả cao, cần chẩn đoán phân biệt rõ ràng giữa hội chứng Guillain-Barre với các tổn thương hoặc bệnh lý khác. Chẳng hạn như:

  • Hội chứng đuôi ngựa;
  • Bện lý sợi trục liên quan đến các dạng bệnh hệ thống;
  • Hội chứng nhược cơ;
  • Bệnh lý thần kinh ngoại vi do rượu hoặc tiểu đường;
  • Chứng giảm kali máu hoặc đái ra porphyrin;

Biến chứng và tiên lượng

Bản chất của hội chứng Guillain-Barre là tình trạng rối loạn tự miễn dịch hiếm gặp nhưng lại rất nguy hiểm. Do vị trí tổn thương là hệ thần kinh ngoại biên, đảm nhiệm rất nhiều vai trò và nhiệm vụ quan trọng trong cơ thể. Trong đó, chủ yếu là khả năng truyền dẫn thông tin, tín hiệu đến các cơ.

Các chuyên gia nhận định, những triệu chứng của bệnh như yếu cơ, tê bì, tê liệt, khó thở... cũng chính là những biến chứng của hội chứng Guillain-Barre. Nhưng so với biểu hiện thông thường, biến chứng được thể hiện với mức độ nghiêm trọng gấp nhiều lần.

Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, hội chứng này còn kéo theo nhiều biến chứng hiếm gặp khác như liệt nửa người, liệt toàn thân, đau tim, suy hô hấp, đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Điều trị

Mục đích của việc điều trị hội chứng Guillain-Barre là kiểm soát tiến triển bệnh, cải thiện triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng và kết hợp các phương pháp phục hồi chức năng sau điều trị.

Các chuyên gia cho biết, không có biện pháp điều trị đặc hiệu đối với hội chứng Guillain-Barre. Tuy nhiên, có nhiều phương pháp y tế khác có thể giúp giảm thiểu độ nghiêm trọng cũng như thúc đẩy quá trình phục hồi, hạn chế tối đa các nguy cơ gây biến chứng, tử vong cho bệnh nhân.

Điều trị cấp tính

Như đã đề cập, điều trị hội chứng Guillain-Barre chủ yếu nhằm kiểm soát triệu chứng, ổn định sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Các phương pháp điều trị phổ biến gồm:

Liệu pháp globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch là phương pháp được chỉ định điều trị ưu tiên cho bệnh nhân mắc GBS

  • Liệu pháp globulin miễn dịch (IVIG): Globulin miễn dịch là những protein có khả năng tăng cường hệ thống miễn dịch chống lại nhiễm trùng. Qua nhiều nghiên cứu khoa học, liệu pháp IVIG này có tác dụng giảm thiểu mức độ nghiêm trọng và thời gian phát sinh triệu chứng GBS. Đồng thời, tiêm globulin miễn dịch qua tĩnh mạch cũng có thể giúp ngăn chặn tiến triển đến các giai đoạn nghiêm trọng hơn.
  • Liệu pháp tách huyết tương (PLEX): Phương pháp này được thực hiện dựa vào cơ chế loại bỏ huyết tương của bệnh nhân và thay thế bằng dịch phù hợp. Các kháng thể có hại trong máu sau khi được loại bỏ giúp cải thiện triệu chứng viêm, góp phần cải thiện phần nào chức năng thần kinh. Những bệnh nhân không đáp ứng với liệu pháp IVIG thường được chỉ định thay thế bằng phương pháp này.
  • Tiêm steroid: Hormone steroid chống viêm là một loại corticosteroid đã được nghiên cứu cho kết quả tốt trong việc làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

Các biện pháp điều trị hỗ trợ

Hầu hết bệnh nhân mắc hội chứng Guillain-Barre thường nhập viện trong trạng thái yếu cơ, tê liệt vận động, đặc biệt là suy hô hấp, suy tim, tụt huyết áp, vã mồ hôi, tiểu tiện mất tự chủ... Lúc này, cần ưu tiên xử lý nhanh để duy trì hơi thở và nhịp tim cho bệnh nhân bằng cách đặt máy trợ thở hoặc máy theo dõi nhịp tim.

Ngoài ra, một số thủ thuật khác như hút dịch đờm, dẫn lưu dịch tiết tích tụ trong đường thở. Điều này giúp giảm nguy cơ tắc nghẽn đường thở, gây ra viêm phổi.

Phục hồi chức năng

Sau đợt điều trị, các triệu chứng yếu cơ, ngứa ran, tê bì, khó thở đã thuyên giảm, bệnh nhân sẽ được chỉ định xuất viện. Sau đó, chuyển sang các cơ sở phục hồi chức năng chuyên nghiệp. Phương pháp này bao gồm các bài tập, kỹ thuật vật lý trị liệu giúp nâng cao thể chất, tăng cường sức mạnh các cơ cũng như ổn định sức khỏe thể chất.

Tùy theo mức độ tổn thương và di chứng còn lại sau điều trị, chuyên gia sẽ thiết kế phác đồ trị liệu phù hợp với từng trường hợp. Ngoài ra, bệnh nhân có thể tiếp cận với liệu pháp nghề nghiệp và tâm lý để tạo điều kiện thuận lợi để bệnh nhân duy trì sự độc lập trong sinh hoạt hàng ngày, tự thực hiện các công việc cơ bản một cách trơn tru. Một số phương pháp hỗ trợ hiệu quả như dùng xe lăn, nẹp hoặc nạng...

Kết hợp phục hồi chức năng bằng các bài tập vật lý trị liệu giúp bệnh nhân lấy lại khả năng vận động và sinh hoạt bình thường

Ngoài ra, trong suốt quá trình điều trị hội chứng Guillain-Barre, bệnh nhân cần tích cực thực hiện các biện pháp hỗ trợ điều trị tại nhà để hỗ trợ kiểm soát triệu chứng. Việc này liên quan đến việc như:

  • Duy trì lối sống khoa học, ăn uống lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất, tăng cường bổ sung các chất chống oxy hóa giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, giảm viêm, cải thiện chức năng thần kinh;
  • Dùng thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen hoặc ibuprofen, có tác dụng kiểm soát cơn đau, hạ sốt;
  • Chườm ấm hoặc tắm nước ấm để giảm triệu chứng đau nhức, cứng cơ;
  • Kiểm soát căng thẳng bằng các kỹ thuật như thiền định, yoga, hít thở sâu...;

Phòng ngừa

Không có cách phòng ngừa đặc hiệu đối với hội chứng Guillain-Barre. Tuy nhiên, đối với những yếu tố nguy cơ chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được. Bao gồm các biện pháp sau:

  • Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây nhiễm trùng có liên quan đến hội chứng Guillain-Barre. Chẳng hạn như thông qua thực phẩm hoặc nguồn nước ô nhiễm. Hạn chế tiếp xúc với những người đang mắc bệnh.
  • Tăng cường hệ thống miễn dịch thông qua việc duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh, ăn uống đủ chất, tập luyện nâng cao thể lực...
  • Tiêm phòng đầy đủ các bệnh lý nhiễm trùng theo khuyến nghị của Bộ Y tế.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Vì sao tôi bị tê bì, ngứa ran, yếu cơ, tê liệt đột ngột?

2. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán hội chứng Guillain-Barre?

3. Nguyên nhân khiến tôi mắc hội chứng Guillain-Barre?

4. Hội chứng Guillain-Barre có gây nguy hiểm đến tính mạng không?

5. Điều trị hội chứng Guillain-Barre bằng phương pháp nào tốt nhất?

6. Những lợi ích và rủi ro liên quan đến các chỉ định điều trị y tế?

7. Quá trình chăm sóc phục hồi sau điều trị hội chứng Guillain-Barre như thế nào?

8. Tiên lượng phục hồi sau điều trị hội chứng Guillain-Barre có cao không?

9. Chi phí và thời gian điều trị hội chứng Guillain-Barre như thế nào?

10. Cần làm gì để phòng ngừa tái phát hội chứng Guillain-Barre sau điều trị?

Hội chứng Guillain-Barre gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và khả năng vận động của bệnh nhân. Do đó, nếu muốn giảm thiểu tối đa nguy cơ biến chứng khi mắc phải và phục hồi nhanh các chức năng quan trọng, cần phải phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và tiến hành điều trị ngay. Kết hợp chăm sóc sức khỏe tích cực và thực hiện các biện pháp phục hồi chức năng cần thiết để rút ngắn thời gian điều trị.