Hội chứng lối thoát lồng ngực
Hội chứng lối thoát lồng ngực gây ra các triệu chứng như đau, kèm ngứa, tê ở vùng cánh tay, bàn tay. Trường hợp nặng bệnh nhân có nguy cơ gặp biến chứng nguy hiểm. Các biện pháp điều trị bao gồm thuốc, phẫu thuật và vật lý trị liệu,...
Tổng quan
Hội chứng lối thoát lồng ngực (Thoracic Outlet Syndrome gọi tắt TOS) là thuật ngữ chỉ tình trạng chèn ép thần kinh, chèn ép động mạch và chèn ép tĩnh mạch. Đây là tên gọi của ba hội chứng liên quan các vấn đề này. Tình trạng chèn ép xảy ra ở vùng cổ, ngực khiến phần thân trên gặp phải các biểu hiện bất thường.
Theo đó, cơ thể người có một lỗ hở giữa cổ và ngực, đây là là cấu trúc giải phẫu quan trọng có vai trò mở đường cho dây thần kinh, mạch máu đi qua. Những đối tượng bị hội chứng lối thoát lồng ngực do bất kỳ nguyên nhân nào đều làm gián đoạn lỗ hở, gây ra các triệu chứng điển hình như đau, tăng dị cảm, và nhiều vấn đề khác.
Phân loại
Dựa trên vị trí bị chèn ép, phân loại hội chứng lối thoát lồng ngực thành 3 loại chính:
- TOS thần kinh: TOS thần kinh là hiện tượng có sự chèn ép các đám rối thần kinh ở vùng cánh tay. Ngoài ra tình trạng này còn xuất hiện ở vùng thần kinh đan xen chạy đến ngực trên. TOS thần kinh chiếm số lượng người mắc cao nhất trong tất cả các trường hợp.
- TOS tĩnh mạch: Hội chứng lối thoát tĩnh mạch xuất hiện khi có sự chèn ép tĩnh mạch dưới đòn. Đa số các trường hợp mắc phải đều là nam giới từ 20-30 tuổi.
- TOS động mach: Trường hợp hội chứng lối thoát lồng ngực hiếm khi xuất hiện. Đây cũng là nguyên nhân chính tạo ra các cục máu đông cấp tính, bệnh nhân đa số là phụ nữ.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân gây hội chứng lối thoát lồng ngực bao gồm:
- Yếu tố bẩm sinh: Đây là một trong những nguyên nhân gây bệnh hàng đầu, nhiều người mắc phải. Bệnh tiềm ẩn từ khi chào đời, tuy nhiên khi tình trạng chèn ép trở nên nghiêm trọng mới bọc phát triệu chứng. Theo đó cấu trúc giải phẫu học cho thấy vùng xương sườn cổ, cơ cổ, dây chẳng,... có biến thể bẩm sinh. Chính vì thế các dây thần kinh, mạch máu gần đó dễ bị chèn ép, gây ra các cơn đau bất thường.
- Do chấn thương: Một số trường hợp bị TOS khi chấn thương cổ, ngực không được điều trị đúng cách. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể mắc hội chứng lối thoát lồng ngực do làm dụng cánh tay quá nhiều, cử động, chuyển động liên tục không nghỉ ngơi. Nhiều người khác bị tổn thương chức năng ảnh hưởng đến hệ thần kinh, mạch máu khiến cơ thể bị đau và nhiều dấu hiệu khác.
Các trường hợp mắc TOS phổ biến là ở phái nữ, độ tuổi 20-50. Những đối tượng có nguy cơ cao gặp phải hội chứng này kể đến như:
- Cử động cánh tay liên tục, trong thời gian dài. Chẳng hạn như vận động viên bơi lội, người chơi bóng chày, bóng chuyền,... Tay cử động liên tục, dùng lực vai, cổ không nghỉ ngơi tăng rủi ro bị TOS.
- Những đối tượng phải mang vác nặng, khiêng đồ vật nặng hơn trọng lượng cơ thể, làm việc quá sức dễ mắc bệnh lý về xương khớp, tăng nguy cơ chèn ép dây thần kinh và mạch máu.
- Trường hợp bệnh nhân bị chấn thương vai nặng, chấn thương vùng lưng cổ không được điều trị đúng cách.
- Những đối tượng nguy cơ cao tiếp đến là bệnh nhân có khối u ở vùng ngực, hạch bạch huyết nách,...
- Ngồi với tư thế sai trong thời gian dài.
Việc thăm khám xác định nguyên nhân gây bệnh có tác dụng hỗ trợ quá trình trị liệu đạt hiệu quả tốt nhất. Bệnh nhân tốt hơn hết nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và có hướng dẫn điều trị phù hợp, đảm bảo an toàn sức khỏe.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Người mắc hội chứng lối thoát lồng ngực đột ngột bị đau mỏi cổ, vai gáy lan dài xuống cánh tay không rõ nguyên do. Kèm theo đó là hiện tượng tê liệt nhiều vùng khi máu không được cung cấp đủ đến các vị trí do sự chèn ép gây ra.
Nhiều người chủ quan khi nhận thấy cơn đau bất thường xuất hiện. Họ thường nhầm lẫn đau do hội chứng lối thoát lồng ngực với các cơn đau thắt ngực bình thường. Tuy nhiên đây là hai trường hợp khác nhau, các cơn đau xuất hiện do bệnh TOS không tăng cường độ khi người bệnh di chuyển, nâng hạ cánh tay.
Trong khi đó những đối tượng bị đau co thắt ngực sẽ ngược lại. Nếu vận động di chuyển quá mức cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Mặc dù vậy với động tác nâng hạ cánh tay người bị đau co thắt ngực thường không cảm thấy cơn đau tăng mức độ như trường hợp đau do TOS.
Tùy vào vị trí bị chèn ép mà triệu chứng sẽ kèm theo các đặc trưng riêng. Cụ thể:
- TOS thần kinh: Bệnh nhân nhận thấy thường xuyên bị yếu cơ bàn tay, tê tay, kích thước bàn tay giảm, đau ngứa, tăng dị cảm, kém linh hoạt bàn tay, tê và yếu vùng cổ,...
- TOS tĩnh mạch: Bệnh nhân bị phù nề ở một số vị trí bao gồm bàn tay, ngón tay, cánh tay, cảm giác nặng và yếu cánh tay, giãn tĩnh mạch ở thành ngực,...
- TOS động mạch: Người bệnh có cảm giác bàn tay và ngón tay bị lạnh, kèm theo cảm giác tê bì. Ngoài ra, một số bệnh nhân còn bị loét ngón tay, quá trình lưu thông máu đến tay kém.
Nếu nhận thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường kể trên bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ, thăm khám điều trị hội chứng lối thoát lồng ngực càng sớm càng tốt. Trường hợp không khắc phục đúng cách, sự chèn ép tiếp diễn gây ra nhiều hệ lụy khác.
Chẩn đoán
Bệnh nhân được thăm khám lâm sàng, hỏi bệnh sử của bản thân và gia đình,... Người bệnh nên cung cấp các thông tin như triệu chứng, thuốc đang dùng, chấn thương vừa gặp phải, biểu hiện bất thường sau khi dùng thuốc,... để bác sĩ chẩn đoán lâm sàng tình trạng người bệnh gặp phải.
Sau đó, các xét nghiệm cận lâm sàng được thực hiện giúp kết luận bệnh và đưa ra phương án điều trị cho bệnh nhân. Thủ thuật bao gồm: Xét nghiệm mạch máu, xét nghiệm khả năng dẫn truyền thần kinh, chụp X quang, chụp CT, MRI. siêu âm Doppler mạch máu. Cụ thể:
- Chụp X quang ngực: Phát hiện bất thường tại khu vực xương sườn cổ.
- Siêu âm: Kiểm tra vùng ngực, xác định bệnh nhân có mắc phải hội chứng lối thoát lồng ngực hay không.
- Chụp CT scan: Xác định vị trí có sự chèn ép, thông thường áp dụng khi nghi ngờ bệnh nhân bị thiếu máu não do chèn ép động mạch.
- Chụp MRI: Nhận diện tình trạng chèn ép có liên quan đến yếu tố bẩm sinh không. Phát hiện vị trí tổn thương gây ra các triệu chứng bất thường.
- Chụp động mạch, tĩnh mạch: Đây cũng là biện pháp giúp phát hiện có hay không sử tổn thương động, tĩnh mạch liên quan đến chèn ép xuất hiện. Thông qua phương pháp này bác sĩ cũng có thể nhận biết tình trạng cục máu đông, đưa ra hướng giải quyết bảo vệ sức khỏe người bệnh.
Kết luận hội chứng lối thoát lồng ngực, chỉ định điều trị theo phác đồ giúp ngăn chặn triệu chứng tiến triển nặng. Bệnh nhân nên thăm khám sớm để kịp thời điều trị, tránh gặp phải các biến chứng gây hại sức khỏe.
Biến chứng và tiên lượng
Hội chứng lối thoát lồng ngực gây ra các triệu chứng ban đầu dễ nhầm lẫn với tình trạng sức khỏe thông thường. Trường hợp không kiểm soát, bệnh có khả năng tiến triển nặng nề nhanh chóng, gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng.
Trong đó, các biến chứng thường gặp bao gồm:
- Tăng mức độ đau nhức tay, phù nề khiến người bệnh khó làm việc, vận động. Không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống, tình trạng tắc nghẽn, chèn ép còn có khả năng dẫn đến hoại tử cánh tay.
- Người bệnh bị huyết khối, nghẽn mạch phổi,.... Trường hợp tổn thương thần kinh kéo dài không phục hồi ảnh hưởng đến nhận thức, dị cảm và nhiều rủi ro khác.
Bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ khi nhận thấy cơ thể có dấu hiệu nghi ngờ. Sau khi thăm khám có kết quả, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị tương ứng với tình trạng sức khỏe của người bệnh. Bệnh nhân nên tuân thủ chỉ dẫn để sớm khắc phục hội chứng lối thoát lồng ngực bảo vệ sức khỏe.
Điều trị
Chỉ định điều trị hội chứng lối thoát lồng ngực theo tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Hiện nay có 3 biện pháp được áp dụng nhằm kiểm soát triệu chứng, sửa chữa tổn thương chèn ép thần kinh, động mạch, tĩnh mạch,... Cụ thể:
Phương pháp điều trị bằng thuốc
Thuốc có tác dụng kiểm soát triệu chứng cho người bệnh. Tùy mức độ đau nhức bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp. Một số loại được dùng như:
- Thuốc giảm đau: Tác dụng đẩy lùi cơn đau nhức khó chịu cho người bệnh. Chỉ định cho bệnh nhân có sự chèn ép thần kinh gây đau nhức ngực trên lan rộng đến vùng cánh tay, bàn tay. Tuy hiệu quả giảm đau nhanh chóng, thế nhưng thuốc giảm đau không điều trị dứt điểm nguyên nhân gây bệnh. Bệnh nhân nên theo dõi và thực hiện đúng theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Các thuốc giảm đau như Acetaminophen, thuốc NSAID, thuốc giãn cơ, thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau opioid.
- Thuốc làm tan cục máu đông: Trường hợp chẩn đoán xác định người bệnh có cục máu đông gây tắc mạch, chỉ định sử dụng thuốc làm tan máu đông. Thuốc được tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch hoặc dùng theo đường tuyền tĩnh mạch. Sau vài giờ đến vài ngày cục máu đông sẽ tự tan.
- Thuốc chống đông máu: Ngoài sử dụng thuốc làm tan cục máu đông, trường hợp phát hiện nguy cơ hình thành cục máu đông, bệnh nhân phải sử dụng kèm thuốc chống đông máu. Thuốc có tác dụng ngăn chặn và kiểm soát các tổn thương bệnh nhân gặp phải. Một số loại như Coumadin, Heparin, Fondapariux,...
Thuốc có hiệu quả nhanh, tuy nhiên hãy thận trọng với phản ứng phụ khi sử dụng thuốc. Trường hợp bạn gặp phải nhiều biểu hiện bất thường, bạn nên thông báo với bác sĩ để được điều chỉnh thuốc hoặc cách điều trị cho phù hợp.
Điều trị ngoại khoa
Chỉ định phẫu thuật bệnh nhân mắc hội chứng lối thoát lồng ngực không đáp ứng điều trị bằng biện pháp nội khoa. Mục tiêu can thiệp ngoại khoa nhằm giúp người bệnh cải thiện tình trạng chèn ép, kiểm soát hiện tượng kích thích đám rối thần kinh cánh tay và sửa chữa, điều trị các vấn đề về mạch máu kéo dài tiên lượng sống tốt nhất cho người bệnh.
Các phương án can thiệp hiện đang được ứng dụng điều trị hội chứng lối thoát lồng ngực:
- Phẫu thuật giải áp
- Phẫu thuật điều chỉnh cấu trúc mạch máu
- Thay thế động mạch
Điều trị ngoại khoa cho kết quả nhanh, tác động trực tiếp vào vị trí tổn thương giúp điều trị dứt điểm hiện tượng chèn ép. Tuy nhiên phương pháp này có tiềm ẩn các rủi ro nhất định. Bệnh nhân nên đến bệnh viện uy tín, có trang thiết bị máy móc hiện đại và bác sĩ ngoại khoa giỏi để được hướng dẫn trị liệu phù hợp, an toàn.
Phương pháp vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu phục hồi chức năng sau phẫu thuật, điều trị bằng thuốc tân dược giúp người bệnh ngăn chặn nguy co cứng cơ, hoại tử,... Mục tiêu tập luyện giúp tăng cường lưu thông máu, phục hồi hoạt động cánh tay, cổ, vai gáy,...
Các bài tập được xây dựng phù hợp với mức độ bệnh và khả năng phục hồi của mỗi bệnh nhân. Người bệnh nên thực hiện theo hướng dẫn của kỹ thuật viên, luyện tập đều đặn để có kết quả tốt. Kết hợp tập luyện và ăn uống, chăm sóc cơ thể đúng cách phòng nguy cơ tái phát ảnh hưởng sức khỏe.
Phòng ngừa
Hội chứng lối thoát lồng ngực diễn biến âm thầm, gây ra nhiều ảnh hưởng về sức khỏe và đời sống người bệnh. Do đó, khi nhận thấy cơ thể có biểu hiện nghi ngờ, bạn nên chủ động đến bệnh viện kiểm tra và có biện pháp xử lý sớm.
Chủ động phòng tránh bệnh lý này thông qua một số lưu ý chính:
- Xây dựng lối sống lành mạnh, tập luyện thể dục, chơi thể thao tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên hãy sắp xếp thời gian tập luyện, chọn cường độ tập luyện phù hợp với thể trạng. Không tập quá sức, nên dành thời gian để cơ thể nghỉ ngơi, phục hồi cơ bắp.
- Ăn uống đủ chất, bổ sung chất xơ, chất đạm, chất béo tốt,... thông qua thực phẩm có lợi. Kiểm soát thói quen sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích, tốt nhất nên hạn chế hoặc loại bỏ hoàn toàn.
- Ngủ đủ giấc, nằm ngồi với tư thế đúng để tránh các chấn thương xảy ra.
- Duy trì cân nặng cân đối, hạn chế dư cân béo phì ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
- Dành thời gian mỗi ngày để cơ thể được hít thở sâu, thư giãn toàn bộ tâm trí và cơ thể. Bạn có thể thực hành thiền, tập luyện yoga,... để cải thiện sức khỏe từ sâu bên trong.
- Khám sức khỏe định kỳ, điều trị bệnh theo phác đồ riêng biệt, tránh trường hợp sử dụng thuốc bừa bãi, kết hợp thuốc khi chưa được hướng dẫn. Bởi việc lạm dụng thuốc tân dược có thể gây ra tác dụng phụ nguy hại cho sức khỏe.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Hội chứng lối thoát lồng ngực là gì?
2. Tôi có thể nhận biết hội chứng lối thoát lồng ngực thông qua triệu chứng nào?
3. Nguyên nhân gây ra hội chứng lối thoát lồng ngực là gì?
4. Hội chứng lối thoát lồng ngực có liên quan đến yếu tố di truyền không?
5. Nếu tôi không điều trị hội chứng lối thoát lồng ngực có tự khỏi không?
6. Tôi cần sử dụng thuốc gì để điều trị hội chứng lối thoát lồng ngực?
7. Sử dụng thuốc bao lâu có hiệu quả? Tôi có gặp tác dụng phụ nào không?
8. Khi nào tôi cần phẫu thuật điều trị hội chứng lối thoát lồng ngực?
9. Tôi có thể gặp rủi ro gì khi phẫu thuật điều trị bệnh?
10. Tôi cần trở lại bệnh viện tái khám bao lâu một lần?
Hội chứng lối thoát lồng ngực gây ra nhiều biểu hiện bất thường, tuy nhiên lại rất dễ nhầm lẫn. Nhiều trường hợp chủ quan, không kịp thời kiểm soát bệnh lý gây ra biến chứng đe dọa an toàn tính mạng. Do đó, tốt nhất bạn nên đến bệnh viện thăm khám ngay khi nhận thấy cơ thể có biểu hiện nghi ngờ để kịp thời điều trị khi cần thiết.
Tham khảo thêm:
- Bệnh thần kinh tự trị: Triệu chứng nhận biết và cách chữa trị
- Dấu hiệu liệt dây thần kinh số 7, cách điều trị và phòng tránh