Hội Chứng Fragila X

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG – Khoa Thần kinhGiám đốc Chuyên môn Phòng khám đa khoa Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Hội chứng Fragila X là bệnh lý di truyền xảy ra ở trẻ em khá phổ biến, chỉ sau hội chứng Down. Đặc trưng với những khuyết tật trí tuệ, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tâm thần, rối loạn hành vi... Tuy không có cách chữa trị dứt điểm, nhưng có thể được cải thiện bằng một số biện pháp y tế và trị liệu tích cực giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tổng quan

Hội chứng Fragila X (Fragile X Syndrome - FXS) hay còn gọi là hội chứng Martin Bell. Đây là căn bệnh di truyền gen đột biến từ bố mẹ sang con cái, đặc trưng bởi các khuyết tật trí tuệ và suy giảm nhận thức bẩm sinh. Đây là một

Trẻ chào đời rất dễ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý cùng nhiều vấn đề khác. Kèm theo đó là hàng loạt các triệu chứng về sức khỏe thể chất, rối loạn hành vi...

Hội chứng Fragile X là một dạng rối loạn di truyền từ bố mẹ sang con cái gây thiểu năng trí tuệ

Trẻ nam thường có nguy cơ mắc hội chứng Fragila X cao hơn trẻ nữ. Ước tính khoảng 1/4000 bé trai, trong khi bé gái chỉ khoảng 1/8000. Và khi mắc phải, các bé trai thường có các triệu chứng nghiêm trọng hơn bình thường.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hội chứng Fragila X không gây ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy nhiên, người mắc bệnh sẽ phải sống chung với bệnh cả đời vì không có biện pháp điều trị đặc hiệu.

Phân loại

Hội chứng Fragile X được phân chia làm 3 loại chính, gồm đột biến hoàn toàn, đột biến sớm và đột biến trung gian. Mỗi loại xảy ra do các tác nhân và biểu hiện triệu chứng khác nhau.

  • Đột biến hoàn toàn: Đây là dạng nghiêm trọng nhất của hội chứng này. Xảy ra khi gen FMR1 phát triển lặp lại chuỗi DNA hơn 200 lần. Đặc trưng bởi những rối loạn về mặt trí tuệ, nhận thức, hành vi và đặc điểm ngoại hình khác thường.
  • Đột biến sớm: Ít nghiêm trọng hơn với số lượng gen đột biến di truyền dao động trong khoảng 55 - 200 lần lặp lại. Chủ yếu ảnh hưởng và gây ra các rối loạn thần kinh, dẫn đến mất khả năng giữ thăng bằng, chuyển động khó khăn và các vấn đề về khả năng phối hợp. Thể này còn tăng nguy cơ phát triển các vấn đề sức khỏe tâm thần như tự kỷ, trầm cảm, khả năng tập trung, ghi nhớ...
  • Đột biến trung gian: Xảy ra khi gen này có khoảng 45 - 54 lần lặp lại. Thể này rất hiếm gặp nên rất ít tài liệu nghiên cứu về đặc điểm và triệu chứng của nó.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Tên gọi hội chứng Fragile X được đặt như vậy là do khi quan sát qua kính hiển vi, một phần hoặc toàn bộ nhiễm sắc thể X nhìn giống như bị gãy, vỡ. Đột biến gen FMR1 (fragile X Messeger Ribocucleoprotein 1) nằm trên NST X là nguyên nhân chính gây ra hội chứng Fragile X.

Đây là loại gen chịu trách nhiệm sản xuất ra một loại protein quan trọng cho sự phát triển của não bộ (FMRP). Nó rất cần thiết đối với sự phát triển linh hoạt của các khớp thần kinh. Khi trẻ thừa hưởng gen đột biến này từ bố mẹ, khiến gen hoạt động không bình thường, tạo ra quá ít hoặc không sản xuất protein gây ra các triệu chứng của hội chứng Fragile X.

Đột biến gen FMR1 trên nhiễm sắc thể X gây thiểu sản protein FMRP dẫn đến sự bất thường về chức năng não bộ

Ngoài ra, protein FMRP cũng hiện diện ở một số tế bào khác như tinh hoàn, buồng trứng... Nên ở bệnh nhân mắc hội chứng này, nguy cơ vô sinh, hiếm muộn, mãn kinh sớm là rất cao.

Gen FMR1 nằm trên nhiễm sắc thể X - một trong 2 nhiễm sắc thể quyết định giới tính của con người. Do nam giới chỉ có 1 NST X nên tỷ lệ thừa hưởng gen đột biến cao hơn nữ giới (có đến 2 NST X), nên tỷ lệ mắc phải hội chứng Fragile X cũng cao hơn. Khi mắc phải, các triệu chứng bệnh ở nam giới cũng có xu hướng phát triển nghiêm trọng hơn.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Bệnh nhân mắc hội chứng Fragile X thường gặp phải rất nhiều triệu chứng khác nhau, cả về loại và mức độ nghiêm trọng. Có những người gặp phải triệu chứng này nhưng ở người khác lại không có triệu chứng tương tự.

Triệu chứng hội chứng Fragile X được phân chia theo từng nhóm, điển hình gồm nhóm triệu chứng về não bộ, thần kinh, nhóm triệu chứng về đặc điểm ngoại hình và nhóm các triệu chứng sức khỏe thể chất khác. Cụ thể như sau:

Trẻ mắc hội chứng Fragile X đặc trưng bởi tình trạng chậm phát triển và thiểu năng trí tuệ

Triệu chứng não bộ & thần kinh

Thiểu năng trí tuệ là triệu chứng chung thường gặp nhất ở bệnh nhân mắc hội chứng Fragile X. Theo thống kê, các triệu chứng về thiểu năng trí tuệ thường xuất hiện ở khoảng 85% trẻ nam và 25% trẻ nữ.

Những đứa trẻ mắc hội chứng này thường chậm phát triển trí tuệ, khả năng nhận thức và các vấn đề về ngôn ngữ, trí nhớ, hành vi xã hội. Bao gồm:

  • Chỉ số IQ thấp, chậm tiếp thu kiến thức gây khó khăn trong việc học tập;
  • Chậm nói, kém phát triển ngôn ngữ;
  • Các vấn đề về hành vi, xã hội như: giảm khả năng chú ý, tập trung, khả năng ghi nhớ, tăng động, hiếu động thái quá, rối loạn tâm trạng, hay cáu gắt, lo lắng quá mức, tự cô lập bản thân, khó kết bạn, né tránh các mối quan hệ xã hội, hung hăng, tự gây thương tích cho bản thân...;

Dựa theo các tài liệu thống kê, ước tính có khoảng 50% trẻ nam và 20% trẻ nữ mắc hội chứng Fragile X phát triển chứng rối loạn phổ tự kỷ hoặc rối loạn tăng động giảm chú ý.

Triệu chứng về đặc điểm ngoại hình

Ngoài các biểu hiện về thần kinh, một đứa trẻ mắc hội chứng Fragile X cũng sẽ có những đặc điểm về ngoại hình, hình thể khác biệt so với những đứa trẻ bình thường. Chẳng hạn như:

  • Khuôn mặt dài
  • Trán rộng nổi bật
  • Tai to
  • Vòm miệng cao
  • Bàn chân bẹt (bàn chân phẳng)
  • Trương lực cơ kém

Các triệu chứng khác

Thực chất là những vấn đề sức khỏe bất thường phát triển kèm theo khi mắc hội chứng Fragile X. Bao gồm:

  • Lác mắt
  • Nhiễm trùng tai tái phát
  • Lỏng lẻo khớp
  • Cong vẹo cột sống
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Rối loạn cảm giác
  • Trào ngược dạ dày thực quản
  • Kích thước tinh hoàn to bất thường
  • Các vấn đề về tim mạch (hiếm gặp)
  • Co giật, động kinh
  • Béo phì

ĐỌC NGAY: Các bài tập vật lý trị liệu bàn chân bẹt hiệu quả

Chẩn đoán

Vì là bệnh bẩm sinh do thừa hưởng gen đột biến từ bố mẹ, hội chứng Fragile X được chẩn đoán khá dễ dàng thông qua đánh giá các triệu chứng khuyết tật trí tuệ, suy giảm nhận thức cùng nhiều biểu hiện bất thường khác. Việc khai thác tiền sử bệnh cũng sẽ giúp bác sĩ dễ dàng đưa ra các chỉ định chẩn đoán cận lâm sàng phù hợp.

Xét nghiệm di truyền là biện pháp chẩn đoán tiêu chuẩn đối với hầu hết các bệnh lý di truyền, trong đó có hội chứng Fragile X. Được thực hiện thông qua việc lấy mẫu máu để phân tích DNA nhằm tìm kiếm bất thường. Cụ thể ở đây là phát hiện gen đột biến FMR1. Ngoài ra, một số xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán khác cũng đem lại lợi ích trong việc loại trừ và thu hẹp chẩn đoán như:

  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp;
  • Xét nghiệm máu loại trừ các bệnh lý chuyển hóa;
  • Kiểm tra hình ảnh não bộ;
  • Đo điện não đồ (EEG);
  • Siêu âm tim;
  • Kiểm tra IQ và các bài test đánh giá sức khỏe tâm thần khác;

Xét nghiệm di truyền nhằm tìm kiếm đột biến gen FMR1 giúp chẩn đoán chính xác về hội chứng Fragile X

Nhưng về cơ bản, xét nghiệm này cũng chỉ giúp chẩn đoán hội chứng Fragile X ở những đứa trẻ sơ sinh. Thậm chí, nếu các triệu chứng xuất hiện muộn, quá trình chẩn đoán cũng sẽ bị trì hoãn. Thời điểm vàng để chẩn đoán hội chứng Fragile X ở bé trai là từ 35 - 37 tháng tuổi, bé gái là khoảng 42 tháng tuổi.

Do đó, nếu đang mang thai và nghi ngờ con mắc hội chứng Fragile X do bố mẹ mang NST X đột biến, hãy trao đổi với chuyên gia để được hướng dẫn thực hiện các xét nghiệm tiền sản. Hiện nay, có 2 phương pháp chẩn đoán tiền sản hiệu quả được áp dụng phổ biến như sau:

  • Chọc ối: Lấy mẫu nước ối để mang đi làm xét nghiệm, phân tích tìm ra bất thường ngay khi thai nhi còn nằm trong bụng;
  • Lấy mẫu lông nhung màng đệm: Phương pháp này lấy mẫu tế bào trực tiếp từ nhau thai để mang đi làm xét nghiệm kiểm tra bất thường.

Việc chẩn đoán sớm không chỉ giúp bố mẹ sớm có cái nhìn tổng quan về hội chứng Fragile X, mà còn loại trừ được một số bệnh lý, hội chứng di truyền bẩm sinh khác. Chẳng hạn như:

  • Hội chứng Trisomy 21;
  • Hội chứng Klinefelter;
  • Hội chứng Prader-Willil;
  • Hội chứng Sotos;
  • Hội chứng Rett;

Biến chứng và tiên lượng

Hội chứng Fragile X gây ra những ảnh hưởng đáng kể đối với chất lượng cuộc sống và khả năng sinh hoạt, học tập, làm việc độc lập của người bệnh. Tuy không đe dọa đến tính mạng của người bệnh, nhưng theo nhiều tài liệu thống kê, đa số bệnh nhân bị thiểu năng trí tuệ thường có tỷ lệ tử vong cao hơn so với phần dân số còn lại.

Không có biện pháp điều trị đặc hiệu đối với hội chứng Fragile X. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp bệnh nhẹ, các triệu chứng được kiểm soát tốt giúp bệnh nhân duy trì chất lượng cuộc sống tốt và duy trì sức khỏe thể chất, khả năng học tập, làm việc ở mức độ trung bình.

Tiên lượng của bệnh không chỉ dựa vào dạng đột biến, mà còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh đi kèm, từ nhẹ đến nặng. Bởi vậy, bệnh nhân hội chứng Fragile X cần phải được điều trị tích cực và dài lâu, thậm chí duy trì việc thăm khám, theo dõi suốt đời.

Điều trị

Hội chứng Fragile X là một dạng rối loạn bẩm sinh do di truyền gen đột biến nên không có biện pháp điều trị đặc hiệu. Mục tiêu điều trị bao gồm việc tập trung cải thiện giảm nhẹ các triệu chứng kết hợp giáo dục đặc biệt để định hướng con đường phát triển của trẻ trong tương lai.

Phác đồ điều trị bao gồm rất nhiều phương pháp bao gồm:

Dùng thuốc

Tùy theo từng loại triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của nó, bác sĩ sẽ kê toa chỉ định sử dụng loại thuốc phù hợp. Thông thường là các loại thuốc liên quan đến sức khỏe thâm thần hoặc kiểm soát hành vi. Chẳng hạn như:

Sử dụng các loại thuốc giúp cải thiện triệu chứng thần kinh, ổn định hành vi và cảm xúc của bệnh nhân

  • Thuốc chống động kinh, co giật (gabapentin hoặc liti carbonat);
  • Thuốc chống trầm cảm (nhóm ức chế tái hấp thu serotonin) giúp giảm cảm giác hung hăng, tự gây thương tích hoặc lo lắng quá mức;
  • Thuốc kích thích ổn định trạng thái tâm thần. Điển hình như methylphenidate, dextroamphetamine hoặc venlafaxine, nefazodone;
  • Thuốc ức chế bơm proton hỗ trợ điều trị và cải thiện các triệu chứng rối loạn đường tiêu hóa;
  • Thuốc kháng sinh được chỉ định dùng trong những trường hợp bị nhiễm trùng tai tái phát;
  • Thuốc cải thiện giấc ngủ như melatonin hoặc trazodone;

Lưu ý: Đây là những loại thuốc kê đơn sử dụng ngắn hạn giúp hỗ trợ điều trị cải thiện các triệu chứng của hội chứng Fragile X. Trong quá trình sử dụng, cần chú ý theo dõi các tác dụng phụ của thuốc và thông báo ngay cho bác sĩ để được hướng dẫn cách xử lý hoặc thay đổi liều lượng, loại thuốc khác phù hợp.

Chăm sóc và hỗ trợ giáo dục

Một điều quan trọng đối với bệnh nhân mắc hội chứng Fragile X chính là sự giúp đỡ, hỗ trợ từ những người xung quanh. Bao gồm các chuyên gia, bác sĩ, đội ngũ nhân viên y tế chuyên nghiệp và cả người thân, thầy cô. Việc can thiệp sớm bằng các chương trình trị liệu phù hợp giúp ích rất nhiều trong việc hỗ trợ cho sự phát triển của trẻ cũng như định hướng con đường trong tương lai.

Trị liệu ngôn ngữ và hành vi giúp trẻ mắc hội chứng Fragile X cải thiện kỹ năng giao tiếp, tương tác và kiểm soát cảm xúc, hành vi của bản thân

Việc thực hiện các biện pháp trị liệu là cần thiết, thường bao gồm các liệu pháp sau:

  • Vật lý trị liệu: Lộ trình tập luyện phù hợp và tích cực giúp cải thiện đáng kể khả năng vận động khớp, tăng cường sức mạnh, phạm vi chuyển động, lấy lại khả năng phối hợp và giữ thăng bằng. Đồng thời, hỗ trợ cải thiện chức năng thần kinh, giảm đau hiệu quả.
  • Trị liệu ngôn ngữ: Đây cũng là phương pháp điều trị quan trọng đối với trẻ mắc hội chứng Fragile X. Những lợi ích tích cực mà phương pháp này đem lại như cải thiện khả năng giao tiếp, bao gồm các kỹ năng như nói, phát âm, sử dụng ngôn ngữ, hiểu ngôn ngữ hoặc học các kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ khác.
  • Trị liệu nghề nghiệp: Những đứa trẻ mắc hội chứng Fragile X rất cần học cách thích nghi và thực hiện độc lập các kỹ năng cơ bản để phục vụ cho đời sống sinh hoạt bình thường. Chẳng hạn như tự mặc quần áo, chải tóc, đánh răng, ăn uống... Những kỹ năng này giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện khả năng tương tác và các kỹ năng xã hội khác.
  • Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): Đây là một loại liệu pháp hành vi đem lại lợi ích tích cực trong việc điều trị hội chứng Fragile X. Phương pháp này hướng đến mục tiêu giúp bệnh nhân tự kiểm soát cảm xúc và hành vi của mình. Thông qua các kỹ năng mềm và thực hiện ở nhiều môi trường khác nhau như ở nhà, trường học hoặc các hoạt động công cộng.

Theo các tài liệu thống kê, những đứa trẻ mắc hội chứng Fragile X nhận được sự hỗ trợ, giáo dục và định hướng sớm sẽ có khả năng cao thực hiện được mọi kỹ năng để sinh hoạt độc lập, học tập tốt. Đồng thời, sự hỗ trợ tốt từ phía nhà trường, tốt nhất nên chọn những ngôi trường chuyên giáo dục dành cho trẻ em đặc biệt, có khiếm khuyết về trí tuệ, thể chất để phát huy tốt nhất các kỹ năng cá nhân của trẻ.

Phòng ngừa

Không thể phòng ngừa hội chứng Fragile X vì đây là hội chứng bẩm sinh, xảy ra do con cái thừa hưởng gen NST X đột biến từ bố mẹ. Tuy nhiên, nếu được tư vấn di truyền sớm có thể đem lại lợi ích trong việc giảm thiểu nguy cơ sinh con mắc hội chứng này.

Vì khi biết được bản thân mang gen mầm bệnh, các cặp vợ chồng sẽ ý thức được nguy cơ rủi ro truyền bệnh sang cho con cái. Kết hợp với việc được tư vấn kỹ lưỡng về di truyền, thực hiện các xét nghiệm tiền sản sẽ giúp đưa ra quyết định sáng suốt về việc sinh con cũng như kế hoạch hóa gia đình phù hợp.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân tại sao con tôi sinh ra mắc hội chứng Fragile X?

2. Hội chứng Fragile X có phải bệnh di truyền không?

3. Con tôi mắc hội chứng Fragile X có gây ảnh hưởng đến tính mạng không?

4. Những biến chứng con tôi có thể gặp phải khi mắc hội chứng Fragile X?

5. Điều trị hội chứng Fragile X bằng phương pháp nào hiệu quả?

6. Tiên lượng chữa khỏi hội chứng Fragile X là bao nhiêu phần trăm?

7. Con tôi mắc hội chứng Fragile X có thể đi học bình thường không?

8. Vợ chồng tôi cần làm gì để giảm nguy cơ sinh con mắc hội chứng Fragile X trong lần mang thai tiếp theo?

Hội chứng Fragile X gây thiểu năng trí tuệ và kéo theo hàng loạt các bất thường khác về sức khỏe tinh thần, rối loạn hành vi, tâm trạng... Những đứa trẻ mắc phải hội chứng này thường phải sống chung với bệnh cả đời vì không có biện pháp chữa trị. Do đó, khuyến nghị các cặp vợ chồng có kế hoạch sinh con nên sớm thực hiện tư vấn di truyền để giảm thiểu rủi ro này bằng cách biện pháp sinh sản hỗ trợ phù hợp.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM