Bệnh Đau Dây Thần Kinh Chẩm
Bệnh đau dây thần kinh chẩm là nguyên nhân phổ biến gây đau đầu, đau nửa đầu nhưng ít được đề cập. Bệnh lý này khá lành tính nên điều trị chủ yếu được thực hiện với mục đích giảm đau và cải thiện các triệu chứng đi kèm.
Tổng quan
Bệnh đau dây thần kinh chẩm (Occipital Neuralgia) là tình trạng đau đầu kịch phát với mức độ dữ dội, cơn đau xuất hiện ở phía sau hộp sọ. Sau đó lan ra toàn bộ phía sau đầu, phía trước và phía bên đầu. Dây thần kinh chẩm nằm khu trú ở đầu nên bệnh lý này còn được gọi là đau đầu Arnold hoặc đau đầu do dây thần kinh chẩm.
Mỗi người sẽ có tổng cộng 3 dây thần kinh chẩm ở mỗi bên bao gồm thần kinh chẩm nhỏ, thần kinh chẩm lớn và thần kinh chẩm thứ ba. Các dây thần kinh đều xuất phát từ đốt sống cổ C2 hoặc C3, sau đó đi lên vùng gáy và da đầu.
Đau dây thần kinh chẩm là bệnh lý khá phổ biến nhưng ít được biết đến. Bệnh lý này thường dễ bị nhầm lẫn với các loại đau đầu và đau nửa đầu khác. Mặc dù triệu chứng khá tương đồng nhưng điều trị đau đầu do dây thần kinh chẩm khác hoàn toàn so với các loại đau đầu thường gặp.
Phân loại bệnh
Bệnh đau thần kinh chẩm được chia thành 2 loại là thứ phát và nguyên phát:
- Đau dây thần kinh chẩm nguyên phát: Là tình trạng đau dây thần kinh chẩm không xác định được nguyên nhân.
- Đau dây thần kinh chẩm thứ phát: Là tình trạng đau dây thần kinh chẩm có nguyên nhân cụ thể, thường là những nguyên nhân mắc phải như chấn thương, u, nhiễm trùng…
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Giống như các dạng đau thần kinh khác, đau thần kinh chẩm xảy ra khi có kích thích lên cơ quan này. Áp lực, sự chèn ép có thể khiến dây thần kinh bị đau dữ dội, dai dẳng. Trên thực tế, rất nhiều trường hợp bị bệnh đau dây thần kinh chẩm không tìm được nguyên nhân.
Một số nguyên nhân có thể gây bệnh đau dây thần kinh chẩm:
- Chấn thương vùng đầu: Chấn thương là một trong những nguyên nhân gây đau thần kinh chẩm. Khi va chạm, dây thần kinh có thể bị tổn thương dẫn đến các cơn đau kịch phát có tính chất dữ dội.
- Các bệnh cơ xương khớp: Dây thần kinh chẩm bắt nguồn từ cột sống cổ nên các vấn đề như viêm cột sống, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm cổ… đều có thể là nguyên nhân gây bệnh lý này.
- Căng cơ vùng cổ: Xung quanh vùng cổ có nhiều khối cơ. Vị trí này dễ bị căng cơ nếu ít vận động, phải làm việc với máy tính trong thời gian dài hoặc do chơi thể thao. Căng cơ làm tăng mức độ chèn ép lên dây thần kinh dẫn đến cơn đau lan từ gáy đến toàn bộ phía sau đầu.
- U vùng cổ: Các loại u vùng cổ như u thần kinh, u sợi, u mỡ, u mạch máu… có khả năng là nguyên nhân gây đau dây thần kinh chẩm. Khối u chèn lên dây thần kinh là nguyên nhân trực tiếp gây đau đầu, cơn đau có tính chất kịch phát và dữ dội.
- Nhiễm trùng: Tương tự như đau thần kinh tọa, đau dây thần kinh chẩm có thể xảy ra do nhiễm trùng. Tình trạng này thường thứ phát sau nhiễm trùng da hoặc các cơ quan lân cận. Vi khuẩn, virus tấn công vào dây thần kinh chẩm khiến cơ quan này bị viêm, đau.
- Các nguyên nhân khác: Đau thần kinh chẩm còn có liên quan đến các vấn đề khác như viêm mạch máu, bệnh tiểu đường, bệnh gout… Ngoài ra, thống kê dịch tễ học cũng cho thấy, người ở độ tuổi trung niên có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với bình thường.
Triệu chứng và chẩn đoán
Đau dây thần kinh chẩm gây ra triệu chứng nổi bật, dễ nhận biết. Tuy nhiên, ngoài biểu hiện đau, bệnh nhân gần như không có bất cứ dấu hiệu nào khác thường. Triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với đau dây thần kinh ba và các loại đau đầu thường gặp khác.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh đau dây thần kinh chẩm bao gồm:
- Phía sau gáy xuất hiện cơn đau kịch phát, mức độ dữ dội. Nhiều bệnh nhân mô tả cơn đau như điện giật gây ra cảm giác vô cùng khó chịu.
- Từ đáy sọ, cơn đau có thể lan ra toàn bộ phía sau đầu hoặc lan sang phía bên đầu. Cơn đau được mô tả là đau rát, đau nhức và đôi khi là đau nhói.
- Đau có thể xảy ra ở cả hai bên đầu hoặc nửa đầu.
- Mức độ đau tăng lên khi cử động cổ.
- Da đầu trở nên nhạy cảm, đôi khi chải tóc hay gãi đầu cũng đều gây đau và gia tăng cơn đau sẵn có.
- Một số trường hợp có cảm giác đau vùng sau mắt.
Triệu chứng của bệnh đau dây thần kinh chẩm rất dễ phát hiện. Khi nhận thấy cơn đau xuất hiện đột ngột ở phía sau đầu, cần đến bệnh viện để thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh.
Các bước chẩn đoán bệnh đau thần kinh chẩm:
- Hỏi bệnh: Trong bước hỏi bệnh, bác sĩ sẽ hỏi về thời gian triệu chứng xuất hiện để xác định tiến triển là cấp tính (<3 ngày), bán cấp (3 - 30 ngày) hay mãn tính (>30 ngày). Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ hỏi kỹ về tính chất cơn đau, hoàn cảnh cơn đau xuất hiện, vị trí đau, hướng cơn đau lan tỏa và các triệu chứng đi kèm.
- Khám lâm sàng: Bao gồm đo huyết áp, nhiệt độ, đo mạch, kiểm tra toàn trạng và đánh giá ý thức. Khám thần kinh toàn diện có hệ thống, sờ động mạch cảnh 2 bên và động mạch thái dương 2 bên. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ tiến hành khám mắt vì đa số bệnh nhân đều bị đau ở sau vùng mắt.
- Các xét nghiệm cơ bản: Sau khi khám lâm sàng, bệnh nhân sẽ được thực hiện xét nghiệm sinh hóa máu, công thức máu. Trong đó, xét nghiệm đường huyết có vai trò vô cùng quan trọng trong việc đánh giá và điều trị.
- X-Quang cột sống cổ: Hình ảnh từ X-Quang giúp bác sĩ phát hiện các vấn đề như thoái hóa, trượt đốt sống và thoát vị đĩa đệm. Tuy nhiên, để có đánh giá chính xác, cần thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh khác.
- Chụp CT, MRI sọ não: Được thực hiện để phân biệt với các loại đau đầu khác như dị dạng mạch, u não, tai biến mạch máu não.
- Đánh giá đau theo thang điểm VAS: Để đánh giá mức độ đau, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân thực hiện các câu trả lời trong thang điểm VAS. Nếu tổng điểm cao hơn 4 điểm có khả năng là đau thần kinh.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh đau dây thần kinh chẩm là nguyên nhân gây đau đầu thường gặp. Dù không đe dọa đến tính mạng nhưng cơn đau dữ dội, kịch phát ở phía sau đầu ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Nhiều người không thể học tập, làm việc do đau đầu thường xuyên, cơn đau lan tỏa ra toàn bộ phía sau và phía bên đầu.
Nếu điều trị sớm, dây thần kinh sẽ được phục hồi, cơn đau vì thế cũng thuyên giảm dần. Nhìn chung, đa phần các trường hợp đau dây thần kinh chẩm đều có đáp ứng tốt khi điều trị.
Tuy nhiên, vấn đề mà bệnh nhân gặp phải là có thể tái phát đau đầu sau khoảng vài thời gian ngưng thuốc. Vì vậy, sau khi điều trị, cần tái khám định kỳ để kiểm soát bệnh triệt để.
Điều trị
Về cơ bản, đau dây thần kinh chẩm không đe dọa đến sức khỏe. Cảm giác đau chỉ là phản ứng khi dây thần kinh bị chèn ép và kích thích. Vì vậy, mục tiêu chính của điều trị là giảm đau, kiểm soát triệu chứng và nâng cao chấn thương cuộc sống.
Hầu hết các trường hợp đều được ưu tiên điều trị không can thiệp bằng thuốc và vật lý trị liệu. Chỉ khi các phương pháp này không mang lại hiệu quả, các phương pháp xâm lấn mới được cân nhắc thực hiện.
Các phương pháp được cân nhắc trong điều trị bệnh đau dây thần kinh chẩm:
Sử dụng thuốc
Thuốc được sử dụng nhằm kiểm soát cơn đau do bệnh đau dây thần kinh chẩm gây ra. Tùy vào mức độ cơn đau, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc tương ứng. So với cơn đau thông thường, đau thần kinh có đáp ứng kém hơn nên thường phải kết hợp thêm với vật lý trị liệu.
Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh đau dây thần kinh chẩm bao gồm:
- Thuốc giảm đau, chống viêm: Paracetamol và thuốc chống viêm không steroid (NSAID) là lựa chọn ưu tiên. Nhóm thuốc này có tác dụng giảm cơn đau nhẹ đến trung bình. Ưu điểm của thuốc là đáp ứng khá tốt, ít tác dụng phụ, phạm vi chỉ định rộng.
- Thuốc giãn cơ: Cơn đau do dây thần kinh chẩm có thể do căng cơ vùng cổ. Trường hợp đau do co thắt cơ sẽ được giảm đau bằng các loại thuốc giãn cơ như Eperisone và Tolperison. Khi cơ giãn, trương lực cơ ở não và tủy sống sẽ giảm đi, từ đó làm giảm đáng kể cơn đau do dây thần kinh chẩm gây ra.
- Thuốc giảm đau thần kinh: Khi các loại thuốc giảm đau thông thường không mang lại hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc giảm đau thần kinh. Các loại thuốc thông dụng bao gồm Carbamazepine, Pregabalin và Gabapentin. Thuốc giúp giảm đáng kể cơn đau đầu kịch phát, đột ngột ở phía sau gáy.
Vật lý trị liệu
Bên cạnh sử dụng thuốc, vật lý trị liệu cũng là lựa chọn ưu tiên trong điều trị bệnh đau dây thần kinh chẩm. Phương pháp này có tác dụng giảm đau, hỗ trợ cải thiện các triệu chứng đi kèm. Ngoài ra, một số biện pháp còn giúp thư giãn cơ, kéo giãn cột sống, thúc đẩy tuần hoàn máu lên não.
Các kỹ thuật vật lý trị liệu được áp dụng cho bệnh nhân đau dây thần kinh chẩm bao gồm:
- Chườm ấm, chườm lạnh: Liệu pháp nhiệt hỗ trợ xoa dịu cảm giác đau, khó chịu ở phía sau đầu. Thông thường, nên chườm ấm để làm dịu cơn đau và thư giãn cơ vùng cổ. Tuy nhiên, nếu đau thần kinh chẩm do chấn thương, nên chườm lạnh để giảm sưng tấy.
- Xoa bóp, châm cứu: Trường hợp đau dây thần kinh chẩm mãn tính nên kết hợp xoa bóp, châm cứu để giảm đau. Một số động tác xoa bóp đơn giản có thể thực hiện tại nhà để thư giãn cơ và xoa dịu cơn đau. Nếu đau nhiều, âm ỉ, nên thực hiện châm cứu ở phòng khám/ bệnh viện để đạt hiệu quả tốt.
- Các bài tập trị liệu: Ngoài các biện pháp thụ động, bệnh nhân nên thực hiện thêm các bài tập trị liệu để phục hồi chức năng và giảm đau nhức. Các bài tập sẽ được bác sĩ hoặc chuyên viên vật lý trị liệu hướng dẫn để phù hợp với tình trạng sức khỏe.
Ưu điểm của vật lý trị liệu là an toàn, không có tác dụng phụ. Kiên trì thực hiện kết hợp với sử dụng thuốc giúp cải thiện cơn đau và kiểm soát các triệu chứng đi kèm hiệu quả. Tuy nhiên, một số trường hợp đau nhiều có thể không có đáp ứng.
Phong bế thần kinh qua da
Phong bế thần kinh qua da là kỹ thuật gây tê tại chỗ nhằm ức chế dẫn truyền thần kinh, qua đó giảm cảm giác đau thần kinh. Kỹ thuật này được chỉ định chủ yếu trong điều trị các dạng đau thần kinh như đau dây thần kinh liên sườn, đau thần kinh tọa và đau dây thần kinh chẩm.
Trong kỹ thuật phong bế thần kinh qua da, bác sĩ sẽ sử dụng hỗn hợp bao gồm thuốc gây tê và corticoid tiêm vào dây thần kinh chẩm. Phương pháp này được chỉ định khi không có đáp ứng với thuốc và vật lý trị liệu. Tuy nhiên, những người đang bị viêm da, áp xe phần mềm, tiểu đường, dị dạng động tĩnh mạch… cần kiểm soát trước khi thực hiện.
Ưu điểm của phong bế thần kinh là giảm đau gần như lập tức. Khoảng 60 - 70% bệnh nhân hết đau hoàn toàn sau 4 - 5 tháng. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ cho tác dụng tạm thời. Nhiều trường hợp tái phát cơn đau sau một thời gian. Bên cạnh đó, kỹ thuật này cũng tiềm ẩn một số rủi ro và tác dụng phụ như dị ứng thuốc, viêm, nhiễm trùng da…
Điều trị bằng đốt sóng cao tần
Đốt sóng cao tần (Radiofrequency ablation -RFA) là phương pháp được chỉ định phổ biến trong điều trị đau mãn tính. Những trường hợp đau dây thần kinh chẩm mãn tính, không đáp ứng với những phương pháp trên sẽ được cân nhắc điều trị bằng phương pháp này.
Đốt sóng cao tần sử dụng dòng điện xoay chiều tần số 300-500MHz, sau đó dùng kim đốt tiếp cận với dây thần kinh chẩm. Dòng điện xoay chiều ngay lập tức phát ra nhiệt làm tê liệt dây thần kinh và giảm đau hiệu quả.
Hiện nay, điều trị đau dây thần kinh chẩm bằng đốt sóng cao tần đang dần trở nên phổ biến. Ưu điểm của phương pháp này hiệu quả cao, thời gian điều trị ngắn (chưa đầy 60 phút) và bệnh nhân có thể trở về nhà ngay khi điều trị.
Phẫu thuật
Phẫu thuật là lựa chọn cuối cùng trong điều trị bệnh đau dây thần kinh chẩm. Phương pháp này được cân nhắc khi bệnh nhân đau nhiều, đau dữ dội và không có đáp ứng với điều trị bảo tồn. Vì đau thần kinh chẩm không đe dọa đến sức khỏe nên phẫu thuật chỉ được thực hiện khi lợi ích mang lại lớn hơn so với rủi ro tiềm ẩn.
Hiện tại, có hai phương pháp phẫu thuật được chỉ định cho bệnh đau dây thần kinh là giải áp mạch máu vi phẫu (Microvascular decompression) và kích thích thần kinh chẩm (Occipital nerve stimulation).
- Kích thích thần kinh chẩm: Phương pháp này được thực hiện bằng cách đặt điện cực vào cơ thể, xung điện do thiết bị này phát ra có thể chặn tín hiệu đau từ dây thần kinh chẩm đến não bộ. Qua đó giúp kiểm soát cơn đau và các triệu chứng khó chịu do bệnh đau dây thần kinh chẩm gây ra.
- Giải ép mạch máu vi phẫu: Trường hợp dây thần kinh chẩm bị chèn ép, bác sĩ sẽ phẫu thuật để bộc lộ dây thần kinh tổn thương và tách mạch máu nhằm giải phóng tắc nghẽn, chèn ép. Sau khi phẫu thuật, cơn đau do đau dây thần kinh chẩm sẽ thuyên giảm rõ rệt.
Phòng ngừa
Bệnh đau dây thần kinh chẩm thường là ảnh hưởng của các vấn đề sức khỏe khác như viêm mạch máu, tiểu đường, gout, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, gout… Bên cạnh đó, nhiều trường hợp gần như không thể xác định được nguyên nhân cụ thể.
Để phòng ngừa bệnh, cách tốt nhất là loại trừ các yếu tố nguy cơ:
- Điều trị, kiểm soát tốt các bệnh mãn tính như gout, mãn tính, các vấn đề ở cột sống…
- Điều chỉnh tư thế sai lệch, đảm bảo cổ không bị chèn ép và thận trọng khi luyện tập, chơi thể thao để tránh căng cơ.
- Tập thể dục đều đặn và xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý.
- Thận trọng khi sinh hoạt, làm việc, chơi thể thao… để tránh chấn thương vùng cổ đầu.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi bị đau đầu dữ dội, kịch phát là bệnh gì?
2. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh?
3. Vì sao tôi bị đau dây thần kinh chẩm? Tình trạng của tôi có nghiêm trọng không?
4. Tôi nên dùng thuốc, tập vật lý trị liệu hay phẫu thuật?
5. Trong quá trình điều trị, tôi có cần tái khám không?
6. Nếu cơn đau vẫn không giảm khi dùng thuốc, tôi phải làm sao?
7. Phẫu thuật đau dây thần kinh chẩm có nguy hiểm không? Khi nào cần thực hiện?
8. Tôi có thể cải thiện bệnh bằng các biện pháp tại nhà không?
9. Bệnh đau dây thần kinh chẩm có tái phát không? Làm sao để kiểm soát?
Bệnh đau dây thần kinh chẩm là nguyên nhân gây đau đầu, đau nửa đầu thường gặp. Bệnh lý này tuy không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy, không nên chủ quan khi nhận thấy đau đầu dữ dội, kịch phát xảy ra thường xuyên.