Bệnh chán ăn thần kinh

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI BÁC SĨ DOÃN HỒNG PHƯƠNG – Khoa Thần kinhGiám đốc Chuyên môn Trung tâm Đông Phương Y Pháp – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Chán ăn thần kinh hay còn gọi là biếng ăn tâm lý khiến người mắc phải giảm cân nhanh, dễ bị ngất, choáng, suy nhược cơ thể,... Tình trạng kéo dài có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như thiếu máu, bệnh lý về tim, loãng xương, thay đổi nội tiết tố nam, nữ, rối loạn tiêu hóa và nhiều vấn đề khác.

Tổng quan

Chán ăn thần kinh (Anorexia Nervos) còn được gọi chán ăn tâm thần, biếng ăn tâm lý, gây ra các triệu chứng điển hình là chán ăn, không muốn ăn uống khiến cơ thể ngày càng suy nhược. Bệnh được xếp vào nhóm các vấn đề rối loạn ăn uống thuộc nhóm bệnh thần kinh nhiều người gặp phải.

Người mắc chứng chán ăn thần kinh có suy nghĩ lệch lạc về vóc dáng của mình

Các dấu hiệu ban đầu thường ở mức độ nhẹ, dễ gây nhầm lẫn. Khi tình trạng chán ăn kéo dài, cơ thể ngày càng suy nhược dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Cân nặng của bệnh nhân tụt giảm quá mức so với độ tuổi và chiều cao. Bệnh nhân thường có các nhận thức sai lệch về trọng lượng bản thân khiến họ không dám ăn vì sợ tăng cân quá mức.

Chán ăn thần kinh có thể xảy ra ở cả nam giới lẫn nữ giới, trong đó số lượng nữ giới mắc bệnh nhiều hơn so với nam giới. Bệnh nhân thường có cảm giác lo lắng khi ăn, e ngại về cân nặng một cách thái quá. Chứng rối loạn ăn uống khi tiến triển nặng sẽ kéo theo nhiều biến chứng ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, sức khỏe, thậm chí là đe dọa tính mạng người bệnh.

Phân loại

Bệnh được phân thành 2 dạng chính bao gồm:

  • Dạng thứ nhất: Người bệnh có biểu hiện kiểm soát quá mức lượng thức ăn nạp vào, tập thể dục liên tục, không có cảm giác thèm ăn.
  • Dạng thứ hai: Người mắc bệnh bị ăn quá nhiều thức ăn, uống nhiều nước sau đó tìm cách đào thải chúng càng nhanh càng tốt. Một số phương pháp họ thường áp dụng sau ăn là sử dụng thuốc rửa ruột, uống nhiều thuốc lợi tiểu hoặc thuốc nhuận tràng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Tình trạng chán ăn thần kinh xảy ra do liên quan đến nhiều nguyên nhân. Các yếu tố tác động có thể đến từ tâm lý, văn hóa xã hội,... Nếu một người tiếp xúc với đồng thời nhiều yếu tố sẽ làm tăng khả năng mắc chứng chán ăn thần kinh.

Chán ăn thần kinh xảy ra do nhiều nguyên nhân từ tâm lý đến văn hóa xã hội

Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào từ người lớn đến trẻ nhỏ. Mức độ bệnh càng nặng tác hại càng lớn, không chỉ ảnh hưởng sức khỏe mà còn có nguy cơ gây tử vong. Dưới đây là 4 nguyên nhân gây bệnh chính:

  • Yếu tố di truyền: Một số nguyên cứu chỉ ra tính di truyền trong vấn đề chán ăn thần kinh. Bố, mẹ mang gen bệnh có nguy cơ sinh ra có các triệu chứng của chứng bệnh này.
  • Yếu tố tâm lý: Chịu ảnh hưởng bởi các định kiến xã hội khiến con người có nhu cầu giảm cân nhanh cấp tốc. Nhịn ăn, ăn quá ít là phương pháp làm cân nặng tụt giảm nhanh. Thời gian dài điều này khiến con người mắc phải chứng biếng ăn tâm lý. Các yếu tố gây ra hệ lụy tâm lý xuất hiện phổ biến là chủ nghĩa hoàn hảo, rối loạn ám ảnh cưỡng chế,...
  • Ám ảnh cân nặng: Bệnh nhân có cân nặng quá khổ xuất hiện cảm giác tự ti, ngại ngùng khi giao tiếp với người xung quanh. Điều này làm họ có mong muốn giảm cân nhanh. Tuy nhiên khi áp dụng các biện pháp không khoa học, cân nặng tụt nhanh đồng thời sinh ra cảm giác chán ăn uống, không còn thấy ngon miệng khi ăn.
  • Yếu tố văn hóa: Một số địa phương, đất nước có văn hóa lấy vẻ bề ngoài làm thước đo vẻ đẹp. Ở đó những người có thân hình thon thả là tiêu chuẩn cái đẹp. Chính vì thế những đối tượng nặng cân, hơi thừa cân họ cho rằng mình không đủ tiêu chuẩn về cái đẹp nên ra sức giảm ăn để xuống cân. Đây là một trong những yếu tố dẫn đến chứng chán ăn thần kinh.

Bên cạnh các nguyên nhân kể trên còn nhiều nguyên nhân khác gây ra bệnh lý này. Tình trạng chán ăn có thể kéo dài và ngày càng trở nên nặng nề. Nếu không kiểm soát nhiều khả năng bệnh sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Người mắc chứng chán ăn thần kinh bị ám ảnh cân nặng, có nhận thức sai lệch về vóc dáng của bản thân dẫn đến tâm lý lo sợ, mặc dù cơ thể thực tế của họ đang rất gầy. Những biểu hiện thường gặp ở người bệnh kể đến như:

  • Ăn rất ít, thường xuyên bỏ bữa, nhịn ăn để giảm cân. Thậm chí có trường hợp còn tự móc họng để nôn ra hết thức ăn vừa ăn.
  • Lạm dụng các loại thuốc hỗ trợ tiêu hóa, trợ tiểu với mục đích muốn tiêu hóa nhanh, không để thức ăn hấp thụ gây tăng cân.
  • Một số người sử dụng các loại thuốc giúp chống lại cơn thèm ăn, làm mất dần cảm giác đói và muốn ăn.
  • Tập thể dục quá nhiều, tập ngay cả khi cơ thể đang bị đau, chấn thương, thời tiết không thuận lợi.
  • Đong đếm thức ăn nạp vào cơ thể một cách thái quá, không thể kiểm soát tâm trí đối với vấn đề này.
  • Người mắc bệnh có cách cư xử kỳ lạ, họ luôn luôn đề cập đến cân nặng của bản thân, liên tục nhịn ăn, không giao tiếp với người khác.
  • Tình trạng nặng dần bệnh nhân bắt đầu có các biểu hiện tâm lý bất thường như trầm cảm, lo âu, nhạy cảm, trở nên lú lẫn, trí nhớ kém, miệng bị khô liên tục,...
  • Người mắc bệnh bị rối loạn kinh nguyệt, suy giảm ham muốn tình dục, thường xuyên bị táo bón và nhiều triệu chứng khác.

Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ sớm để điều trị, tránh biến chứng ảnh hưởng sức khỏe. Đặc biệt người bệnh cần sự hỗ trợ của bác sĩ tâm lý nhằm giúp người bệnh cải thiện các tư tưởng lệch lạc, quan điểm sai về vóc dáng cơ thể.

Người bệnh cần đến gặp bác sĩ để thăm khám và chữa trị sớm

Chẩn đoán

Người bệnh chán ăn thần kinh nhận thức sai lệch về cân nặng và vóc dáng khiến họ bỏ ăn, hoặc ăn rất ít để giảm cân. Điều này khiến trọng lượng cơ thể của họ bị mất cân đối nghiêm trọng. Bác sĩ sẽ tiến hành thăm hỏi triệu chứng, suy nghĩ của người bệnh.

Đánh giá chứng chán ăn thần kinh dựa trên 3 tiêu chí chính bao gồm hạn chế ăn uống, sợ bị béo phì, nhận thức ngược ngạo về bản thân. Dựa vào những tiêu chí này để đánh giá mức độ bệnh của bệnh nhân vẫn chưa hoàn toàn chính xác, bác sĩ sẽ tiến hành thêm các xét nghiệm cần thiết khác.

Chẳng hạn:

  • Xét nghiệm máu
  • Xét nghiệm nước tiểu
  • Xét nghiệm hormone sinh dục, hormone tuyến giáp
  • Trắc nghiệm tâm lý
  • Chụp X quang, điện não đồ, CT, MRI,...

Bởi, một số đối tượng cơ thể vẫn khỏe mạnh bình thường, tuy nhiên lại có nỗi sợ hãi vô cùng lớn đối với vấn đề cân nặng. Một vài chẩn đoán phân biệt cần thực hiện để xác định bệnh nhân đang bị chứng chán ăn thần kinh hay mắc bệnh tâm thần phân liệt, trầm cảm, suy tuyến thượng thận, ung thư,...

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh nhân bị chứng chán ăn thần kinh cắt giảm lượng thức ăn, nước uống khi bị rối loạn tinh thần có khả năng gặp phải nhiều biến chứng, đặc biệt là rủi ro đe dọa sự an toàn tính mạng. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, trong đó phụ nữ chiếm số lượng lớn hơn gấp 10 lần so với nam giới.

Mặc dù vậy, theo nhiều đánh giá cho thấy mức độ ảnh hưởng của tình trạng rối loạn tinh thần lên phái mạnh lại nặng nề hơn so với nữ giới. Bởi thông thường các trường hợp mắc bệnh ở nam giới phát hiện muộn hơn, khả năng điều trị cũng thấp hơn so với nữ giới.

Trường hợp người mắc bệnh không được hỗ trợ và điều trị sớm, tâm lý rối loạn có thể khiến cơ thể ngày càng suy nhược. Biến chứng nặng nề nhất người bệnh có thể gặp phải là nguy cơ tử vong do cơ thể không được cung cấp đủ dinh dưỡng trong thời gian dài, các cơ quan suy yếu dần.

Điều trị

Dựa vào kết quả chẩn đoán và tình hình của bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp can thiệp phù hợp. Theo đó, người bệnh có thể được sử dụng thuốc để kiểm soát các vấn đề tâm thần, đồng thời điều trị tâm lý để cải thiện tinh thần của bệnh nhân. Dưới đây là phương pháp điều trị chính được áp dụng:

Bác sĩ sẽ thăm khám và chỉ định phác đồ điều trị cho bệnh nhân

Điều trị bằng liệu pháp hóa dược

Sử dụng thuốc kiểm soát triệu chứng. Chỉ định cho bệnh nhân chán ăn thần kinh có dấu hiệu trầm cảm, xung đột ám ảnh. Thuốc chống trầm cảm có tác dụng kiểm soát các vấn đề này. Một số loại kể đến như:

  • Imipramin
  • Amitriptylin
  • Paroxetin
  • Fluoxetin
  • Fluvoxamin

Mỗi loại thuốc có liều lượng sử dụng khác nhau. Bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân sử dụng kết hợp thuốc để tăng hiệu quả. Ngoài các thuốc kể trên, bệnh nhân còn được dùng nhiều loại khác. Trong đó chẳng hạn như thuốc an thần, thuốc giảm lo âu, thuốc dưỡng tế bào thần kinh, hỗ trợ chức năng gan, sản phẩm bổ sung dinh dưỡng,...

Phương pháp trị liệu tâm lý

Điều trị tâm lý kết hợp sử dụng thuốc giúp người bệnh sớm phục hồi. Các cách trị liệu được áp dụng kể đến như:

  • Trị liệu gia đình: Phương pháp có tác dụng giúp người mắc bệnh trở nên thoải mái hơn. Với sự giúp đỡ của gia đình, người bệnh cũng có thể dễ dàng hơn trong việc lựa chọn thực đơn. Đồng thời, sự nhìn nhận của gia đình cũng giúp bệnh nhân sớm nhận thức được vóc dáng cơ thể, nhận định đúng hơn về tình trạng tăng cân hay thiếu cân của bản thân. Từ đó, người bệnh sẽ ăn uống được ngon miệng hơn, duy trì mức cân nặng hợp lý nhất.
  • Trị liệu cá nhân: Bệnh nhân mắc chán ăn thần kinh trưởng thành được hướng dẫn điều trị cá nhân, tăng cường nhận thức tích cực. Các phương pháp trị liệu phù hợp sẽ được bác sĩ đưa ra giúp bệnh nhân sớm nhận thức được cân nặng thực tế, vóc dáng của bản thân, điều chỉnh các nhìn nhận sai lệch về cơ thể.

Nhập viện và chăm sóc y tế

Trường hợp bệnh nhân bị chán ăn thần kinh nặng có biểu hiện suy kiệt nguy cơ đe dọa an toàn tính mạng cần nhập viện để được điều trị. Tại bệnh viện bệnh nhân được hỗ trợ cải thiện nhịp tim, bù nước, bù khoáng để phục hồi trạng thái cơ thể.

Bệnh nhân cần được hỗ trợ và chăm sóc y tế để có thể quay trở lại ăn uống bình thường, giảm nguy cơ nhịn ăn kéo dài gây ảnh hưởng sức khỏe nặng nề. Nếu gặp phải biến chứng, bệnh nhân cần được theo dõi để xử lý các tình huống nguy cấp kịp thời. Đặc biệt nếu cần thiết bệnh nhân sẽ phải đặt sonde mũi - dạ dày để bổ sung dinh dưỡng.

Điều chỉnh cân nặng 

Người bệnh có cân nặng tụt giảm nhanh, vượt mức cho phép so với độ tuổi và chiều cao. Lúc này, người bệnh cần điều chỉnh cân nặng để cơ thể phụ hồi. Liệu trình chăm sóc bệnh nhân bị chán ăn thần kinh điều chỉnh cân nặng được giám sát bởi bác sĩ điều trị chính.

Điều chỉnh cân nặng để cơ thể sớm phục hồi

Ngoài ra, bệnh nhân cần sự trợ giúp của bác sĩ tâm lý để cải thiện tinh thần, sửa chữa các suy nghĩ lệch lạc. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng được tư vấn bởi chuyên gia dinh dưỡng, cung cấp bữa ăn đủ chất phù hợp theo nhu cầu của từng người.

Gia đình, người thân nên thăm hỏi, động viên chân thành để giúp bệnh nhân cải thiện sức khỏe tốt nhất. Đặc biệt là luôn đồng hành, giúp người bệnh duy trì thói quen ăn uống, tránh trường hợp người bệnh tiếp tục bỏ bữa, ăn ít ảnh hưởng quá trình trị liệu.

Phòng ngừa

Phòng ngừa nguy cơ chán ăn thần kinh thông qua một số lưu ý sau:

  • Xây dựng thói quen tập thể dục phù hợp, lành mạnh giúp cơ thể trao đổi chất tốt, duy trì vóc dáng cân đối.
  • Giữ tinh thần lạc quan, thỏa mái, vui vẻ, tránh các quan điểm tiêu cực về cân nặng, vóc dáng.
  • Tập yêu thương bản thân, hạn chế căng thẳng, stress. Chỉ tiếp nhận các thông tin đúng đắn, tránh các quan điểm lệch lạc.
  • Ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya, nên làm việc vừa sức không nên làm cố sức ảnh hưởng sức khỏe tổng thể.
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, bổ sung hoa quả tươi, rau xanh giúp cơ thể nhẹ nhàng, tốt cho hệ tiêu hóa. Hạn chế các món quá ngọt, đồ ăn béo, chiên rán, nước ngọt có ga hoặc bia rượu,...
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ, nếu có dấu hiệu bất thường nên điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, tránh tâm lý lo lắng thái quá.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi ăn uống không thấy ngon miệng có phải mắc chứng chán ăn thần kinh không?

2. Dấu hiệu nhận biết chán ăn thần kinh là gì?

3. Nguyên nhân gây chán ăn thần kinh là gì?

4. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán chán ăn thần kinh nào?

5. Không điều trị chán ăn thần kinh gây ra hậu quả gì?

6. Dùng thuốc có chữa được chán ăn thần kinh không?

7. Khi nào tôi cần đến gặp bác sĩ tâm lý?

8. Tôi cần làm gì để phục hồi cân nặng khi mắc chán ăn thần kinh?

9. Tôi có thể chữa khỏi hoàn toàn chứng chán ăn thần kinh không?

10. Trong thời gian điều trị người thân nên làm gì để bệnh nhân sớm phục hồi?

Chán ăn thần kinh là một vấn đề tâm lý nguy hại sức khỏe, nếu kéo dài thậm chí còn có khả năng đe dọa tính mạng người bệnh. Do đó, bệnh nhân khi phát hiện biểu hiện bất thường nên chủ động đến gặp bác sĩ để thăm khám, điều trị sớm khắc phục tình trạng chán ăn, phòng ngừa rủi ro cho cơ thể.