Vẩy nến da đầu: Thông tin về bệnh và cách điều trị
Vảy nến da đầu là bệnh thường gặp nhưng dễ bị nhầm lẫn với bệnh viêm da tiết bã (còn được gọi là gàu). Nắm rõ nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, cách phòng ngừa sẽ giúp bạn chủ động hơn khi đối phó với triệu chứng bệnh.
I. Bệnh vảy nến da đầu là gì?
Vảy nến da đầu là một dạng rối loạn da thường gặp. Bệnh khiến cho da bị nổi đỏ kèm theo vảy, nổi gờ lên một vùng da hay toàn bộ da đầu. Vảy nến không chỉ giới hạn ở vùng da đầu mà còn có thể lan sang khu vực trán, sau gáy, thậm chí bên trong tai.
II. Triệu chứng bệnh vảy nến da đầu
Với người bị bệnh vảy nến da đầu nhẹ, thường xuất hiện những lớp vảy nhẹ, mịn. Đối với người bệnh nặng, triệu chứng bệnh bao gồm:
- Đỏ da, da nổi vảy, bề mặt da sần sùi, gồ ghề.
- Xuất hiện lớp vảy trắng bạc
- Da đầu khô
- Ngứa da đầu
- Cảm giác châm chích, nóng rát, đau da đầu
- Rụng tóc
Bản thân bệnh vảy nến da đầu không gây rụng tóc. Rụng tóc chỉ xuất hiện khi da tróc vảy, bệnh nhân gãi nhiều hoặc do ảnh hưởng của thuốc điều trị. Tuy nhiên, bạn không cần quá lo lắng vì tóc sẽ mọc lại sau mỗi đợt bùng phát bệnh.
Nếu phát hiện cơ thể có bất kì những biểu hiện nào vừa liệt kê trên đây, cần nhanh chóng liên hệ chuyên gia da liễu để chẩn đoán và có hướng giải quyết phù hợp.
Xem thêm: Bệnh vẩy nến có lây nhiễm không? Cách phòng tránh
III. Nguyên nhân gây bệnh vảy nến da đầu
Giống như bệnh vẩy nến da mặt hoặc vảy nến tại những vị trí khác trên cơ thể, nguyên nhân gây vảy nến da đầu vẫn chưa được làm rõ, chỉ biết rằng bệnh có liên hệ mật thiết đến yếu tố miễn dịch. Hệ thống miễn dịch gửi tín hiệu lỗi đến tế bào da, khiến chúng sản sinh quá nhanh trong khi tế bào da cũ chưa bị đào thải, gây bệnh vảy nến.
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cũng cho biết, người có thành viên trong gia đình bị vảy nến nguy cơ mắc bệnh lên đến 40%.
Một số yếu tố khác được xác định tăng nguy cơ vảy nến da đầu bao gồm:
- Béo phì
- Hút thuốc lá
- Dùng nhiều rượu
- Dùng thuốc chẹn beta, thuốc rối loạn lưỡng cực
IV. Cách điều trị bệnh vảy nến da đầu
Hiện nay, vẫn chưa có cách trị bệnh vảy nến da đầu triệt để. Song, có khá nhiều cách giúp kiểm soát các triệu chứng khó chịu do bệnh vảy nến da đầu mang lại. Theo dữ liệu được công bố vào tháng 2/2016, trên tạp chí Cochrane Database of Systematic Reviews, sự kết hợp của những phương pháp sẽ mang lại những tác động tích cực và hiệu quả lâu dài khi điều trị.
Một số phương pháp chữa bệnh vảy nến da đầu bao gồm:
1. Điều trị tại chỗ
Thông thường, điều trị tại chỗ thường kết hợp với các phương pháp khác để tăng độ hiệu quả.
Bước đầu tiên trong tiến trình điều trị tại chỗ đó là loại bỏ các mảng vảy dày để thuốc có thể thấm vào vùng da bị tổn thương.
- Dùng thuốc làm tiêu sừng có chứa các hoạt chất như axit salicylic, urê, axit lactic hoặc phenol để loại bỏ vảy , làm sạch da đầu.
- Ngoài ra, bạn có thể làm mềm da đầu và loại bỏ vảy bằng cách bôi dầu dừa, dầu thơm kem dưỡng ẩm hoặc thuốc mỡ lên da đầu.
- Khi da mềm, dùng lược chải nhẹ lên vùng da vảy nến để lớp vảy bong tróc và gội đầu để loại bỏ chúng khỏi da đầu. Lưu ý không chải quá mạnh vì chúng có thể gây rách da, nhiễm trùng da, rụng tóc…
Kế đến, người bệnh nên chọn một loại dầu gội có chứa thành phần như tar (than đá) và axit salicylic. Một số thuốc bôi ngoài da dạng lỏng hay bọt như steroid và calcipotriene cũng hữu ích trong việc kiểm soát cho người bị bệnh vảy nến nhẹ.
Trong trường hợp da xuất hiện vết ban đỏ nghiêm trọng, người bệnh sẽ được chỉ định thêm một số thuốc điều trị bệnh vảy nến da đầu sau:
- Calcipotriene (một dẫn xuất mạnh của vitamin D)
- Calcipotriene và betamethasone dipropionate (dẫn xuất vitamin D kết hợp với một steroid mạnh)
- Tazarotene (một dẫn xuất của vitamin A)
- Thuốc bôi corticosteroid tại chỗ
- Thuốc chống nấm, vi khuẩn trong trường hợp nhiễm trùng đi kèm với vảy nến da đầu.
Trước khi dùng những thuốc trên, bạn hãy thử bôi thuốc tại một vị trí nhỏ trên da và theo dõi xem có phản ứng kích ứng, dị ứng hay không rồi mới tiến hành điều trị bằng thuốc.
Thuốc có thể gây kích ứng, rụng tóc tạm thời. Tuy nhiên, nếu như tình trạng rụng tóc vẫn xuất hiện sau khi vảy nến biến mất thì bạn cần liên hệ và tham khảo ý kiến của bác sĩ để tìm giải pháp khắc phục.
Quang trị liệu là một trong những giải pháp điều trị vẩy nến tại chỗ được áp dụng phổ biến. Các chuyên gia sẽ sử dụng tia sáng laser hoặc không laser soi vào vùng da đầu bị tổn thương do vảy nến để khắc phục. Bác sĩ da liễu Daveluy, giáo sư trợ lý tại Đại học Y Wayne State ở Detroit cho biết “Quang trị liệu giúp giảm sưng, viêm nhưng hiệu quả trị bệnh vảy nến da đầu sẽ thấp hơn những khu vực khác vì tóc có thể làm giảm diện tích tiếp xúc của ánh sáng lên da. Để nâng cao hiệu quả điều trị, cần vạch tóc thành từng hàng để lộ phần da đầu bị vảy nến.”
Tham khảo thêm: Phương pháp điều trị vẩy nến bằng laser có hiệu quả không?
2. Tiêm Steroid
Nếu bạn bị vảy nến da đầu nhẹ, bác sĩ có thể cân nhắc đến giải pháp tiêm steroid trực tiếp vào khu vực đó.
3. Dùng thuốc điều trị tác động toàn thân
Người bệnh vẩy nến da đầu cũng nên sử dụng các loại thuốc có tác động lên toàn cơ thể để việc điều trị mang lại hiệu quả hơn:
- Methotrexate (thuốc kê toa trị vảy nến bằng cách làm chậm sự phát triển của tế bào).
- Retinoids đường uống (tên gọi chung của một nhóm chất hóa học dạng vitamin A, có tác dụng điều chỉnh sự phát triển tế bào biểu mô, quy định sự tăng sinh tế bào).
- Cyclosporine (sandimmun): Đây là giải pháp hữu ích cho người bị vảy nến nặng hoặc kháng nhiều loại thuốc đặc trị khác. Tuy nhiên, cần cẩn thận, không dùng lâu dài bởi thuốc có thể gây chứng rậm lông, phì đại nướu răng, hại thận.
- Thuốc sinh học.
V. Cách chung sống hòa bình với bệnh vảy nến da đầu
Hiện nay, giới chuyên môn vẫn chưa tìm ra cách điều trị vảy nến triệt để. Điều này đồng nghĩa với việc người bệnh sẽ chung sống với vảy nến da đầu. Để tránh bệnh bùng phát, cần lưu ý một số điều sau:
- Tránh để vùng da đầu bị chấn thương, trầy xước vì điều này có thể làm tăng nguy cơ phát bệnh – Bác sĩ Strachan cho biết.
- Giữ gìn vệ sinh da đầu sạch sẽ.
- Tránh để da đầu bị tổn thương hoặc khô da.
- Uống thuốc, bôi thuốc theo đúng chỉ định của chuyên gia.
- Hạn chế căng thẳng.
Vảy nến là bệnh da liễu không lây nhiễm. Tuy nhiên, bệnh có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mĩ cũng như sự tự tin. Ngay khi xuất hiện những biểu hiện bệnh vảy nến, nên đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
Thuocdantoc.vn không đưa ra lời khuyên, chẩn đoán và điều trị chuyên khoa.
Có thể bạn quan tâm
- 7 dầu gội trị vảy nến da đầu hiệu quả và lưu ý khi dùng
- Các loại thuốc bôi cho người bị vảy nến da đầu thường được bác sĩ kê đơn
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!