Thải ghép thận cấp và thông tin cần biết
Thải ghép thận cấp là một biến chứng thường gặp ở bệnh nhân được ghép thận. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do hệ miễn dịch của người bệnh từ chối tiếp nhận thận mới ghép dẫn đến sự phá hủy các mô thận. Trường hợp nghiêm trọng, thận ghép bị hủy hoại hoàn toàn và phải cắt bỏ.
Thải ghép thận cấp là gì?
Thải ghép thận cấp là hiện tượng thải trừ trong ghép thận. Tình trạng này xảy ra khi hệ miễn dịch của bệnh nhân từ chối thận mới được cấy ghép bằng cách tấn công, phá hủy các mô thận.
Thông thường có rất nhiều yếu tố quyết định đến thành công của ca ghép thận. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là khả năng đáp ứng miễn dịch của cơ thể người bệnh với các kháng nguyên hòa hợp mô của người cho. Khi thận mới được ghép vào, nếu hệ miễn dịch nhận ra bất cứ yếu tố nào không thích hợp đều có thể dẫn đến quá trình thải ghép.
→Xem thêm: 10+ thực phẩm mát gan bổ thận tốt, nên bổ sung hàng ngày
Cơ chế thải ghép thận cấp
Có hai cơ chế thải ghép thận được nhận biết dựa trên miễn dịch tế bào và miễn dịch dịch thể. Bao gồm:
Thải ghép dịch thể:
Trường hợp này, trong cơ thể người nhận đã có sẵn kháng thể kháng mô do từng tiếp xúc với kháng nguyên. Những bệnh nhân từng ghép thận một lần, được truyền máu hoặc sau khi mang thai có thể bị thải ghép thận cơ chế miễn dịch thể dịch.
Thải ghép tế bào:
Sự bất tương hợp xảy ra giữa hai hệ thống kháng nguyên bạch cầu (HLA) của người cho và người nhận có thể xảy ra phản ứng miễn dịch với mô ghép. Đặc biệt, sự hiện diện của kháng nguyên HLA loại II có thể kích hoạt lympho T hoạt động mạnh mẽ và kích hoạt (CD4 +) tạo ra chuỗi phản ứng thải ghép.
Hệ miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong việc tấn công các vật chất lạ xâm nhập vào cơ thể.Các tế bào bạch cầu chuyên biệt sẽ tạo ra kháng thể để bảo vệ cơ thể. Ghép thận chính là đưa một vật ngoại lai vào cơ thể. Lúc này các kháng thể kết hợp với một số tế bào khác nằm trong hệ miễn dịch tấn công phá hủy các mô của thận mới, quá trình này được gọi là sự đào thải.
Hiện tượng thải ghép thận cấp thường xuất hiện trong vòng vài tuần hay vài tháng đầu sau khi làm phẫu thuật cấy ghép. Nó không chỉ gây ra nhiều triệu chứng khó chịu mà còn khiến bệnh nhân phải đối mặt với nhiều mối nguy tiềm ẩn về sức khỏe.
Triệu chứng thải ghép thận cấp
Khi quá trình thải ghép thận cấp xảy ra, chức năng hoạt động của thận mới sẽ bắt đầu suy giảm. Người bệnh có thể nhận thấy một số triệu chứng bất thường như:
- Có cảm giác ốm bệnh, khó chịu hoặc không thoải mái trong người
- Có thể sốt hoặc không sốt
- Khu vực cấy ghép thận sưng, đau
- Đi tiểu ít, lượng nước tiểu giảm
- Phù nề tay chân
- Thở gấp
- Buồn nôn hoặc nôn ói
- Chán ăn
- Tăng huyết áp
- Ớn lạnh trong người
Một số bệnh nhân bị thải ghép thận cấp có thể gặp phải các dấu hiệu khác không được liệt kê. Điều quan trọng là người bệnh cần chú ý theo dõi sức khỏe của bản thân và tái khám định kỳ theo đúng hướng dẫn để phát hiện và xử lý sớm tình trạng này nếu có.
Các loại thải ghép thận cấp và cách điều trị
Trong y học, chứng thải ghép thận cấp được chia thành 3 loại chính gồm thải ghép tối cấp, thải ghép cấp tế bào và thải ghép thể dịch. Mỗi loại có nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị khác nhau.
1. Thải ghép thận tối cấp
Nguyên nhân:
Hiện tượng thải ghép tối cấp xảy ra khi trong huyết thanh của người bệnh chứa nhiều kháng thể độc tế bào. Chúng có thể chống lại kháng nguyên từ người cho. Chịu ảnh hưởng nhiều nhất chính là các tế bào nội mô trong mạch máu của thận ghép.
Về bản chất, thải ghép thận tối cấp chính là thải ghép thể dịch mức độ nặng và xảy ra tức thì. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do:
- Người nhận có kháng thể kháng HLA sau khi truyền máu, mang thai. Các lần ghép tạng trước đó cũng có thể làm xuất hiện kháng thể kháng HLA/
- Kháng thể kháng ABO khi ghép không tương thích với nhóm máu
- Trong tế bào nội mô xuất hiện kháng thể chống lại các kháng nguyên khác ngoài HLA, ví dụ như MICA.
Dấu hiệu lâm sàng:
- Quá trình thải ghép thận xảy ra tức thì ngay trong những phút đầu tiên sau khi tưới máu vào thận hoặc trong giờ đầu tiên
- Mất chức năng thận nguyên phát
- Nước tiểu ngưng đột ngột
Chẩn đoán cận lâm sàng:
Siêu âm Doppler thận ghép có thể giúp phát hiện ra các triệu chứng cận lâm sàng cho thấy đào thải tối cấp. Phương pháp này được thực hiện ngay tại phòng mổ hoặc sau mổ. Nó cho phép bác sĩ đánh giá được tình trạng tưới máu vào nhu mô thận, đồng thời loại trừ khả năng bị huyết khối trong động mạch hay tĩnh mạch thận.
Giải phẫu bệnh học thận bị thải ghép tối cấp:
- Đại thể thận tím, sưng phù và có dấu hiệu xuất huyết
- Xuất hiện tình trạng hoại tử ở các tế bào nội mô. Chúng có thể bị bong tróc ra khỏi lớp màng đáy. Kèm theo đó là hiện tượng hoạt hóa xảy ra ở hệ thống đông máu dẫn tới tình trạng đông máu thứ phát.
- C4d ở mao mạch và động mạch dương tính nếu các mô thận chưa bị hoại tử hoàn toàn
Điều trị thải ghép thận tối cấp
Trường hợp bị thải ghép thận tối cấp có tiên lượng khá xấu. Tình trạng hoạt hóa đông máu thứ phát có thể dẫn đến hiện tượng đông máu nội mạch lan tỏa, chảy máu cơ địa và làm vỡ thận mới ghép. Giải pháp duy nhất được lựa chọn trong tình huống này đó chính là cắt bỏ thận ghép.
Dự phòng:
- Định kỳ thực hiện các kỹ thuật flow cytometry hay kỹ thuật độc tế bào lệ thuộc bổ thể nhằm kiểm tra phản ứng chéo trước ghép xảy ra giữa huyết thanh của bệnh nhân với các tế bào lympho T và B của người hiến tạng.
- Làm tầm soát kháng thể mới (Luminex)
- Các biện pháp dự phòng chuyên biệt: Cắt lách, hấp phụ miễn dịch hay IV Ig…
2. Thải ghép cấp tế bào
Thải ghép cấp tế bào là loại thải ghép thận cấp xảy ra phổ biến nhất. Quá trình này có thể bắt đầu diễn ra trong khoảng giữa ngày thứ 10 tới tháng thứ 3 sau khi ghép thận.
Triệu chứng lâm sàng:
- Sốt
- Mệt mỏi toàn thân
- Viêm phúc mạc quanh thận dẫn đến đau thận ghép
- Huyết áp tăng cao
- Hiện tượng thiểu niệu có hoặc không diễn ra
Chẩn đoán:
- Xét nghiệm huyết thanh thấy nồng độ Creatinine cao hơn 20% so với trị số cơ bản trước đó
- Natri niệu giữ nguyên hoặc giảm
- Xét nghiệm hình ảnh: Gồm siêu âm thận ghép bằng Doppler, chụp cắt lớp ổ bụng hay xạ hình thận. Nó giúp loại trừ các vấn đề khác có thể gây rối loạn chức năng thận, nhất là các biến chứng xảy ra ở mạch máu hoặc đường niệu.
- Làm sinh thiết sau khi các nguyên nhân khác đã được loại trừ
Giải phẫu bệnh học:
- Viêm ống thận
- Thâm nhiễm viêm mô kẽ
- Viêm nội mô mạch máu
Các hình thức thải ghép cấp tế bào đặc biệt:
- Thải ghép cấp tế bào gia tốc: Hiện tượng này xảy ra ngay trong tuần đầu sau ghép
- Thải ghép dưới mức lâm sàng: Hình thức thải ghép này thường được phát hiện khi làm sinh thiết thận thường quy. Chức năng thận có thể bình thường hoặc duy trì ở mức độ ổn định.
- Thải ghép cấp và cytomegalovirus: Loại thải ghép thận cấp tế bào này xảy ra khi kháng nguyên virus phản ứng chéo với kháng nguyên HLA của thận ghép.
Điều trị thải ghép thận cấp tế bào:
Hình thức thải ghép thận cấp tế bào có thể làm giảm khả năng sống cũng như chức năng của thận ghép trong trung hạn hay dài hạn. Bệnh nhân được điều trị bằng các thuốc ức chế miễn dịch kết hợp.
Tùy thuộc vào phác đồ miễn dịch mà nguy cơ bị thải ghép cấp có thể thay đổi. Trong đó, tỷ lệ thải ghép thận cấp xảy ra thấp nhất ở những bệnh nhân dùng phác đồ điều trị kết hợp giữa các thuốc gồm Tacrolimus + Corticosteroid + Mycophenolate mofetil.
Trong trường hợp hiện tượng thải ghép thận cấp vẫn tiếp tục xảy ra, bác sĩ sẽ tăng cường thuốc ức chế miễn dịch ngay. Các trường hợp có dấu hiệu lâm sàng rõ ràng thì sẽ được chỉ định Corticosteroid với liều tấn công ngay trong giai đoạn đầu. Thường được sử dụng là thuốc methylprednisolone, liều lượng 250-500 mg/ngày trong 3 ngày liên tục. Sau đợt điều trị ban đầu, nếu các dấu hiệu lâm sàng không được cải thiện thì bệnh nhân được yêu cầu làm sinh thiết thận để đưa ra được sự chẩn đoán chính xác nhằm có hướng điều trị phù hợp.
Sau khi làm sinh thiết thận, bác sĩ có thể dựa trên phân loại Banff để xây dựng phác đồ điều trị chống thải ghép thận cấp. Các tình huống có thể phát sinh như sau:
- Thải ghép ống thận-mô kẽ (Banff độ1): Hầu hết bệnh nhân nhạy cảm với Corticosteroid. Do đó, người bệnh được điều trị ban đầu với thuốc corticosteroid theo đường tiêm tĩnh mạch với liều tấn công. Liệu trình dùng thuốc có thể kéo dài trong 3 – 5 ngày.
- Thải ghép với thành phần mạch máu: Ở mức Banff độ 2 và 3, người bệnh có thể kháng corticosteroid. Phương pháp điều trị sẽ tác động vào kháng thể độc lympho bào, chẳng hạn như thymoglobulin hay OKT3. Bác sĩ có thể chỉ định dùng Thymogam với liều lượng 10-15mg/kg/ngày x 14 ngày. Quá trình điều trị có thể thêm 14 ngày nữa. Tổng liều tiêm thuốc trong 28 ngày là 21 mũi.
3. Thải ghép thận cấp thể dịch
Triệu chứng lâm sàng:
Thải ghép cấp thể dịch có thể gây rối loạn chức năng thận ở mức độ nặng. Dạng thải ghép này có thể gặp trong 2 tình huống sau:
- Thận ghép trì hoãn phục hồi chức năng: Xuất hiện sự tồn tại của kháng thể lưu hành đặc hiệu chống lại kháng thể của người cho ở thời điểm ghép.
- Thải ghép cấp gia tốc: Triệu chứng xuất hiện sớm và nặng
Các đợt thải ghép cấp thể dịch có thể xuất hiện trong các thời điểm khác nhau và gây ra các triệu chứng lâm sàng không giống nhau ở mỗi bệnh nhân. Nguyên nhân là do bệnh nhân không tuân thủ điều trị ức chế miễn dịch, tự ý giảm liều dùng thuốc chống thải ghép hoặc sử dụng thuốc interferonα cho bệnh nhân bị viêm gan C. Trường hợp bị rối loạn chức năng thận ghép nặng ở bất kỳ thời điểm nào sau ghép, cần nghĩ ngay đến thải ghép cấp thể dịch.
Chẩn đoán:
Thải ghép thận cấp thể dịch được chẩn đoán dựa trên một số yếu tố như:
- Rối loạn chức năng hoạt động của thận ghép
- Tìm thấy kháng thể lưu hành đặc hiệu chống lại kháng nguyên HLA ở người cho
- Sinh thiết thận phát hiện tổn thương mô học chuyên biệt
- Mao mạch quanh ống thận có hiện tượng lắng đọng lan tỏa C4d.
Điều trị thải ghép thận cấp thể dịch:
Bệnh nhân bị thải ghép cấp thể dịch thường không đáp ứng được với thuốc corticosteroid và ngay cả huyết thanh kháng tế bào bạch cầu lympho. Phương pháp điều trị có thể bao gồm trao đổi huyết tương với globulin miễn dịch theo đường tĩnh mạch kết hợp cùng Rituximab.
Các mục đích của điều trị:
- Bảo vệ các mô khỏi bị tổn thương do ảnh hưởng của chất trung gian thể dịch
- Ức chế quá trình hình thành kháng thể tấn công thận ghép
- Ngăn chặn các đáp ứng miễn dịch tế bào hoặc thể dịch trong ngắn hạn và dài hạn.
- Loại bỏ một số kháng thể và chất trung gian gây viêm thông qua kỹ thuật lọc huyết tương ngoài cơ thể.
Biến chứng của thải ghép thận cấp
Các biến chứng của thải ghép thận cấp có thể kể đến như:
- Ức chế miễn dịch lan tỏa làm tăng nguy cơ bị nhiễm khuẩn dẫn đến nhiều chứng viêm nhiễm trong cơ thể.
- Ức chế quá trình tăng sinh diễn ra ở các tế bào lympho hoạt hóa
- Ảnh hưởng dẫn đến phân chia nhanh chóng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng. Nhất là khi quá trình này diễn ra ở các tế bào biểu mô ruột hay các tế bào gốc có chức năng tạo máu ở xương tủy.
Một số vấn đề khác về sức khỏe cũng có thể xảy ra ở bệnh nhân bị thải ghép thận cấp như:
- Mắc ung thư do dùng thuốc ức chế miễn dịch liều mạnh để chống thải ghép trong thời gian dài.
- Mất chức năng hoạt động của thận, phải ghép thận mới.
- Thiếu máu, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, ói mửa, tăng huyết áp do gặp tác dụng phụ khi dùng thuốc chống thải ghép.
Có thể bạn quan tâm
- Bị suy thận sống được bao lâu? Nên làm gì?
- Thiếu máu ở bệnh thận mạn: Dấu hiệu, cách điều trị
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!