Viêm đường tiết niệu là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm đường tiết niệu là căn bệnh khá phổ biến ở nữ giới. Bệnh xảy ra chủ yếu do vi khuẩn và cần dùng đến thuốc kháng sinh để điều trị. Dưới đây là một số thông tin về bệnh viêm đường tiết niệu và cách chữa trị để bạn tham khảo.
Viêm đường tiết niệu là bệnh gì?
Viêm đường tiết niệu là tình trạng nhiễm trùng, tổn thương ở niêm mạc đường tiết niệu. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do vi khuẩn, một số ít bị viêm do nhiễm nấm hoặc vi rút.
Tình trạng viêm có thể ảnh hưởng đến bất cứ bộ phận nào của đường tiết niệu, bao gồm 2 bên thận, niệu quản ( viêm đường tiết niệu trên ), bàng quang và niệu đạo ( viêm đường tiết niệu dưới). Mặc dù ít xảy ra nhưng nếu bị viêm ở các bộ phận của đường tiết niệu trên, tình trạng bệnh thường nghiêm trọng hơn.
Bệnh xảy ra phổ biến ở nữ giới, thống kê có khoảng 20 – 40% phụ nữ từng đi khám và điều trị căn bệnh này . Tuy nhiên nam giới cũng có thể bị ảnh hưởng. Tuy không đe dọa đến tính mạng người bệnh song viêm đường tiết niệu lại gây nóng rát khi đi tiểu, đau vùng chậu và trực tràng cùng nhiều triệu chứng khó chịu khác.
Viêm đường tiết niệu có triệu chứng gì?
Tùy vào vị trí ảnh hưởng mà người bệnh có thể cảm nhận được các triệu chứng khác nhau. Bạn có thể dựa vào các dấu hiệu chung dưới đây để sớm phát hiện ra bệnh:
- Đau và nóng rát khi đi tiểu
- Mắc tiểu thường xuyên nhưng mỗi lần đi chỉ được ít một
- Đau hoặc áp lực ở lưng và bụng dưới
- Nước tiểu đục, sẫm màu, có máu hoặc có mùi lạ
- Cảm thấy mệt mỏi, run rẩy, ớn lạnh trong người
- Sốt
- Có cảm giác ậm ạch, khó chịu trong bụng
- Buồn nôn và nôn ói khi bị viêm ở đường tiết niệu trên
- Đau vùng chậu ở nữ giới hoặc đau trực tràng ở đàn ông
Viêm đường tiết niệu có thể bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các vấn đề khác về sức khỏe ở người cao tuổi. Cần đi khám để chẩn đoán phân biệt, tìm ra nguyên nhân chính xác.
Nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu
Bệnh viêm đường tiết niệu thường do vi khuẩn gây ra, phổ biến nhất là vi khuẩn E.coli. Chúng thường được tìm thấy trong ruột già và có thể thoát ra khỏi hậu môn rồi thâm nhập vào trong đường tiết niệu gây viêm.
Ngoài ra, việc mắc các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục như nhiễm herpes sinh dục, lậu, chlamydia cũng có thể khiến cả nam và nữ bị viêm đường tiết niệu.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
- Giải phẫu bộ phận sinh dục ở nữ giới
- Quan hệ tình dục với tần suất cao hoặc có nhiều bạn tình
- Áp dụng các biện pháp tránh thai
- Mãn kinh
- Bất thường trong cấu trúc đường tiết niệu
- Bị sỏi thận hoặc các vấn đề khác gây tắc nghẽn đường tiết niệu
- Rối loạn hệ thống miễn dịch
- Sử dụng ống thông tiểu
- Phẫu thuật hoặc sử dụng các dụng cụ y tế để kiểm tra đường tiết niệu.
Bệnh viêm đường tiết niệu có nguy hiểm không?
Căn bệnh này ít khi gây nguy hiểm cho sức khỏe. Tuy nhiên nếu điều trị chậm trễ, bệnh có thể phát triển ngày càng trầm trọng hơn và gây ra nhiều biến chứng như:
- Viêm tái phát, đặc biệt là ở nữ giới từng bị nhiễm trùng nhiều hơn 2 lần trong vòng 6 tháng
- Viêm bể thận gây tổn thương thận vĩnh viễn
- Phụ nữ mang thai bị nhiễm trùng đường tiểu có nguy cơ bị sinh thiếu tháng hoặc sinh con nhẹ cân
- Nhiễm trùng máu đe dọa đến tính mạng
- Nam giới bị viêm niệu đạo tái phát nhiều lần có thể gặp biến chứng hẹp niệu đạo.
Cách chẩn đoán viêm đường tiết niệu
Nếu bạn đang có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh viêm đường tiết niệu, hãy sắp xếp thời gian tới bệnh viện khám càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng của bạn và thực hiện kiểm tra thể chất kết hợp với các kỹ thuật chẩn đoán như:
- Xét nghiệm nước tiểu:
Kỹ thuật này giúp xác định vi khuẩn gây bệnh. Bạn sẽ được yêu cầu cung cấp một mẫu nước tiểu được lấy ở giữa dòng để tránh tình trạng mẫu thử nghiệm bị nhiễm khuẩn hoặc nấm men từ da. Một số lượng lớn các tế bào bạch cầu trong nước tiểu có thể cho thấy nhiễm trùng. Nó cũng có thể giúp bác sĩ của bạn lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với bạn.
- Xét nghiệm công thức máu (CBC):
Ngoài kiểm tra nước tiểu, xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC) và cấy máu có thể được chỉ định nếu bác sĩ nghi ngờ bạn mắc bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu trên. Cấy máu có thể giúp khẳng định chắc chắn rằng vi khuẩn chưa thâm nhập vào trong máu.
- Các kỹ thuật kiểm tra tắc nghẽn trong đường tiết niệu:
Trường hợp bạn bị viêm đường tiết niệu tái phát nhiều lần, bác sĩ sẽ áp dụng những kỹ thuật sau để kiểm tra xem có bất kỳ dấu hiệu bất thường hoặc tắc nghẽn nào trong đường tiết niệu hay không:
+ Siêu âm đầu dò: Thông qua hình ảnh siêu âm cung cấp, bác sĩ có thể đánh giá được mức độ tổn thương và những bất thường bên trong đường tiết niệu.
+ Chụp X-quang: Pyelogram – một loại thuốc nhuộm sẽ được tiêm vào tĩnh mạch giúp phản chiếu rõ hình ảnh đường tiết niệu trên phim chụp X-quang.
+ Nội soi bàng quang: Một thiết bị gắn camera siêu nhỏ sẽ được đưa qua niệu đạo vào bàng quang để quan sát được bên trong. Khi nội soi bàng quang, bác sĩ có thể loại bỏ một mảnh mô bàng quang nhỏ và kiểm tra nó để loại trừ viêm bàng quang hoặc ung thư.
+ Chụp cắt lớp vi tính ( CT scan): Giúp cung cấp hình ảnh chi tiết hơn về hệ thống tiết niệu.
Cách điều trị viêm đường tiết niệu
Việc lựa chọn phương pháp chữa viêm đường tiết niệu phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Từ kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ xác định được đâu là thủ phạm gây bệnh để lựa chọn được phương pháp điều trị hiệu quả.
Phần lớn, tình trạng viêm đường tiết niệu là do vi khuẩn gây ra. Trường hợp này sẽ được chỉ định dùng thuốc kháng sinh để điều trị.
Nếu virus hoặc nấm được xác định là thủ phạm gây bệnh, bạn sẽ được dùng thuốc chống vi rút ( như Cidofovir ) hoặc thuốc chống nấm để khắc phục bệnh.
Điều trị viêm đường tiết niệu bằng thuốc kháng sinh
Căn cứ vào vị trí ảnh hưởng của viêm mà bác sĩ sẽ cho bạn dùng loại kháng sinh phù hợp. Các thuốc kháng sinh theo đường uống thường tỏ ra có hiệu quả tốt đối với tình trạng viêm ở đường tiết niệu dưới. Ngược lại, nếu bị viêm đường tiết niệu trên, bạn cần dùng đến thuốc kháng sinh liều cao theo đường tiêm tĩnh mạch.
Ở một số người, vi khuẩn đã phát triển tinh vi hơn và có khả năng kháng lại loại thuốc bạn đã dùng. Bác sĩ sẽ lựa chọn một loại thuốc kháng sinh khác nhạy cảm hơn với vi khuẩn dựa trên kết quả nuôi cấy nước tiểu trong phòng thí nghiệm.
Nếu bạn bị viêm đường tiết niệu mãn tính với tình trạng viêm tái diễn 3 lần trở lên mỗi năm, bác sĩ có thể đề xuất một kế hoạch điều trị như sau:
- Dùng thuốc kháng sinh liều thấp trong thời gian dài hơn để ngăn ngừa nhiễm trùng lặp lại
- Uống một liều kháng sinh sau khi quan hệ tình dục giúp tránh bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh
- Uống kháng sinh trong 1 hoặc 2 ngày mỗi khi xuất hiện triệu chứng
- Kết hợp sử dụng bộ xét nghiệm nước tiểu tại nhà khi các triệu chứng bắt đầu. Kết quả có thể giúp bạn xác định xem bạn có cần gọi bác sĩ hay không.
Trong thời gian sử dụng thuốc chữa viêm đường tiết niệu, bạn cần tái khám thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ để kiểm tra nhiễm trùng đã hết chưa. Nếu kết quả xét nghiệm nước tiểu là dương tính hoặc các triệu chứng bệnh chưa chấm dứt thì cần tiếp tục dùng thuốc điều trị.
Các biện pháp khắc phục và phòng ngừa viêm đường tiết niệu tại nhà
Các biện pháp tại nhà mặc dù không thể giúp chữa khỏi hoàn toàn viêm đường tiết niệu nhưng chúng có thể hỗ trợ làm tăng hiệu quả của thuốc, đồng thời ngăn ngừa nhiễm trùng tái phát.
Một số mẹo tự nhiên có thể giúp bạn rút ngắn thời gian điều trị bệnh:
- Uống nhiều nước, đặc biệt là nước ép nam việt quất. Nước giúp làm sạch đường tiết niệu, hỗ trợ loại bỏ bớt vi khuẩn và các chất cặn bã ra ngoài thông qua hoạt động tiểu tiện.
- Đi tiểu ngay khi cơ thể phát tín hiệu. Hãy chắc chắn rằng bạn đã loại bỏ được hết nước tiểu trong bào quang mỗi lần đi tiểu tiện.
- Vệ sinh vùng kín đúng cách. Nên dùng nước sạch rửa từ trước ra sau để tránh lây lan vi khuẩn từ hậu môn qua niệu đạo.
- Nên sử dụng vòi sen thay thế cho bồn tắm. Không ngâm mình trong bồn tắm quá lâu bởi trong điều kiện này, vi khuẩn có thể xâm nhập vào niệu đạo rất dễ dàng.
- Tránh rửa vùng kín bằng xà bông hay dung dịch vệ sinh phụ nữ có tính tẩy mạnh. Chúng có thể gây mất cân bằng môi trường vi khuẩn ở niệu đạo, tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây hại phát triển mạnh.
- Làm sạch vùng sinh dục trước và sau khi quan hệ
- Đi tiểu sau khi quan hệ để loại bỏ bất kỳ vi khuẩn có thể đã xâm nhập vào niệu đạo của bạn.
- Nếu bạn sử dụng màng ngăn âm đạo, bao cao su chứa chất diệt tinh trùng để tránh thai , hãy nhờ sự tư vấn của bác sĩ để lựa chọn phương pháp tránh thai khác an toàn hơn. Màng ngăn có thể làm tăng sự phát triển của vi khuẩn, trong khi bao cao su và chất diệt tinh trùng có thể gây kích ứng niệu đạo.
- Giữ cho vùng sinh dục của bạn luôn khô ráo bằng cách mặc đồ lót bằng vải cotton và quần áo rộng. Tránh quần jean bó sát và đồ lót bằng nylon. Chúng có thể giữ độ ẩm, tạo môi trường hoàn hảo cho vi khuẩn phát triển.
Nhìn chung, bệnh viêm đường tiết niệu có thể được điều trị dễ dàng nếu phát hiện sớm. Bệnh có thể tái phát trở lại, vì vậy hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ để biết cách phòng ngừa và chữa trị bệnh triệt để ngay từ đầu.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!