Phan tả diệp có tác dụng gì với sức khoẻ? Cách sử dụng
Phan tả diệp là một vị thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị viêm tụy cấp, tắt ruột, sỏi túi mật, viêm túi mật, táo bón, xuất huyết đường tiêu hóa… Trong Y học cổ truyền, vị thuốc có vị đắng, ngọt, tính hàn, quy vào kinh đại tràng, có tác dụng tiêu tích trệ, tả nhiệt, thông đại tiện, điều trị đại tràng táo kết, đi ngoài có phân kèm theo dịch nhầy hoặc phân rắn, kém tiêu…
Mô tả Phan tả diệp
- Tên thường gọi: Phan tả diệp, Tiêm diệp, Hiệp diệp
- Tên khoa học: Senna acutifolia (Del.) (cây Phan tả diệp lá nhọn), Senna angustifolia Mill. (Phan tả diệp lá hẹp)
- Thuộc họ: Đậu (danh pháp khoa học: Fabaceae)
1. Nhận dạng Phan tả diệp
Phan tả diệp là một loại cây bụi, xuất hiện với chiều cao từ 50 – 100cm. Cây có lá kép lông chim nhẵn, mọc so le, có đến 10 – 16 lá chét.
Đối với cây Phan tả diệp lá nhọn, loại cây này có từ 4 – 5 đôi lá chét, xuất hiện với chiều dài từ 2 – 4cm. Đối với cây Phan tả diệp lá hẹp, loại cây này có từ 5 – 8 đôi lá chét, xuất hiện với chiều dài từ 3 – 5cm.
Cây có quả loại đậu, dẹt, xuất hiện với hình trứng, hơi cong, có chiều dài từ 4 – 6cm. Bên trong quả chứa từ 6 – 8 hạt, hạt có màu lục nâu, màu trứng dẹt.
Sau khi tuốt lá chét, người ta lấy loại lá này để phơi khô hoặc tiến hành sấy khô với nhiệt độ từ 40 – 50 độ C. Sau khi sơ chế, bảo quản dược liệu trong bao bì kín và đặt dược liệu ở những nơi khô thoáng để dùng dần.
2. Dược liệu được phân bố ở đâu?
Ở Việt Nam, cây Phan tả diệp được trồng và chăm sóc ở Ninh Thuận, Phú Yên, SaPa, Hà Nội.
Ngoài ra loại cây này còn được trồng và mọc hoang ở những nước nhiệt đới châu Phi, Ấn Độ (nam và tây bắc). Thông thường người ta chia vị thuốc Phan tả diệp đối với thị trường thế giới thành:
- Phan tả diệp Ai Cập hay Khactum hay Phan tả diệp Alexandrie, loài Cassia aculiflolia (lá nhọn) được sử dụng chủ yếu.
- Phan tả diệp Ấn Độ hay Phan tả diệp Tinnevelly, Cassia angustifoiia (lá hẹp) là loài được sử dụng phổ biến.
Thực tế trong mỗi loại đều có trộn lẫn một hoặc nhiều loại lá khác.Cụ thể loại Phan tả diệp Ai Cập thường được trộn lẫn với một lượng nhỏ lá thảo quyết minh Cassia tora.
3. Bộ phận dùng
Lá và quả của cây Phan tả diệp được sử dụng để làm thuốc điều trị bệnh.
4. Tính vị
Tính hàn, vị đắng, ngọt.
5 Quy kinh
Quy vào kinh đại tràng.
6. Thu hái và chế biến
Thu hái
Thông thường phần lá của cây Phan tả diệp sẽ được thu hái vào mùa nắng.
Chế biến
Sau khi thu hái, rửa sạch, phơi khô lá dưới ánh sáng mặt trời, người dùng cần thường xuyên đảo lá để lá có thể khô đều. Tránh để lá bị úa vàng, không để lá chuyển màu trước khi khô hoàn toàn, không nên phơi lá quá dày.
Trong trường hợp không muốn phơi nắng, người dùng có thể tiến hành sấy khô dược liệu với nhiệt độ từ 40 – 50 độ C. Sau khi khô, mang dược liệu đóng gói, bảo quản ở những nơi phù hợp để dùng dần.
7. Bảo quản
Dược liệu cần được bảo quản trong bao bì kín, sau đó đặt ở những nơi thoáng mát, khô ráo, tránh đặt ở những nơi có nhiều côn trùng và độ ẩm cao.
8. Chỉ định
Vị thuốc Hiệp diệp được chỉ định cho những trường hợp sau:
- Những người bị viêm tụy cấp, bệnh sỏi đường mật, viêm túi mật, xuất huyết tiêu hóa
- Những người mắc chứng táo bón, phân cứng do ruột khô, mụn nhọt do thất nhiệt kết ở tạng phủ
- Bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, táo bón.
Thành phần hóa học của cây Phan tả diệp
Phan tả diệp có thành phần là những hợp chất anthraglycosid. Cụ thể như aloe-emodin dianthron glycoside, sennosid A, sennosid B, sennosid C, sennosid D, sennosid G, trong đó sennosid A, B, C, D là chủ yếu; những anthranoid xuất hiện ở dạng tự do, trong đó chrysophanol, rhein, aloe-emodin là chủ yếu.
Ngoài ra dược liệu còn có những dẫn chất của flavonoid. Điển hình như chất nhựa, kaempferol, isorhamnetin. Nhờ những dẫn chất này dược liệu có tác dụng gây tẩy sổ trên cơ thể của vật thí nghiệm là chuột, ức chế hoạt động của nhiều loại vi khuẩn (Streptococcus typ A, Enterococcus, Bacillus dysenteriae), ức chế một số loại nấm gây bệnh ngoài da, tăng số lượng tiểu cầu, cầm máu và rút ngắn thời gian đông máu.
Cây Phan tả diệp có tác dụng gì?
Theo Nghiên cứu dược lý hiện đại và Y học cổ truyền, dược liệu Phan tả diệp mang nhiều lợi ích và tác dụng hữu hiệu sau:
1. Theo Nghiên cứu dược lý hiện đại
Tùy thuộc vào liều lượng sử dụng vị thuốc, Phan tả diệp có tác dụng nhuận tràng (phân mềm và dễ di chuyển hơn sau 5 – 7 giờ uống thuốc) hoặc mang tác dụng tẩy mạnh (phân lỏng kèm đau bụng).
Trong trường hợp sử dụng liều mạnh hơn có thể khiến bệnh nhân bị đau bụng dữ dội kèm theo tình trạng nôn mửa trong 3 – 4 giờ. Tác dụng tẩy từ việc sử dụng dược liệu có thể kéo dài từ 1 – 2 ngày. Tuy nhiên sau đó bệnh nhân sẽ không bị táo bón lại.
Theo dõi tác dụng của Phan tả diệp trên ruột mèo thí nghiệm bằng nghiên cứu trên khúc ruột cô lập và X – quang cho thấy:
- Cử động cũng như các hoạt động của dạ dày ít bị thay đổi.
- Dược liệu không có khả năng tác động và không mang tác dụng đối với ruột non. Dược liệu chỉ tác động và có tác dụng đối với ruột già. Điều này xuất hiện là do nhu động đầu của ruột già có dấu hiệu tăng lên và hoạt động chống nhu động bình thường khi sử dụng vị thuốc bị tê liệt. Mặc dù có loại bỏ khả năng kích thích của trung ương thần kinh (lấy đi phần tủy sống của vùng hông và lưng) thì tác dụng tẩy vẫn còn. Khả năng tẩy từ việc sử dụng thuốc có thể xảy ra sau 1 – 5 giờ. Đối với những trường hợp sử dụng liều cao, thuốc có khả năng tác động và mang tác dụng lên cả cơ trơn của tử cung và bàng quang. Chính vì thế Phan tả diệp nên được sử dụng thận trọng ở những người bị viêm tử cung, viêm bàng quang hoặc đang mang thai.
- Antraglucozit có khả năng bài tiết qua nước tiểu và bài tiết qua sữa con bú mẹ đã sử dụng Hiệp diệp dẫn đến trẻ đi lỏng. Tùy thuộc vào loại Hiệp diệp, đôi người dùng sẽ cảm giác có cơn đau bụng mạnh. Theo một số nhà nghiên cứu, nguyên nhân dẫn đến đau bụng mạnh có thể là do một chất men. Khi tiến hành ngâm dược liệu trong 1 ngày trước với 4 phần rượu 95 độ, đặc tính hình thành cơn đau bụng mạnh có thể giảm bớt. Tuy nhiên tác dụng tẩy cũng bị giảm.
2. Theo Y học cổ truyền
Dược liệu Phan tả diệp mang những tác dụng hữu hiệu sau:
- Tiêu tích trệ
- Tả nhiệt
- Thông đại tiện
- Điều trị phân rắn, đại tràng táo kết, phân kèm theo dịch nhầy, người bệnh kém tiêu hóa do lượng thức ăn đưa vào bị tích trệ dẫn đến đầy bụng.
Cách sử dụng và liều dùng Phan tả diệp
1. Cách sử dụng
Hãm lá Hiệp diệp với nước sôi từ 5 – 10 phút và uống như trà. Sau khi hãm lá, gạn lấy phần nước, không sử dụng bã. Thực hiện lại như vậy liên tục 3 lần, hòa các phần nước hãm với nhau, dùng nước này để uống khi còn ấm.
Người dùng trong nên đun sôi vị thuốc trong thời gian lâu. Bởi việc đun thuốc quá lâu có thể khiến các Sennosid bị phân hủy, khiến dược tính được hấp thụ ngay khi tiếp xúc với ruột non. Từ đó làm mất khả năng tác động lên ruột già và làm mất tác dụng thông tiện.
Hiệp diệp mang đến nhiều lợi ích cho những người làm việc văn phòng ngồi nhiều, người thường xuyên bị táo bón, những phụ nữ sau sinh bị táo bón, những người thường xuyên ăn uống bị đầy bụng do thức ăn trích tệ, ăn uống không tiêu và người cao tuổi có tân dịch ở đài tràng khô kiệt, đặc biệt là khi thời tiết khô hanh, vào mùa đông, độ ẩm không khí thấp, cơ thể bị mất nước khiến táo bón diễn ra dai dẳng và trở nên nghiêm trọng hơn.
2. Liều dùng
Liều dùng khuyến cáo:
- Sử dụng dược liệu gây xổ mạnh, điều trị táo bón mãn tính, đại tràng thực nhiệt, phân táo kết nhiều: Dùng từ 5 – 7 gram dược liệu, hãm và gạn lấy nước uống, dùng một lần mỗi ngày trước bữa ăn sáng.
- Sử dụng dược liệu giúp thông tiện, nhuận tràng, phòng ngừa táo bón và làm mềm phân: Dùng từ 3 – 4 gram dược liệu, hãm và gạn lấy nước uống, dùng một lần mỗi ngày trước bữa ăn.
- Sử dụng dược liệu giúp hỗ trợ tiêu hóa, tăng nhu động ruột, phòng ngừa khó tiêu, đầy hơi chướng bụng: Hãm 1 – 2 gram dược liệu với nước sôi, gạn lấy phần nước thuốc và uống mỗi ngày một lần. Tác dụng điều trị bệnh của dược liệu sẽ phát huy sau 6 – 7 tiếng.
Những bài thuốc điều trị bệnh từ dược liệu Phan tả diệp
Nhờ các tác dụng dược lý, thành phần hóa học và đặc tính của mỗi loại, vị thuốc Phan tả diệp (Hiệp diệp) được sử dụng phổ biến và được ứng dụng trong những bài thuốc chữa bệnh sau:
1. Bài thuốc điều trị táo bón từ dược liệu Phan tả diệp
Bài thuốc 1: Bài thuốc điều trị táo bón do nhiệt táo
Nguyên liệu:
- 3 – 6 gram Hiệp diệp. Đối với những trường hợp nặng sử dụng 10 gram dược liệu.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch vị thuốc, phơi khô
- Tiến hành hãm thuốc trong 300ml nước sôi
- Sau 5 phút, gạn lấy phần nước để uống
- Uống mỗi ngày một lần để cải thiện chứng táo bón do nhiệt táo.
Bài thuốc 2: Bài thuốc điều trị táo bón do nhiệt tích
Nguyên liệu:
Cách thực hiện:
- Rửa sạch các vị thuốc đã chuẩn bị
- Sắc thuốc
- Chắt lấy phần nước thuốc để uống mỗi ngày.
Bài thuốc 3: Bài thuốc điều trị táo bón do thực tích
Nguyên liệu:
- 4 – 6 gram Hòa diệp
- 9 gram Đại hoàng
- 4 gram Trần bì
- 3 gram Đinh hương
- 3 gram Sinh khương
- 3 gram Hoàng liên.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch, sắc thuốc và gạn lấy nước uống
- Dùng thuốc ấm
- Uống mỗi ngày một thang thuốc để cải thiện bệnh lý.
2. Bài thuốc điều trị rối loạn tiêu hóa, đầy bụng bằng Phan tả diệp
Nguyên liệu:
- 2 gram Hiệp diệp
- 3 gram Bình lang
- 3 gram Đại hoàng
- 10 gram Sơn tra.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch các vị thuốc đã chuẩn bị
- Sắc thuốc với 500ml nước trong 10 phút
- Chắt lấy phần nước thuốc để uống mỗi ngày.
3. Bài thuốc từ vị thuốc Phan tả diệp giúp hỗ trợ chức năng ruột sau phẫu thuật
Nguyên liệu:
- 4 gram Hiệp diệp.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch vị thuốc, phơi khô
- Tiến hành hãm vị thuốc trong 300ml nước sôi khoảng 5 – 10 phút
- Gạn lấy phần nước để uống
- Uống mỗi ngày một lần để hỗ trợ chức năng ruột sau phẫu thuật.
4. Bài thuốc dùng Phan tả diệp giúp tẩy ruột trước khi tiến hành phẫu thuật
Nguyên liệu:
- 10 gram lá Hiệp diệp.
Cách thực hiện:
- Cần nhịn ăn từ buổi chiều hôm trước khi phẫu thuật
- Vào 3 giờ chiều, sử dụng 10 gram dược liệu hãm cùng với nước sôi
- Gạn lấy phần nước để uống khi còn ấm.
5. Bài thuốc điều trị mụn nhọt do thấp nhiệt kết ở tạng phủ
Nguyên liệu:
- 12 gram Hiệp diệp.
Cách thực hiện:
- Mang vị thuốc đã chuẩn bị hãm với nước sôi, dùng thìa lọc bỏ phần bã
- Dùng nước thuốc để uống trong một lần
- Dùng 1 thang thuốc/lần x 2 lần/ngày
- Người bệnh kiên trì sử dụng bài thuốc cho đến khi đại tiện thông lợi thì ngừng sử dụng.
6. Bài thuốc từ dược liệu Phan tả diệp điều trị bệnh viêm túi mật, viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hóa và bệnh sỏi đường mật
Chuẩn bị:
- Viên nang chiết xuất từ dược liệu Hiệp diệp (có 2,5 gram thuốc thô trong mỗi viên)
Cách sử dụng:
- Dùng 4 viên nang chiết xuất từ dược liệu Hiệp diệp, sử dụng để uống 3 lần mỗi ngày
- Đối với những trường hợp chưa đại tiện đại sau 24 giờ sử dụng thuốc, cần uống thêm một viên.
7. Bài thuốc điều trị táo bón, phân cứng do ruột khô bằng vị thuốc Phan tả diệp
Nguyên liệu:
Cách thực hiện:
- Mang các vị thuốc đã chuẩn bị rửa sạch
- Cho thuốc vào nồi, thêm 600ml nước lọc, tiến hành sắc thuốc
- Gạn lấy phần nước và uống như trà
- Uống mỗi ngày một thang thuốc để điều trị táo bón, phân cứng do ruột khô.
Độc tính
- Lá cây Phan tả diệp chứa một lượng độc tính nhẹ. Chính vì thế việc sử dụng quá nhiều vị thuốc này có thể khiến người bệnh bị đau bụng, buồn nôn, chóng mặt, gây viêm ruột hoặc chứng rối loạn đường tiêu hóa.
- Ở một số trường hợp sau khi uống nước hãm lá Phan tả diệp, bệnh nhân có cảm giác chóng mặt, tê mặt, đau khi tiểu và có cảm giác ngứa.
Kiêng kỵ
- Vị thuốc Phan tả diệp không được khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ mang thai và những người có thể chất yếu.
- Không nên dùng thuốc cho trẻ nhỏ.
- Thận trọng khi dùng cho phụ nữ đang cho con bú, phụ nữ đang trong chu kỳ kinh nguyệt. Người bệnh cần trao đổi thông tin cùng với thầy thuốc để phòng ngừa rủi ro trước khi sử dụng.
Phan tả diệp được đánh giá là một vị thuốc quý, mang nhiều tác dụng, được sử dụng phổ biến trong điều trị táo bón, thông tiện, nhuận tràng. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn và nâng cao tính hiệu quả của vị thuốc, người bệnh nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể.
Có thể bạn quan tâm
- 10 thuốc nhuận tràng tốt nhất – Lưu ý khi dùng
- Kê cốt thảo có tác dụng gì với sức khoẻ? Cách sử dụng
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!