Bệnh Mất Ngủ
Bệnh mất ngủ có thể xảy ra thoáng qua hoặc tiến triển mãn tính, kéo dài. Nguyên nhân gây bệnh đa dạng, có thể xuất phát từ thói quen thiếu lành mạnh nhưng cũng có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Dựa vào nguyên nhân cụ thể, bác sĩ sẽ cân nhắc các biện pháp như dùng thuốc, vệ sinh giấc ngủ, liệu pháp tâm lý…
Tổng quan
Bệnh mất ngủ (Insomnia) là một dạng rối loạn giấc ngủ với đặc điểm là khó chìm vào giấc ngủ, ngủ chập chờn, thức dậy quá sớm và không thể quay trở lại giấc ngủ. Ngủ là hoạt động chu kỳ có vai trò quan trọng trong việc phục hồi năng lượng và giúp các cơ quan nghỉ ngơi, điều chỉnh sau một ngày dài.
Trong trạng thái ngủ, các cơ quan có mức độ hoạt động thấp và giảm phản ứng với các kích thích bên ngoài. Vì thế sau khi thức dậy, cơ thể sẽ cảm thấy luôn tràn trề năng lượng. Tuy nhiên, các rối loạn giấc ngủ nói chung và bệnh mất ngủ nói riêng lại khiến cơ thể mệt mỏi, uể oải sau khi thức giấc.
Trung bình, mỗi người cần ngủ 7 - 8 tiếng mỗi đêm, thời gian có thể chênh lệch đôi chút tùy theo nhu cầu riêng (độ tuổi, cường độ vận động, lao động, thời tiết…). Mất ngủ sẽ khiến cho thời gian và chất lượng giấc ngủ suy giảm, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe và hiệu suất lao động.
Phân loại bệnh
Bệnh mất ngủ được chia thành 2 dạng là mất ngủ thoáng qua (cấp tính) và mất ngủ mãn tính:
Mất ngủ thoáng qua (cấp tính):
Mất ngủ thoáng qua được xác định khi xảy ra dưới 1 tuần. Nguyên nhân chủ yếu là do căng thẳng, làm việc quá sức, sang chấn tâm lý hoặc do các yếu tố kích thích như nhiệt độ, thay đổi môi trường sống, tiếng ồn, dùng cà phê, rượu, tác dụng phụ của thuốc…
Mất ngủ mãn tính:
Mất ngủ mãn tính là tình trạng khó ngủ, ngủ không sâu giấc, dễ thức giấc xảy ra trên 1 tháng. Khác với mất ngủ cấp tính, mất ngủ mãn tính thường có liên quan đến các vấn đề sức khỏe như trầm cảm, tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu, hen phế quản, dị ứng, bệnh tim…
Vì có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nên điều trị mất ngủ mãn tính tương đối phức tạp. Một số trường hợp phải kết hợp nhiều phương pháp mới có cải thiện.
Xem thêm: 14 cách trị mất ngủ tại nhà hiệu quả – Ngủ nhanh, sâu
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Các rối loạn giấc ngủ nói chung và mất ngủ nói riêng thường có liên quan đến các yếu tố kích thích thần kinh. Các yếu tố này khiến hệ thần kinh trung ương hưng phấn gây ra cảm giác khó ngủ, dễ thức giấc. Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh mất ngủ. Nguy cơ tăng lên khi tuổi tác lên cao do ảnh hưởng của quá trình lão hóa.
Các nguyên nhân, yếu tố gây ra bệnh mất ngủ:
- Stress do áp lực công việc, các biến cố trong cuộc sống…
- Rối loạn nhịp sinh học do thay đổi múi giờ, làm việc ca đêm - ngủ ngày.
- Sử dụng chất kích thích như rượu, cà phê, trà, thuốc lá, thuốc hướng thần…
- Ăn quá no vào ban đêm gây ra cảm giác khó chịu
- Các yếu tố từ môi trường như nhiệt độ, tiếng ồn, ánh sáng,... cũng có thể gây ra tình trạng mất ngủ.
- Do các bệnh tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn lưỡng cực, rối loạn stress sau sang chấn, tâm thần phân liệt,...
- Do các vấn đề liên quan đến giấc ngủ như mộng du, hội chứng ngưng thở khi ngủ, chứng hoảng sợ khi ngủ, hội chứng chân không nghỉ,…
- Do các vấn đề sức khỏe khác như hen phế quản, cao huyết áp, đau nhức xương khớp, dị ứng,...
- Ảnh hưởng của một số tình trạng sinh lý như mang thai, hành kinh, mãn kinh…
Ngoài những nguyên nhân kể trên, một số yếu tố thuận lợi cũng có thể gia tăng nguy cơ mất ngủ như tuổi trên 60, là nữ giới, từng có tiền sử mất ngủ, sống trong môi trường ô nhiễm, ồn ào,...
Triệu chứng và chẩn đoán
Giấc ngủ có vai trò trong việc phục hồi năng lượng sau một ngày làm việc mệt mỏi. Một giấc ngủ ngon được xác định khi ngủ đủ 7 - 8 giờ/ đêm, ngủ sâu giấc và có cảm giác sảng khoái, khỏe khoắn vào sáng hôm sau.
Trường hợp mất ngủ sẽ có những biểu hiện như sau:
- Khó chìm vào giấc ngủ dù có cảm giác buồn ngủ
- Ngủ không sâu, khó duy trì giấc ngủ
- Dễ thức giấc, thường thức giấc rất sớm và không thể ngủ lại được
- Cảm thấy mệt mỏi, uể oải sau khi thức dậy
- Tỉnh giấc nhiều lần, mỗi lần kéo dài hơn 30 phút
- Ngoài ra, có thể nhận biết mất ngủ thông qua các triệu chứng vào ngày hôm sau như uể oải, thiếu tập trung, mệt mỏi, buồn ngủ,...
Mất ngủ là tình trạng khá phổ biến, đôi khi xảy ra do căng thẳng, uống cà phê và rượu bia vào tối muộn. Nếu chỉ xảy ra trong một vài ngày, mất ngủ thường không đáng lo ngại. Tuy nhiên, khi tình trạng kéo dài hơn 1 tuần, thăm khám là điều nên làm.
Chẩn đoán bệnh mất ngủ được thực hiện nhằm xác định nguyên nhân. Các bước chẩn đoán bao gồm khám thực thể, tìm hiểu thói quen ngủ, đo sóng não, nhịp tim, nhịp thở, đo đa ký giấc ngủ, xét nghiệm máu kiểm tra hormone tuyến giáp, nhiễm trùng, dị ứng…
Biến chứng và tiên lượng
Ngủ là hoạt động vô cùng quan trọng giúp phục hồi năng lượng và tái tạo các cơ quan. Ngủ đủ 7 - 8 tiếng/ ngày sẽ giúp cơ thể tràn đầy năng lượng và khỏe khoắn vào ngày hôm sau.
Bệnh mất ngủ gây ra rất nhiều ảnh hưởng đối với cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Mất ngủ ngắn hạn (thoáng qua) thường sẽ gây buồn ngủ vào ban ngày, giảm khả năng tập trung, sáng tạo, kém linh hoạt, cơ thể mệt mỏi, tâm trạng khó chịu và dễ cáu gắt.
Trong thời gian bị mất ngủ, hiệu suất học tập, công việc đều bị ảnh hưởng đáng kể. Ngoài ra, lái xe trong trạng thái không tỉnh táo cũng gia tăng nguy cơ gây tai nạn.
Mất ngủ mãn tính có những ảnh hưởng sâu sắc hơn so với mất ngủ thoáng qua. Tình trạng này sẽ gây thiếu ngủ trong một thời gian dài, qua đó gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như cao huyết áp, rối loạn lo âu, trầm cảm… Đồng thời làm nặng hơn các vấn đề sức khỏe sẵn có như tim mạch, tiểu đường, các rối loạn tâm lý, thần kinh, bệnh cơ địa dị ứng…
Đối với trẻ nhỏ, mất ngủ làm cản trở quá trình phát triển thể chất và trí tuệ. Trẻ chậm phát triển chiều cao, hấp thu kém, tinh thần bứt rứt, thiếu sự nhạy bén và linh hoạt.
Cách tốt nhất để phòng ngừa các biến chứng do mất ngủ gây ra là thăm khám và điều trị sớm. Đa phần các trường hợp can thiệp điều trị kịp thời đều có đáp ứng tốt. Tình trạng khó ngủ, dễ thức giấc,... sẽ được cải thiện đáng kể, qua đó giúp nâng cao sức khỏe thể chất và mang đến tinh thần sảng khoái, thoải mái.
Điều trị
Có khá nhiều phương pháp được lựa chọn khi điều trị bệnh mất ngủ. Để cải thiện tình trạng một cách triệt để, phải kết hợp điều trị triệu chứng và nguyên nhân. Nguyên tắc khi điều trị là loại bỏ các nguyên nhân chủ quan (lối sống, thói quen ăn uống, môi trường), thực hiện các biện pháp vệ sinh giấc ngủ, cân nhắc dùng thuốc và can thiệp liệu pháp tâm lý.
Loại bỏ nguyên nhân chủ quan
Mất ngủ do những nguyên nhân chủ quan có thể chủ động trong việc điều chỉnh. Trong khâu chẩn đoán, bác sĩ sẽ trao đổi với bệnh nhân để tìm hiểu về lối sống, thói quen nhằm xác định nguyên nhân.
Để cải thiện bệnh mất ngủ, cần loại bỏ những nguyên nhân chủ quan như:
- Không uống cà phê, trà đặc, rượu bia vào buổi chiều và buổi tối.
- Ăn tối trước 19:00, không ăn khuya, đồng thời tránh ăn quá no và hạn chế thức ăn cay nóng.
- Giảm thời gian làm việc, hạn chế làm việc quá khuya và cần học cách kiểm soát áp lực trong công việc lẫn cuộc sống.
- Không nên ngủ trưa quá 30 phút hoặc có thể bỏ thói quen ngủ trưa để đảm bảo giấc ngủ vào ban đêm.
Nếu thay đổi được các nguyên nhân này, tình trạng khó ngủ, dễ thức giấc sẽ được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên với một vài nguyên nhân khó điều chỉnh (căng thẳng thần kinh, thay đổi môi trường sống, múi giờ,...), có thể phải sử dụng thuốc.
Vệ sinh giấc ngủ
Vệ sinh giấc ngủ bao gồm các thói quen lành mạnh giúp đảm bảo chất lượng giấc ngủ, hạn chế tình trạng mất ngủ, khó ngủ vào ban đêm. Biện pháp này được khuyến khích cho tất cả các trường hợp vì mang lại hiệu quả tốt và không có tác dụng phụ.
Các biện pháp vệ sinh giấc ngủ giúp cải thiện bệnh mất ngủ bao gồm:
- Tránh tiếp xúc với thông tin tiêu cực, hạn chế xem phim hành động, phim hài, tiểu thuyết trinh thám… vào ban đêm.
- Để tránh kích thích thần kinh trung ương, không nên làm việc sau 21:00 và hạn chế tiếp xúc với thiết bị điện tử.
- Vệ sinh không gian phòng ngủ, đảm bảo khu vực ngủ thông thoáng, nhiệt độ vừa phải.
- Có thể thay mền gối bằng chất liệu mềm mại để tạo cảm giác thoải mái khi ngủ.
- Tạo thói quen đi ngủ đúng giờ và đủ giấc, hạn chế tình trạng thức khuya và ngủ dậy muộn.
- Chọn tư thế ngủ thoải mái cũng là cách cải thiện chất lượng giấc ngủ hiệu quả.
- Có thể tập yoga nhẹ nhàng, ngồi thiền vào buổi tối để giảm kích thích thần kinh, tạo cảm giác buồn ngủ và ngủ sâu giấc hơn.
- Không nên thực hiện các hoạt động như ăn uống, vui chơi, làm việc trên giường. Chỉ nên nằm trên giường khi ngủ để tránh trường hợp trằn trọc, khó chìm vào giấc ngủ, ngủ chập chờn.
- Tắt đèn hoặc sử dụng đèn với ánh sáng dịu nhẹ, không nên bật đèn sáng gây khó ngủ, dễ thức giấc.
Sử dụng thuốc
Nếu tình trạng mất ngủ không được cải thiện hoàn toàn khi áp dụng các phương pháp trên, bác sĩ sẽ chỉ định dùng một số loại thuốc. Lưu ý là vẫn phải kết hợp với loại bỏ nguyên nhân chủ quan và vệ sinh giấc ngủ để cải thiện giấc ngủ lâu dài, hạn chế lạm dụng thuốc.
Các loại thuốc được sử dụng để điều trị mất ngủ bao gồm:
- Thuốc an thần nhóm benzodiazepin bao gồm Chlordiazepoxide, Diazepam, Oxazepam…
- Các loại thuốc không thuộc nhóm benzodiazepin như Ramelteon, Melatonin…
- Thuốc chống trầm cảm
- Thuốc chống loạn thần
Thuốc an thần nhóm benzodiazepin cho hiệu quả nhanh nhưng có thể gây nghiện nên chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ. Thuốc thường được dùng ngắn hạn, trường hợp dùng dài hạn phải giảm liều từ từ trước khi ngưng hẳn để tránh hội chứng cai thuốc.
Thuốc chống trầm cảm và thuốc chống loạn thần chỉ được sử dụng cho trường hợp mất ngủ có liên quan đến các rối loạn tâm thần như trầm cảm, hoang tưởng, tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực,...
Liệu pháp tâm lý
Hiện nay, liệu pháp tâm lý là phương pháp triển vọng cho bệnh mất ngủ - đặc biệt là trường hợp mất ngủ có liên quan đến các rối loạn tâm thần. Phương pháp này giúp cải thiện tình trạng khó ngủ, dễ thức giấc,... thông qua điều chỉnh hành vi, suy nghĩ và cảm xúc. Vì không sử dụng thuốc nên liệu pháp tâm lý không có tác dụng phụ và phạm vi chỉ định rộng.
Các liệu pháp tâm lý được áp dụng để điều trị bệnh mất ngủ bao gồm:
- Liệu pháp kiểm soát kích thích
- Kỹ thuật thư giãn
- Liệu pháp giới hạn ngủ
- Liệu pháp thôi miên
- Liệu pháp nhận thức hành vi cho mất ngủ (CBI-I)
Liệu pháp ánh sáng
Trường hợp buồn ngủ và thức giấc quá sớm, có thể cân nhắc liệu pháp ánh sáng. Phương pháp này sử dụng đèn chiếu tạo ra tia UV tương tự như ánh nắng mặt trời để điều chỉnh đồng hồ sinh học. Với liệu pháp ánh sáng, não bộ sẽ bị kích thích và tránh được tình trạng buồn ngủ quá sớm.
Phòng ngừa
Giấc ngủ có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố từ các vấn đề sức khỏe, tác dụng phụ của thuốc, môi trường,... Đặc biệt những người có thần kinh nhạy cảm, hay lo âu sẽ dễ gặp phải tình trạng khó ngủ, ngủ không sâu giấc, dễ thức giấc giữa đêm.
Mất ngủ xảy ra do nhiều nguyên nhân nên không thể phòng ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên có thể hạn chế nguy cơ bằng các biện pháp sau:
- Cố định giờ đi ngủ và thức giấc, kể cả ngày cuối tuần.
- Hạn chế các yếu tố kích thích như cà phê, rượu bia, thuốc lá, thói quen ăn đêm, dùng thức ăn cay nóng,...
- Tránh ngủ ngày quá nhiều, nếu ngủ trưa chỉ nên ngủ từ 20 - 30 phút.
- Tránh kích thích thần kinh vào buổi tối bằng cách hạn chế sử dụng thiết bị điện tử, không nên làm việc quá khuya, không nên suy nghĩ hướng giải quyết cho các vấn đề vào giờ ngủ,...
- Nên thực hiện các hoạt động thư giãn như nghe nhạc không lời, tắm nước ấm, đốt nến thơm… để tạo cảm giác dễ chịu và ngủ sâu giấc hơn.
- Kiểm soát tốt các vấn đề sức khỏe như hen suyễn, dị ứng, các bệnh da mãn tính, trào ngược dạ dày thực quản…
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Bệnh mất ngủ có tác hại gì? Nguy hiểm không?
2. Bệnh mất ngủ có tự khỏi không?
3. Mất ngủ có chữa được không?
4. Bệnh mất ngủ do căng thẳng thần kinh phải làm sao?
5. Nên ăn gì, kiêng gì để cải thiện bệnh mất ngủ?
6. Mất ngủ lâu ngày phải làm sao để cải thiện?
7. Bệnh mất ngủ ở phụ nữ mang thai điều trị sao cho an toàn?
Bệnh mất ngủ là vấn đề sức khỏe cần được chú ý. Bởi giấc ngủ có vai trò quan trọng trong việc phục hồi năng lượng, đảm bảo hoạt động của các cơ quan và duy trì hiệu suất lao động, học tập. Chất lượng giấc ngủ suy giảm kéo theo rất nhiều ảnh hưởng và biến chứng. Vì vậy, nên điều trị sớm để cải thiện hiệu quả các rối loạn giấc ngủ nói chung và mất ngủ nói riêng.
Có thể bạn quan tâm:
- Các bài thuốc chữa mất ngủ kinh niên hiệu quả nhất
- Hướng dẫn chữa mất ngủ không dùng thuốc hiệu quả nhanh