Bệnh Viêm Gân

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI BÁC SĨ DOÃN HỒNG PHƯƠNG – Khoa Xương khớpGiám đốc Chuyên môn Trung tâm Đông Phương Y Pháp – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Viêm gân là một trong những bệnh lý về xương khớp phổ biến hay gặp ở những người thường xuyên làm việc nặng, chơi thể thao. Đặc trưng của bệnh là các gân cổ tay, cổ chân, hông, đùi...bị viêm gây đau nhức, sưng đỏ, nóng rất khó chịu. Nếu được nghỉ ngơi và điều trị hợp lý các triệu chứng bệnh sẽ nhanh chóng giảm bớt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp chủ quan để bệnh kéo dài gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Tổng quan bệnh học

Theo các bác sĩ chuyên khoa, viêm gân là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng các gân trong cơ thể bị viêm, kích ứng hay tổn thương. Lúc này những khu vực xung quanh gân sẽ bị sưng đau, tê cứng và các vận động bị hạn chế đáng kể.

Theo cấu tạo, gân là một dải mô xơ có màu trắng nằm giữa phần cơ và xương. Thành phần chính của gân là các mô liên kết dạng sợi có tính chất đàn hồi. Gân có kích thước và hình dạng khác biệt nhau tùy thuộc vào chức năng của cơ. Dựa vào vị trí bám gân trong cơ thể mà phân biệt các loại gân với nhau.

Bệnh viêm gân
Bệnh viêm gân là tình trạng các gân bị tổn thương, viêm gây ra những triệu chứng đau, sưng đỏ

Gân đảm nhiệm vai trò truyền sinh lực từ các cơ đến bộ phận xương, giúp kích thích các khớp xương chuyển động một cách nhịp nhàng, đều đặn. Thế nhưng, do một nguyên nhân nào đó khiến cho phần gân bị tổn thương nên chức năng này cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những vị trí thường bị viêm gân xảy ra trên cơ thể được kể đến như gân vai, viêm khuỷu tay, cổ tay, gân đầu gối, gân gót chân, gân cổ chân.

Cho đến hiện tại vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây bệnh viêm gân. Trường hợp có nguy cơ mắc chứng bệnh này rất cao đó là những người thường xuyên làm việc nặng, vận động viên thể thao, giáo viên, thợ sơn nhà, thợ cắt tóc, họa sĩ...Bệnh viêm gân tuy không gây ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh, nhưng nếu không được can thiệp đúng cách có thể gây đứt gân, rách gân, tàn tật.

Phân loại bệnh

Dựa vào vị trí viêm gân xảy ra trên cơ thể mà người ta chia bệnh thành nhiều loại khác nhau. Dưới đây là một số loại viêm gân phổ biến thường gặp nhất, cụ thể:

  • Viêm gân cơ vai: Vai là một trong những vị trí đắc lực của cơ thể, thường xuyên hoạt động. Hầu như tất cả các vận động, sinh hoạt hàng ngày đều tác động đến khớp vai. Những đối tượng dễ bị viêm gân cơ vai như thợ sơn nhà, họa sĩ, thường xuyên bơi lội, giáo viên.
  • Viêm gân khuỷu tay: Khuỷu tay có chức năng giúp cơ thể dễ dàng vận động bằng các động tác như sấp ngửa, gập duỗi. Do đó đây cũng là một vị trí thường xuyên bị viêm gân, những người hay bị viêm khuỷu tay như vận động viên ném lao, ném đĩa, đánh quần vợt.
  • Viêm gân cổ tay: Cổ tay có chức năng tạo nên sự linh hoạt cho các vận động cầm nắm, truyền lực từ bộ phận cánh tay sang phần bàn tay. Tần suất hoạt động của cổ tay rất cao, lặp đi lặp lại có thể gây tổn thương và viêm gân cổ tay. Những người hay bị viêm gân cổ tay được kể đến như thợ cắt tóc, sử dụng máy tính, viết nhiều.
  • Viêm gân đầu gối: Đầu gối được xem là khớp lớn nhất và quan trọng bậc nhất đối với cơ thể con người. Khớp gối giữ vai trò giúp chân gập duỗi, đi đứng, chạy, nhảy, ngồi. Do đó, ngoài nguy cơ dễ mắc bệnh viêm gân thì khớp gối còn hay gặp phải tình trạng thoái hóa khớp, tổn thương dây chằng, viêm bao hoạt đầu dịch gối.
  • Viêm gân gót chân: Gân gót chân giữ vai trò liên kết chặt chẽ giữa các cơ ở vùng xương gót chân, bắp chân, gân khoeo chân giúp cho bàn chân và cẳng chân đứng thẳng, giữ thăng bằng cơ thể và hoạt động bình thường. Viêm gót chân xảy ra có thể do bị tai nạn gây tổn thương gân hoặc thường xuyên mang giày cao gót không đúng kích cỡ.

Dù xảy ra ở vị trí nào trên cơ thể, nhưng nếu xác định chính xác hoặc nghi ngờ bản thân mắc bệnh viêm gân thì chúng ta cần nhanh chóng thăm khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh. Từ đó các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, tránh để lâu gây đứt gân rất nguy hiểm.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Hiện tại vẫn chưa xác định được rõ ràng nguyên nhân gây bệnh viêm gân. Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa cho biết tình trạng viêm gân là do phần gân bị tổn thương và chịu áp lực quá mức bởi các vận động khiến cho các gân bị viêm gây nên các triệu chứng đau nhức, sưng đỏ.

Nguyên nhân bệnh viêm gân
Vận động viên bơi lội thường vận động nhiều phần gân và cơ vai nên rất dễ bị viêm gân vai

Một số nguyên nhân chính gây bệnh viêm gân mà chúng ta hay gặp đó là:

  • Do chấn thương: Trong đời sống sinh hoạt cũng như công việc hàng ngày, có nhiều trường hợp không may bị chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động khiến cho phần gân bị tổn thương và gây viêm.
  • Mắc bệnh lý khớp: Những trường hợp đã và đang mắc các chứng bệnh về xương khớp như viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, bệnh lậu thường có nguy cơ mắc viêm gân rất cao.
  • Do căng cơ: Một số trường hợp vận động, cử động sai tư thế như vô tình xoay tay, xoay cổ chân, đứng dậy ngồi xuống bất ngờ hoặc đứng quá lâu một chỗ sẽ khiến các cơ bị căng quá mức dẫn đến tình trạng viêm gân.

Ngoài những nguyên nhân cơ bản nói trên, còn có rất nhiều yếu tố nguy cơ khiến cho bệnh viêm gân dễ khởi phát. Hoặc tình trạng đang bị viêm gân sẽ khiến các triệu chứng tiến triển nặng nề hon, cụ thể như:

  • Nghề nghiệp: Những người thường xuyên làm việc nặng, tính chất công việc lặp đi lại khiến cho phần gân dễ bị tác động. Một số nghề nghiệp có nguy cơ mắc bệnh viêm gân cao nhất đó chính là vận động viên thể thao, công nhân bốc vác, giáo viên, họa sĩ.
  • Tuổi tác: Khi lớn tuổi, không chỉ xương khớp bị thoái hóa mà ngay cả các vị trí gân, dây chằng cũng kém linh hoạt. Do đó, những người trong độ tuổi trung niên và người già có nguy cơ mắc bệnh viêm gân rất cao.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số trường hợp mắc bệnh, thường xuyên dùng thuốc kháng sinh Ciprofloxacin, Levofloxacin có thể khiến cho phần gân vị viêm.

Triệu chứng và Chẩn đoán

Tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh mà các triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài khác nhau. Tuy nhiên, hầu như tất cả các bệnh nhân viêm gân thường gặp phải các triệu chứng điển hình sau:

Triệu chứng bệnh viêm gân
Bệnh viêm gân thường khiến khu vực bị tổn thương đau nhức, sưng đỏ, hạn chế mọi vận động

  • Sưng gân, phần da trên gân bị sưng đỏ, mềm hơn, sờ vào rất nóng.
  • Có cảm giác đau nhức, đặc biệt là khi cử động mạnh vùng gân bị viêm.
  • Các cơn đau có thể âm ỉ hoặc kéo dài tùy vào tình trạng bệnh của mỗi người.
  • Cảm thấy các khớp bị cứng gây khó khăn cho việc vận động.
  • Trường hợp người bệnh viêm gân do lậu gây ra có thể xuất hiện nhiều chất dịch nhầy ở dương vật hoặc âm đạo, nổi mẩn đỏ, phát ban.
  • Một số ít trường hợp gặp phải triệu chứng sốt, nổi các nốt sần, khối u trên gân.

Bệnh viêm gân gây đau nhức cho người bệnh, tình trạng này kéo dài có thể khiến cho các vận động bị hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng công việc hàng ngày. Do đó, ngay khi thấy các dấu hiệu sưng đau, đỏ da bên ngoài phần gân thì chúng ta cần thăm khám ngay.

Chẩn đoán bệnh viêm gân

Việc chẩn đoán nguyên nhân cũng như mức độ bệnh, tình trạng tổn thương gân trên cơ thể sẽ giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị hợp lý. Một số phương pháp chẩn đoán bệnh viêm gân thường được áp dụng nhất đó là:

Khám lâm sàng:

Dựa vào những triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài mà bác sĩ sẽ hỏi các bệnh nhân các câu hỏi liên quan như:

  • Vị trí chính xác gây đau, thường có cảm giác đau dữ dội hay âm ỉ?
  • Ngoài sưng đau còn có các triệu chứng khác đi kèm như tê, ngứa ran, yếu cơ?
  • Cơn đau xuất hiện từ thời điểm nào? Bạn từng có tiền sử mắc các bệnh xương khớp, hay té ngã, tai nạn, chơi thể thao trước đó không?
  • Điều gì khiến cho các cơn đau trở nên nặng nề hơn, khi nghỉ ngơi có giúp cải thiện tình trạng bệnh.

Chẩn đoán bệnh viêm gân
Chẩn đoán bệnh viêm gân thông qua hình ảnh chụp X-Quang rõ nét, từ đó đưa ra phương pháp can thiệp phù hợp

Kiểm tra thể chất:

Việc kiểm tra thể chất có tác dụng giúp bác sĩ quan sát được những vấn đề hạn chế trong việc vận động các cơ, các khớp của bệnh nhân. Một số hoạt động mà bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện đó là:

  • Uốn cong cổ tay.
  • Đưa cánh tay lên đầu hoặc qua đầu.
  • Xoay đều cổ tay, cổ chân.
  • Đá chân lên cao, liên tục.

Xét nghiệm:

Để có kết quả chẩn đoán chính xác nhất, ngoài việc thăm khám các triệu chứng lâm sàng nói trên, bác sĩ sẽ tiến hành các chẩn đoán cận lâm sàng như:

  • Xét nghiệm máu để có thể loại trừ các nguyên nhân gây bệnh khác như viêm khớp, thấp khớp, bệnh gout.
  • Chụp X-quang vị trí nghi ngờ tổn thương gân không chỉ chẩn đoán chính xác mức độ bệnh mà còn kiểm tra và đảm bảo rằng người bệnh không bị trật khớp, đứt dây chằng, gãy xương.
  • Chụp cộng hưởng từ MRI đem lại hình ảnh rõ nét, phương pháp này thường được áp dụng trong các trường hợp viêm gân gót chân (viêm gân Achilles).

Biến chứng và tiên lượng

Hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh viêm gân đang có xu hướng tăng cao. Bệnh thường gặp ở những người cao tuổi hoặc người thường xuyên làm việc nặng, vận động nhiều các cơ. Bệnh tuy không mang tính chất nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến tính mạng con người. Nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể gây đau đớn, mệt mỏi cho người bệnh. Bệnh nhân phải đối mặt với nguy cơ đứt gân, rách gân, tàn tật.

Bệnh viêm gân nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách thì khả năng khỏi bệnh rất cao, nhanh hồi phục, đồng thời các khớp có thể vận động một cách linh hoạt, bình thường như lúc ban đầu. Do đó, cần thăm khám ngay sau khi phát hiện ra các dấu hiệu nghi ngờ bệnh, tránh trường hợp để lâu bệnh nặng mất thời gian và chi phí điều trị.

Điều trị

Bệnh viêm gân tuy không gây nguy hiểm đối sức khỏe người bệnh, các triệu chứng sưng đau khiến cho mọi hoạt động bị hạn chế. Do đó, việc điều trị bệnh diễn ra càng sớm càng tốt. Dựa vào mức độ nặng nhẹ và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp chữa trị thích hợp.

Một số biện pháp điều trị bệnh viêm gân phổ biến nhất hiện nay bao gồm:

Sử dụng thuốc:

Thuốc Tây có tác dụng làm giảm bớt các triệu chứng sưng viêm nhanh chóng, ngoài ra phương pháp này ít tốn kém, lại tiết kiệm thời gian điều trị. Một số loại thuốc chữa bệnh viêm gân thường được các bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân như:

Điều trị bệnh viêm gân
Tiêm thuốc điều trị viêm gân không chỉ đem lại hiệu quả điều trị cao mà còn ít gây ra tác dụng phụ

  • Thuốc kháng viêm dạng gel/ kem bôi: Trường hợp bệnh nhân bị viêm gân gây đau nhức, sưng to và đỏ ở các khớp. Lúc này bác sĩ sẽ xem xét và kê đơn các loại gel bôi ngoài da để giúp giảm nhanh các triệu chứng sưng đau. Thuốc ít gây ra tác dụng phụ nên thường được nhiều người lựa chọn sử dụng.
  • Thuốc kháng viêm NSAID: Đây là dạng thuốc viên nén, thuốc có tác dụng giảm sưng đau ngăn chặn tình trạng viêm ở khu vực gân, xương khớp bị tổn thương. Một số loại thuốc thuộc nhóm kháng viêm NSAID phổ biến nhất đó là Naproxen, Ibuprofen, Aspirin. Tuy nhiên, thuốc thường gây ảnh hưởng đến bộ phận dạ dày, gan, thận nên thường chỉ được sử dụng trong vòng 2 tuần.
  • Tiêm Cortisone: Loại thuốc này được chỉ định trong trường hợp bệnh nặng, nghiêm trọng nhưng không bị nhiễm trùng. Thuốc có tác dụng giảm viêm, loại bỏ các cơn đau nhức nhanh chóng. Các bác sĩ sẽ dùng thuốc Cortisone để tiêm trực tiếp vào vùng gân bị viêm. Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như teo cơ cục bộ, rách gân.

Vật lý trị liệu:

Mục đích của phương pháp vật lý trị liệu đối với bệnh viêm gân đó là vừa kết hợp giảm tình trạng viêm gân, giảm các triệu chứng đau và hồi sức mạnh cho gân, giúp gân hoạt động bình thường trở lại. Vật lý trị liệu được áp dụng trong nhiều trường hợp, có thể lúc bệnh mới khởi phát gây đau nhức. Khi bệnh đã chuyển qua giai đoạn mãn tính nhưng các triệu chứng không quá nguy hiểm, nghiêm trọng.

Một số liệu pháp nằm trong phương pháp vật lý trị liệu mà người bệnh viêm có thể áp dụng đó là xoa bóp, massage, chườm nóng, chườm lạnh, tập các động tác nhẹ nhàng tốt cho gân và phần xương khớp bị tổn thương. Người bệnh có thể tập tại các trung tâm hoặc tại nhà, tuy nhiên cần kiên trì thực hiện trong một thời gian dài thì mới đem lại hiệu quả như mong muốn.

Điều trị bệnh viêm gân
Bài tập vật lý trị liệu điều trị bệnh viêm gân vừa hiệu quả vừa đảm bảo an toàn cho người bệnh

Phẫu thuật:

Phương pháp điều trị ngoại khoa phẫu thuật ít khi được chỉ định đối với bệnh viêm gân. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bệnh quá nặng, không có biện pháp nào đáp ứng và giảm các triệu chứng bệnh thì các bác sĩ sẽ xem sét và thực hiện phẫu thuật.

Trước đây thường phẫu thuật mổ mở, nhưng hiện nay phương pháp phẫu thuật nội soi ra đời có ưu điểm ít xâm lấn, không đau, không mất nhiều máu, khả năng hồi phục rất nhanh, nhanh ra viện. Do đó, các bác sĩ sẽ ưu tiên áp dụng cách mổ này. Mục đích của mổ nôi soi là loại bỏ các mô sẹo khỏi phần gân bị tổn thương, lúc này chỉ còn lại các mô lành sẽ tiếp tục phát triển.

Hỗ trợ cải thiện triệu chứng tại nhà:

Ngoài những phương pháp khoa học điều trị bệnh viêm gân, người bệnh cũng có thể tự cải thiện các triệu chứng ngay tại nhà bằng các biện pháp cơ bản sau:

  • Chú ý dành thời gian nghỉ ngơi nhiều để hạn chế tình trạng bộc phát các triệu chứng.
  • Có thể nẹp hoặc băng tại những vị trí bị tổn thương để trong quá trình sinh hoạt ít bị ảnh hưởng, hạn chế vận động.
  • Cố gắng tập thể dục đều đặn, thường xuyên bằng các bài tập nhẹ nhàng, tránh mất sức.
  • Hạn chế làm việc hoặc làm các việc nặng quá sức để tránh làm tổn thương đến phần gân và xương khớp.
  • Kiểm soát cân nặng ở mức lý tưởng, tránh trường hợp béo phì - thừa cân.
  • Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật.
  • Kiêng các loại chất kích thích, đồ uống có cồn trong thời gian điều trị bệnh.

Phòng ngừa

Bệnh viêm gân thường gặp ở những người thường xuyên làm việc nặng, quá sức, hoạt động không đúng tư thế. Có nhiều trường hợp đang mắc bệnh, đây cũng là yếu tố khiến cho các triệu chứng tiến triển nặng nề. Do đó, chúng ta có thể phòng ngừa bệnh, tránh các dải gân bị tổn thương bằng những biện pháp đơn giản sau:

Phòng ngừa bệnh viêm gân
Cần khởi động các cơ, gân kỹ càng trước khi thực hiện công việc, tập luyện thể dục để phòng ngừa bệnh

  • Nên hạn chế vận động hoặc các động tác khiến gân bị căng thẳng quá độ trong thời gian quá lâu.
  • Nên tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe và sự dẻo dai cho gân cốt, xương khớp.
  • Lưu ý trước khi tập thể dục hoặc thực hiện các động tác như bưng bê, mang vác vật nặng, chúng ta nên khởi động kỹ các khớp để tránh nguy cơ gặp các chấn thương không mong muốn.
  • Nên cẩn thận khi thay đổi các động tác, tránh đột ngột khiến gân cốt không kịp thích nghi.
  • Khi làm việc nên thực hiện đúng các tư thế ngồi, đứng, chỉnh ghế ngồi phù hợp để tránh gây căng thẳng cho khớp và gân.
  • Thực hiện chế độ ăn uống khoa học, bổ sung chất dinh dưỡng đầy đủ, đặc biệt là các thực phẩm tốt cho gân và cơ.
  • Chúng ta có thể bổ sung thêm các loại TPCN dành riêng cho gân cốt, xương khớp, tuy nhiên cần chú ý tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tình trạng bệnh viêm gân mà tôi đang gặp có nguy hiểm không? Biến chứng mà tôi có thể gặp phải là gì?

2. Khi bị viêm gân liệu có thể chữa khỏi hoàn toàn được không? Thời gian điều trị thường kéo dài trong bao lâu?

3. Cho phí điều trị bệnh có cao không? Có thể cho tôi biết con số chính xác được không?

4. Hiện nay có những phương pháp điều trị bệnh viêm gân nào? Biện pháp nào là tốt nhất?

5. Làm thế nào để biết rõ tôi đang mắc bệnh viêm gân và tình trạng bệnh đang diễn ra như thế nào?

6. Liệu bệnh viêm gân có phải thực hiện phẫu thuật không? Nếu phẫu thuật có đau không, có mất nhiều máu không?

7. Sau khi phẫu thuật viêm gân mất bao lâu thì có thể ra viện.

8. Bệnh viêm gân do thiếu chất gì? Bổ sung chúng bằng cách nào?

9. Tôi nên ăn gì, kiêng gì để cải thiện tình trạng đau nhức do viêm gân gây ra?

10. Tôi đang thắc mắc liệu bệnh viêm gân có khả năng di truyền hay không?

Bệnh viêm gân tuy rất phổ biến nhưng mức độ nguy hiểm không quá nghiêm trọng. Trường hợp phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời có thể cải thiện và ngăn ngừa được các triệu chứng một cách hiệu quả. Do đó, nếu thấy dấu hiệu bất thường ở các khớp xương, gân, mọi người nên thăm khám ngay để có chẩn đoán bệnh chính xác và đưa ra biện pháp điều trị phù hợp.