Thuốc Naproxen có tác dụng gì?
Naproxen thuộc nhóm thuốc chống viêm không Steroid, được dùng để điều trị một số bệnh và chứng bệnh như viêm khớp, viêm bao hoạt dịch, đau nhức cơ bắp, đau bụng kinh, đau răng….
- Tên hoạt chất: Naproxen
- Tên biệt dược: Anaprox, Naprelan và Naprosyn.
- Phân nhóm: Nhóm thuốc chống viêm không Steroid
Những thông tin cần biết về thuốc Naproxen
Bạn đọc cần nắm thông tin về thuốc để sử dụng đúng mục đích, liều lượng.
1. Tác dụng
Naproxen là thuốc chống viêm không Steroid (NSAID), hoạt động bằng cách ngăn cản cơ thể sản sinh chất gây viêm, đau. Thuốc được chỉ định điều trị:
- Viêm khớp dạng thấp
- Viêm khớp
- Viêm gân
- Viêm bao hoạt dịch
- Chuột rút
- Đau bụng kinh
- Triệu chứng bệnh Gút
Naproxen phát huy tác dụng chậm nên chỉ thích hợp dùng điều trị một số bệnh mãn tính như viêm khớp, viêm cột sống dính khớp… Đối với trường hợp đau cấp tính, hãy tham khảo ý kiến của dược sĩ để chọn dược phẩm giảm đau khác phù hợp hơn.
2. Dạng thuốc và hàm lượng
Naproxen có rất nhiều dạng. Các dạng Naproxen thường gặp là:
+ Naproxen:
- Thuốc giải phóng nhanh: 250 mg, 375 mg, 500 mg
- Thuốc giải phóng chậm: 375 mg, 500 mg.
+ Naproxen sodium
- Thuốc giải phóng nhanh: 275 mg, 550 mg.
- Thuốc phóng thích kéo dài: 375 mg, 500 mg, 750mg.
+ Naprosyn (Naproxen)
- Thuốc giải phóng nhanh: 250 mg, 375 mg, 500 mg.
- Thuốc giải phóng chậm: 375 mg, 500 mg.
+ Anaprox (Natri Naproxen)
- Thuốc giải phóng nhanh: 375 mg, 500 mg, 750 mg..
+ Naprelan (Naproxen sodium)
- Thuốc phóng thích kéo dài: 375 mg, 500 mg, 750 mg
3. Cách sử dụng
Các dạng bào chế chính của Naproxen là thuốc viên, thuốc dạng lỏng và thuốc đặt trực tràng (hậu môn). Qui định về liều lượng và cách sử dụng của mỗi dạng không giống nhau. Người bệnh cần dùng thuốc đúng như thông tin ghi trên nhãn dán hoặc tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ:
- Đối với thuốc dạng viên: Không nhai, nghiền, nát mà uống nguyên viên.
- Đối với thuốc uống: Dùng dụng cụ đo y khoa để đo đúng liều lượng. Không dùng muỗng gia đình đo thuốc vì sẽ dễ xảy ra chệnh lệch.
- Đối với thuốc đặt trực tràng: Thuốc đặt ở hậu môn, tuyệt đối không dùng thuốc dạng này để uống. Cần làm sạch hậu môn trước khi đặt thuốc. Hạn chế tắm hay đi vệ sinh trong thời điểm này.
4. Liều dùng cụ thể
Naproxe có nhiều dạng nên cách sử dụng, liều dùng của từng dạng hoàn toàn không giống nhau.
# Liều dùng cho người bị viêm xương khớp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp:
+ Naproxen:
- Thuốc giải phóng nhanh: 500 – 1000 mg/ 2 lần/ ngày. Liều dùng tối đa không quá 1500 mg/ ngày.
- Thuốc phóng thích chậm: 375 – 500 mg/ 2 lần/ ngày. Liều dùng tối đa không vượt quá 1,500 mg/ ngày.
+ Naproxen sodium
- Thuốc giải phóng nhanh: 275 – 550 mg/ 2 lần/ ngày. Liều dùng tối đa không được quá 1650 mg/ ngày.
- Thuốc phóng thích kéo dài: 750 – 1,000 mg/ lần/ ngày. Liều dùng tối đa không được quá 1500 mg.
# Liều dùng cho đối tượng viêm khớp vị thành niên (2 – 17 tuổi)
- Thuốc đường uống là phổ biến. Bệnh nhân uống 5 mg/ kg/, uống 2 lần/ ngày. Liều dùng tối đa không quá 1000mg/ ngày.
# Liều dùng cho đối tượng viêm gân, viêm bao hoạt dịch, đau bụng kinh:
+ Naproxen:
- Thuốc giải phóng nhanh: Liều ban đầu 500mg. Sau 6 – 8 giờ, uống 250 mg. Liều dùng tối đa là 1.250 mg/ ngày.
- Thuốc giải phóng chậm: Liều dùng ban đầu là 1000 mg/ ngày/ lần. Có thể tăng liều lên 1500 mg mỗi ngày nếu như bệnh nhân đau đớn dữ dội.
+ Naproxen sodium:
- Thuốc giải phóng nhanh: Liều ban đầu là 550 mg. Liều tiếp theo uống 275 mg (nếu cách liều đầu 6 – 8 giờ) hoặc 550mg (nếu cách liều đầu 12 giờ). Không dùng quá 1375 mg/ ngày.
# Liều dùng cho bệnh Gút và viêm
+ Naproxen:
- Thuốc giải phóng nhanh: Liều khởi đầu là 750 mg. Sau 8 giờ, liều dùng giảm xuống còn 250 mg.
- Thuốc giải phóng chậm: Liều khởi đầu là 1.000 – 1.500 mg. Sau đó giảm xuống 1000 mg cho những lần tiếp theo.
+ Naproxen sodium:
- Thuốc tác dụng nhanh: Liều dùng ban đầu là 825mg. Sau 6 -8 giờ, liều dùng giảm còn 275 mg.
Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp cho người đọc thông tin về thuốc Naproxen chính xác và đầy đủ nhất. Tuy nhiên, tùy vào tình trạng sức khỏe, mức độ bệnh mà liều dùng cụ thể cho mỗi đối tượng không giống nhau. Thông tin này không thể thay thế cho tư vấn của bác sĩ. Vì thế, hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia để được tư vấn liều lượng phù hợp.
5. Chống chỉ định
Không dùng thuốc Naproxen cho các trường hợp sau:
- Người có tiền sử mẫn cảm với Naproxen và các loại thuốc chống viêm không Streroid khác, tiền sử viêm mũi dị ứng, nổi mề đay khi dùng aspirin, dị ứng aspirin, hen suyễn
- Người bị bệnh tim, cao huyết áp, đột quỵ, máu đông…
- Người bị suy gan nặng.
- Người bị viêm loét dạ dày tá tràng.
- Người bị viêm trực tràng
- Trẻ em dưới 2 tuổi
- Phụ nữ đang cho con bú
6. Bảo quản thuốc
Bảo quản thuốc Naproxen ở phòng có nhiệt độ vừa phải, tránh ánh sáng trực tiếp. Không để trong nhà tắm, ngăn đá tủ lạnh. Khi thuốc có dấu hiệu ẩm mốc, tuyệt đối không sử dụng.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Naproxen
Để dùng thuốc an toàn và hiệu quả, cần nắm rõ những thông tin sau:
1. Khuyến cáo khi dùng Naproxen
Naproxen là thuốc giảm đau được dùng phổ biến, rộng rãi. Mới đây, Hiệp hội FDA đã đưa ra một số khuyến cáo khi dùng Naproxen như sau:
- Naproxen có thể gây tăng huyết áp: Dùng Naproxen tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp hoặc khiến cho bệnh càng trở nên nghiêm trọng hơn. Cần theo dõi huyết áp cẩn thận trước khi dùng thuốc.
- Naproxen giữ nước gây phù nề: Trong công thức của thuốc có thêm muối nên có thể khiến cơ thể bị tích nước, phù nề.
- Naproxen tăng nguy cơ hen suyễn: Naproxen hoặc các loại thuốc kháng viêm giảm đau khác dễ kích hoạt bệnh hen suyễn, cần đặc biệt lưu ý.
- Naproxen gây một số phản ứng dị ứng: Bệnh nhân có thể xuất hiện một số phản ứng dị ứng nghiêm trọng trên cơ thể, bao gồm: sưng cổ họng hoặc lưỡi, khó thở, phát ban… Trong trường hợp này, bệnh nhân nên tìm đến sự trợ giúp của người có chuyên môn, đồng thời không dùng thuốc trên trị bệnh.
- Naproxen có thể gây xuất huyết tiêu hóa: Naproxen có tác dụng không mong muốn lên đường tiêu hóa nên trong quá trình trị, cần theo dõi những bất thường tại hệ cơ quan này, đặc biệt là những bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu.
- Naproxen tăng nguy cơ mắc bệnh tim: Dùng Naproxen liều cao hoặc kéo dài làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Không dùng thuốc trước hoặc sau khi phẫu thuật tim để tránh nguy cơ bị đột quỵ.
Cảnh báo cho những nhóm đối tượng nhất định:
- Người có vấn đề về dạ dày: Naproxen có thể khiến cho tình trạng viêm loét dạ dày trở nên nghiêm trọng hơn nếu bạn có tiền sử viêm loét dạ dày, chảy máu ruột non.
- Người bị bệnh thận: Dùng thuốc Naproxen trong thời gian dài có thể gây ảnh hưởng đến chức năng đào thải chất độc tố ra khỏi cơ thể.
- Phụ nữ đang mang thai: Hiện nay, chưa có đủ cơ sở để kết luận ảnh hưởng của Naproxen đến thai nhi. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu trên động vật đã cho thấy tác hại của thuốc với bào thai. Vì thế, phụ nữ mang thai cần đặc biệt cẩn thận, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi dùng. Tránh dùng Naproxen trong 3 tháng cuối của thai kì vì thuốc có thể gây chảy máu kéo dài cho mẹ khi chuyển dạ.
- Phụ nữ đang cho con bú: Naproxen đi vào sữa mẹ gây ảnh hưởng đến em bé. Phụ nữ mang thai và đang cho con bú cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
- Người lớn tuổi: Đối với người trên 65 tuổi, cơ thể sẽ xử lý thuốc chậm hơn, thuốc tích tụ lâu, gây hại cho cơ thể.
- Trẻ em: Không dùng Naproxen cho trẻ dưới 2 tuổi.
2. Tác dụng phụ của thuốc Naproxen
Một số tác dụng phụ có thể gặp phải trong quá trình dùng thuốc là:
Tác dụng phụ phổ biến
- Đau bụng
- Táo bón
- Ợ nóng
- Buồn nôn và nôn
- Chóng mặt
- Buồn ngủ
Thông thường, các triệu chứng trên có thể biến mất trong vài ngày dùng thuốc. Nếu như nhận thấy các biểu hiện trên xuất hiện thường xuyên, nghiêm trọng, cần liên hệ với bác sĩ để tìm hướng giải quyết.
Tác dụng phụ nghiêm trọng
Ngừng sử dụng thuốc, liên hệ ngay với bác sĩ hoặc đến ngay cơ sở y tế nếu như xuất hiện những triệu chứng sau:
- Đau ngực
- Khó thở kể cả khi gắng sức thở
- Tăng huyết áp
- Chảy máu dạ dày hoặc loét dạ dày: Đi ngoài ra máu, phân có lẫn máu, người mệt mỏi, choáng váng, sụt cân bất thường…
- Vấn đề về gan: buồn nôn, đau bụng, ngứa ngáy, mệt mỏi, chán ăn, nước tiểu đậm, phân có màu vàng hay đất sét…
- Thiếu máu: da nhợt nhạt, tim đập nhanh, nhẹ đầu, khó thở, mất tập trung…
- Phản ứng trên da: da phát ban đỏ, tím lan rộng trên mặt và toàn thân sau đó phồng rộp, bong tróc…
- Vấn đề về thận: Tiểu ít, đau khi đi tiểu, sưng bàn chân, sưng mắt cá chân và bàn chân, mệt mỏi, khó thở,…
3. Các loại thuốc tương tác với Naproxen
Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc tăng ảnh hưởng của tác dụng phụ. Hãy hỏi ngay bác sĩ nếu như bạn đang dùng Naproxe song song với những loại thuốc sau:
- Thuốc chống trầm cảm: Citalopram, fluoxetine, fluvoxamine, paroxetine…
- Thuốc huyết áp: thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE), thuốc chẹn thụ thể angiotensin, thuốc chẹn beta, như propranolol, thuốc lợi tiểu.
- Thuốc kháng axit dạ dày: Nhôm hydroxit, oxit magie, sucralfate
- Thuốc chống viêm không Steroid (NSAID): etodolac, ibuprofen, aspirin, diclofenac, ketoprofen, flurbiprofen, ketorolac…
- Cholestyramine
- Methotrexate
- Warfarin (thuốc làm loãng máu).
4. Cách xử lý khi dùng thiếu hoặc quá liều
Nếu bỏ lỡ một liều không nguy hiểm nhưng thuốc có thể không phát huy tác dụng trị bệnh như mong đợi. Nên uống liều bị bỏ lỡ ngay khi có thể. Tuy nhiên, nếu khoảng cách giữa liều bỏ lỡ và liều tiếp theo quá gần nhau thì hãy bỏ qua và dùng thuốc đúng như thời gian qui định.
Trường hợp uống quá liều, bệnh nhân có thể đối mặt với với các triệu chứng như người mệt mỏi, đau bụng, nhức mỏi, ợ nóng, ói mửa…Trong một số ít trường hợp, quá liều có thể gây khó thở, hôn mê, huyết áp cao, suy thận… Lúc này, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để có hướng giải quyết.
Bài viết vừa cung cấp thông tin cơ bản nhất về thuốc Naproxe. Thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không đưa ra bất kì lời khuyên nào thay thể chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.
Có thể bạn quan tâm
- Thuốc Nasrix điều trị bệnh cholesterol trong máu
- Thuốc Panamax 500 mg: Tác dụng phụ, liều dùng và cách sử dụng
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!