Bệnh Gút (Gout)
Bệnh gút (Gout) phổ biến ở nam giới từ 40 - 60 tuổi. Cơ chế bệnh sinh có mối liên hệ mật thiết với tăng axit uric máu kéo dài, dẫn đến lắng đọng tinh thể monosodium urat ở sụn, bao gân và mô mềm xung quanh khớp. Triệu chứng của bệnh vô cùng điển hình nên có thể phát hiện và điều trị sớm.
Tổng quan
Bệnh gút (Gout) là dạng một viêm khớp đặc biệt, xảy ra do rối loạn chuyển hóa axit uric. Axit uric là sản phẩm chuyển hóa từ các loại thức ăn và giữ một số vai trò quan trọng. Tuy nhiên, tăng axit uric máu trong thời gian dài sẽ gây lắng đọng tinh thể monosodium urat ở xung quanh khớp khiến cho khớp sưng viêm và đau nhức.
Khác với các dạng viêm khớp khác, cơn đau do gout có tính chất rất dữ dội - đặc biệt là trong giai đoạn cấp tính. Gút có thể ảnh hưởng đến một hoặc nhiều khớp, thường gặp nhất ở khớp ngón chân cái. Tinh thể monosodium urat không chỉ lắng đọng ở khớp mà còn xuất hiện ở nhu mô thận, da, tim và các cơ quan khác gây ra rất vô số biến chứng.
Thống kê cho thấy, bệnh gút gặp chủ yếu ở nam giới từ 40 - 60 tuổi. Phụ nữ sau giai đoạn mãn kinh cũng có nguy cơ mắc bệnh nhưng tỷ lệ tương đối thấp. Hiện nay, điều trị gout còn nhiều hạn chế do bệnh nhân có tâm lý chủ quan và chưa thật sự hiểu biết đầy đủ về bệnh.
Phân loại bệnh
Gout cũng được chia thành nhiều loại giống như các bệnh xương khớp khác. Bệnh lý này bao gồm 2 dạng sau:
Bệnh gout nguyên phát:
Bệnh gout nguyên phát thường có liên quan đến yếu tố bẩm sinh, di truyền và nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân. Các trường hợp này có hiện tượng giảm đào thải axit uric ở thận nhưng không có tổn thương thực thể.
Bệnh gout nguyên phát thường gặp ở nam giới trung niên có tiền sử gia đình bị gút và mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa có liên quan.
Bệnh gout thứ phát:
Bệnh gout thứ phát là tình trạng rối loạn chuyển hóa axit uric có nguyên nhân cụ thể, thường là do suy thận hoặc suy tim. Ngoài ra, dùng thuốc chống lao, thuốc điều trị ung thư, thuốc lợi tiểu… lâu ngày cũng có thể là nguyên nhân làm tăng axit uric và lắng đọng tinh thể monosodium urat ở khớp, tổ chức mô mềm xung quanh, bao gân, thận, tim.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Bệnh gout có mối liên hệ mật thiết với tình trạng tăng axit uric máu. Tuy nhiên, chỉ khoảng 5 - 20% trường hợp axit uric máu mắc căn bệnh này. Vì vậy, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh gút chưa được biết rõ. Nhưng có thể khẳng định, nồng độ axit uric trong máu tỷ lệ thuận nguy cơ mắc bệnh gút.
Tăng axit uric máu có thể xảy ra do 1 trong 3 vấn đề sau:
- Giảm đào thải axit uric qua thận
- Tăng sản xuất axit uric
- Tăng dung nạp purin qua thức ăn (purin là tiền chất của axit uric)
Những yếu tố gây ra 3 vấn đề trên đều được xem là nguyên nhân gây ra bệnh gout. Trong đó phổ biến nhất là những nguyên nhân sau:
Di truyền:
Gout là một trong những bệnh viêm khớp có khả năng di truyền. Con cái có thể thừa hưởng các gen mang bệnh từ cha mẹ. Các gen này chịu trách nhiệm vận chuyển urat (dạng ion hóa của axit uric) dẫn đến việc giảm đào thải axit uric qua thận, từ đó gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
Các chuyên gia đã xác định được SLC2A9 và ABCG2 là những gen có liên quan đến cơ chế bệnh sinh của gút.
Tác dụng phụ của thuốc:
Dùng thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị ung thư,... sẽ làm gián đoạn quá trình đào thải axit uric qua thận. Kết quả là nồng độ axit uric máu gia tăng làm lắng đọng tinh thể monosodium urat ở bao gân, khớp và mô mềm xung quanh.
Các vấn đề ở thận:
Người bị suy thận, hội chứng thận hư sẽ có nguy cơ mắc bệnh gút cao hơn bình thường. Các vấn đề ở thận sẽ khiến cho cơ quan này suy giảm chức năng đào thải, kết quả là giảm axit uric bài tiết gây tăng axit uric máu và gia tăng nguy cơ mắc bệnh gout.
Do chế độ ăn uống:
Axit uric là sản phẩm chuyển hóa từ purin có nhiều trong các loại thực phẩm như nội tạng, thịt đỏ, cá, nấm, các loại hải sản… Chế độ ăn quá nhiều đạm, ít chất xơ sẽ làm tăng axit uric trong máu. Đây cũng là lý do người bị bệnh gout cần phải kiểm soát tốt chế độ dinh dưỡng.
Lạm dụng rượu:
Rượu làm tăng hình thành axit lactic và axit uric ở gan, đồng thời gây cản trở bài tiết axit uric qua thận. Với cơ chế này, lạm dụng rượu sẽ khiến cho nồng độ axit uric tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi làm lắng đọng tinh thể monosodium urat ở khớp khiến cho khớp sưng đỏ, đau nhức.
Ngộ độc chì, thuốc:
Ngộ độc thuốc, chì, thủy ngân đều làm giảm khả năng đào thải của thận. Do đó, axit uric sẽ không được bài tiết hoàn toàn ra bên ngoài gây ứ trệ urat và tăng nguy cơ bị gút.
Các bệnh lý huyết học:
Các bệnh lý huyết học như thiếu máu tan huyết, u lympho,... sẽ khiến cho cơ thể tăng sản xuất axit uric gây ứ trệ urat. Tinh thể monosodium urat sẽ có cơ hội lắng đọng ở bao gân và mô mềm xung quanh khớp.
Các nguyên nhân khác:
Bệnh gout cũng có thể xảy ra do những nguyên nhân khác như bất thường về enzyme, tăng hoạt tính men tổng hợp phosphoribosyl pyrophosphate synthetase, thiếu hypoxanthin-guanin phosphoribosyltransferase…
Các nguyên nhân kể trên sẽ khiến cho nồng độ axit uric trong máu tăng cao. Urat kết tủa thành các tinh thể monosodium urat có dạng hình kim. Đặc điểm của tinh thể monosodium urat là thường lắng đọng ở các mô không có mạch máu như túi thanh dịch, bao gân, gân dây chằng và sụn khớp.
Tăng axit uric máu kéo dài không chỉ gây ra bệnh gout mà còn khiến tinh thể monosodium urat lắng đọng vào các cơ quan khác như thận, da, tim gây ra rất nhiều vấn đề sức khỏe. Vì vậy, điều trị bệnh gout cần được thực hiện nghiêm ngặt, đúng theo chỉ dẫn để phòng ngừa biến chứng.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng của bệnh gout thường sẽ bị kích hoạt sau khi uống rượu bia, chấn thương cơ học, nhiễm lạnh, sau phẫu thuật hoặc sau khi dung nạp một lượng lớn axit uric. Ngoài ra, căng thẳng thần kinh cũng có thể khiến cơn đau bùng phát.
Triệu chứng có sự khác biệt ở từng giai đoạn (cấp tính và mãn tính).
Triệu chứng trong giai đoạn bệnh gout cấp tính:
- Cơn đau do gút cấp thường xảy ra ở nữ giới sau mãn kinh và nam giới từ 40 - 60 tuổi.
- Khoảng 80 - 90% trường hợp sẽ xuất hiện cơn đau ở khớp ngón chân cái, sau đó cơn đau xảy ra ở những khớp khác như cổ tay, khuỷu tay, ngón tay, cổ chân, mu bàn chân.
- Cơn đau có tính chất dữ đội, xuất hiện đột ngột vào ban đêm. Đau trong vài giờ và có thể thuyên giảm sau vài ngày.
- Về sau, gút sẽ ảnh hưởng đến nhiều khớp và thời gian đau lâu hơn (trên 3 tuần nếu không được điều trị).
- Ở vị trí khớp bị gút sẽ có hiện tượng sưng đỏ, đau, sờ vào có cảm giác nóng và cử động hạn chế.
- Ngoài triệu chứng cơ năng và triệu chứng tại chỗ, bệnh nhân còn gặp phải các triệu chứng toàn thân như sốt cao, ớn lạnh, mệt mỏi, ăn uống kém.
- Ở một số trường hợp, bệnh nhân sẽ có các dấu hiệu cảnh báo trước khi cơn gút đầu tiên khởi phát như cứng khớp, viêm nhẹ, tê, ngứa, nóng ran.
- Các biểu hiện trên là triệu chứng điển hình của gút cấp. Tuy nhiên cũng có những trường hợp không điển hình với tính chất viêm không quá dữ dội, đau nhẹ, cơn đau có thể khởi phát vào ban ngày thay vì ban đêm.
Sau khi cơn gút cấp đầu tiên kết thúc, đợt cấp thứ 2 có thể xuất hiện sau vài tháng và thậm chí là vài năm. Trong khoảng thời gian này gần như không có triệu chứng nhưng tinh thể monosodium urat vẫn tiếp tục quá trình lắng đọng. Vì vậy, đợt cấp thứ 2 thường có thời gian lâu hơn và tổn thương xảy ra ở cùng lúc nhiều khớp.
Các triệu chứng trong giai đoạn bệnh gút mạn tính:
- Trong giai đoạn mãn tính, cơn đau do gút có tính chất nhẹ hơn, không dữ dội như giai đoạn cấp.
- Tuy nhiên, ngoài cơn đau, khớp có dấu hiệu biến dạng, dính khớp do sự lắng đọng của tinh thể monosodium urat gây hình thành hạt tophi.
- Hạt tophi còn xuất hiện ở thận và tim gây sỏi thận, suy thận, cao huyết áp,...
- Đặc điểm của hạt tophi là có màu trắng hoặc vàng, kích thước đa dạng, có thể xuất hiện đơn độc hoặc mọc thành từng cụm.
- Hạt tophi không gây hại nhưng sẽ chèn ép làm phá hủy cấu trúc khớp. Kích thước hạt tophi lớn còn gây rách da, gia tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Chẩn đoán bệnh gout:
Cơn gút cấp đầu tiên có triệu chứng vô cùng rõ rệt, đặc trưng. Ngay khi nhận thấy cơn đau, nên thăm khám sớm để được chẩn đoán và can thiệp điều trị kịp thời. Tương tự như các dạng viêm khớp khác, bác sĩ sẽ khám lâm sàng, hỏi triệu chứng, tiền sử bệnh lý, lịch sử dùng thuốc…
Để đưa ra chẩn đoán chính xác, các xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm axit uric máu, xét nghiệm dịch khớp, xét nghiệm chức năng gan, thận, đường huyết, mỡ máu, siêu âm khớp, siêu âm thận, chụp X-quang sẽ được thực hiện.
Các xét nghiệm này cho thấy nồng độ axit uric tăng cao và tìm thấy tinh thể monosodium urat trong dịch khớp. Trường hợp nặng sẽ xuất hiện hạt tophi quanh khớp và những cơ quan khác.
ĐỌC NGAY: Phân biệt bệnh Gout cấp và mạn tính để chữa đúng cách
Biến chứng và tiên lượng
Gout là bệnh viêm khớp mãn tính, tiến triển dai dẳng suốt đời. Do đó, điều trị phải được thực hiện lâu dài để có thể quản lý bệnh thành công. Hầu hết bệnh nhân đều phải dùng thuốc lâu dài để duy trì nồng độ axit uric máu ổn định.
Nếu tích cực điều trị kết hợp với chăm sóc đúng cách, bệnh gout sẽ được kiểm soát, ít xuất hiện cơn đau, hạn chế hình thành hạt tophi gây phá hủy khớp. Ngược lại, gout không được điều trị sẽ gây đau dữ dội và dai dẳng.
Axit uric máu tăng đồng nghĩa với việc tinh thể monosodium urat sẽ lắng đọng nhiều ở gân, bao gân, sụn, mô mềm xung quanh khớp. Sau đó sẽ xuất hiện hạt tophi gây dính khớp, biến dạng khớp, thoái hóa khớp thứ phát. Tinh thể monosodium urat có thể kết tinh gây sỏi đường tiết niệu, suy thận, cao huyết áp và nhiều biến chứng khác.
Trường hợp không được điều trị, tần suất của các cơn gút sẽ gia tăng và thời gian đau sẽ tăng dần. Gút là bệnh rối loạn chuyển hóa nên sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa khác như rối loạn lipid máu, tiểu đường, gan nhiễm mỡ…
Tiên lượng của bệnh gút phụ thuộc vào thời điểm khởi phát. Tuổi khởi phát càng muộn thì tiên lượng càng tốt. Tuy nhiên, nhìn chung nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh nhân có thể duy trì chất lượng cuộc sống, kiểm soát cơn đau và cải thiện chức năng khớp.
Đa phần những trường hợp không đáp ứng tốt với điều trị thường do không tuân thủ chỉ định, nghiện rượu, hút thuốc lá, thừa cân - béo phì. Vì vậy, để quản lý bệnh thành công, rất cần sự nỗ lực và kiên trì của người bệnh.
Điều trị
Điều trị bệnh gout được thực hiện theo nguyên tắc kiểm soát sớm và nhanh các đợt gút cấp. Sau đó, phòng ngừa các cơn bộc phát bằng cách kiểm soát nồng độ axit uric máu thông qua lối sống và sử dụng thuốc.
Tùy vào giai đoạn bệnh và khả năng đáp ứng, bác sĩ sẽ có phương án điều trị phù hợp:
Sử dụng thuốc
Cơn gút cấp có tính chất dữ dội, đau nhiều gây mệt mỏi, suy nhược thể trạng. Do đó, điều trị gút cấp cần được thực hiện sớm, nhanh, mạnh. Sau đó, phải dùng thuốc duy trì để tránh tái phát.
Điều trị bệnh gout sẽ bao gồm các loại thuốc sau:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID được chỉ định với liều cao trong 2 - 3 ngày đầu để kiểm soát nhanh cơn đau. Do nhóm thuốc này có thể gây loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa và gia tăng biến cố trên tim mạch nên chỉ được dùng cho bệnh nhân không có bệnh nền.
- Colchicin: Colchicin là loại thuốc điều trị gút thông dụng và gần như là lựa chọn ưu tiên để kiểm soát cơn gút cấp. Loại thuốc này được dùng ngay sau khi triệu chứng khởi phát để đạt hiệu quả tốt. Colchicin có thể giảm cơn đau sau 12 - 24 giờ và viêm khớp do gút cấp có thể chấm dứt sau 3 - 7 ngày.
- Thuốc chống viêm corticosteroid: Corticosteroid có tác dụng chống viêm và giảm đau mạnh. Thuốc được sử dụng khi bệnh nhân chống chỉ định với thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Corticosteroid có thể được dùng ở đường uống, tiêm vào khớp, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch.
- Thuốc hạ axit uric máu: Bên cạnh các loại thuốc triệu chứng, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc hạ axit uric máu lâu dài để phòng ngừa các cơn bộc phát. Hiện có 3 nhóm thuốc được sử dụng là nhóm ức chế tổng hợp axit uric (Allopurinol), nhóm thuốc tăng thải axit uric qua nước tiểu (Probenecid) và thuốc làm tiêu axit uric (Uricozym).
Các loại thuốc hạ axit uric máu phải được dùng lâu dài để kiểm soát tiến triển của bệnh. Khi cơn gút cấp qua đi, cần dùng Colchicin ở liều thấp để phòng ngừa cơn gút cấp tái phát.
Thay đổi lối sống
Ngoài sử dụng thuốc, bệnh nhân gout cần phải điều chỉnh lối sống để quản lý bệnh thành công. Mục đích của việc thay đổi lối sống là giảm dung nạp purin và đảm bảo chức năng gan - thận để duy trì axit uric máu ở mức ổn định.
Lối sống giúp bệnh nhân gút quản lý bệnh thành công:
- Trong giai đoạn viêm cấp, tốt nhất nên hạn chế vận động và dành thời gian nghỉ ngơi, tránh tác động lên khớp.
- Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp tăng cường chức năng thận, hạn chế ứ trệ urat bên trong. Ngoài ra, vận động đều đặn còn giúp cải thiện cân nặng, tránh tình trạng thừa cân - béo phì.
- Hạn chế lao động nặng nhọc, tránh chấn thương cơ học.
- Sinh hoạt điều độ, hạn chế thức khuya và căng thẳng thần kinh.
- Giảm tiêu thụ các loại thực phẩm chứa hàm lượng purin cao như hải sản, thịt đỏ, nội tạng, các loại đậu.
- Kiêng tuyệt đối rượu bia, hạn chế cà phê, trà.
- Cai thuốc lá.
- Uống nhiều nước, tăng cường bổ sung rau xanh, củ, trái cây.
- Không tự ý dùng thuốc, kể cả thuốc không kê toa.
ĐỌC NGAY: Bỏ túi 15 cách chữa bệnh gút tại nhà đơn giản, hiệu quả
Điều trị các bệnh đi kèm
Bệnh gút thường đi kèm với nhiều vấn đề sức khỏe như sỏi thận, suy thận, gan nhiễm mỡ, các bệnh lý tim mạch… Do đó, ngoài điều trị gout, cần tích cực điều trị các bệnh lý đi kèm để đảm bảo quá trình tổng hợp và bài tiết axit uric diễn ra thuận lợi.
Các phương pháp khác
Hiện tại, dùng thuốc và điều chỉnh lối sống vẫn là phương pháp chính trong điều trị bệnh gout. Dù vậy, ở một số trường hợp, bệnh nhân có thể được chỉ định thêm một số phương pháp khác:
- Phẫu thuật cắt bỏ hạt tophi
- Phẫu thuật loại bỏ sỏi tiết niệu
- Sử dụng các loại thuốc chống thoái hóa khớp như Diacerein, Glucosamin…
- Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng
Phòng ngừa
Nhiều trường hợp bị gút không rõ nguyên nhân nên việc phòng ngừa hoàn toàn gần như là không thể. Dù vậy, vẫn có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh bằng các biện pháp sau:
- Kiểm soát cân nặng, tránh bị thừa cân - béo phì.
- Tập thể dục đều đặn để duy trì cân nặng, đảm bảo chức năng thanh lọc, bài tiết của gan và thận.
- Khám tổng quát ít nhất 1 lần/ năm để theo dõi chỉ số huyết áp, đường huyết, lipid máu và axit uric máu. Nếu phát hiện tăng axit uric máu, có thể can thiệp sớm nhằm ngăn chặn bệnh gút.
- Xây dựng chế độ ăn hợp lý, tăng cường rau xanh, uống đủ nước, hạn chế thức ăn chứa nhiều purin, giảm lượng gia vị dung nạp hằng ngày.
- Ngủ nghỉ đúng giờ, tránh căng thẳng và làm việc quá sức.
- Thiết lập những thói quen tốt như tập thể dục thường xuyên, hạn chế rượu bia, thuốc lá…
- Điều trị tích cực các bệnh lý liên quan đến gan, thận và các bệnh rối loạn chuyển hóa khác.
- Không lạm dụng thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị ung thư, thuốc chống lao… Nếu phải dùng thuốc dài hạn, cần tái khám để theo dõi nồng độ axit uric máu, kiểm tra chức năng gan - thận định kỳ.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Bệnh gout có nguy hiểm không? Có ảnh hưởng gì?
2. Bị bệnh gút có chữa khỏi không?
3. Bệnh gout nên ăn gì, kiêng gì để cải thiện?
4. Bệnh gút có di truyền không?
5. Bị bệnh gout nên tập môn gì tốt nhất?
6. Chế độ dinh dưỡng cụ thể giúp kiểm soát bệnh gout
7. Bị bệnh gout có phải mổ?
Bệnh gout (gút) là một dạng viêm khớp đặc biệt liên quan đến rối loạn chuyển hóa axit uric. Ngoài cơn đau dữ dội, gút có thể gây biến dạng, hư khớp dẫn đến tàn phế. Không chỉ gây tổn thương tại khớp, gút còn kéo theo nhiều vấn đề về tim, thận, nội tiết nên cần được điều trị tích cực.
Tham khảo thêm:
- Hướng Dẫn Cách Ngâm Chân Chữa Gút Vô Cùng Đơn Giản
- Bệnh Gút Có Ăn Được Hải Sản Không? (Tôm, Cua, Mực, Hàu ...)