Bệnh Tràn Khí Màng Phổi

Bệnh tràn khí màng phổi là tình trạng thể tích phổi giảm do không khí tràn ra bên ngoài màng phổi. Nếu không điều trị kịp thời, lượng khí tăng dần khiến cho phổi bị xẹp một phần hoặc hoàn toàn gây suy hô hấp và ngừng tim. Bệnh có tính chất tự phát, xuất hiện đột ngột và nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân. 

Tổng quan

Bệnh tràn khí màng phổi (Pneumothorax) là tình trạng khí xuất hiện trong khoang màng phổi gây xẹp một phần hoặc toàn bộ phổi. Thông thường, màng phổi sẽ chứa một lượng dịch vừa đủ để đảm bảo phổi có thể di động khi hô hấp. Không khí sau khi hít vào sẽ đưa vào phế nang để cung cấp oxy cho cơ thể.

Tuy nhiên do một số tác động, phổi bị xẹp một phần khiến khí tràn ra khỏi màng phổi. Khi lượng khí ở khoang màng phổi gia tăng, phổi có thể bị xẹp hoàn toàn gây cản trở quá trình hô hấp.

tràn khí màng phổi
Bệnh tràn khí màng phổi xảy ra khi không khí trong phổi bị tràn ra bên ngoài khoang màng phổi

Tràn khí màng phổi thường xuất hiện đột ngột và không rõ nguyên nhân. Một số trường hợp có thể khởi phát sau chấn thương hoặc biến chứng của các thủ thuật y tế. Tương tự như tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi cũng được chọc dò, dẫn lưu khí trong khoang phổi ra bên ngoài.

Thống kê cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh dao động khoảng 1/215.000 - 1/67.000. Đối tượng thường gặp là nam giới ở độ tuổi thiếu niên và tuổi 20 có đặc điểm cao, gầy và có thói quen hút thuốc. Tình trạng này cần được cấp cứu kịp thời để tránh suy hô hấp do xẹp phổi. Nếu được can thiệp sớm và đúng cách, tràn khí màng phổi có thể thuyên giảm nhanh và không để lại biến chứng.

Phân loại bệnh

Tràn khí màng phổi được chia thành 2 loại là tự phát nguyên phát và tự phát thứ phát. Cách phân loại này được xác định dựa vào nguyên nhân gây bệnh.

Nguyên nhân tràn khí màng phổi
Dựa vào căn nguyên, bệnh tràn khí màng phổi được chia thành 2 loại là nguyên phát và thứ phát

Tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát

Tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát thường không rõ nguyên nhân. Tuổi thường gặp là thiếu niên và trẻ tuổi, đặc biệt là nam giới cao, gầy và có thói quen hút thuốc. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp không hút thuốc nhưng vẫn có nguy cơ bị tràn khí màng phổi.

Các chuyên gia cho rằng, thuốc lá và yếu tố di truyền có thể gây ra sự vỡ tự phát của các bóng khí, kén khí dưới màng phổi dẫn đến tình trạng tràn khí ra ngoài màng phổi. Tình trạng khởi phát đột ngột, đặc biệt là khi đang đi máy bay, lặn dưới biển hoặc khi đang nghỉ ngơi.

Tràn khí màng phổi tự phát thứ phát

Tràn khí màng phổi tự phát thứ phát có thể xác định được nguyên nhân. Thường là thứ phát sau các bệnh phổi như hen phế quản, giãn phế nang… Ngoài ra, bệnh cũng có thể tự phát do ung thư phế quản di căn màng phổi, ảnh hưởng của bệnh tự miễn, chấn thương và tác dụng phụ sau khi thực hiện các thủ thuật y tế (thông khí nhân tạo, hồi sức tim phổi, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, chọc dịch màng phổi…).

Ngoài 2 loại trên, tràn khí màng phổi còn có 1 loại ít gặp hơn là tràn khí màng phổi liên quan đến kinh nguyệt. Tình trạng này tự phát trong vòng 48 giờ kể từ khi có kinh nguyệt. Dạng tràn khí màng phổi này gặp chủ yếu ở phụ nữ đang trong giai đoạn tiền mãn kinh và phụ nữ đã mãn kinh đang sử dụng liệu pháp estrogen.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Như đã đề cập, bệnh tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát đa phần đều không rõ nguyên nhân. Chỉ có các trường hợp tự phát thứ phát mới có thể xác định được nguyên nhân cụ thể. Tương tự như tràn dịch màng phổi, nguyên nhân gây tràn khí màng phổi vô cùng đa dạng.

Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng tràn khí ra ngoài khoang màng phổi:

  • Các bệnh về phổi: Tràn khí màng phổi thường thứ phát sau các bệnh về phổi như bệnh lao phổi, viêm phổi hoại tử, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh phổi do nhiễm nấm Pneumocystis jiroveci… Ít phổ biến hơn là ung thư phổi, xơ phổi vô văn và bệnh phổi đột lỗ.
  • Các bệnh tự miễn: Không chỉ thứ phát sau các bệnh về phổi, tràn khí màng phổi còn có liên quan đến các bệnh tự miễn như viêm cột sống dính khớp, xơ cứng bì hệ thống, viêm khớp dạng thấp, viêm da cơ, hội chứng Marfan, hội chứng Ehlers-Danlos.
  • Chấn thương: Tràn khí màng phổi có thể xảy ra sau khi chấn thương vùng ngực. Chấn thương có thể do té ngã, tai nạn dẫn đến va đập hoặc tổn thương sau phẫu thuật.
  • Do các thủ thuật y tế: Một số thủ thuật y tế có thể tác động đến màng phổi dẫn đến hiện tượng tràn khí hoặc tràn dịch ra bên ngoài. Bệnh tràn khí màng phổi có thể khởi phát sau khi thực hiện các thủ thuật như chọc dịch màng phổi, thông khí nhân tạo, hồi sức tim phổi, sinh thiết phổi, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm…
  • Các nguyên nhân khác: Lạc nội mạc tử cung phát triển vào khoang ngực, ung thư di căn… là những nguyên nhân ít gặp gây bệnh tràn khí màng phổi.

Triệu chứng và chẩn đoán

Trong nhiều trường hợp, bệnh tràn khí màng phổi không gây ra bất cứ biểu hiện nào. Khi lượng khí trong khoang màng phổi gia tăng và tình trạng xẹp phổi trở nên nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ xuất hiện một số triệu chứng do chức năng hô hấp bị cản trở.

Cách điều trị tràn khí màng phổi
Tràn khí màng phổi gây ra cảm giác đau nhói, khó chịu ở vùng ngực kèm theo khó thở

Các triệu chứng của bệnh tràn khí màng phổi bao gồm:

  • Đau ngực kiểu màng phổi giống như bệnh tràn dịch màng phổi. Đau nhói khi hít vào nên bệnh nhân có xu hướng hít thở nhẹ để tránh cơn đau. Vùng ngực có cảm giác đau và khó chịu mơ hồ, khó xác định được vị trí chính xác.
  • Khó thở do xẹp phổi.
  • Cơn đau có thể lan lên vai hoặc lan xuống bụng.

Các triệu chứng của bệnh tràn khí màng phổi thường không quá điển hình. Vì vậy, ngay khi có biểu hiện đau ngực và khó thở, nên thăm khám ngay. Không nên chủ quan trước những biểu hiện bất thường khiến cho bệnh tiến triển nặng dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.

Giống như các bệnh hô hấp khác, bệnh nhân sẽ được hỏi bệnh để xác định triệu chứng gặp phải. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng đặt câu hỏi để sàng lọc các yếu tố có thể gây tràn khí màng khí như lao phổi, bệnh viêm phổi, giãn phế quản, hen phế quản, chấn thương, có thực hiện thủ thuật y tế trong thời gian gần đây hay không…

tràn khí màng phổi triệu chứng
X-Quang phổi có thể phát hiện những dấu hiệu đặc trưng của bệnh tràn khí màng phổi

Sau khi hỏi bệnh, bệnh nhân cần phải thực hiện thêm một số kỹ thuật để đưa ra chẩn đoán xác định:

  • Khám ngực: Khi khám ngực, bác sĩ có thể nhận thấy một số dấu hiệu bất thường như rung thanh và rì rào phế nang giảm, gõ vang, lồng ngực kém di động… Một số bệnh nhân có thể xuất hiện tràn khí dưới da với những biểu hiện như ấn da nghe tiếng lạo xạo, cổ bạnh và mắt híp.
  • X-Quang ngực: Ngay khi phát hiện bệnh nhân đau ngực kiểu màng phổi, bác sĩ sẽ yêu cầu X-Quang ngực. Hình ảnh từ X-Quang ngực cho thấy các dấu hiệu điển hình như không có vân phổi giữa phổi, viền khí không cản quang, khí quản bị di lệch, khoang liên sườn giãn rộng…
  • Các kỹ thuật khác: Thực tế, hình ảnh X-Quang đủ để bác sĩ đưa ra chẩn đoán xác định đối với tràn dịch màng phổi. Tuy nhiên, bệnh nhân cần thực hiện thêm một số kỹ thuật như CT, soi màng phổi… để đưa ra đánh giá về mức độ xẹp phổi và xác định bệnh nguyên.

Bệnh tràn khí màng phổi có tiến triển khá chậm nên hiếm khi gây suy hô hấp đột ngột. Nếu người bệnh có biểu hiện suy hô hấp nặng, bác sĩ sẽ yêu cầu làm thêm một số xét nghiệm như chọc hút dịch màng phổi, xét nghiệm lao, xét nghiệm máu… để xác định một trong những nguyên nhân sau:

  • Nhiễm khuẩn phổi: Viêm phổi hoại tử do vi khuẩn gram âm, lao phổi, viêm phổi do nấm hoặc tụ cầu vàng.
  • Các bệnh phổi mô kẽ: Bệnh phổi đột lỗ, nhồi máu phổi, bệnh Sacoit, xơ phổi mô kẽ lan tỏa…

Các bệnh lý này có nguy cơ gây suy hô hấp đột ngột và nghiêm trọng ở bệnh nhân tràn khí màng phổi. Xác định bệnh nguyên sẽ giúp quá trình điều trị diễn ra thuận lợi và chủ động phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh tràn khí màng phổi cần được điều trị sớm để phòng ngừa xẹp phổi và suy hô hấp. Khi khí tràn ra ngoài màng phổi sẽ khiến cho áp lực khoang màng phổi gia tăng, đè nén gây ra hiện tượng xẹp phổi một phần hoặc hoàn toàn.

tràn khí màng phổi triệu chứng
Nếu không được điều trị, tràn khí màng phổi sẽ gây xẹp phổi hoàn toàn, hạ huyết áp, suy hô hấp và ngừng tim

Ngoài ra, tăng áp lực trong khoang màng phổi còn gây đè đẩy trung thất và gián đoạn quá trình tuần hoàn máu từ phổi về tim. Nếu không được điều trị, bệnh nhân có thể bị suy hô hấp, hạ huyết áp và ngừng tim.

Tràn khí màng phổi còn là điều kiện thuận lợi gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và áp xe phổi. Những trường hợp đã phát sinh biến chứng đôi khi phải phẫu thuật cắt bỏ một phần của lá phổi.

Điều trị

Ngay khi đến thăm khám và hoàn thành các xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân sẽ được đặt oxy để đảm bảo hô hấp, tránh trường hợp suy hô hấp nặng dẫn đến ngừng tim. Sau khi có kết quả của các xét nghiệm, bác sĩ sẽ cân nhắc phương pháp điều trị phụ thuộc vào triệu chứng và mức độ tràn khí.

Các phương pháp được cân nhắc trong quá trình điều trị bệnh tràn khí màng phổi bao gồm:

Theo dõi

Khoảng 20% trường hợp tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát không gây ra triệu chứng. Trường hợp này sẽ được theo dõi thay vì can thiệp điều trị. Trong thời gian lưu viện, bệnh nhân sẽ được thở oxy trong 2 - 3 ngày để tránh suy hô hấp cấp.

Sau khoảng 48 tiếng, bệnh nhân sẽ được chụp X-Quang phổi lại để đánh giá tiến triển. Nếu không có tiến triển, bệnh nhân sẽ được theo dõi thêm vài ngày và có thể xuất viện nếu tình trạng ổn định.

Chọc hút khí màng phổi

Trường hợp tràn khí màng phổi đã phát sinh triệu chứng và lượng khí bên trong màng phổi gia tăng đáng kể sẽ được chọc hút khí bằng catheter. Phương pháp này được thực hiện bằng cách đặt ống thông qua ngực để hút khí bên trong khoang màng phổi. Để hạn chế biến chứng, quá trình này cần được thực hiện nhiều lần cho đến khi loại bỏ khoảng 4 lít khí ra khỏi màng phổi.

Mở màng phổi - đặt ống dẫn lưu

Mở màng phổi đặt ống dẫn lưu được chỉ định trong trường hợp tràn khí màng phổi thứ phát - đặc biệt là ở những trường hợp do chấn thương. Trong kỹ thuật này, bác sĩ sẽ phải mở lồng ngực và đặt ống dẫn lưu vào bên trong để dẫn lưu khí từ khoang màng phổi ra bên ngoài.

tràn khí màng phổi triệu chứng
Đặt ống dẫn lưu giúp dẫn lưu khí tích tụ bên trong khoang màng phổi, qua đó phục hồi thể tích phổi

Các phương pháp dẫn lưu khí ra khỏi khoang màng phổi có thể gây ra một số biến chứng như tắc nghẽn nội phế quản, ống dẫn lưu đặt sai vị trí và rò rỉ khí dai dẳng. Ngoài ra, cũng có trường hợp sau khi dẫn lưu, phổi không giãn nở trở lại hoặc phù phổi do tái giãn nở.

Phẫu thuật

Nếu dẫn lưu thất bại, bệnh nhân sẽ được nội soi màng phổi can thiệp hoặc phẫu thuật mở lồng ngực. Nội soi màng phổi can thiệp được thực hiện để cắt bỏ bóng khí, kẹp hoặc khâu các bóng khí, đốt điện, chà sát màng phổi và gây dính màng phổi với bột talc dạng phun mù.

Phẫu thuật mở lồng ngực cũng được thực hiện để xử lý các bóng khí và gây dính màng phổi với hóa chất. Ngoài ra, phẫu thuật mở còn giúp xử lý lỗ rò phế quản và màng phổi.

Phòng ngừa

Bệnh tràn khí màng phổi có khả năng tái phát cao, khoảng 50% trường hợp tái phát trong vòng 3 năm. Để ngăn ngừa tái phát, các bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật lồng ngực có video hỗ trợ (VATS).

Trường hợp chống chỉ định với tràn khí màng phổi có thể gây dính màng phổi bằng hóa chất thông qua ống dẫn lưu. Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp này kém hơn so với phẫu thuật, tỷ lệ tái phát sau khi thực hiện giảm đến 25%.

Những trường hợp chưa bị tràn khí màng phổi khó có thể phòng ngừa do bệnh có tính chất tự phát. Nhiều trường hợp khởi phát vô căn, không có nguyên nhân cụ thể. Cách tốt nhất là phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường để kịp thời thăm khám và điều trị.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tôi thường xuyên cảm thấy khó chịu, đau vùng ngực kèm khó thở là biểu hiện của bệnh gì?

2. Để chẩn đoán bệnh, tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào?

3. Tràn khí màng phổi là bệnh gì? Vì sao tôi mắc phải bệnh lý này?

4. Tôi có thể điều trị bệnh tràn dịch màng phổi bằng cách nào?

5. Thời gian điều trị tràn khí màng phổi mất bao lâu? Tôi có cần ở lại bệnh viện hay không?

6. Sau khi điều trị tràn khí màng phổi, tôi có cần phục hồi chức năng?

7. Bệnh tràn khí màng phổi có tái phát không?

8. Làm cách nào để phòng ngừa tràn khí màng phổi tái phát?

Bệnh tràn khí màng phổi thường khởi phát đột ngột dẫn đến giảm chức năng hô hấp, đau ngực và khó thở. Tình trạng này cần được điều trị sớm để tránh biến chứng suy hô hấp và ngừng tim. Sau khi điều trị, nên điều trị dự phòng để phòng ngừa tái phát.