Bệnh suy tuyến yên
Bệnh suy tuyến yên ảnh hưởng đến nhiều hoạt động của đời sống do tuyến yên đóng vai trò quan trọng, đảm nhiệm nhiệm vụ sản xuất hormone nội tiết. Trường hợp bệnh về tuyến yên kéo dài không được khắc phục có thể phát sinh nhiều biến chứng nguy hại.
Tổng quan
Tuyến yên có vai trò quan trọng đối với cơ thể, đây là tuyến đảm nhận nhiệm vụ sản xuất hormone nội tiết trong cơ thể. Vị trí của tuyến yên nằm ở phía dưới não, là cơ quan quan trọng trong điều hòa hoạt động của các cơ quan khác trong cơ thể như tuyến thượng thận, tuyến giáp, cơ quan sinh dục,...
Suy tuyến yên là bệnh lý xảy ra khi tuyến yên bị suy giảm chức năng, tuyến yên hoạt động yếu khiến lượng hormone được tuyến yên sản xuất ra ít dần, không đủ đáp ứng nhu cầu cơ thể cần. Điều này gây ra nhiều triệu chứng bất thường cho cơ thể.
Tuy nhiên trên thực tế số lượng bệnh nhân bị suy giảm tuyến yên không nhiều, đây là dạng bệnh lý hiếm gặp. Bệnh tiến triển âm thầm, trong giai đoạn đầu gần như không gây ra các dấu hiệu nhận biết điển hình. Chính vì thế không nhiều người biết đến bệnh suy tuyến yên cũng như hiểu rõ về triệu chứng của bệnh để kịp thời điều trị.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Có rất nhiều nguyên nhân gây suy tuyến yên. Dưới đây là những yếu tố nguy cơ cao liên quan đến hiện tượng suy tuyến yên nguyên phát và thứ phát:
Nguyên nhân gây suy tuyến yên nguyên phát:
- Sự xuất hiện bất thường của khối u chèn ép tuyến yên, suy giảm chức năng tuyến yên. Các khối u như adenoma, nang, ung thư di căn,...
- Nhồi máu tuyến yên cũng là nguyên nhân gây suy tuyến yên, xảy ra phổ biến sau khi sinh, suy mạch máu. Người bị xuất huyết tuyến yên có thể dẫn đến trụy tuyến yên vô cùng nguy hiểm.
- Ảnh hưởng bởi viêm nhiễm, nhiễm trùng, áp xe trước đó không được điều trị kịp thời, đúng cách.
- Một số trường hợp suy tuyến yên liên quan đến dịch mã, biệt hóa tế bào. Trẻ em sinh ra mắc hội chứng gián đoạn cuống tuyến yên kèm theo các biểu hiện suy tuyến yên. Trường hợp này thường xuất hiện do đột biến gen.
- Rối loạn thâm nhiễm dẫn đến suy tuyến yên với các bệnh điển hình như bệnh nhiễm sắt, mô bào langerhans.
- Dùng thuốc điều trị bệnh gặp tác dụng phụ là suy giảm chức năng tuyến yên, một số trường hợp do ảnh hưởng phẫu thuật, xạ trị.
- Chức năng hệ miễn dịch bị rối loạn sau sinh, phì đại hoặc tuyến yên bị phá hủy.
Nguyên nhân gây suy tuyến yên thứ phát:
- Khối u lành xuất hiện ở khu vực hạ đồi, khối u xương xọ hoặc các u ác tính di căn là nguyên nhân thứ phát ảnh hưởng đến tuyến yên.
- Điều trị xạ trị các bệnh lý nặng gây suy giảm chức năng sản sinh hormone của tuyến yên, gây thiếu hụt tuyến yên thứ phát.
- Viêm mô tế bào dẫn đến bệnh suy tuyến yên.
- Một số viêm nhiễm nặng tại màng não, viêm nhiễm do nấm, virus, suy giảm hệ miễn dịch.
- Chấn thương sọ não cũng là nguyên nhân thứ phát dẫn đến hiện tượng thiếu hụt hormone tại tuyến yên.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Bệnh suy tuyến yên có biểu hiện khá âm thầm, giai đoạn đầu gần như không gây ra bất kỳ biểu hiện nào. Tuy nhiên đến khi bệnh diễn biến nặng, tình trạng suy giảm hormone nghiêm trọng hơn khiến bệnh nhân đối diện với nhiều triệu chứng bất thường.
Dưới đây là các biểu hiện do suy tuyến yên ảnh hưởng lên các tuyến nội tiết khác:
- Người bệnh có cảm giác mệt mỏi cơ thể thường xuyên, cơ yếu, chán ăn, buồn nôn, huyết áp bị tụt giảm.
- Da dẻ khô vàng, tóc rụng dễ gãy, các chỉ số về huyết áp, nhịp tim bị thay đổi bất thường.
- Rối loạn tiêu hóa, táo bón, các triệu chứng bất thường ở da, tóc, râu.
- Nam giới suy tuyến yên có dương vật nhỏ, vô sinh, liệt dương, suy giảm ham muốn tình dục.
- Ở nữ giới có thể bị vô sinh, mất kinh, tuyến vú không phát triển, loãng xương,...
- Cơ thể gầy gò, sụt cân, trí nhớ kém, ảnh hưởng đến khả năng tập trung, phản xạ, nhiều vấn đề về hệ thần kinh.
Ngoài các biểu hiện kể trên bệnh nhân suy tuyến yên có thể bị liệt dây thần kinh, mất khứu giác, cường giáp,... Do các triệu chứng không điển hình, liên quan đến nhiều cơ quan trong cơ thể nên nhiều bệnh nhân nhầm lẫn, điều trị không đúng cách khiến sự suy giảm tuyến yên tiếp tục diễn ra. Trường hợp nặng bệnh nhân có thể đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm.
Chẩn đoán
Bác sĩ tiến hành thăm khám, hỏi thăm về các triệu chứng người bệnh đang gặp phải. Ngoài ra, để xác định chính xác vấn đề bệnh nhân đang gặp phải một số xét nghiệm được thực hiện như:
- Xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu: Kiểm tra hormone tuyến yên.
- Chụp MRI tuyến yên: Kiểm tra, đánh giá chức năng hoạt động của tuyến yên.
- Xét nghiệm hormone: Xét nghiệm đánh giá suy thượng thận thứ phát, đánh giá suy giáp thứ phát, suy sinh dục thứ phát, suy chức năng hormone tăng trưởng.
Biến chứng và tiên lượng
Suy tuyến yên khiến lượng hormone được sản sinh ra ít đi, biến đổi bất thường kéo theo nhiều hệ lụy khác. Bởi tuyến yên là tuyến giữ vai trò sản xuất ra hormone nội tiết, phục vụ nhu cầu của cơ thể. Hormone do tuyến yên tiết ra có nhiệm vụ kích thích hoạt động của các tuyến khác.
Khi suy tuyến yên nặng và kéo dài các cơ quan trong cơ thể bị thiếu hormone nội tiết dẫn đến các hệ lụy như:
- Thiếu hormone sinh dục: Suy giảm ham muốn tình dục ở nam và nữ, gây kích thích tinh hoàn ở nam, buồng trứng ở nữ. Kéo theo đó là nhiều hệ lụy đối với sức khỏe sinh sản, tăng rủi ro vô sinh, hiếm muộn cho cả nam giới và nữ giới.
- Thiếu hormone kích thích tuyến giáp: Bệnh nhân có rủi ro bị suy giáp do ảnh hưởng bởi suy tuyến yên. Khi đó, người bệnh thường có các biểu hiện như khả năng chịu lạnh kém, cơ thể mệt mỏi, khô da, táo bón,... ảnh hưởng chất lượng đời sống và sức khỏe.
- Thiếu hormone vỏ thượng thận: Hormone kích thích vỏ thượng thận bị thiếu hụt khiến bệnh nhân bị mệt mỏi, sụt cân bất thường, huyết áp thấp, da dẻ xanh xao, cơ thể yếu,...
- Thiếu hormone tăng trưởng: Đây cũng là hệ lụy do hiện tượng suy tuyến yên gây ra, người bệnh có khả năng cao mắc các bệnh lý về tim mạch, thị lực, chậm phát triển, cơ thể béo phì,...
Bệnh nhân bị suy tuyến yên phải chấp nhận điều trị suốt đời, cho đến nay vẫn chưa có giải pháp điều trị tuyệt đối bệnh lý này. Người bệnh phát hiện bất thường từ sớm, can thiệp điều trị bằng giải pháp phù hợp giúp duy trì hoạt động của tuyến yên, phòng ngừa biến chứng ảnh hưởng sức khỏe.
Điều trị
Bác sĩ dựa vào kết quả chẩn đoán chỉ định phương pháp điều trị suy tuyến yên cho bệnh nhân. Hiện nay có hai hướng điều trị chính được áp dụng là điều trị nội khoa và ngoại khoa. Cụ thể:
Sử dụng hormone thay thế: Biện pháp được thực hiện nhằm giúp người bệnh bổ sung hormone thiếu hụt do tuyến yên suy giảm hoạt động. Các thuốc được sử dụng giúp người bệnh khắc phục triệu chứng thiếu hụt hormone. Cần kéo dài điều trị suốt đời, một số loại như:
- Corticosteroid: Hydrocotisone hoặc Prednisone là hai loại thường được sử dụng nhất hiện nay. Thuốc được sử dụng thay thế hormone tuyến thượng thận bị thiếu hụt.
- Levothyroxine: Thuốc được dùng nhằm mục đích cung cấp hormone tuyến giáp bị thiếu hụt do TSH giảm dưới ảnh hưởng suy giảm tuyến yên.
- Hormone sinh dục: Chỉ định cho nam giới, nữ giới suy tuyến yên kéo theo hiện tượng suy giảm hormone sinh dục. Đối với nam giới bổ sung testosterone có thể dùng qua da thông qua gel bôi, miếng dán hoặc sử dụng dạng tiêm. Đối với nữ giới có thể bổ sung hormone bằng cách sử dụng viên uống hoặc miếng dán.
- Desmopressin: Hormone có tác dụng thay cho ADH nhiệm vụ tái hấp thu nước, đồng thời giúp nước tiểu được cô đặc hơn, sử dụng theo đường xịt mũi hoặc thuốc viên, dạng tiêm.
- Hormone tăng trưởng: Somatropin là hormone tăng trưởng được bổ sung cho bệnh nhân bị suy tuyến yên, thông thường dùng qua đường tiêm. Công dụng của loại hormone này là giúp trẻ cải thiện chiều cao.
- Trường hợp vô sinh: Sử dụng chế phẩm có chứa LH, FSH dạng tiêm kích thích khả năng rụng trứng ở nữ, kích thích sản sinh tinh trùng ở nam giới.
Phương pháp ngoại khoa: Áp dụng cho người bệnh suy tuyến yên nặng, mô tuyến yên có sự phát triển bất thường. Tùy vào tình hình thực tế của bệnh nhân, giải pháp can thiệp ngoại khoa được chỉ định phù hợp, đảm bảo hiệu quả và an toàn nhất cho bệnh nhân.
Phòng ngừa
Như đã đề cập có nhiều yếu tố tác động gây suy tuyến yên. Bệnh lý có thể gây ra nhiều hệ lụy làm ảnh hưởng đến chất lượng đời sống, sức khỏe của bệnh nhân trong thời gian dài. Do đó, bác sĩ khuyên mỗi người nên chủ động phòng bệnh thông qua một vài lưu ý:
- Chủ động chăm sóc sức khỏe, bổ sung cho cơ thể đầy đủ thực phẩm, nguồn dưỡng chất thiết yếu để duy trì hoạt động sống của các cơ quan trong cơ thể.
- Xây dựng thói quen tốt, tập luyện thể dục, chơi thể thao vừa sức, phù hợp với tình hình sức khỏe. Vận động thể dục giúp cơ thể dẻo dai, phòng ngừa nhiều bệnh lý.
- Điều trị các bệnh lý gặp phải theo hướng dẫn của bác sĩ, không dùng thuốc bừa bãi.
- Tránh xa các tác nhân gây hại cho cơ thể như chất kích thích, thuốc lá, rượu bia, đồ uống chứa cồn.
- Chủ động khám sức khỏe định kỳ, theo dõi các bất thường của cơ thể, kịp thời điều trị phòng tránh biến chứng.
Có thể bạn quan tâm: Bệnh u tuyến yên: Nguyên nhân và cách điều trị
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Triệu chứng suy tuyến yên là gì?
2. Nguyên nhân nào khiến tôi bị suy tuyến yên?
3. Tôi cần thực hiện xét nghiệm chẩn đoán suy tuyến yên như thế nào?
4. Sẽ có những rủi ro gì nếu tôi không điều trị suy tuyến yên?
5. Các biện pháp điều trị suy tuyến yên là gì?
6. Khi nào tôi phải phẫu thuật điều trị suy tuyến yên?
7. Liệu pháp hormone có điều trị được suy tuyến yên dứt điểm không?
8. Bao lâu tôi cần quay lại tái khám sau khi đã điều trị suy tuyến yên?
9. Tôi phải duy trì điều trị suy tuyến yên trong bao lâu?
Bệnh suy tuyến yên là chứng bệnh hiếm gặp, tuy nhiên tác động tiêu cực đến đời sống bệnh nhân. Người bệnh phải chấp nhận điều trị bệnh suốt đời, kèm theo những rủi ro biến chứng ảnh hưởng sức khỏe. Chính vì thế chuyên gia khuyến khích mỗi người nên chủ động phòng bệnh, chăm sóc cơ thể đúng cách để tránh rủi ro mắc phải bệnh lý này.