Bệnh Phì Đại Cuốn Mũi
Bệnh phì đại cuốn mũi xuất hiện do sự thay đổi kích thước bất thường tại cuốn mũi khiến người bệnh hô hấp khó khăn. Nguyên nhân gây bệnh có liên quan đến nhiều yếu tố, trong đó bao gồm các bệnh lý dị ứng, bệnh đường hô hấp. Nhận biết triệu chứng và sớm thăm khám để tránh trường hợp phì đại cuốn mũi biến chứng nguy hiểm.
Tổng quan
Cấu tạo cuốn mũi đặc trưng với lớp niêm mạc bao bọc bên ngoài chứa nhiều mạch máu. Cuốn mũi nằm ngăn cách giữa hai bên lỗ mũi với nhiệm vụ cản bụi, làm ấm, làm ẩm không khí khi thực hiện động tác hít vào. Nơi đây phải thường xuyên tiếp xúc với bụi bẩn, dị nguyên và các tác nhân gây hại bên ngoài vào.
Chính vì thế, cuốn mũi rất nhạy cảm và dễ bị kích thích khi chịu sự tấn công ồ ạt của tác nhân gây hại. Khi đó, cuốn mũi có hiện tượng sưng to hay còn gọi là phì đại làm ảnh hưởng đến nhịp thở của cơ thể. Phì đại cuốn mũi là một trong những bệnh lý hô hấp thường gặp, gây triệu chứng nghẹt, khó thở cho người bệnh.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân chính gây phì đại cuốn mũi được các chuyên gia chỉ ra là do liên quan đến tình trạng viêm mũi dị ứng, viêm mũi vận mạch. Người bệnh chủ quan không khám chữa viêm nhiễm từ giai đoạn đầu khiến bệnh ngày càng nghiêm trọng hơn.
Một số trường hợp khác do lạm dụng quá nhiều thuốc nhỏ mũi, nhất là thuốc chứa hoạt chất imidazoline khiến cuốn mũi bị kích ứng, phì đại lên một cách nhanh chóng. Ngoài hai nguyên nhân kể trên, những yếu tố tăng nguy cơ phì đại cuốn mũi kể đến như:
- Dị ứng mũi: Tác nhân gây hại bên ngoài xâm nhập vào đường hô hấp thông qua mũi. Từ đó, chúng gây kích ứng khiến cuốn mũi có nguy cơ bị phình to ra. Đây là nguyên lý bảo vệ đường hô hấp diễn ra thường xuyên khi các tác nhân bên ngoài tấn công vào đường hô hấp. Sau một thời gian, cuốn mũi tự động to dần lên so với trạng thái bình thường.
- Lệch vách ngăn mũi: Một bên mũi bị sưng khiến vách ngăn mũi bị lệch, xảy ra khi bị côn trùng đốt, do dị ứng, chấn thương hoặc liên quan đến các vấn đề khác.
- Lạm dụng chất kích thích: Dùng quá nhiều thuốc lá, uống quá nhiều rượu bia, thậm chí là dùng chất kích thích không có lợi khác khiến cho đường hô hấp bị ảnh hưởng. Cuốn mũi bị kích thích trở nên phình to, khác so với trạng thái bình thường.
Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào, trong đó người sống ở nơi có môi trường ô nhiễm, làm việc trong điều kiện không khí có nhiều hóa chất,... có khả năng cao mắc phải bệnh lý này. Ngoài ra, những yếu tố nguy cơ khác có thể tác động làm phì đại cuốn mũi xảy ra nhanh chóng kể đến như:
- Bệnh viêm đường hô hấp, viêm xoang,...
- Gai vách ngăn không được điều trị.
- Tổn thương vùng mũi do chấn thương, tai nạn không được điều trị.
- Dị ứng lông chó mèo, thú cưng, phấn hoa,...
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Phì đại cuốn mũi gây khó thở, nghẹt mũi và nhiều biểu hiện khác. Chúng có thể xuất hiện trong thời gian ngắn hoặc kéo dài mãn tính tùy vào nguyên nhân gây bệnh. Các triệu chứng điển hình bao gồm:
- Tình trạng nghẹt mũi xảy ra thường xuyên khiến cho người bệnh gặp khó khăn khí hít vào thở ra. Đây là một trong những biểu hiện cơ bản của phì đại cuốn mũi mà nhiều người đang gặp phải. Người bệnh nhận thấy hơi thở vào ra vô cùng khó khăn, trong khi đó không xuất hiện dịch nhầy ở mũi, hoặc có nhưng với lượng rất ít. Không giống như bệnh cảm, viêm mũi thông thường.
- Hít thở phát ra âm thành khò khè, người bệnh dễ bị nhầm lẫn biểu hiện này với các bệnh lý khác như cảm lạnh, cảm cúm thông thường. Hiện tượng khó thở càng trở nên nặng hơn khi người bệnh cúi đầu, ngồi thấp, nằm, thời tiết lạnh,... Đối với trường hợp khó thở liên quan đến cuốn mũi phì đại khó khắc phục bằng cách điều hòa nhịp thở thông thường.
- Triệu chứng tại xoang do tình trạng phì đại ảnh hưởng. Ngoài các dấu hiệu đã nêu, bệnh nhân còn gặp phải triệu chứng đau nhức đầu, nghẹt mũi,... Những triệu chứng tái đi tái lại nhiều lần. Nhiều trường hợp nhầm lẫn phì đại cuốn mũi với viêm xoang.
- Một số đối tượng bệnh nhân còn nhận thấy tình trạng chảy máu cam. Tuy nhiên so với các triệu chứng kể trên triệu chứng này có tỷ lệ xảy ra thấp hơn, đây là dấu hiệu cảnh báo niêm mạc mũi bị tổn thương.
Chẩn đoán
Người bệnh cần chủ động đến gặp bác sĩ, thăm khám khi các triệu chứng xảy ra thường xuyên và có xu hướng nặng nề hơn. Dựa vào nguyên nhân gây bệnh, mức độ phì đại cuốn mũi của mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách kiểm soát, khắc phục phù hợp.
Biện pháp chẩn đoán bao gồm:
- Chẩn đoán lâm sàng: Kiểm tra triệu chứng, thăm hỏi tiền sử bệnh lý, bệnh đang gặp phải, cơ địa dị ứng,... Bệnh nhân nên khai báo trung thực để bác sĩ nắm được tình hình sức khỏe.
- Chẩn đoán cận lâm sàng: Thăm dò bằng biện pháp nội soi mũi, khoang mũi, xác định vị trí sưng viêm.
Biến chứng và tiên lượng
Phì đại cuống mũi mặc dù không gây nguy hại đến tính mạng tuy nhiên có thể gây ra nhiều biến chứng bất lợi đối với sức khỏe người bệnh. Cụ thể:
- Hít thở khó dẫn đến hiện tượng thiếu hụt oxy trong cơ thể, gây khó chịu, mệt mỏi.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh viêm mũi do cuốn mũi bị tổn thương, phù nề trong thời gian dài. Dịch mũi bắt đầu tích tụ nhiều hơn, không tiết ra ngoài được dẫn đến tình trạng viêm.
- Người bệnh thường bị đau đầu, mệt mỏi, càng nghiêm trọng hơn khi bệnh không được kiểm soát đúng cách.
- Suy giảm khứu giác, tăng tần suất nghẹt mũi, tắc mũi.
- Mũi có liên hệ chặt chẽ với tai nên khi người bệnh bị suy giảm khứu giác có thể kéo theo hiện tượng giảm thính lực, khả năng nghe giảm.
Điều trị
Bệnh nhân phì đại cuống mũi có thể được chỉ định sử dụng thuốc hoặc áp dụng thủ thuật can thiệp chuyên sâu hơn như dùng sóng tần số radio, laser hoặc phẫu thuật. Cụ thể:
Điều trị bằng thuốc
Người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc kháng histamin, thuốc chứa steroid dạng xịt để kiểm soát hiện tượng phì đại cuốn mũi. Thuốc có công dụng trong hỗ trợ điều trị dị ứng, viêm mũi gây phì đại hoặc các vấn đề liên quan khác. Một số thuốc thường được chỉ định như:
- Thuống kháng histamin thế hệ 1: Promethazine, clorpheniramin, diphenhydramine, hydroxyzin,...
- Thuốc kháng histamin thế hệ 2: Loratadin, cetirizin, fexofenadine,..
- Thuốc kháng histamin H2: Cimetidin, Famotidin, Ranitidin,...
- Thuốc xịt mũi steroid: Beclomethasone, ciclesonide, fluticasone furoate, mometasone,...
Tùy tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ hướng dẫn thuốc và cách dùng phù hợp. Người bệnh không nên lạm dụng thuốc để tránh nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn.
Phương pháp sóng cao tần
Sử dụng phương pháp đốt phì đại cuốn mũi bằng sóng cao tần. Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ sử dụng máy đốt chuyên dụng, tác động lên vị trí cần điều trị giúp giảm thể tích mô. Các tổn thương nhỏ được tạo ra nhờ năng lượng ion hóa hình thành các vết sẹo làm thể tích mô thu nhỏ lại.
Phương pháp hiện đại, được cải tiến vượt bậc so với các phương pháp truyền thông. Đặc biệt là hiệu quả khá nhanh chóng, không gây đau nhức cho người bệnh. Đồng thời giải pháp này sẽ giúp bệnh nhân giảm rủi ro chảy máu trong mô, ít tạo vảy, bảo tồn được chức năng niêm mạc mũi.
Phương pháp laser
Đốt cuốn mũi bằng laser cũng là một trong những liệu pháp được thực hiện ngày nay. Chỉ định can thiệp ngoại khoa cho bệnh nhân phì đại cuốn mũi điều trị nội khoa không có hiệu quả, hẹp hốc mũi bẩm sinh hoặc các trường khớp khác.
Phương pháp đốt được tiến hành theo quy trình, thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân sẽ được gây mê nội khí quản trước khi dùng laser tác động lên phần cuốn mũi cần điều trị. Sau khi đã thực hiện xong các bước nhằm loại bỏ hiện tượng viêm, phình nở cuốn mũi, bệnh nhân được theo dõi trước khi xuất viện.
Người bệnh sau khi đốt laser cần tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ về kiêng cữ, ăn uống cho phù hợp. Ngoài ra, một số loại thuốc cần dùng cũng sẽ được kê đơn kèm theo nhằm kháng viêm, giảm sưng, ngăn ngừa biến chứng cho bệnh nhân.
Phẫu thuật phì đại cuống mũi
Phẫu thuật phì đại cuốn mũi được chỉ định khi các giải pháp can thiệp nội khoa không mang lại kết quả tối ưu. Phương pháp phẫu thuật nội soi với mục đích chỉnh lại vách ngăn cuốn mũi, phục hồi đường lưu thông của khí từ trong ra và từ ngoài vào cơ thể.
Phẫu thuật hướng tới mục tiêu cắt tỉa, định hình lại vách ngăn cho người bệnh, nếu cần thiết phải sử dụng xương sụn thay thế. Cuốn mũi sau khi được thu nhỏ cần được chăm sóc đúng cách. Người bệnh nên tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, tiếp tục theo dõi tình hình sức khỏe để kịp thời thông báo với bác sĩ khi cần thiết.
Phòng ngừa
Phì đại cuốn mũi là một trong những bệnh đường hô hấp nhiều người mắc phải. Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh, theo đó để phòng tránh bạn đọc cần lưu ý các vấn đề như sau:
- Chủ động thay đổi thói quen sống, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho cơ thể giúp tăng cường đề kháng và hệ miễn dịch khi tiếp xúc với các tác nhân gây hại.
- Khi thời tiết thay đổi nên bảo vệ đường hô hấp, không nên để quạt gió, máy điều hòa,... phả thẳng vào mặt.
- Tránh tắm nước lạnh vào buổi tối, nhiệt độ môi trường xuống thấp khiến cơ thể dễ bị cảm lạnh, nhiễm khuẩn đường hô hấp.
- Khi đến nơi đông người, nơi nhiều khói bụi ô nhiễm bạn nên đeo khẩu trang.
- Thiết kế phòng ngủ thoáng mát, tuy nhiên nên tránh gió khi thời tiết thay đổi.
- Hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây hại như phấn hoa, lông chó mèo,... nếu bạn có một cơ địa nhạy cảm, đặc biệt là ở khu vực khứu giác.
- Thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bất thường và xử lý kịp thời, tránh biến chứng.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tình trạng phì đại cuốn mũi tôi đang gặp phải do nguyên nhân nào gây ra?
2. Sử dụng thuốc có thể chữa khỏi phì đại cuốn mũi không?
3. Khi nào cần can thiệp phẫu thuật điều trị phì đại cuốn mũi?
4. Nếu không điều trị phì đại cuốn mũi tôi có thể gặp phải các biến chứng gì?
5. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm gì khi chẩn đoán phì đại cuốn mũi?
6. Tôi có thể chữa phì đại cuốn mũi tại nhà mà không dùng thuốc không?
7. Tôi cần kiêng làm gì khi bị phì đại cuốn mũi để tránh ảnh hưởng đến bệnh?
Phì đại cuốn mũi mặc dù không phải là bệnh lý nguy hiểm trực tiếp tính mạng tuy nhiên nếu không điều trị kiểm soát có thể phát sinh nhiều biến chứng. Ngay khi nhận thấy cơ thể có biểu hiện bất thường bạn nên đến bệnh viện kiểm tra, điều trị sớm.