Khô Miệng Là Bệnh Gì? Nguyên Nhân và Giải Pháp Điều Trị
Khô miệng là tình trạng khá phổ biến bất kỳ ai cũng có thể gặp phải. Đây là tình trạng khô rít khó chịu trong khoang miệng, thường là vào mỗi buổi sáng sau khi ngủ dậy và luôn có cảm giác khát nước. Không những vậy, khô miệng còn ảnh hưởng không nhỏ đến ăn uống, giao tiếp hàng ngày và là một trong những nguyên nhân góp phần gây sâu răng.
Khô miệng là gì?
Khô miệng (có tên khoa học là Xerostomi) là tình trạng khoang miệng trở nên khô bất thường do suy giảm tiết nước bọt. Đây là một trong những vấn đề sức khỏe cực kỳ phổ biến, bất kỳ ai cũng có thể gặp phải, thậm chí gặp nhiều lần trong đời. Mặc dù không quá nguy hiểm nhưng cảm giác khô miệng không mấy dễ chịu và còn ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nói chung.
Theo một nghiên cứu, tỷ lệ nữ giới mắc chứng khô miệng nhiều hơn nam giới, thường phụ thuộc vào yếu tố hormone và tuổi tác. Chẳng hạn những chị em trong độ tuổi sau mãn kinh sẽ dễ gặp phải tình trạng này hơn. Ngoài ra, theo một khảo sát dân số học cho thấy người già, người cao tuổi sẽ có nguy cơ bị khô miệng cao hơn người trung niên hoặc người trẻ.
Nguyên nhân gây khô miệng
Bản chất của khô miệng không phải bệnh lý mà là triệu chứng của một bệnh lý nào đó hoặc biểu hiện sự suy giảm về sức khỏe. Do đó có rất đa dạng nguyên nhân gây ra khô miệng và để dễ phân biệt, các chuyên gia chia làm 2 nhóm nguyên nhân chính gồm:
Nguyên nhân chủ quan
Nhóm nguyên nhân này chủ yếu xuất phát từ những thói quen sống, sinh hoạt, chế độ ăn uống, tác dụng phụ của thuốc… tác động đến cơ chế tiết nước bọt và gây khô miệng. Cụ thể như sau:
- Tác dụng phụ của thuốc: Theo thống kê, có hơn 400 loại thuốc trị bệnh có khả năng gây ra khô miệng. Có thể kể đến một số loại như thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ, thuốc chống dị ứng nhóm kháng histamine, thuốc chống trầm cảm, lo âu, loạn thần, thuốc nghẹt mũi… Càng dùng thuốc liều cao trong thời gian dài càng khiến mức độ khô miệng nặng hơn, khô đến mức nứt nẻ, chảy máu vào mỗi buổi sáng sau khi ngủ dậy.
- Chấn thương ở vùng đầu cổ: Chấn thương vùng đầu cổ làm tổn thương hệ thống dây thần kinh có nhiệm vụ truyền tín hiệu giữa não bộ với tuyến nước bọt. Điều này vô tình làm gián đoạn quá trình sản sinh nước bọt và dẫn đến khô miệng khó chịu.
- Nghiện hút thuốc lá: Các hoạt chất độc hại trong khói thuốc lá không có khả năng gây ra khô miệng trực tiếp. Tuy nhiên, nó lại là nguyên nhân khiến tình trạng khô miệng sẵn có hiện tại trở nên trầm trọng hơn, nhất là vào ban đêm.
- Điều trị ung thư: Những người đang trong quá trình hóa trị, xạ trị để chữa ung thư, đặc biệt tác động vào phần đầu, cổ có thể gây ra khô miệng do chức năng tuyến nước bọt bị ức chế ngưng hoạt động tạm thời. Tình trạng thường chỉ tạm thời khi bạn ngưng xạ trị, tuy nhiên cũng có trường hợp tuyến nước bọt tổn thương vĩnh viễn.
- Một số nguyên nhân khác: Khô miệng xảy ra do thói quen uống nhiều rượu bia, cà phê, nhiễm trùng tại chỗ, thói quen ngủ ngáy, thở bằng miệng, phụ nữ mãn kinh hoặc người cao tuổi do lão hóa, sốt cao, tiêu chảy hay mất máu nhiều dẫn đến mất nước cũng có thể gây khô miệng…
Tham khảo thêm: 9 Mẹo Vặt Chữa Khô Miệng Ngay Tại Nhà Hay Mà Ít Ai Biết
Nguyên nhân bệnh lý
Bên cạnh những nguyên nhân kể trên, chứng khô miệng được ghi nhận là biểu hiện nhận biết của một số bệnh lý như:
- Các bệnh nội tiết: Khô miệng là dấu hiệu của một số bệnh nội tiết như:
- Đái tháo đường: Khi bị tiểu đường tức lượng đường trong máu cao là nguyên nhân làm ra giảm tiết nước bọt và gây cảm giác khô miệng khó chịu;
- Bệnh về tuyến giáp: Nhóm bệnh này được cha làm 2 loại là cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức) và suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém). Bệnh đặc trưng với các triệu chứng như đổ mồ hôi nhiều, khô miệng, sụt cân, kiệt sức, ủ rũ, rụng tóc, buồn ngủ…;
- Các bệnh tự miễn: Các bệnh thường gặp nhất là:
- Hội chứng Sjogren: Đây là bệnh lý tự miễn khá phổ biến xảy ra do sự tấn công của hệ miễn dịch vào cơ thể và có liên quan trực tiếp đến sự hoạt động của các tuyến ngoại tiết như tuyến nước bọt, tuyến lệ… Bệnh đặc trưng với một số triệu chứng như khô niêm mạc mạc miệng, mắt, mũi, họng, da, thanh phế quản, âm đạo…
- Viêm khớp dạng thấp: Viêm khớp dạng thấp cũng là một trong những bệnh lý tự miễn phổ biến, xảy ra theo cơ chế bị tấn công ngược bởi hệ miễn dịch. Bên cạnh các triệu chứng về đau nhức, sưng đỏ xương khớp, người bị viêm khớp dạng thấp còn phải đối mặt với tình trạng khô miệng, khô họng khó chịu gây khó khăn cho việc ăn uống, giao tiếp.
- Lupus ban đỏ: Đây là căn bệnh tự miễn khá nguy hiểm, phát sinh nhiều ổ viêm và gây hại đến nhiều cơ quan trong cơ thể nhu tim, phổi, máu, da, thận, não… Người bị Lupus ban đỏ thường có các triệu chứng đặc trưng theo từng cơ quan như sốt, nổi ban đỏ, rụng tóc, đau khớp, khó thở, thiếu máu… và có cả chứng khô miệng, loét miệng, khô mắt.
- Một số bệnh toàn thân:
- Lao: Lao là bệnh lý được khởi phát do một loại vi khuẩn có tên Mycobacterium tuberculosis. Đây là bệnh lý truyền nhiễm, có thể lây từ người sang người qua đường không khí khá nguy hiểm. Người bị lao thường có triệu chứng ban đầu như khô miệng, khô họng, ho nhẹ, chán ăn, đổ mồ hôi ban đêm, mệt mỏi… Sau một thời gian dài tiến triển sẽ phát sinh các triệu chứng nghiêm trọng hơn như đau tức ở ngực, ho dai dẳng, ho ra máu, đờm từ trong phổi, sụt cân…;
- Bệnh về máu: Một vài bệnh về máu được nhận định có liên quan đến tình trạng khô miệng như xuất huyết giảm tiểu cầu, hội chứng ure tăng máu, rối loạn đông máu, nhiễm trùng huyết, bệnh bạch cầu, rối loạn sinh tủy… Những bệnh lý này đều gây thiếu oxy ở các cơ quan chủ đích trong cơ thể, gây khó thở, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt và khô miệng.
- Suy gan, thận: Suy gan, suy thận là những bệnh lý đáng lo ngại, trong đó bệnh gan thường gặp là suy gan, xơ gan, còn thận là suy thận, viêm cầu thận, hội chứng thận hư… Khi mắc các bệnh lý này, bạn phải đối mặt với nhiều triệu chứng như giảm tiết nước bọt làm khô khoang miệng, hôi miệng, khó ngủ, khó thở, da khô ngứa ngáy, vàng da, bầm tím…
- Các bệnh về thần kinh, tâm lý: Căng thẳng, trầm cảm, rối loạn lo âu, bệnh Parkinson, tai biến mạch máu não, động kinh, bệnh Alzheimer, đau nửa đầu Migraine, u não, đa xơ cứng… cũng là những bệnh lý khiến bạn thường xuyên bị khô miệng. Ngoài ra còn đi kèm với một số triệu chứng khác như đau cơ, yếu cơ, đau đầu, sa sút trí nhớ, suy giảm nhận thức, thay đổi tích cách…
- Các bệnh lý khác: Ngoài ra, khô miệng còn là biến chứng khi mắc Covid – 19 làm ức chế khả năng tiết nước bọt, sau khi cấy ghép tủy xương, HIV/AIDS, quai bị, xơ nang, rối loạn nội tiết tố…
Biểu hiện của chứng khô miệng
Khô miệng là triệu chứng ít khi xảy ra đơn lẻ mà thường đi kết hợp với nhiều triệu chứng toàn thân khác như:
- Khô niêm mạc miệng, khô môi, khô cổ họng;
- Lưỡi khô nứt nẻ, sần sùi do không đủ nước bọt để duy trì độ ẩm;
- Nước bọt đặc quánh, kéo sợi;
- Có cảm giác châm chích, nóng rát trong niêm mạc miệng;
- Gây khó khăn trong việc nhai nuốt thức ăn;
- Thường xuyên thấy khát;
- Hôi miệng;
- Suy giảm vị giác;
- Khó phát âm;
Tham khảo thêm: Khô Miệng Khi Mang Thai Do Đâu? Có Ảnh Hưởng Thai Nhi?
Khô miệng có đáng lo ngại không?
Khô miệng là tình trạng phổ biến và không quá nguy hiểm cho sức khỏe, tuy nhiên nếu không can thiệp xử lý kịp thời, đúng cách sẽ là tiền đề phát sinh nhiều bệnh lý khác như:
- Các bệnh lý răng miệng: Một trong những chức năng chính của nước bọt là làm sạch các mảng bám, mảnh vụn thức ăn thừa sót lại trong khoang miệng. Vì vậy, khi thiếu nước bọt khoang miệng không được làm sạch một cách tối đa, làm tăng lượng cao vôi trên răng nướu và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây các bệnh răng miệng như sâu răng, viêm nướu răng, viêm nha chu, áp xe răng…
- Tổn thương mô nướu, niêm mạc: Mất nước và thiếu nước bọt kéo dài khiến nướu không đủ độ ẩm gây khô, nứt nẻ. Thậm chí những trường hợp nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tổn thương, chảy máu và phát sinh viêm nhiễm nếu không được vệ sinh sạch sẽ.
- Hôi miệng: Sự phát triển của vi khuẩn, nấm trong khoang miệng do không đủ nước bọt làm sạch kết hợp với thói quen vệ sinh răng miệng kém khiến khoang miệng có mùi hôi khó chịu.
- Viêm niêm mạc miệng, lưỡi: Miệng lưỡi quá khô khiến lớp nhầy bảo vệ trên bề mặt mất đi, dẫn đến tình trạng các mô mềm nhạy cảm quá mức, dễ bị tổn thương và phát sinh viêm nhiễm trong quá trình ăn uống hay cử động miệng làm cọ xát với răng giả.
- Ảnh hưởng tâm lý: Với những người bị khô miệng do tâm lý, tức tuyến nước bọt vẫn hoạt động bình thường nhưng vẫn bị khô miệng có thể gây ra nhiều hệ lụy khác như stress, căng thẳng, mất ngủ kéo dài, thậm chí dẫn đến stress…
Có thể thấy, khô miệng không phải tình trạng quá nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, sinh hoạt và chất lượng cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, hãy chủ động thăm khám sớm để được chẩn đoán và tư vấn điều trị bằng phương phù hợp.
Cách chẩn đoán khô miệng tại nha khoa
Nếu nghi ngờ khô miệng là do bệnh lý, tốt nhất bạn nên chủ động đến bệnh viện để thăm khám. Tại đây, người bệnh sẽ trải qua lần lượt các bước kiểm tra chuyên môn như sau:
Điều tra tiền sử bệnh
Cụ thể sẽ tìm hiểu các thông tin bệnh sử gồm:
- Thời gian xuất hiện triệu chứng khô miệng, tần suất thường xuyên hay gián đoạn, những thời điểm có cảm giác khô miệng rõ ràng nhất;
- Tìm hiểu các yếu tố kích thích bao gồm tâm lý, các hoạt động nhất định, lượng nước uống mỗi ngày, thói quen ngủ, tiền sử dùng chất kích thích;
- Điều tra tiền sử các bệnh lý liên quan đến khô miệng, tiền sử dùng thuốc, điều trị ung thư, chấn thương đầu cổ, đánh giá các yếu tố về lây nhiễm HIV…;
Khám lâm sàng
Ở bước này, bác sĩ sẽ thăm khám và quan sát trực tiếp trong khoang miệng để đánh giá mức độ khô miệng như thế nào, chẳng hạn như khô có nứt nẻ hay không, nước bọt nhiều hay ít, đặc hay lỏng… Bên cạnh đó, bác sĩ tiến hành xoa bóp tuyến nước bọt nhưng không có dòng nước bọt tiết ra.
Đồng thời, dùng đèn soi tìm kiếm các tổn thương đặc trưng do nấm tại các mô mềm và đánh giá tình trạng sức khỏe răng miệng thông qua quan sát viền nướu, thân răng, đầu chóp răng… Trong đó:
- Các tổn thương do nấm Candida albicans thường có biểu hiện là các vùng nổi ban đỏ, teo nướu;
- Sự xuất hiện của khô miệng kèm theo các triệu chứng như khô mắt, đau khớp, phát ban… có thể là do chứng Sjogren;
- Khô miệng, hôi miệng, răng đổi màu và xuất hiện các lỗ sâu có thể là do các bệnh lý răng miệng hoặc sử dụng ma túy, các chất kích thích bất hợp pháp;
- Còn khô miệng nếu chỉ ra vào ban đêm hoặc vào buổi sáng sau khi ngủ dậy có thể là do độ ẩm không khí khô, thói quen thở bằng miệng khi ngủ;
Khám cận lâm sàng
Với những người bị khô miệng kéo dài nhưng chưa có nhiều triệu chứng rõ ràng sẽ được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm kiểm tra như:
- Đo Sialomet: Đây là xét nghiệm nhằm đánh giá lưu lượng nước bọt bằng cách đặt các thiết bị chuyên dụng vào các lỗ tuyến, sau đó gây kích thích để sản sinh nước bọt bằng cách nhai parafin hoặc acid citric. Trong đó, lượng nước bọt bình thường là 0.3 – 1.5mL/ phút/ tuyến, nếu dưới 0.1mL/ phút sẽ là khô miệng.
- Sinh thiết tuyến nước bọt: Vị trí lấy sinh thiết tuyến nước bọt thường là môi dưới. Xét nghiệm này nhằm phát hiện các bệnh lý liên quan như chứng Sjogren, lao, ung thư hoặc nhiễm vi khuẩn Sarcoidosis hoặc amyloidosis…
Tham khảo thêm: Khô miệng khi ngủ vào ban đêm: Dấu hiệu và cách khắc phục
Chữa khô miệng như thế nào hiệu quả?
Khô miệng do rất nhiều nguyên nhân gây ra và cũng không phải một bệnh lý chính thức nên không có cách trị nhất định. Các chuyên gia cho biết, để chữa khô miệng cần tập trung điều trị tích cực các bệnh lý cơ thể hoặc bệnh lý về tuyến nước bọt. Đồng thời, kết hợp bù nước và cải thiện thói quen xấu gây khô miệng để hỗ trợ cải thiện triệu chứng bệnh.
1. Điều trị theo nguyên nhân bệnh lý
Với những trường hợp khô miệng là triệu chứng của các bệnh lý mãn tinh, bệnh tự miễn, bệnh nội tiết… tốt nhất người bệnh nên tuân thủ phác đồ điều trị cụ thể về loại bệnh đó dưới sự theo dõi và chỉ định của bác sĩ. Việc điều trị các bệnh lý này thường khá phức tạp và tốn nhiều thời gian, tuy nhiên khi đã chữa khỏi không chỉ tình trạng khô miệng mà các triệu chứng phiền toái khác cũng sẽ biến mất, giúp bạn lấy lại nền tảng sức khỏe tốt.
2. Can thiệp y tế và dùng thuốc điều trị khô miệng nặng
Để khắc phục chứng khô miệng, bác sĩ sẽ áp dụng thử nhiều cách khác nhau như:
- Điều chỉnh liều lượng hoặc thay đổi loại thuốc trị bệnh khác không nằm trong nhóm thuốc gây ra khô miệng;
- Sử dụng nước bọt nhân tạo dưới dạng nước súc miệng, gel, thuốc xịt, viên ngậm hay miếng gạc có chứa thành phần hoạt chất carboxymethyl celluloses hoặc hydroxyethyl. Với khả năng thay thế nước bọt tự nhiên để làm mềm các mô niêm mạc, duy trì độ ẩm trong khoang miệng.
- Kê toa các loại thuốc kích thích tuyến nước bọt, thường là cevimeline (Evoxac®) và pilocarpine (Salagen®). Đây là 2 loại thuộc nhóm thuốc chủ vận cholinergic có khả năng kích thích, tăng tiết sản sinh nước bọt, làm ẩm khoang miệng;
- Với những trường hợp khô miệng là dấu hiệu của sâu răng sẽ được chỉ định dùng thuốc florua (thường là natri florua 1.1% hoặc thiếc florua 0.4%) thông qua các khay máng chuyên dụng.
Tham khảo thêm: Mất Ngủ Khô Miệng: Báo Hiệu Lá Gan Đang Gặp Vấn Đề
3. Các mẹo chữa khô miệng tại nhà
Ngoài các biện pháp y tế, người bị khô miệng cũng nên chủ động áp dụng một số biện pháp chăm sóc tại nhà để hỗ trợ đạt kết quả điều trị cao hơn như:
- Nên sử dụng các loại kẹo cứng hoặc kẹo cao su không đường để kích thích các dây thần kinh tuyến nước bọt. Đây là một mẹo tăng tiết nước bọt tự nhiên đem lại hiệu quả đáng kể.
- Tập cách từ bỏ thói quen thở bằng miệng khi ngủ, vì lúc này không khí sẽ đi qua miệng làm khô nước bọt. Tốt nhất nên thở bằng mũi để giữ cho nước bọt trong khoang miệng không bị khô đặc.
- Tăng cường sử dụng các loại thảo dược như gel nha đam, trà gừng hoặc ăn nhiều ớt chuông để tăng cường tuyến nước bọt hoạt động mạnh hơn.
- Bổ sung đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể, trung bình từ 1.5 – 2 lít/ ngày. Uống đúng cách, uống nhiều lần trong ngày và uống từng ngụm nhỏ, uống chậm để nước thẩm thấu vào các mô khoang miệng duy trì độ ẩm, giảm khô miệng.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp, tránh các loại thức ăn nhiều đường, tinh bột có khả năng gây sâu răng, thức ăn quá nóng, quá mặn vì dễ gây kích ứng miệng, cà phê, thức uống có cồn… Thay vào đó nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng từ canh, súp, sinh tố, sữa, rau củ quả giàu vitamin, khoáng chất…
- Giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ hàng ngày, chải răng ít nhất 2 lần/ ngày. Ưu tiên sử dụng các loại kem đánh răng chứa florua và nước súc miệng có chứa xylitol, chlorhexidine để giảm nguy cơ sâu răng.
- Duy trì tâm lý ổn định, chia sẻ nhiều hơn với mọi người xung quanh và làm những điều mình yêu thích để cảm thấy thoải mái. Vận động tập thể dục thường xuyên cũng là một cách kích thích tâm lý khá tốt.
- Thăm khám định kỳ để theo sát diễn tiến của bệnh cũng như sớm có hướng xử lý phù hợp, kịp thời nếu có bất thường xảy ra.
Bị khô miệng không phải chứng bệnh quá nguy hiểm, tuy nhiên đừng nên chủ quan vì có thể đó là dấu hiệu của các bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, hãy chủ động thăm khám nếu nghi ngờ sức khỏe đang có dấu hiệu tụt dốc và tiếp nhận phác đồ điều trị do bác sĩ chỉ định.
Có thể bạn quan tâm
- Răng Ê Buốt: Nguyên Nhân, Cách Điều Trị và Khắc Phục
- Viêm Loét Miệng: Nguyên Nhân, Biểu Hiện, Hướng Chữa Trị
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!