Bệnh Lao màng bụng

Lao màng bụng là một trong những thể lao ngoài phổi thường gặp. Bệnh xảy ra do nhiễm trùng lây lan thứ phát từ các ổ lao khác trong cơ thể. Người mắc bệnh lao màng bụng thường có các triệu chứng như sốt, tiêu chảy, táo bón, ăn uống kém, suy nhược cơ thể, sụt cân... Đa số các trường hợp nhiễm lao màng bụng đều không quá nghiêm trọng và có thể điều trị bằng thuốc kháng lao. 

Lao màng bụng (Tuberculous Peritonitis) còn được gọi là bệnh viêm phúc mạc do lao. Đây là thể lao ngoài phổi khá phổ biến do trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis gây ra. Vị trí tổn thương là khoang phúc mạc do nhiễm trùng lây lan theo đường máu do lao phổi hoặc các dạng lao phần phụ, lao tiêu hóa khác.

Lao màng bụng là tình trạng màng bụng nhiễm trùng ứ dịch chứa vi khuẩn lao kèm theo các tổn thương viêm đặc hiệu

Màng bụng dễ dàng bị tấn công bởi vi khuẩn lao thông qua 4 con đường gồm qua đường hạch bạch huyết, lao ruột non hoặc lao hồi manh tràng, đường máu và từ ống Fallop. Nguy cơ mắc bệnh cao ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, nghiện rượu, điều kiện sinh hoạt kém, suy giảm miễn dịch, dinh dưỡng kém...

Tại Việt Nam, lao màng bụng chiếm khoảng 6.5% trong tổng số các trường hợp mắc bệnh lao ngoài phổi. Được xếp ở vị trí thứ 6 chỉ sau lao màng phổi, lao hạch, lao xương khớp, lao màng não, lao thanh quản... Thống kê cho thấy, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao hơn nam giới (tỷ lệ từ 75 - 90%). Độ tuổi dễ mắc bệnh là < 40 tuổi (chủ yếu trong 20 - 30 tuổi).

Phân loại

Bệnh lao màng bụng được phân chia làm 3 dạng chính gồm:

  • Thể cổ trướng
  • Thể loét bã đậu
  • Thể xơ dính

Mỗi loại có triệu chứng và tiến triển bệnh khác nhau. Trong đó, thể cổ trướng là thể nhẹ nhất, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ chuyển sang thể bã đậu hóa hoặc xơ dính hóa phức tạp và nguy hiểm hơn.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Lao màng bụng là những tổn thương nhiễm trùng đặc hiệu khu trú tại màng bụng và thường ở dạng thứ phát sau các ổ lao khác. Trực khuẩn lao Mycobacterium được xác định là tác nhân chính gây ra bệnh lao nói chung và lao màng bụng nói riêng. Chúng không thể tấn công trực tiếp đến màng bụng, thay vào đó sẽ phát triển và nhân lên số lượng lớn, sau đó xâm nhập vào màng bụng thông qua các con đường chính sau:

Lao màng bụng thường là dạng thứ phát xảy ra sau các ổ lao khác trong cơ thể

  • Thứ nhất: Nhiễm trùng bắt đầu từ hạch mạc treo và lây lan vi khuẩn lao theo đường hạch bạch huyết để đến màng bụng;
  • Thứ hai: Nhiễm trùng lao khởi đầu từ ruột non hoặc manh tràng, sau đó tấn công qua thành ruột để tới màng bụng;
  • Thứ ba: Lây lan qua đường máu thông qua các tổn thương nhiễm trùng lao ở xa;
  • Thứ tư: Lây lan vi khuẩn lao đến màng bụng thông qua ống Fallop;

Những người đang bị suy giảm miễn dịch, nghiện rượu trong thời gian dài, làm việc và sinh sống trong điều kiện vệ sinh kém, làm việc quá sức và ăn uống thiếu chất (nhất là đạm và vitamin) làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao màng bụng. Ngoài ra, một số yếu tố khác gây lao màng bụng như:

  • Bệnh thận mãn tính phải thẩm phân phúc mạc liên tục;
  • Xơ gan hoặc bệnh gan thứ phát do rượu;

Triệu chứng và chẩn đoán

Tùy theo từng thể bệnh lao màng bụng cụ thể mà các triệu chứng sẽ biểu hiện khác nhau. Dựa vào những biểu hiện lâm sàng này góp phần chẩn đoán lao màng bụng hiệu quả hơn. Cụ thể như sau:

Triệu chứng lâm sàng

Bệnh nhân lao màng bụng thường có các triệu chứng sau:

Sốt cao, tiêu chảy, táo bón, chướng bụng, đau bụng, buồn nôn, suy kiệt... là những dấu hiệu của bệnh lao màng bụng

  • Triệu chứng toàn thân: Sốt cao > 39 - 40 độ C hoặc sốt nhẹ từ 37.5 - 38 độ C và kéo dài dai dẳng, tái sốt liên tục. Kèm theo chán ăn, đầy bụng, cổ trướng, khó tiêu, mệt mỏi, sút cân, suy nhược...
  • Triệu chứng khu trú: 
    • Triệu chứng thể cổ trướng: Thể lao màng bụng cổ trướng có thể ở mức độ nhẹ, vừa và nhiều hoặc cổ trướng tự do. Kèm theo không có gan to, lách to, không có tuần hoàn bàng hệ;
    • Triệu chứng thể bã đậu: Thường gây triệu chứng bụng cổ trướng nhiều hoặc ít, thăm khám phát hiện những mảng cứng mềm nằm xen kẽ trong ổ bụng. Rất nhiều trường hợp hiểu nhầm đây là khối u ung thư trong bụng. Gây ra các triệu chứng như sốt cao, đau bụng, tiêu chảy, đại tiện phân nát...;
    • Triệu chứng thể xơ hóa: Là tình trạng các tổ chức xơ phát triển mạnh mẽ khắp bụng. Bệnh gây ra các triệu chứng như bán tắc ruột, khó trung tiện, bụng chướng đau, căng cứng và khó chịu;

Chẩn đoán

Thăm khám các triệu chứng lâm sàng kết hợp khám các bộ phận liên quan khác để tìm kiếm dấu hiệu của các tổn thương lao, chẳng hạn như:

Kết hợp thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng sau để chẩn đoán lao màng bụng:

Chẩn đoán lao màng bụng chủ yếu bằng phương pháp sinh thiết màng bụng hoặc nhuộm, nuôi cấy dịch chứa vi khuẩn

  • Phân tích dịch cổ trướng SAAG;
  • Xét nghiệm vi sinh nhằm mục đích nuôi cấy Mycobacterium tuberculosis;
  • Sinh thiết phúc mạc kết hợp xét nghiệm phản ứng PCR tìm vi khuẩn lao;
  • Nội soi ổ bụng;
  • Chụp X quang ngực kết hợp chụp cắt lớp vi tính CT scan cho phép đánh giá tổn thương phúc mạc;
  • Phản ứng Mantoux +;
  • Xét nghiệm máu đánh giá các chỉ số như albumin, protid, creatinin, transaminase...;

Sau khi xác định các dấu hiệu trên, bác sĩ cũng sẽ tiến hành chẩn đoán phân biệt với các vấn đề sức khỏe và bệnh lý khác như:

  • Phân biệt lao màng bụng cấp tính với bệnh viêm màng bụng tự phát hoặc do vi khuẩn sinh mủ;
  • Phân biệt lao màng bụng mạn tính với thể ung thư nguyên phát hoặc ung thư xâm lấn di căn ổ bụng, các bệnh lý tự miễn gây tràn dịch màng bụng;

Biến chứng và tiên lượng

Cũng giống như những bệnh về lao khác, bệnh lao màng bụng được đánh giá khá nguy hiểm, nó có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Chẳng hạn như:

  • Tắc nghẽn ruột;
  • Phát sinh các dạng lao khác như lao ruột, lao màng tim... và tiến triển đến nhiều cơ quan khác;
  • Tăng nguy cơ viêm gan nhiễm độc do thuốc;
  • Phát sinh chứng viêm dính quanh gan và viêm tắc vòi trứng;

Những biến chứng này gây ảnh hưởng không nhỏ đến thể trạng, sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của người bệnh nếu không được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, đa số các trường hợp lao màng bụng đều có tiên lượng tốt do được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. do đó, khuyến cáo bệnh nhân cần chủ động thăm khám, chẩn đoán và chữa trị bằng các biện pháp phù hợp.

Điều trị

Tùy từng thể bệnh lao màng bụng khác nhau và mức độ bệnh nặng hay nhẹ mà bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng biện pháp điều trị phù hợp.

Thuốc kháng lao

Hiện nay, bệnh lao nói chung và lao màng bụng nói riêng có thể chữa trị khỏi bằng phác đồ thuốc kháng lao. Mỗi phác đồ gồm nhiều loại thuốc khác nhau, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối liều dùng, đúng thời điểm và đúng thời gian để đạt hiệu quả tốt nhất.

Thuốc kháng lao được chia làm 5 nhóm chính gồm:

  • Nhóm 1: Là nhóm thuốc uống gồm các loại là Isoniazid, etham-butol, ritampicin, pyrazinamid;
  • Nhóm 2: Là nhóm thuốc tiêm gồm các loại là amikacin, kanamycin, streptomicin, capreomycin;
  • Nhóm 3: Là nhóm thuốc Fluoroquinolon gồm levoiloxaccin, otloxacin, moxitloxacin;
  • Nhóm 4: Là nhóm thuốc diệt khuẩn gồm cycloserin, paraaminosalicylic acid, ferizidon, protionamid, ethionamid;
  • Nhóm 5: Là nhóm thuốc điều trị lao kháng thuốc gồm clofazinin, amoxillin + clavulinic, thioacetazon, linezolid, clarithromycin, imipenem, isonazid sử dụng liều cao gồm 16 - 20mg;

Để phân loại thuốc, biết được cơ chế dùng thuốc chúng ta cần nắm rõ có 2 nhóm thuốc điều trị lao là:

  • Nhóm diệt khuẩn gồm: Streptomycin, Pyrazinamid, Isoniazid, Kanamycin, Levoiloxacin;
  • Nhóm kiềm khuẩn gồm: Rifampicin, Ethambutol;

Phác đồ thuốc kháng lao phối hợp nhiều loại thuốc giúp tiêu diệt và ức chế sự phát triển của trực khuẩn lao

Hầu hết các trường hợp đều áp dụng phác đồ kháng lao qua 2 giai đoạn, bao gồm:

  • Giai đoạn tấn công: Thường kéo dài trong khoảng 2 - 3 tháng, nhằm mục đích tiêu diệt số lượng lớn vi khuẩn lao gây tổn thương ở các cơ quan và giảm nguy cơ vi khuẩn lao phát triển đến mức kháng thuốc.
  • Giai đoạn duy trì: Thường kéo dài trong khoảng 4 - 6 tháng, nhằm loại bỏ hoàn toàn số lượng vi khuẩn lao còn sót lại, giảm thiểu tổn thương và phòng ngừa bệnh tái phát.

Mỗi thể bệnh lao màng bụng cụ thể sẽ có phác đồ điều trị riêng, bao gồm:

Thể lao màng bụng cổ trướng

Đây là thể lao phổ biến nhất. Bệnh nhân có thể áp dụng công thức 2RHZS/6HE đối với trường hợp bệnh nhẹ và vừa, trường hợp nặng có áp dụng công thức đa hóa trị liệu là 2RHZSE/1RHZE/5R3H3E3. Đây là phác đồ thuốc chuẩn do Bộ Y tế cung cấp.

Đồng thời, người bệnh có thể kết hợp sử dụng một số loại thuốc hỗ trợ khác như;

  • Thuốc Corticoid chống viêm;
  • Thuốc điều trị triệu chứng như táo bón, nôn ói, tiêu chảy;
  • Kết hợp chọc tháo dẫn lưu dịch cổ trướng với lượng 1000ml/lần;

Tùy tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện trong khoảng 8 - 12 tuần, liều dùng theo chỉ định.

Thể lao màng bụng loét bã đậu và xơ dính

Đây là 2 thể bệnh lao màng bụng khá phức tạp, xảy ra khi thể cổ trướng không được phát hiện và điều trị kịp thời. Phác đồ trị lao màng bụng thể này có công thức giống thể cổ trướng nhưng thời gian kéo dài hơn. Khoảng thời gian này không cố định, tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra khoảng thời gian phù hợp.

Kết hợp dùng thuốc Corticoid để giảm nguy cơ phát sinh biến chứng tắc ruột, thủng ruột, rò ruột hoặc rò thành bụng. Chọc tháo cổ trướng thường xuyên nếu ứ đọng dịch quá mức, mỗi lần tối đa khoảng 1000ml/lần.

Nếu đã phát sinh biến chứng, bệnh nhân được chỉ định can thiệp phẫu thuật để xử lý tình trạng tắc ruột hoặc có ổ áp xe lạnh. Bệnh nhân cũng được khuyến cáo nghỉ ngơi, tịnh dưỡng nhiều hơn để sớm phục hồi sức khỏe.

Thể lao màng bụng phối hợp

Trường hợp lao màng bụng phát triển kèm theo nhiều dạng lao khác như lao phổi, lao da, lao thận, lao màng não... thường phải sử dụng kết hợp 4 - 5 loại thuốc kháng lao trong thời gian dài. Kết hợp sử dụng thuốc Corticoid liều cao theo chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất.

Can thiệp ngoại khoa

Trong trường hợp lao màng bụng nặng, bệnh nhân được đưa vào nhập viện trong trạng thái suy kiệt thể trạng, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, kết quả thăm khám và xét nghiệm máu bất thường, kèm theo tắc ruột nghiêm trọng cần được mổ cấp cứu gấp.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân được nuôi ăn tĩnh mạch, đặt sonde hỗng tràng, sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, truyền máu, albumin qua catheter ngoài màng cứng... Kết hợp chăm sóc tích cực để ổn định sức khỏe. Sau đó, được cho xuất viện và tiếp tục áp dụng phác đồ điều trị lao theo chỉ định.

Phòng ngừa

Để phòng ngừa lao màng bụng, bạn cần tích cực thực hiện đầy đủ và phối hợp giữa các biện pháp sau:

Cách ly và hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh lao nói chung để giảm rủi ro nhiễm lao màng bụng

  • Sống và sinh hoạt ở nơi có điều kiện vệ sinh sạch sẽ, môi trường thoáng mát, không ô nhiễm.
  • Giữ vệ sinh cá nhân kỹ lưỡng, tắm gội thường xuyên và sử dụng các biện pháp bảo hộ khi tiếp xúc với hóa chất, chất độc hại, chất bẩn để giảm nguy cơ nhiễm lao màng bụng.
  • Phân bổ thời gian hợp lý, làm việc và nghỉ ngơi điều độ, tránh làm việc quá sức, thư giãn thoải mái cả thân thể lẫn đầu óc.
  • Tạo thói quen vận động tích cực, tập thể dục thể thao, ăn uống đủ chất, ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm lành mạnh, tránh sử dụng rượu bia, chất kích thích, thuốc lá... giúp nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, ức chế sự phát triển của vi khuẩn, virus gây lao màng bụng.
  • Cách ly an toàn với những người đang mắc bệnh và có khả năng lây nhiễm cao. Nếu có hệ miễn dịch kém hãy chú ý bảo vệ đường thở bằng cách đeo khẩu trang mỗi khi tiếp xúc với những người bệnh tật.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân tại sao tôi mắc bệnh lao màng bụng?

2. Bệnh lao màng bụng có nguy hiểm không?

3. Những dấu hiệu nào cho thấy tôi đang mắc bệnh lao màng bụng?

4. Bệnh lao màng bụng có thể chữa trị được không?

5. Điều trị lao màng bụng bằng phương pháp nào tốt nhất?

6. Dùng thuốc kháng lao trong thời gian dài có gây tác dụng phụ hơn?

7. Quá trình điều trị lao màng bụng mất bao lâu thì khỏi?

8. Chế độ căm sóc sức khỏe trong quá trình điều trị hỡ trợ lao màng bụng?

9. Khi nào tôi cần phẫu thuật lao màng bụng? Chi phí điều trị tốn bao nhiêu>?

10. Bệnh lao màng bụng có tái phát sau điều trị không?

Lao màng bụng tuy ít phổ biến hơn lao phổi nhưng vẫn được cảnh báo là bệnh lý nguy hiểm khó lường. Nhiễm lao màng bụng cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời bằng phác đồ thuốc chống lao phù hợp để kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng. Hãy tuân thủ lịch thăm khám định kỳ để kiểm tra, theo dõi tiến triển bệnh để có hướng điều trị tốt nhất, sớm đẩy lùi bệnh tật.