Bệnh Sốt mèo cào

Sốt mèo cào là bệnh nhiễm trùng do nhiễm vi khuẩn Bartonella henselae. Chúng được lây truyền sang người thông qua vết cào, trầy xước hoặc vết cắn của mèo bị nhiễm bệnh. Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh nhất, do chúng có sở thích chơi đùa với mèo. Đa số trường hợp nhiễm bệnh đều không quá nguy hiểm, có thể tự khỏi sau một thời gian. Trong trường hợp nặng, có thể điều trị bằng kháng sinh để loại bỏ nhiễm trùng. 

Tổng quan

Sốt mèo cào (Cat Scratch Fever) là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Bartonella henselae gây ra. Bệnh thường được lây truyền từ động vật sang người, phổ biến nhất là thông qua vết trầy xước hoặc vết cắn của mèo bị nhiễm bệnh. Một số ít trường hợp cũng có thể lây lan thông qua bọ chét.

Sốt mèo cào là căn bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Bartonella henselae gây ra

Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc bệnh sốt mèo cào. Tuy nhiên, phổ biến nhất ở trẻ em < 15 tuổi do chúng có sở thích chơi đùa với mèo. Những người có tiền sử nhiễm HIV hoặc mắc các bệnh gây suy giảm hệ thống miễn dịch sẽ có nguy cơ cao nhiễm bệnh và gặp các biến chứng nghiêm trọng khác.

Tỷ lệ mắc bệnh khá hiếm gặp, chỉ khoảng 12.000 người được chẩn đoán mỗi năm tại Mỹ. Đa số các trường hợp mắc bệnh thường không nghiêm trọng và có xu hướng tự khỏi. Tuy nhiên, có khoảng 500 ca nhiễm trùng sốt mèo cào phải nhập viện để điều trị.

Phân loại

Bệnh sốt do mèo cào được phân chia làm 2 dạng là dạng điển hình và không điển hình. Trong đó:

  • Dạng điển hình: Đặc trưng bởi các tổn thương là vết sưng nhỏ hoặc vết phồng rộp ngay tại vị trí vết xước hoặc vết mèo cào, cắn. Sau khoảng 3 - 14 ngày sau khi bị mèo cắn, các triệu chứng sẽ bùng phát, điển hình như sốt, mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết và suy nhược cơ thể.
  • Dạng không điển hình: Dạng bệnh này không quá phổ biến nhưng lại rất nghiêm trọng. Bệnh gây ra các triệu chứng nặng như sốt, đau đầu, đau bụng, đau khớp, đau cơ... Trong trường hợp nghiêm trọng có thể khởi phát các biến chứng như viêm thần kinh võng mạc, suy giảm thị lực.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bệnh sốt mèo cào được gây ra bởi một loại vi khuẩn có tên Bartonella henselae. Có ít nhất khoảng 40% mèo bị nhiễm loại vi khuẩn nào vào một thời điểm nào đó trong đời. Mèo có thể bị nhiễm vi khuẩn do bị bọ chét cắn hoặc tiếp xúc vào phân của bọ chét, chủ yếu tập trung ở kẽ răng và móng tay.

Thông thường, nhóm mèo dưới 1 tuổi có nhiều khả năng cao bị nhiễm B.henselase và lây truyền mầm bệnh sang người. Vi khuẩn có thể lây sang người thông qua vết trầy xước, vết cào, cắn hoặc bị mèo liếm vào vết thương hở khi chơi đùa cùng nhau hoặc khi mèo tấn công người khi đang giận dữ.

Thường xuyên chơi đùa với mèo nhiễm bệnh rất dễ nhiễm vi khuẩn B.henselae gây ra sốt mèo cào

Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu bẩm sinh hoặc các bệnh lý mạn tính có nhiều nguy cơ mắc bệnh sốt mèo cào. Chẳng hạn như:

  • Bệnh ung thư;
  • Nhiễm HIV/AIDS;
  • Bệnh tiểu đường;
  • Phẫu thuật cấy ghép nội tạng;
  • Phụ nữ mang thai;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Các triệu chứng của bệnh sốt mèo cào thường khởi phát sau khoảng 3 - 14 ngày kể từ thời điểm tiếp xúc với vi khuẩn. Bệnh đặc trưng với các triệu chứng cơ bản gồm:

Các triệu chứng điển hình của sốt mèo cào như sốt, sưng hạch bạch huyết, đau đầu, đau họng, phát ban da...

  • Xuất hiện vết sưng nhỏ hoặc vết phồng rộp ngay tại vị trí vết cắn, vết trầy xước;
  • Sốt cao trên 38 độ C;
  • Đau đầu;
  • Mệt mỏi, suy nhược;
  • Sưng hạch bạch huyết;
  • Ăn uống kém;
  • Đau họng;
  • Sụt cân đột ngột;

Ngoài ra, một số triệu chứng hiếm gặp trong trường hợp bị sốt mèo cào nặng bao gồm:

  • Đau mỏi lưng;
  • Ớn lạnh từng cơn;
  • Đau khớp;
  • Đau bụng;
  • Phát ban toàn thân;
  • Sưng viêm và đau mắt đỏ;

Chẩn đoán

Chẩn đoán bệnh sốt mèo cào thường khó chẩn đoán vì có các triệu chứng không đặc hiệu, tương tự như các bệnh lý khác. Nếu bị mèo cào hoặc cắn và phát sinh các triệu chứng bất thường, không nên chủ quan, hãy thăm khám sức khỏe chuyên sâu. Bác sĩ sẽ yêu cầu mô tả các triệu chứng của bạn và thăm khám lâm sàng để đánh giá mức độ nhiễm trùng.

Xét nghiệm máu là một trong những xét nghiệm chính giúp phát hiện vi khuẩn B.henselae góp phần chẩn đoán sốt mèo cào

Sau đó, bệnh nhân cần thực hiện các biện pháp chẩn đoán cận lâm sàng bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Nhằm tìm kiếm các kháng thể - protein do cơ thể tạo ra để chống lại yếu tố nhiễm trùng. Tuy nhiên, phương pháp này thường không hiệu quả trong giai đoạn đầu của bệnh do quá trình cơ thể tạo ra kháng thể chống lại vi khuẩn gây sốt mèo cào chưa hoạt động mạnh mẽ.
  • Xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR): Nhằm xác định chủng vi khuẩn trong máu của bệnh nhân, góp phần chẩn đoán chính xác bệnh sốt mèo cào.
  • Sinh thiết hạch bạch huyết: Kỹ thuật này là tiêu chuẩn vàng giúp chẩn đoán bệnh sốt mèo cào. Được thực hiện bằng cách thu thập mẫu mô nhỏ từ trong hạch bạch huyết và xét nghiệm kiểm tra dưới kính hiển vi. Từ đó giúp xác định chẩn đoán căn bệnh này.

Biến chứng và tiên lượng

Đa số các trường hợp mắc bệnh sốt mèo cào đều không quá nghiêm trọng, triệu chứng kéo dài từ 2 - 8 tuần và có xu hướng tự khỏi trong thời gian ngắn, mà không để lại bất kỳ dấu hiệu nào. Tiên lượng của bệnh khá tốt, một người sau khi đã nhiễm vi khuẩn, họ sẽ miễn nhiễm vĩnh viễn với loại vi khuẩn này.

Tuy nhiên, một số ít trường hợp bệnh nhân có thể trạng kém, hệ miễn dịch suy yếu có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm. Chủ yếu do nhiễm trùng lây lan và ảnh hưởng đến não, tim, mắt và nhiều cơ quan khác, gây suy đa tạng, dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Nhiễm trùng lây lan gây ra hàng loạt tổn thương và biến chứng suy đa tạng như não, tim, mắt...

Một số biến chứng cụ thể của bệnh sốt mèo cào như:

  • Bệnh não: Nhiễm trùng não gây tổn thương, suy giảm chức năng não, điển hình với các triệu chứng như đau đầu dữ dội, lú lẫn, co giật, lên cơn động kinh...
  • Viêm nội tâm mạc: Là tình trạng nhiễm trùng lớp màng bao quanh tim dẫn đến đau nhức cơ, ngực, khớp, có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh;
  • Viêm dây thần kinh: Bệnh chủ yếu gây ảnh hưởng đến mắt và dây thần kinh thị giác, dẫn đến suy giảm thị lực.
  • Gan lách to: Là tình trạng lá gan và lá lách bị sưng viêm, phình to ra. Gây các triệu chứng điển hình như đau bụng, buồn nôn, nôn ói, vàng da...
  • Hội chứng nhãn cầu oculoglandular của Parinaud: Đây là tình trạng viêm đỏ kết mạc mắt và sưng các hạch bạch huyết nằm ở gần vị trí tai.
  • Các biến chứng khác:
    • Viêm buồng tim, van tim;
    • Viêm xương, viêm gan;

Ngoài ra, bệnh không có khả năng lây lan từ người sang người. Những trường hợp nhiều thành viên trong gia đình cùng mắc bệnh là do tiếp xúc với vùng một con mèo bị nhiễm bệnh sống trong gia đình.

Điều trị

Hầu hết các trường hợp bị sốt mèo cào mức độ nhẹ có thể không cần điều trị, bệnh có thể tự khỏi trong khoảng vài tuần mà không để lại bất kỳ di chứng nào. Tuy nhiên, những bệnh nhân mắc bệnh với các triệu chứng nghiêm trọng hoặc thể trạng bệnh nhân suy yếu, hệ miễn dịch yếu kém cần được điều trị y tế kịp thời.

Điều trị y tế

Phương pháp điều trị bệnh sốt mèo cào là dùng thuốc. Gồm 2 loại sau:

Các triệu chứng nhiễm trùng nặng của bệnh sốt mèo cào có thể được kiểm soát bằng thuốc kháng sinh

  • Thuốc chống viêm: Bạn có thể sử dụng nhóm thuốc chống viêm không kê đơn như ibuprofen (Advil, Nuprin, Motrin) hoặc Naproxen (Anaprox, Aleve, Naprosyn) nhằm giảm thiểu viêm nhiễm, cải thiện sưng đau.
  • Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh được chỉ định điều trị với những người mắc bệnh sốt mèo cào nặng do suy yếu hệ miễn dịch. Các loại thuốc kháng sinh thường dùng như Azithromycin (Zithromax), Ciprofloxacin (Cipro), Tetracyclin (Sumycin), Rifampicin (Rifadin), Trimethoprim - sulfamethoxazole (Septra, Bactrim)... Tùy vào mức độ nhiễm trùng, bệnh nhân sẽ sử dụng thuốc với liều lượng và thời gian khác nhau, trung bình từ 5 - 14 ngày.

Những bệnh nhân bị sốt mèo cào ở giai đoạn có các biến chứng nghiêm trọng như viêm dây thần kinh võng mạc, mất thị lực, nhiễm trùng lây lan... cần phải nhập viện và tìm kiếm sự chăm sóc, điều trị y tế phù hợp càng sớm càng tốt.

Chăm sóc tại nhà

Một số biện pháp điều trị hỗ trợ tại nhà giúp khắc phục và cải thiện triệu chứng bệnh sốt mèo cào như:

  • Chườm ấm lên vùng da tổn thương để giảm đau nhức, viêm sưng, nhất là các hạch bạch huyết;
  • Dùng thuốc giảm đau, hạ sốt không kê đơn như acetaminophen hoặc ibuprofen;
  • Bôi kem hoặc thuốc mỡ lành tính chứa chất kháng sinh lên vết thương giúp kiểm soát nhiễm trùng hiệu quả;
  • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi để giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn;
  • Ăn uống dinh dưỡng, đủ chất và uống nhiều nước để nâng cao sức đề kháng chống lại nhiễm trùng;

Phòng ngừa

Giải pháp tốt nhất để phòng ngừa bệnh sốt mèo cào là tránh tiếp xúc hoặc chơi đùa với mèo. Để làm được điều này, hãy thực hiện các biện pháp tích cực sau:

Tránh chơi đùa thô bạo với mèo để giảm nguy cơ bị cào, cắn phòng ngừa nhiễm vi khuẩn gây sốt mèo cào

  • Không nên chơi đùa với mèo, nhất là những con mèo không được chăm sóc và nuôi nấng kỹ lưỡng, không tiêm đầy đủ vắc xin ngừa bệnh.
  • Tránh chơi đùa quá thô bạo với mèo, nhất là với mèo con.
  • Rửa tay kỹ lưỡng bằng xà phòng diệt khuẩn và nước sạch sau khi tiếp xúc với mèo.
  • Đối với mèo thú cưng, nên nuôi giữ trong nhà để tránh tiếp xúc với những con mèo khác, nhất là mèo hoang có thể bị nhiễm bệnh.
  • Kiểm soát bọ chét ở mèo bằng cách cắt móng cho chúng, bôi thuốc hoặc cho chúng uống thuốc đặc trị bọ chét do bác sĩ thú ý chỉ định.
  • Nếu bị mèo cào hoặc cắn, hãy rửa vết thương bằng nước sạch và sử dụng xà phòng diệt khuẩn, sau đó thăm khám tại bệnh viện để được kiểm tra.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi/ con tôi bị sốt, sưng hạch bạch huyết sau khi chơi với mèo là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Bị mèo cào, cắn có phải nguyên nhân nhiễm vi khuẩn Bartonella henselae hay không?

3. Cần làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh sốt mèo cào?

4. Bệnh sốt do mèo cào có nguy hiểm không?

5. Bệnh sốt mèo cào gây ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và sự phát triển của con tôi?

6. Những phương pháp điều trị bệnh sốt mèo cào hiệu quả nhất?

7. Điều trị sốt mèo cào bằng thuốc kháng sinh bao lâu thì khỏi?

8. Tôi cần làm gì để ngăn chặn sự lây nhiễm của bệnh sốt mèo cào?

Sốt mèo cào được đánh giá không quá nguy hiểm và đa số trường hợp đều tự khỏi mà không cần can thiệp điều trị. Nhưng không nên chủ quan về bệnh, đặc biệt ở những trường hợp có hệ miễn dịch suy giảm, dễ phát sinh các biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. Tốt nhất hãy chủ động thăm khám và điều trị sớm, đồng thời phòng ngừa sốt mèo cào bằng cách hạn chế tiếp xúc với loài động vật này.