Bệnh Lao vú

Lao vú là một trong những dạng lao ngoài phổi hiếm gặp và thường xảy ra ở phụ nữ trẻ hoặc trung niên, đã lập gia đình và sinh con. Căn bệnh này rất dễ bị nhầm lẫn với áp xe vú và ung thư vú, gây khó khăn trong việc chẩn đoán, điều trị. Bệnh lao vú có thể được chữa khỏi bằng phác đồ chống lao phù hợp và điều trị kịp thời. 

Lao vú là thể lao ngoài phổi hiếm gặp, chủ yếu xảy ra ở phụ nữ và ít gặp ở nam giới

Tổng quan

Lao vú ((Breast tuberculosis) là tình trạng các mô tuyến vú vi khuẩn lao tấn công và gây nhiễm trùng. Trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis là tác nhân chính gây ra bệnh lao nói chung và bệnh lao vú nói riêng. Phụ nữ trẻ, trung niên đã lập gia đình và sinh con, đang cho con bú là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lao vú.

Bệnh lao vú có thể xảy ra do nguyên phát khi không xác định được ổ lao nào khác trong cơ thể. Hoặc thứ phát khi đã xác định được nguồn lây vi khuẩn lao, chủ yếu từ phổi. Một số con đường lây lan vi khuẩn lao đến vú như đường máu, từ thành ngực hoặc các hạch bạch huyết ở nách, qua vết thương trên da hoặc tổn thương ống dẫn sữa.

Lao vú xảy ra khi các mô tuyến vú bị vi khuẩn M.tuberculosis tấn công và gây nhiễm trùng

Bệnh đặc trưng với các biểu hiện lâm sàng như hình thành khối u đau hoặc không đau, chủ yếu nằm ở vị trí trung tâm hoặc góc phần tư phía trên bên ngoài vú. Khối u này rất dễ bị nhầm lẫn với ung thư vú và áp xe do khởi phát viêm nhiễm, loét da và viêm vú lan tỏa.

Lao vú khá hiếm gặp, do các mô và cơ quan ở vú, xương, lá lách có khả năng chống nhiễm trùng cao, bảo vệ tuyến vú khỏi tác nhân vi khuẩn lao. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh là vẫn có và quá trình phát hiện bệnh có thể kéo dài từ vài tháng đến nhiều năm sau. Đa số các trường hợp phát hiện bệnh xảy ra ở 1 bên vú, hiếm khi xuất hiện ở cả 2 bên. Nam giới cũng có nguy cơ lao vú nhưng rất ít.

Phân loại

Dựa vào các đặc điểm hình thái trên X quang và thăm khám lâm sàng, bệnh lao vú được phân chia làm 3 dạng chính gồm:

  • Dạng cục: Hay còn gọi là dạng nốt, đặc trưng với các nốt sần được bao quanh tốt, phát triển chậm và có bóng khối u hình bầu dục trên nhũ ảnh. Các đặc điểm này khó có thể phân biệt với ung thư vú.
  • Dạng lan tỏa: Đặc trưng với các tổn thương liên quan đến sự hình thành xoang. Hình ảnh trên chụp nhũ ảnh cũng khá giống với ung thư vú.
  • Dạng xơ cứng: Dạng này chủ yếu phổ biến ở phụ nữ lớn tuổi. Đặc trưng bởi quá trình xơ hóa quá mức của các mô tuyến vú.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Vi khuẩn Mycobacterium có rất nhiều loại, gồm một số sống hoại sinh trong nước, đất, thực vật và một vài loại có khả năng phát triển trên cơ thể người, động vật gây bệnh. Trong đó, vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis, là chủng trực khuẩn kháng axit thuộc nhóm vi khuẩn lao người gây ra hàng loạt bệnh lý lao như lao phổi, lao thận, lao xương, lao khớp, lao da... và trong đó có lao vú.

Lao vú là bệnh lý nhiễm trùng do trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis gây ra

Con đường lây nhiễm và gây bệnh lao vú có thể thông qua nhiều con đường. Chẳng hạn như:

  • Thể lao phát triển khu trú tại vú (thể nguyên phát) với tỷ lệ mắc khoảng 60%;
  • Thể lao thứ phát do nhiễm trực khuẩn lao từ các cơ quan khác trong cơ thể như đường máu, đường hạch bạch huyết, tổn thương ống dẫn sữa hoặc lây lan từ các vị trí tiếp xúc với xương, da, màng phổi...;

Ngoài nguyên nhân chính này, bệnh lao vú cũng có thể xảy ra do nhiều yếu tố nguy cơ khác như:

  • Tiếp xúc gần với bệnh nhân đang nhiễm lao, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hít phải các giọt bắn, hơi nước trong không khí có chứa vi khuẩn;
  • Mặc áo ngực quá chật, khiến vòng 1 bị o ép, khó chịu, gây ngứa ngáy, cào gãi trầy xước dễ nhiễm trực khuẩn lao;

Triệu chứng và chẩn đoán

Bệnh nhân mắc lao vú thường có các triệu chứng sau:

Người bị lao vú thường có các triệu chứng như sốt nhẹ, ăn uống kém, sụt cân, suy nhược, đau vú, loét da, rỉ dịch...

  • Triệu chứng tại chỗ:
    • Sờ thấy khối u ở vú;
    • Có cảm giác đau hoặc không đau;
    • Sưng tấy hoặc áp xe vú tích tụ mủ tái phát thường xuyên;
    • Viêm loét quanh bầu vú, hình thành sẹo xơ gây biến dạng vú;
  • Triệu chứng toàn thân:
    • Sốt;
    • Ăn uống kém;
    • Mệt mỏi, suy nhược;
    • Đổ mồ hôi ban đêm;
    • Sụt cân;
    • Nổi hạch cổ, hạch nách;
    • Ho dai dẳng kèm theo khạc đờm (nếu bị lây bệnh từ lao phổi);

Chẩn đoán

Vì lao vú dễ bị nhầm lẫn với áp xe và ung thư vú, nên nếu chỉ đánh giá bệnh thông qua các triệu chứng lâm sàng sẽ rất khó đưa ra chẩn đoán chính xác. Do đó, bên cạnh đánh giá triệu chứng, biểu hiện và khai thác tiền sử bệnh, bác sĩ cũng sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm khác đem lại lợi ích trong chẩn đoán và đánh giá lao vú.

Bao gồm các xét nghiệm sau:

Phương pháp nhuộm Ziehl Neelsen hoặc nuôi cấy trực khuẩn lao là tiêu chuẩn vàng giúp chẩn đoán bệnh lao vú

  • Xét nghiệm Mantoux: Xét nghiệm này tuy không đưa ra chẩn đoán chính xác về bệnh lao vú, nhưng nó giúp chẩn đoán xác định sự phơi nhiễm của bệnh nhận với trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis.
  • Siêu âm: Hình ảnh siêu âm cho thấy một khối giảm âm ở khoảng 60% bệnh nhân mắc bệnh lao vú. Đồng thời, có thể phát hiện được lỗ rò hoặc đường xoang có thể thấy trong trường hợp viêm vú do lao.
  • Xét nghiệm hình ảnh: Chẳng hạn như chụp cắt lớp vi tính CT scan và cộng hưởng từ MRI giúp đánh giá mức độ lan rộng của tổn thương lao vú hướng ra ngoài, chủ yếu là về phía thành ngực.
  • Nuôi cấy hoặc nhuộm Ziehl Neelsen: Đây là tiêu chuẩn vàng giúp phát hiện vi khuẩn M. tuberculosis và chẩn đoán bệnh lao vú.
  • Phản ứng chuỗi polymerase (PCR): Phương pháp này được đánh giá rất nhạy cảm trong việc chẩn đoán bệnh lao vú. Tuy nhiên, rất hiếm khi được sử dụng, nhưng được khuyến cáo trong trường hợp kết quả nuôi cấy vi khuẩn âm tính.
  • Xét nghiệm mô bệnh học: Đánh giá mô bệnh học của tổn thương bằng cách chọc hút bằng kim nhỏ (FNA vú) giúp xác định tình trạng viêm u hạt mạn tính cùng với tình trạng hoại tử bã đậu và các tế bào khổng lồ loại Langhans. Những yếu tố này đều góp phần không nhỏ trong chẩn đoán lao vú.

Ngoài ra, vì bệnh lao vú rất dễ nhầm lẫn nên cần lưu ý thực hiện các biện pháp chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác ở vú như hoại tử mỡ, áp xe quanh quầng vú, viêm vú tế bào plasma, bệnh Paget vú...

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh lao vú là thể lao ngoài phổi hiếm gặp nhưng lại cực kỳ nguy hiểm. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời bằng thuốc kháng lao, các mô tuyến vú ngày càng tổn thương, nhiễm trùng nặng, hình thành viêm loét, dẫn đến xẹp ngực, để lại nhiều sẹo xấu co rút ở vú và gây tổn thương các khoang màng phổi.

Lao vú không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm

Hiện nay, bệnh lao vú cũng như các thể lao khác, hoàn toàn có thể điều trị được bằng phác đồ thuốc kháng lao phù hợp. Tiên lượng bệnh thường tốt nếu bệnh nhân phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời. Ngược lại, nếu không điều trị đúng cách, có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra, tình trạng lao kháng thuốc cũng là một trong những biến chứng xảy ra trong quá trình điều trị lao.

Do đó, khuyến cáo bệnh nhân mắc bệnh lao vú ngoài thăm khám sớm và điều trị đúng cách, còn cần phải tuân thủ tuyệt đối các chỉ định dùng thuốc của bác sĩ. Điều này nhằm đem lại hiệu quả tối ưu và phòng ngừa lao kháng thuốc.

Điều trị

Mỗi dạng lao khác nhau với mức độ nhiễm trùng, mức độ triệu chứng và nguy cơ biến chứng, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phác đồ điều trị lao phù hợp. Tương tự như bệnh lao phổi, lao vú thường có phác đồ điều trị ít nhất trong vòng 6 tháng đối với cả trẻ em và người lớn. Trong đó, gồm 2 tháng dùng liều tấn công và 4 tháng dùng liều duy trì (phối hợp 3 loại với người lớn và 2 loại đối với trẻ em).

Trong đó:

  • Giai đoạn 2 tháng tấn công: dùng 4 loại thuốc đường uống gồm:
    • Ethambutol 800mg/ ngày;
    • Pyrazinamide 1500mg/ ngày;
    • Rifampicin 450mg/ ngày;
    • Isoniazid  300mg/ ngày;
  • Giai đoạn 4 tháng duy trì với 2 loại thuốc gồm: Isoniazid và Rifampicin;

Điều trị lao vú chủ yếu bằng hóa trị liệu chống lao với phác đồ tối thiểu 6 tháng

Đối với thể lao tiềm ẩn (tiếp xúc với người mắc bệnh lao nhưng chưa phát bệnh) cũng được khuyến cáo điều trị sớm để loại bỏ lượng vi khuẩn tiềm ẩn trong cơ thể. Đặc biệt là những đối tượng như trẻ em từ 0 - 14 tuổi nhiễm HIV, trẻ < 5 tuổi sống chung với người nhiễm lao, người lớn nhiễm HIV...

Phác đồ điều trị lao vú tiềm ẩn là ít nhất 9 tháng đối với người lớn, 6 tháng đối với trẻ em thông qua 1 loại thuốc là INH (Isoniazid).

Trong từng trường hợp bệnh tiến triển khác nhau mà bác sĩ sẽ chỉ định thay đổi phác đồ sao cho phù hợp. Đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc dùng thuốc kháng lao gồm uống đúng thuốc, đúng liều và đúng thời gian quy định.

Hoặc trong quá trình dùng thuốc kháng lao, có thể kết hợp với các biện pháp can thiệp ngoại khoa. Chẳng hạn như:

  • Thủ thuật rạch ổ áp xe dẫn lưu;
  • Phẫu thuật bốc khối u hoặc phá bỏ lỗ rò;
  • ...

Sau điều trị, bệnh nhân vẫn cần phải tuân thủ lịch tái khám theo chỉ định của bác sĩ để thăm khám, siêu âm theo dõi mức độ tổn thương và tiến triển phục hồi các mô vú. Đồng thời, kết hợp xét nghiệm kiểm tra chức năng thận, gan nhằm đánh giá phát hiện tác dụng phụ khi dùng thuốc kháng lao.

Phòng ngừa

Bệnh lao vú tuy hiếm gặp nhưng khi mắc phải có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe. Việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa tích cực ngay từ sớm sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc phải căn bệnh này và có vòng một khỏe mạnh.

Giữ vệ sinh bầu ngực, luôn giữ cho ngực thông thoáng, không bị gò ép để giảm nguy cơ mắc bệnh lao vú

  • Xây dựng lối sống lành mạnh và an toàn, giảm thiểu các tổn thương không đáng có tại ngực.
  • Tạo thói quen vệ sinh kỹ lưỡng, bao gồm cả thân thể và môi trường sống, ưu tiên ánh sáng tự nhiên, hạn chế sinh hoạt ở nơi ẩm ướt.
  • Tập luyện thể dục thể thao điều độ, ăn uống lành mạnh và dành nhiều thời gian nghỉ ngơi giúp tăng cường sức đề kháng.
  • Giữ cho ngực luôn được thông thoáng, sạch sẽ và thoải mái, tránh mặc áo ngực quá chật.
  • Tiêm phòng đầy đủ các liều vắc xin ngừa lao, nhất là đối với trẻ sơ sinh.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi bị đau nhức vú, sốt nhẹ thường xuyên, mệt mỏi, ăn uống không ngon, nổi hạch nách, cổ là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Tôi cần làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh?

3. Nguyên nhân tại sao tôi mắc bệnh lao vú?

4. Bệnh lao vú có nguy hiểm không? Có ảnh hưởng đến tính mạng không?

5. Bệnh lao vú ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt hàng ngày?

6. Bệnh lao vú có chữa khỏi được không? Điều trị bằng cách nào tốt nhất?

7. Phác đồ thuốc chống lao phù hợp dành cho trường hợp của tôi?

8. Dùng thuốc chống lao trong thời gian dài có gây tác dụng phụ không?

9. Có cần phẫu thuật điều trị lao vú không?

10. Quá trình điều trị lao vú mất bao lâu thì khỏi? Chi phí điều trị tốn bao nhiêu?

Mắc bệnh lao vú ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất, sự tự tin, ngoại hình, thậm chí đe dọa cả tính mạng nếu không điều trị kịp thời. Do đó, ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường ở vú và suy giảm sức khỏe bất thường, hãy chủ động thăm khám tại bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp nhất.