Bệnh cảm cúm

Bệnh cảm cúm là một bệnh truyền nhiễm do virus có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào. Người bệnh có thể gặp phải các biến chứng khác nếu không chăm sóc cơ thể đúng cách. Chính vì thế khi phát hiện cơ thể có những biểu hiện bất thường, người bệnh cần theo dõi, thăm khám và điều trị bằng biện pháp phù hợp.

Tổng quan

Bệnh cảm cúm là một trong những vấn đề viêm nhiễm xảy ra tại đường hô hấp, liên quan đến virus cúm tên khoa học là Influenza. Đây là bệnh lý phổ biến, có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào. Hàng năm số liệu thống kê cho thấy có rất nhiều trường hợp mắc bệnh cảm cúm là trẻ em.

Bệnh cảm cúm
Bệnh cảm cúm có thể xuất hiện với bất kỳ ai, trong đó phổ biến nhất là trẻ em, người già, phụ nữ có thai

Bệnh có thể gây biến chứng nếu người bệnh không điều trị và chăm sóc cơ thể đúng cách. Đặc biệt, trong đó đã có rất nhiều trường hợp tử vong do cảm cúm nặng. Viêm nhiễm từ hệ hô hấp ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng nếu không có biện pháp xử lý đúng cách.

Chính vì thế, bệnh nhân mắc cảm cúm nên thận trọng, chủ động khám và chữa trị sớm, bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Đặc biệt trong đó là nhóm người trên 65 tuổi, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi hoặc phụ nữ đang có thai là nhóm đối tượng có nguy cơ cao, cơ địa nhạy cảm dễ mắc cảm cúm.

Phân loại

Có nhiều loại virus gây bệnh, trong đó bệnh cúm có thể do virus cúm A, B, C, D gây ra. Cụ thể:

  • Cúm A: Đây là bệnh cúm mùa phổ biến nhất, có đến 75% số người mắc bệnh cúm gặp phải trường hợp này. Virus cúm A tiếp tục được phân chia thành các tuýp nhỏ khác. Nhiều khả năng cúm A có thể bùng phát thành dịch nếu không có biện pháp điều trị, kiểm soát và khi virus có điều kiện lan rộng.
  • Cúm B: So với cúm A, cúm B không phân thành tuýp nhỏ, tuy nhiên chuyên gia chia bệnh cúm B thành các dòng chính bao gồm dòng B/Yamagata, dòng B/Victoria. Loại cúm này cũng xuất hiện khá phổ biến, tuy không nhiều như dịch cúm A. Bệnh có khả năng lây nhiễm cao từ người này sang người khác, mặc dù vậy loại cúm này không có khả năng bùng phát thành đại dịch.
  • Cúm C: Loại này ít gặp hơn, đồng thời mức độ nguy hiểm cũng thấp hơn. Người mắc bệnh cúm C thường không có biểu hiện lâm sàng cụ thể, bệnh nhân không nhận biết dễ dàng. Cúm C không có khả năng lan rộng bùng phát thành dịch trên người như các loại cúm đã nêu trước đó.
  • Cúm D: Khác với các dạng cúm trên, cúm D thường là dịch cúm xuất hiện ở gia súc, không xảy ra ở người.

Đa số các trường hợp người bệnh cảm cúm nhẹ không cần điều trị có thể khỏi sau khoảng 5-7 ngày. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp bệnh kéo dài tiến triển nặng khá nguy hiểm. Ngoài phân theo các dạng cúm kể trên, bạn đọc cũng cần để ý để các mức độ của bệnh từ nhẹ đến nặng nề, nhằm kịp thời kiểm soát bảo vệ sức khỏe. Cụ thể:

  • Giai đoạn 1: Bệnh xuất hiện với các biểu hiện nhẹ như đau nhức đầu, mỏi cơ, ho khan, nghẹt mũi, thân nhiệt tăng nhẹ,...
  • Giai đoạn 2: Các triệu chứng như sốt, đau nhức giảm tuy nhiên người bệnh lại có nhiều biểu hiện khác tại đường hô hấp như đau họng, khô họng, ho, tức người, khàn tiếng.
  • Giai đoạn hồi phục: Triệu chứng giảm dần và phục hồi, một số trường hợp ho kéo dài.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Như đã đề cập, bệnh cảm cúm xuất hiện do virus cúm tấn công cơ thể người bệnh. Chúng xâm nhập vào đường hô hấp, gây triệu chứng ở mũi, cổ họng, sau đó lấn sâu vào trong phổi. Bệnh có khả năng lây nhiễm cao, do đó nếu không phòng bệnh cúm có thể lây từ người này sang người kia.

Nguyên nhân
Virus cúm xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp gây ra các triệu chứng khó chịu

Hàng năm, trong nước và trên thế giới ghi nhận hàng triệu ca mắc bệnh cúm. Đây là bệnh lý truyền nhiễm rộng, có khả năng bùng phát thành đại dịch, nhất là những loại cúm phổ biến. Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc phải chứng bệnh này, trong đó đặc biệt là nhóm đối tượng có cơ địa nhạy cảm, dễ bị tác động như:

  • Người tuổi tác cao.
  • Thai phụ.
  • Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
  • Những người đang có cơ thể suy nhược, mắc bệnh lý khác,...

Mặc dù thực tế cảm cúm có thể cải thiện trong 5-7 ngày không cần điều trị chuyên sâu, tuy nhiên cũng có rất nhiều trường hợp mắc bệnh cảm cúm nặng, bệnh nhân tử vong sau một thời gian gặp di chứng của bệnh. Do đó, bạn đọc không nên chủ quan đối với bệnh lý này.

Những thời điểm bệnh cảm cúm bùng phát dữ dội là vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường. Các con đường dễ dàng lây bệnh bao gồm:

  • Người khỏe mạnh hoặc người đang bị suy nhược tiếp xúc gần với người bệnh, tiếp xúc nước bọt hoặc dịch từ đường hô hấp của bệnh nhân mắc cảm cúm.
  • Chạm vào người, mũi, miệng của bệnh nhân, tiếp xúc với các dụng cụ cá nhân như bàn chải đánh răng, khăn mặt,... những vật dụng có virus cúm trú ngụ.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Các dấu hiệu bệnh cảm cúm bắt đầu xuất hiện rõ nét vào ngày thứ 2, virus tấn công sâu vào đường hô hấp bắt đầu gây hại. Bệnh nhân có thể nhầm lẫn cảm cúm với triệu chứng của bệnh cảm lạnh hoặc các vấn đề liên quan khác.

Theo đó, cảm cúm sẽ khiến người bệnh gặp phải các biểu hiện ở cổ họng, mũi,... Cụ thể như sau:

  • Thân nhiệt tăng cao, cơn sốt bất thường xuất hiện người bệnh. Bệnh nhân sốt trên 38 độ C.
  • Cơ thể bị ớn lạnh, kèm theo hiện tượng đau nhức đầu, chóng mặt.
  • Cơ bị đau nhức khó chịu, mệt mỏi, cảm giác không có sức lực.
  • Biểu hiện buồn nôn, tiêu chảy xuất hiện phổ biến khi trẻ em bị bệnh cảm cúm.

Ngoài ra, trường hợp cảm cúm nặng, virus tấn công đến các cơ quan khác người bệnh sẽ nhận thấy nhiều biểu hiện bất thường hơn. Bệnh nhân cần theo dõi triệu chứng, nếu bệnh kéo dài không thuyên giảm cần được can thiệp y tế với biện pháp điều trị phù hợp.

Triệu chứng
Người bệnh có các biểu hiện bất thường khi virus xâm nhập, tấn công hệ hô hấp

Chẩn đoán

Bác sĩ thăm khám, kiểm tra triệu chứng lâm sàng người bệnh đang gặp phải. Trên thực tế, các bệnh về đường hô hấp thông thường đều có các triệu chứng gần giống nhau, điều này khiến bệnh nhân nhầm lẫn, không khám và điều trị sớm hoặc điều trị bằng biện pháp không phù hợp.

Do đó bác sĩ sẽ chỉ định thêm các biện pháp xét nghiệm khác nhằm đưa ra chẩn đoán chính xác nhất. Theo đó, bệnh nhân sẽ được thực hiện xét nghiệm virus học, huyết thanh, chụp X quang phổi,... để tìm kiếm thương tổn, tác nhân gây hại.

Sau khi có kết quả chẩn đoán, dựa vào tình hình sức khỏe của người bệnh bác sĩ sẽ đưa ra giải pháp điều trị phù hợp. Bệnh nhân nên kết hợp chăm sóc cơ thể, điều chỉnh các vấn đề như ăn uống, sinh hoạt để giúp kiểm soát bệnh hiệu quả hơn.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh cảm cúm có thể cải thiện sau một thời gian ngắn, thậm chí không cần điều trị chuyên sâu. Hệ miễn dịch của cơ thể sẽ hoạt động nhằm loại bỏ virus ra khỏi cơ thể, chống lại các tác hại của chúng. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân có cơ địa yếu, hệ miễn dịch kém việc này cần nhiều thời gian và có thể không đạt hiệu quả tối ưu.

Nhiều trường hợp chủ quan, điều trị cảm cúm không đúng cách gặp phải biến chứng đường hô hấp. Virus có thể lan rộng ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể. Ngoài ra, bệnh còn có nguy cơ bùng phát thành dịch, ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế của nhiều quốc gia.

Đặc biệt, đối với bệnh nhân đang mang thai 3 tháng đầu có thể khá nguy hiểm cho thai nhi. Bà bầu cần được theo dõi, điều trị bằng giải pháp an toàn, giảm thiểu thấp nhất các rủi ro cho thai nhi. Tốt hơn hết, bà bầu nên đến gặp bác sĩ sản khoa khi phát hiện cơ thể có dấu hiệu lạ để được thăm khám và điều trị sớm.

Không những chỉ có biến chứng nguy hiểm trên đối với bà bầu, trường hợp trẻ em, người lớn tuổi bị cảm cúm nặng không chữa trị có thể gặp biến chứng suy nhược, nôn mửa, mê sảng, co giật,... có thể dẫn đến tử vong. Chính vì thế người bệnh nên theo dõi tình hình sức khỏe để kịp thời điều trị, ngăn chặn các rủi ro không mong muốn.

Điều trị

Đối với những trường hợp cảm cúm nhẹ, người bệnh có thể nghỉ ngơi, điều chỉnh thói quen ăn uống, sinh hoạt nhằm giúp tăng đề kháng, chống lại tác nhân gây bệnh. Trong thời gian này, bệnh nhân hạn chế uống nước đá, rượu bia, tránh xa khói thuốc lá,... Tùy tình hình sức khỏe của người bệnh bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên phù hợp.

Điều trị
Điều trị cảm cúm theo tình hình sức khỏe, đối tượng và mức độ cảm cúm

Những trường hợp bệnh nặng hơn, cần dùng thêm thuốc giảm đau, thuốc kháng virus,... để ức chế sự lan rộng, lây lan của bệnh sang các cơ quan, người xung quanh. Dưới đây là những loại thuốc điều trị cảm cúm được đề cập đến như:

  • Thuốc giảm đau: Không nên dùng tùy tiện thuốc giảm đau không kê đơn để tránh gặp tác dụng phụ không mong muốn. Người bệnh cần dùng thuốc theo chỉ dẫn, lời khuyên của chuyên gia. Công dụng chính của thuốc giảm đau là hỗ trợ bệnh nhân xoa dịu các triệu chứng khó chịu.
  • Thuốc kháng virus: Thuốc được chỉ định cho bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng, biến chứng do virus phát tán trong cơ thể nhanh chóng, gây hại đến các cơ quan khác. Dùng cho bệnh nhân bị suy giảm hệ miễn dịch không chủ động kháng virus như bình thường. Mỗi trường hợp sẽ được chỉ định thuốc tương ứng. Một vài tác dụng phụ có thể xảy ra như buồn nôn, nôn,... Thông báo với bác sĩ nếu bệnh nhân phát hiện các tác dụng phụ diễn biến nặng nề.
  • Thuốc kháng sinh: Dùng cho những đối tượng bị cảm cúm cùng lúc với các viêm nhiễm do vi khuẩn gây ra. Thực tế thuốc kháng sinh không phải là thuốc dùng cho trường hợp mắc bệnh đường hô hấp do virus, tuy nhiên trong một số trường hợp cần thiết phải dùng kết hợp để tăng hiệu quả điều trị bệnh.

Bên cạnh dùng thuốc điều trị theo phác đồ, bệnh nhân mắc cảm cúm cần bổ sung cho cơ thể đủ dưỡng chất, hạn chế các thực phẩm, thức uống không có lợi cho tình hình sức khỏe. Điều trị và chăm sóc cơ thể đúng cách là yếu tố góp phần giúp bệnh sớm được đẩy lùi, bảo vệ an toàn sức khỏe.

Phòng ngừa

Bệnh cảm cúm có thể xuất hiện với bất kỳ đối tượng nào, trong đó người đang bị bệnh, suy giảm hệ miễn dịch, trẻ em, người lớn và phụ nữ có thai cần hết sức thận trọng. Do bệnh có khả năng lây nhiễm cao do liên quan đến virus cúm nên việc phòng ngừa là hết sức cần thiết. Một số lưu ý kể đến như:

Phòng ngừa
Tiêm phòng các bệnh lý càng sớm cho trẻ, trong đó có bệnh cảm cúm

  • Bổ sung cho cơ thể đủ dinh dưỡng từ nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn sức khỏe. Ăn uống đều độ giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường đề kháng từ đó giảm tình trạng cảm cúm.
  • Vệ sinh cá nhân chủ động, đảm bảo sạch sẽ, hạn chế việc lây nhiễm virus tại các nơi công cộng, nơi đông người. Sử dụng khẩu trang y tế, dùng nước sát khuẩn tay trước khi đưa tay lên miệng, khi ăn.
  • Hạn chế tiếp xúc với người đang bị cảm cúm hoặc những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
  • Không tùy tiện sử dụng thuốc bừa bãi có thể gây ra tình trạng nhờn thuốc không có lợi cho sức khỏe, gây khó khăn cho công tác điều trị bệnh lý sau này nếu cần.
  • Nếu có các biểu hiện bất thường, tốt hơn hết bạn nên chủ động đến gặp bác sĩ, kiểm tra, thăm khám để phát hiện và kiểm soát sớm, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và người nhà, người xung quanh.
  • Chủ động tiêm phòng, thăm khám sức khỏe định kỳ, theo dõi các biểu hiện bất thường để có hướng khắc phục sớm.

Những câu hỏi quan trọng khi khám

1. Bệnh cảm cúm do đâu gây ra?

2. Tôi có thể nhận biết cảm cúm thông qua triệu chứng nào?

3. Đối tượng có nguy cơ cao mắc cảm cúm là ai?

4. Nếu không điều trị cảm cúm tôi có thể gặp biến chứng gì?

5. Cảm cúm có tự khỏi được không? Bao lâu thì khỏi?

6. Khi nào tôi cần sử dụng thuốc điều trị cảm cúm?

7. Tôi có gặp tác dụng phụ gì khi dùng thuốc không?

8. Trong thời gian điều trị tôi cần kiêng gì để bệnh mau khỏi?

9. Bệnh cảm cúm có tái phát không?

10. Tôi cần làm gì để bảo vệ gia đình khỏi nguy cơ mắc bệnh cảm cúm?

Bệnh cảm cúm là một trong những bệnh lý đường hô hấp xuất hiện do virus. Chính vì thế, bệnh có khả năng lây nhiễm cho người xung quanh. Người bệnh có thể khỏi cảm cúm sau một thời gian ngắn, tuy nhiên cũng có khả năng bệnh nặng hơn gây biến chứng. Do đó, nếu phát hiện cơ thể có những dấu hiệu bất thường, bạn nên khám và điều trị sớm để giảm nguy cơ bệnh nặng gây biến chứng.