Bệnh Whitmore

Bệnh Whitmore gây ra triệu chứng nhiễm trùng cục bộ, nhiễm trùng phổi, nhiễm trùng máu và các biến chứng nguy hiểm khác. Đây là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn gây ra. Người bệnh có khả năng tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Tổng quan

Bệnh Whitmore hay còn được gọi là Melioidosis là một trong những bệnh lý truyền nhiễm cấp tính vô cùng nguy hiểm. Người bệnh có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh do một loại vi khuẩn gram âm gây ra, tên khoa học là Burkholderia Pseudomallei.

Bệnh Whitmore
Vi khuẩn gây bệnh tấn công vào cơ thể người phá hủy mô, hình ảnh ổ áp xe và nhiều vấn đề khác

Vi khuẩn này sống trong những lớp bùn đất, trên bề mặt nước. Chúng xâm nhập vào cơ thể người tại vị trí các vết trầy, tổn thương trên da hoặc thông qua đường hô hấp. Đây là bệnh lý nguy hiểm, theo thống kê số lượng bệnh nhân tử vong do Whitmore từ 40% đến 60%.

Những đối tượng bị nhiễm khuẩn cấp không được xử lý kịp thời có thể tử vong trong thời gian ngắn. Nguyên nhân do vi khuẩn tấn công nhanh chóng, phá hủy mô tế bào trong cơ thể gây ra tình trạng viêm nhiễm, áp xe,... đặc biệt là nhiễm trùng máu nguy hiểm.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bất kỳ đối tượng nào cũng có khả năng nhiễm phải vi khuẩn Whitmore. Những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể kể đến như:

  • Người bệnh đi chân đất, dùng tay cào bới đất bùn để trồng trọt nhiễm phải vi khuẩn trong đất. Chúng xâm nhập vào khu vực có vết thương, vết trầy xước để đi vào sâu hơn bên trong cơ thể người.
  • Vết thương trên cơ thể vô tình tiếp xúc với vùng nước, ao hồ có khuẩn Whitmore, chúng sẽ nhanh chóng tấn công vào cơ thể.
  • Người bệnh Whitmore cũng có thể nhiễm vi khuẩn từ bụi bẩn, giọt nước bắn từ vùng nước không đảm bảo. Vi khuẩn đi theo đường hô hấp xâm nhập vào trong cơ thể bệnh nhân.

Tình trạng nhiễm khuẩn Whitmore có thể xảy ra ở người hoặc ở động vật. Tuy nhiên, bệnh thường không lây lan từ người này sang người khác hay từ động vật sang con người. So với các bệnh lý do virus gây ra, bệnh Whitmore thường không phát triển thành dịch.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Vi khuẩn Whitmore tấn công gây tổn thương các mô, ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan trong cơ thể người bệnh. Những triệu chứng bất thường xuất hiện như:

  • Cơn sốt cao kéo dài hoặc xảy ra trong thời gian ngắn, lặp lại.
  • Đau bao tử nhẹ đến dữ dội.
  • Vùng ngực có cảm giác tức tối, đau nhức.
  • Mang tai xuất hiện dấu hiệu bị viêm, tương tự như tình trạng mắc chứng quai bị.
  • Đau cơ, đau khớp kèm theo tình trạng co giật, đau đầu.

Tùy vào vị trí vi khuẩn lưu trú và tấn công mà các dấu hiệu nhận biết cũng sẽ có những nét đặc trưng riêng. Chẳng hạn:

  • Whitmore tấn công phổi: Bùng phát các triệu chứng nhiễm trùng phổi bao gồm viêm phế quản, viêm phổi, sốt, đau nhức đầu, đau tức ngực, đau cơ, ho, khó thở,...
  • Whitmore tấn công da: Vùng da bị vi khuẩn xâm nhập, phá hủy xuất hiện các vết loét, áp xe, sưng đau. Người bệnh khi đó còn bị sốt, đau cơ bất thường.
  • Whitmore tấn công cục bộ: Bệnh nhân bị đau, trên cơ thể có các khu vực sưng, đặc biệt là vùng mang tai. Nhiều người lầm tưởng triệu chứng bệnh Whitmore với chứng quai bị, điều này làm tăng rủi ro điều trị chậm trễ, sai cách.
  • Whitmore vào máu: Vi khuẩn vào máu là tình trạng nhiễm trùng nguy hiểm. Chúng có thể lan rộng đến các cơ quan xa hơn, tấn công phá hủy mô cơ thể gây hại nghiêm trọng sức khỏe bệnh nhân. Triệu chứng nặng hơn với tình trạng đau nhức đầu dữ dội, khó thở, tiêu chảy, đau nhức cơ, rét run,...
  • Whitmore lan tỏa: Đây là tình trạng nhiễm khuẩn nặng, vết loét xuất hiện rải rác trên toàn bộ cơ thể người bệnh. Các triệu chứng kèm theo gồm đau nhức đầu, nhiều người bị co giật, đau lan rộng ra các bộ phận khác.

Chẩn đoán

Chẩn đoán bệnh dựa trên các triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm cận lâm sàng. Theo đó, bệnh nhân bị bệnh Whitmore có những dấu hiệu bất thường kể trên. Dựa vào biểu hiện cơ thể của bệnh nhân, bác sĩ bước đầu xác định tình trạng nhiễm trùng.

Chẩn đoán bệnh Whitmore
Mẫu máu hoặc mẫu dịch được lấy từ người bệnh mang đi xét nghiệm tìm vi khuẩn gây hại

Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ thu thập các thông tin liên quan đến công việc, thói quen sinh hoạt, tiền sử bệnh lý,... của bệnh nhân để hỗ trợ quá trình chẩn đoán và điều trị chính xác hơn. Sau đó, tiến hành lấy mẫu máu, dịch mủ trên cơ thể bệnh nhân xét nghiệm tìm ra vi khuẩn gây hại.

Thực hiện kháng sinh đồ phát hiện mức độ nhạy cảm với vi khuẩn, đưa ra phương án điều trị bằng thuốc kháng sinh phù hợp với tình hình sức khỏe của bệnh nhân. Trường hợp người bệnh có quá nhiều triệu chứng nặng, chỉ định siêu âm, chụp CT, MRI để tìm vị trí tổn thương.

Nhiễm khuẩn Whitmore là bệnh lý rất nguy hiểm, khả năng phá hủy nhanh. Do đó, khi bệnh nhân phát hiện triệu chứng bất thường tốt nhất hãy đến gặp bác sĩ. Chẩn đoán và điều trị bệnh sớm phòng tránh các biến chứng đe dọa an toàn tính mạng.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh Whitmore có thể gây biến chứng nguy hiểm cho con người. Vi khuẩn xâm nhập, di chuyển nhanh, tấn công vào vùng da đang có vết thương hay đường hô hấp khi người bệnh hít phải bụi, giọt bắn nước nhiễm khuẩn.

Vi khuẩn làm hoại tử, phá hủy mô cơ thể của người bệnh. Trường hợp không phát hiện kiểm soát sớm, chúng có thể vào máu di chuyển đến các cơ quan quan trọng, gây tổn thương, làm suy giảm hoạt động. Người bệnh có thể tử vong sau 1 tuần khi xuất hiện các dấu hiệu áp xe phổi, gan,...

Điều trị

Điều trị thuốc kháng sinh cho bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm Whitmore tình trạng nhẹ đến phức tạp. Thuốc được tiêm đường tĩnh mạch trong vòng ít nhất nửa tháng để kiểm soát sự tấn công của vi khuẩn Whitmore.

Sau thời gian tiêm thuốc kháng sinh đường tĩnh mạch, người bệnh được chỉ định sử dụng thuốc uống trong ít nhất là 90 ngày giúp loại bỏ vi khuẩn hoàn toàn ra khỏi cơ thể, ngăn ngừa rủi ro cho bệnh nhân.

  • Các loại thuốc tiêm thường được sử dụng như Ceftazidim, Meropenem, Imipenem,... Thuốc có thể dùng riêng lẻ trong vòng 2 tuần hoặc kết hợp nếu người bệnh bị nhiễm khuẩn nặng.
  • Giai đoạn duy trì các nhóm thuốc uống được sử dụng như TMP-SMX, Doxycillin, Amoxicillin. Trường hợp thai phụ sử dụng thuốc Amoxicillin hoặc Clavulanic. Dùng thuốc liên tục trong 3-6 tháng kết hợp theo dõi nhiễm khuẩn.

Tùy mức độ bệnh lý của mỗi người, vị trí tổn thương mà phác đồ dùng thuốc sẽ được điều chỉnh phù hợp nhất. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn cách sử dụng và thông báo về thời gian dùng thuốc để đảm bảo điều trị bệnh Whitmore hiệu quả, an toàn.

Điều trị bệnh Whitmore
Điều trị bệnh Whitmore theo phác đồ kháng sinh đường tiêm và đường uống

Ngoài điều trị bằng thuốc kháng sinh, bệnh nhân còn được tư vấn những biện pháp hỗ trợ khác giúp điều trị các vấn đề tại vùng tổn thương. Chẳng hạn như:

  • Thực hiện hồi sức tích cực cho người bị bệnh Whitmore có hiện tượng viêm phổi, nhiễm trùng máu hay sốc nhiễm trùng. Bệnh nhân cần được theo dõi đường huyết, duy trì lượng đường máu mao mạch ở mức ổn định nhất.
  • Đối tượng có xuất hiện ổ áp xe cần cân nhắc can thiệp ngoại khoa, loại bỏ ổ viêm, ngăn chặn biến chứng.
  • Dẫn lưu, rửa khớp cho đối tượng vi khuẩn gây viêm nhiễm tại khớp. Phẫu thuật cắt xương nếu có hiện tượng viêm tủy dẫn đến hoại tử.
  • Phẫu thuật cấp cứu cho tình trạng người bệnh bị phình động mạch do tác động của vi khuẩn Whitmore.

Các phương pháp điều trị được thực hiện dựa trên tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, mức độ tổn thương cơ quan,... Bệnh nhân cần đến bệnh viện khám và điều trị ngay khi nhận thấy triệu chứng bất thường phòng tránh biến chứng đe dọa sức khỏe và sự an toàn tính mạng.

Phòng ngừa

Vi khuẩn gây bệnh Whitmore có thể tồn tại dưới lớp bùn đất, mặt nước ao hồ, bụi bẩn trong không khí,... Con người và động vật nhiễm vi khuẩn này bùng phát triệu chứng nhẹ đến nặng nề. Trường hợp chủ quan, bệnh biến chứng còn có nguy cơ đe dọa an toàn tính mạng.

Chủ động phòng bệnh bảo vệ sức khỏe với một vài lưu ý:

  • Giữ vệ sinh cá nhân hàng ngày, tắm rửa và thay quần áo sạch sẽ, sử dụng xà phòng sát khuẩn rửa tay sau khi đi làm vườn, trước khi chế biến món ăn, trước khi ăn.
  • Lựa chọn nguồn thực phẩm an toàn, đảm bảo vệ sinh, ngâm rửa sạch sẽ, sơ chế cẩn thận trước khi chế biến. Tốt nhất nên ăn chín uống sôi, hạn chế việc ăn sống các loại rau củ quả mọc ở những khu vực không đảm bảo vệ sinh.
  • Tránh trường hợp ăn những loại động vật, gia súc bị bệnh chết để giảm rủi ro nhiễm virus, vi khuẩn gây hại sức khỏe.
  • Tránh tiếp xúc với vùng nước, đất bùn bị ô nhiễm, nhất là khi trên cơ thể đang có vết thương, trầy xước da dù nhỏ nhất. Không nên tắm ao, hồ,... nơi đang bị ô nhiễm, có nguồn nước thải không tốt cho sức khỏe.
  • Bảo vệ sức khỏe bằng cách đeo khẩu trang, sử dụng găng tay chống nước khi lao động, làm việc ngoài đồng án, làm vườn,...
  • Những bệnh nhân đang mắc các bệnh mãn tính, bệnh suy giảm miễm dịch cần tích cực chủ động phòng ngừa vi khuẩn gây bệnh Whitmore, ngăn rủi ro vi khuẩn xâm nhập tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh, đe dọa tính mạng.
  • Khám sức khỏe, đến gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường. Điều trị bệnh, xử lý nhiễm khuẩn từ sớm loại bỏ các rủi ro, bảo vệ an toàn sức khỏe.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Bệnh Whitmore là bệnh gì?

2. Vi khuẩn gây bệnh Whitmore tồn tại ở đâu?

3. Nguyên nhân gây bệnh Whitmore là gì?

4. Bệnh Whitmore gây ra các triệu chứng gì?

5. Nếu không điều trị tôi có thể gặp biến chứng gì?

6. Tôi có thể sống được bao lâu nếu không điều trị bệnh Whitmore?

7. Sử dụng thuốc kháng sinh có trị khỏi bệnh Whitmore hoàn toàn không?

8. Tôi cần uống thuốc kháng sinh duy trì trong bao lâu?

9. Trong thời gian uống thuốc kháng sinh tôi có gặp tác dụng phụ gì không?

10. Tôi muốn biết thời gian tái khám sau điều trị bệnh Whitmore?

Bệnh Whitmore là tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra, đây là bệnh lý nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong nếu người bệnh cấp tính không phát hiện kịp thời. Do đó, nếu bạn nhận thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường, tốt nhất nên đến bệnh viện thăm khám sớm. Tùy tình hình sức khỏe các bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách điều trị, phòng ngừa rủi ro.