Bệnh Than

Bệnh than là bệnh nhiễm khuẩn nghiêm trọng do vi khuẩn Bacillus anthracis gây ra. Bệnh thường xảy ra do hít phải bào tử vi khuẩn, ăn thịt động chết hoặc tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh. Các chuyên gia khuyến cáo bệnh than là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây từ động vật sang người, có nguy cơ tử vong cao nếu không điều trị kịp thời. Chọn lựa điều trị hiệu quả nhất là dùng thuốc kháng sinh. 

Tổng quan

Bệnh than (Anthrax) hay còn được gọi là nhiệt thán, đây là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Bacillus anthracis gây ra. Đây là chủng vi khuẩn gram dương, hình que, chúng thường ký sinh ở các loài động vật ăn cỏ trên đất hoặc các loài động vật hoang dã. Con người có thể mắc bệnh do tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh, hít phải bào tử vi khuẩn trong không khí hoặc sử dụng thực phẩm, nguồn nước chứa các sản phẩm của chúng.

Bệnh than là bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Bacillus antharacis gây ra

Các chuyên gia cảnh báo đây là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tuy hiếm gặp nhưng có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Tại Hoa Kỳ, bệnh khá hiếm gặp, nhưng tại Việt Nam và các quốc gia phát triển nông nghiệp, bệnh than lại diễn ra phổ biến. Theo ghi nhận trong năm 2023, một số tỉnh thành miền núi phía Bắc nhu Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang phát hiện hơn 13 ca mắc bệnh bệnh than. Nguyên nhân liên quan đến việc tham gia giết mổ và ăn thịt trâu chết.

Bào tử bệnh than đã từng được sử dụng để làm vũ khí sinh học phục vụ cho các cuộc tấn công khủng bố vào năm 2001. Sau khi bột chứa bào tử bệnh than xâm nhập qua da và đường hô hấp, có khoảng 5/22 người đã tử vong ngay sau đó.

Phân loại

Bệnh than được chia làm 3 dạng chính bao gồm:

Bệnh than có 3 loại chính gồm bệnh than qua da, qua đường hô hấp và đường tiêu hóa

  • Bệnh than qua da: Đây là dạng bệnh phổ biến nhất, xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập trực tiếp vào cơ thể thông qua vết thương hoặc vết trầy xước nhỏ trên da. Dạng này được đánh giá ít nguy hiểm nhất, tỷ lệ tử vong thấp, chủ yếu xảy ra ở bác sĩ thú y, người chăn nuôi động vật ăn cỏ hoặc chuyên lấy lông, da của động vật.
  • Bệnh than qua đường tiêu hóa: Loại bệnh này xảy ra do liên quan đến những người ăn thịt sống hoặc chế biến chưa chín kỹ từ động vật chết. Vi khuẩn trong thịt động vật khi vào trong cơ thể sẽ gây ảnh hưởng đến thực quản, cổ họng, dạ dày và ruột. Nên bệnh đặc trưng với các dấu hiệu về rối loạn tiêu hóa.
  • Bệnh than qua đường hô hấp: Đây là dạng bệnh than nguy hiểm nhất, xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thông qua đường hô hấp, do bệnh nhân hít phải các bào tử vi khuẩn tồn tại trong không khí. Các triệu chứng bệnh than dạng này khá giống với bệnh cúm, có khả năng tiến triển nặng nhanh chóng, gây khó thở, sốc và viêm màng não, dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.
  • Bệnh than do tiêm chích: Đây là dạng bệnh than khá hiếm gặp, xảy ra ở những người tiêm chích bạch phiến. Thống kê cho thấy dạng bệnh này phổ biến ở khu vực Bắc Âu, tổn thương xảy ra dạng nhiễm trùng sâu dưới da hoặc trong cơ.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Vi khuẩn Bacillus anthracis là tác nhân chính gây ra bệnh than. Loại vi khuẩn này thường được tìm thấy trong đất, chúng lây nhiễm cho động vậ. Bào tử vi khuẩn bệnh than là dạng không hoạt động của vi khuẩn, chúng tiến hóa để tồn tại ở những môi trường khắc nghiệt trong thời gian dài, nhất là khi không có đủ điều kiện phát triển.

Một số vật chủ phổ biến gây bệnh than nhu động vật gia súc như trâu, bò, cừu, ngựa, dê hoặc các loài động vật hoang dã. Con người nhiễm bệnh than qua nhiều con đường như qua da, hô hấp hoặc tiêu hóa. Các bào tử bệnh than khi vào trong cơ thể người, chúng được hóa hóa trở thành vi khuẩn và sinh sôi phát triển, di chuyển khắp cơ thể, sản sinh độc tố và gây bệnh nặng.

Bệnh than ở người xảy ra do lây nhiễm vi khuẩn Bacillus anthracis từ động vật nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc với các sản phẩm của chúng

Một số yếu tố nguy cơ có khả năng khởi phát bệnh than cao bao gồm:

  • Người làm công tác chăn nuôi hoặc trị bệnh cho động vật phải thường xuyên tiếp xúc với chúng;
  • Công nhân nhà máy sản xuất len từ da và lông động vật;
  • Ăn thịt sống hoặc thịt chưa nấu chín kỹ của động vật đã chết;
  • Người sử dụng tiêm chích heroin;
  • Các nhà nghiên cứu và nhân viên phòng thí nghiệm chuyên tiếp xúc để nghiên cứu các loại vi khuẩn sống;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Tùy từng loại bệnh than khác nhau về con đường lây nhiễm mà các triệu chứng bệnh sẽ biểu hiện khác nhau. Thông thường, các triệu chứng bệnh than thường khởi phát sau khoảng 1 tuần phơi nhiễm.

Tổn thương da đau rát, nổi mụn nước, sưng viêm... là những triệu chứng đặc trưng của bệnh than qua da

Triệu chứng bệnh than qua da

Các vị trí da dễ bị tổn thương và khởi phát triệu chứng bệnh than nhất là đầu, cổ, bàn tay, cẳng tay... Chúng tác động tiêu cực và gây ảnh hưởng đến da và các mô xung quanh vị trí nhiễm trùng. Sau khoảng 1 - 7 ngày tiếp xúc với bào tử bệnh than, các triệu chứng sẽ bộc phát bao gồm:

  • Hình thành một đám mụn nước nằm tập trung trên da hoặc các vết sưng nhỏ;
  • Đau rát, ngứa ngáy da;
  • Các vết sưng biến thành vết loét không đau, trung tâm vết loét chuyển sang màu đen;
  • Sưng viêm xung quanh vết loét;

Triệu chứng bệnh than qua hô hấp

Trong vòng 1 tuần hoặc chậm nhất là 2 tháng sau khi hít phải bào tử bệnh than, nhiễm trùng lây lan đến các hạch bạch huyết vùng ngực, sẽ bắt đầu lan đến các phần còn lại của cơ thể và gây ra các triệu chứng hô hấp bất thường, thậm chí tăng nguy cơ bị sốc. Điển hình như:

  • Sốt cao, ớn lạnh;
  • Đau tức ngực, khó thở;
  • Lú lẫn;
  • Ho khan;
  • Đau đầu, chóng mặt, hoa mắt;
  • Buồn nôn, nôn ói, đau dạ dày;
  • Vã mồ hôi;
  • Kiệt sức, đau nhức cơ;

Triệu chứng bệnh than qua tiêu hóa

Khi nhiễm trùng tấn công đến hệ tiêu hóa thông qua ăn uống, thường mất khoảng 1 - 7 ngày sau phơi nhiễm các triệu chứng sẽ bộc phát. Các cơ quan bao gồm thực quản, cổ họng, dạ dày và ruột là những nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Đặc trưng gồm các triệu chứng sau:

  • Sốt cao, đau đầu, ớn lạnh;
  • Sưng cổ hoặc nổi hạch cổ;
  • Đau họng, đau khi nuốt;
  • Khàn giọng;
  • Buồn nôn, nôn ói, thậm chí nôn ra máu;
  • Tiêu chảy kéo dài, phân lẫn máu;
  • Sưng bụng, chướng bụng gây đau, đầy hơi;
  • Đỏ mặt, đỏ mắt;
  • Ngất xỉu;

Chẩn đoán

Vì các triệu chứng bệnh than rất đa dạng và tương đối giống với các bệnh lý khác nên nếu chỉ đánh giá các dấu hiệu lâm sàng sẽ rất khó đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác. Nếu nghi ngờ mắc bệnh than, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám sức khỏe thể chất toàn diện cho bệnh nhân và chỉ định thực hiện các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm nhằm xác nhận chẩn đoán.

Một số xét nghiệm thông thường như máu, mẫu da, phân hoặc dịch tiết đường hô hấp giúp phát hiện vi khuẩn và chẩn đoán chính xác bệnh than

Một số xét nghiệm thường được áp dụng bao gồm:

  • Kiểm tra da: Tiến hành lấy mẫu chất dịch lỏng hoặc mẫu mô nhỏ tại vùng da bị ảnh hưởng để làm sinh thiết kiểm tra, tìm kiếm các dấu hiệu bệnh than qua da.
  • Xét nghiệm máu: Giúp phát hiện sự hiện diện của các kháng chống lại vi khuẩn gây bệnh than trong cơ thể.
  • Nuôi cấy: Nuôi cấy mẫu máu, dịch tiết hoặc da cũng góp phần xác định chính xác chủng vi khuẩn Bacillus anthracis gây ra bệnh than.
  • Xét nghiệm phân: Kiểm tra mẫu phân giúp phát hiện sự tồn tại của vi khuẩn gây bệnh than trong đường tiêu hóa.
  • Một số xét nghiệm khác:
    • Chụp X quang ngực;
    • Chụp cắt lớp vi tính CT scan;
    • Chọc dò thắt lưng;

Chẩn đoán bệnh than càng sớm càng tốt là yếu tố góp phần quan trọng vào quá trình điều trị đạt kết quả cao. Do đó, khuyến cáo mỗi người ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường của bệnh than, hãy chủ động thăm khám để chẩn đoán, thực hiện các xét nghiệm cần thiết để xác nhận chẩn đoán và tiến hành điều trị ngay.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh than là căn bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người. Hầu như chúng không có khả năng lây truyền từ người sang người như cúm hoặc bệnh thủy đậu thông qua tiếp xúc, tương tác thông thường.

Các chuyên gia khuyến cáo, bệnh than nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra, trong quá trình bệnh tiến triển, có thể gây ra một số biến chứng khó lường tùy theo từng dạng bệnh. Tiên lượng sống sót đối với từng dạng bệnh cũng khác nhau, cụ thể như sau:

Bệnh than nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong

  • Thể qua da: Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh than qua da đều có tiên lượng tốt, điều trị khỏi bệnh hoàn toàn mà không để lại di chứng nếu điều trị sớm và đúng cách. Tuy nhiên, có khoảng 20% người nhiễm bệnh nếu không được điều trị sẽ có nguy cơ tử vong.
  • Thể tiêu hóa: Nếu được điều trị tích cực, có khoảng 60% bệnh nhan sống sót. Nhưng nếu không điều trị, khoảng 50% trường hợp mắc bệnh than qua tiêu hóa sẽ tử vong do biến chứng sưng não và tủy sống (bệnh viêm màng não).
  • Thể hô hấp: Đây là thể bệnh nguy hiểm nhất, nếu được điều trị sớm có khoảng 55% người nhiễm bệnh được điều trị sẽ sống sót. Nhưng nếu không điều trị, tỷ lệ tử vong sẽ lên đến 85%.

Điều trị

Dùng kháng sinh là biện pháp điều trị chính có hiệu quả nhất đối với bệnh than. Hầu hết các trường mắc bệnh than đều đáp ứng tốt với điều trị này. Thuốc kháng sinh giúp ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng phát triển. Các loại kháng sinh được chỉ định sử dụng phổ biến nhất là Penicillin, Ciprofloxacin, Doxycycline... với liều phù hợp.

Trong những trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định dùng thuốc kháng sinh dạng tiêm tĩnh mạch để đạt hiệu quả cao và nhanh chóng hơn.

Phác đồ kháng sinh là phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với hầu hết người mắc bệnh than

Ngoài thuốc kháng sinh, còn một số biện pháp điều trị bệnh than khác cũng được chỉ định áp dụng khi cần thiết gồm:

  • Dùng thuốc kháng độc tố: Trường hợp vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh khiến việc điều trị trở nên khó khăn, bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng thay thế bằng thuốc kháng độc tố hoặc liệu pháp immunoglobulin dạng tiêm để kiểm soát triệu chứng nhờ khả năng trung hòa độc tố bệnh than trong cơ thể.
  • Tiêm vắc xin: Có một loại vắc xin vừa có khả năng phòng ngừa vừa giúp điều trị cho bệnh nhân đã nhiễm bệnh đó là BioThrax. Liều điều trị gồm 3 liều tiêm vắc xin trong vòng 4 tuần. Kết hợp dùng thuốc kháng sinh song song để đạt kết quả điều trị tốt nhất.
  • Chăm sóc y tế: Trong trường hợp cần thiết có thể cho bệnh nhân áp dụng các biện pháp chăm sóc điều trị hỗ trợ như liệu pháp oxy, thở máy nhằm kiểm soát hô hấp.
  • Chăm sóc tại nhà: Bên cạnh các biện pháp điều trị y tế, bệnh nhân cũng có thể áp dụng một số biện pháp khắc phục tại nhà giúp giảm bớt các triệu chứng bệnh than như:
    • Chườm ấm trực tiếp lên vùng da bị ảnh hưởng giúp giảm sưng, đau nhức;
    • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi trên giường;
    • Ăn uống đủ chất, uống nhiều nước và vận động nhẹ nhàng giúp tăng cường hệ thống miễn dịch;
    • Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc giảm đau acetaminophen hoặc ibuprofen hoặc thuốc kháng sinh histamin giảm ngứa, sưng tấy;

Phòng ngừa

Phòng ngừa bệnh than là chìa khóa cực kỳ quan trọng giúp tránh khỏi những vấn đề sức khỏe và rủi ro khó lường đối với căn bệnh này. Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, để ngăn chặn nhiễm trùng sau khi phơi nhiễm với bào tử bệnh than, hãy thực hiện các biện pháp sau:

Tiêm phòng vắc xin ngừa bệnh than cho những đối tượng có nguy cơ cao để giảm nguy cơ mắc bệnh

  • Điều trị dự phòng bằng kháng sinh liên tục trong vòng 60 ngày, kể cả ở trẻ em và người lớn.
  • Tiêm phòng 3 liều vắc xin ngừa bệnh than ngay lập tức. Tuy nhiên, vắc xin thường chỉ dành cho những người trong độ tuổi từ 18 - 65 và không được áp dụng phổ biến, chỉ dành riêng cho những người làm công việc có tính chất đặc thù về nghiên cứu khoa học, quân nhân hoặc những ngành nghề có nguy cơ lây nhiễm cao.
  • Tránh tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh bằng cách hạn chế đến những nơi có ổ dịch bệnh than, chăn nuôi gia súc không an toàn.
  • Tránh ăn thịt động vật không rõ nguồn gốc, thịt động vật đã chết hoặc chưa nấu chín kỹ.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tại sao tôi có những dấu hiệu bất thường nhu khó thở, mệt mỏi, sốt, nổi mụn nước, loét da, đau bụng...?

2. Tôi cần làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán nguyên nhân gây ra?

3. Tôi ăn thịt động vật chết có phải là nguyên nhân gây bệnh than hay không?

4. Tình trạng nhiễm trùng vi khuẩn của tôi do mắc bệnh than có nguy hiểm không?

5. Tiên lượng sống sót của tôi như thế nào nếu được điều trị và không điều trị?

6. Phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với trường hợp bệnh của tôi?

7. Tôi nên dùng thuốc kháng sinh loại nào? Dùng trong bao lâu thì khỏi?

8. Tôi cần làm gì và tránh làm gì để cải thiện các triệu chứng bệnh than?

9. Quá trình điều trị bệnh than mất bao lâu thì khỏi?

10. Chi phí điều trị bệnh than có tốn kém không? Có dùng BHYT được không?

Bệnh than là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dù ở bất cứ dạng bệnh nào. Để giảm nguy cơ tử vong, bệnh nhân cần chủ động thăm khám và phối hợp với bác sĩ để điều trị kịp thời, đúng cách. Đồng thời, nên tiêm phòng và tránh tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh, điều này giúp giảm nguy cơ mắc bệnh than và bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng cho bản thân.