Mụn cóc
Mụn cóc là một trong những bệnh về da thường gặp hiện nay. Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể bị mụn cóc. Đặc điểm của các nốt mụn cóc khá đặc trưng với bề mặt sần sùi, cứng, mụn như hình súp lơ. Nguyên nhân gây bệnh liên quan đến virus HPV, mụn cóc có thể xuất hiện ở bất kỳ khu vực nào gây ra tình trạng lo lắng, sợ hãi ở nhiều người.
Tổng quan
Mụn cóc gây ra bởi virus HPV, bệnh da liễu thường gặp hiện nay. Virus xâm nhập gây ra các tổn thương trên bề mặt da, xuất hiện u nhú lành tính với cấu tạo sần sùi. Do hình dạng của các nốt mụn bất thường như mụn cóc nên người ta cũng dùng mụn cóc đặt tên cho bệnh lý này.
Mụn cóc còn được gọi là mụn hạt cơm một vài trường hợp còn có cấu hình giống như súp lơ. Chúng có thể xuất hiện ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể. Phần đầu mụn cóc thường có màu trắng, bề mặt sần sùi, kích thước đa dạng, có khi nhỏ bằng hạt cơm hoặc lớn hơn nhiều.
Hiện nay, các nhà khoa học đã tìm thấy có hơn 60 chủng HPV, trong đó loạn virus gây mụn cóc thường là các type HPV 16, 18, 31, 35, 33. Dựa vào các nốt mụn tìm thấy trên da, mức độ viêm nhiễm HPV ở mỗi người các bác sĩ sẽ chỉ định giải pháp loại bỏ mụn cóc cho bệnh nhân, phòng tránh biến chứng.
Phân loại
Có rất nhiều loại mụn cóc tùy thuộc vào vị trí HPV tấn công. Theo đó, những trường hợp mụn cóc thường gặp kể đến như:
- Mụn cóc thông thường: Đây là loại mụn cóc thường gặp nhất. Bề mặt da xuất hiện các nốt sần sùi xấu xí, màu đen hoặc sám. Chúng xuất hiện ở các vị trí như bàn tay, ngón tay, chân, cẳng tay, quanh móng tay, chân. Thông thường virus HPV gây mụn hạt cơm sẽ xâm nhập từ các vết xước da tay, chân. Nốt mụn hình thành với kích thước to nhỏ khác nhau.
- Mụn cóc phẳng: So với loại mụn cóc kể trên, loại mụn cóc này có kích thước nhỏ hơn, bề mặt cũng nhẵn hơn. Mụn cóc phẳng có thể xuất hiện trên bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. So với phụ nữ nam giới xuất hiện mụn cóc phẳng nhiều hơn, tập trung ở khu vực quanh mép nơi mọc râu. Trường hợp mụn cóc phẳng ở nữ thường xuất hiện ở bàn chân, ngoài ra trẻ em cũng có thể bị nổi mụn cóc này ở vùng mặt. Khả năng lây mụn cóc phẳng nhanh chóng, chỉ cần tiếp xúc với da bệnh có khả năng lây nhiễm virus. Một số trường hợp mụn cóc phẳng nặng, mọc chồng chi chít lên nhau gây mất thẩm mỹ, khiến bệnh nhân sợ hãi, lo lắng.
- Mụn cóc lòng bàn chân: Các nốt mụn nổi chủ yếu khu vực lòng bàn chân. Do đi lại nhiều nên mụn cóc có thể bị vỡ, chèn ép khiến bệnh nhân thấy hơi đau khi bước đi.
- Mụn cóc sinh dục: Mụn nổi ở bộ phận sinh dục thường có cấu trúc giống như súp lơ, người ta còn gọi là bệnh sùi mào gà. Bệnh có thể lây từ người này sang người kia thông qua hoạt động sinh hoạt tình dục, tiếp xúc với tinh dịch, dịch âm đạo nhiễm virus HPV gây sùi màu gà. Trẻ em cũng có thể bị mụn cóc sinh dục nếu được sinh ra theo ngả âm đạo của người mẹ bị nhiễm HPV.
Bên cạnh các loại kể trên, mụn cóc còn nhiều dạng khác nhau. Tùy mức độ gây hại ở mỗi trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định giải pháp loại bỏ tương ứng, đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Mụn cóc xuất hiện do sự tấn công của virus HPV trên da, đặc biệt là khu vực có tổn thương, vết trầy xước. Virus từ đó đi vào cơ thể, kích thích sự phát triển của tế bào bất thường, khiến da hình thành nhiều nốt mụn cóc sần sùi, kém thẩm mỹ.
Bất kỳ khu vực nào trên da cũng có thể bị nổi mụn cóc. Đây là bệnh da liễu có khả năng lây nhiễm cao do liên quan đến virus HPV, nếu tiếp xúc với vùng da bệnh, dịch tiết của cơ thể bệnh nhân lên vùng da bị tổn thương của bạn, bạn có nguy cơ bị lây nhiễm HPV.
Tuy nhiên không phải trường hợp nào bị nhiễm HPV đều phát sinh mụn cóc. Nếu cơ thể khỏe mạnh, đề kháng tốt có khả năng tự đào thải virus này, ngược lại những đối tượng có cơ địa nhạy cảm, đề kháng kém virus có điều kiện sinh sôi, tấn công gây bệnh.
Ngoài lây lan cho người xung quanh, mụn cóc có thể lan từ khu vực này sang khu vực khác trên cơ thể. Nhất là khi người bệnh cào gãi khiến mụn cóc vỡ, dịch tiết lan ra các vùng da lân cận. Những đối tượng có nguy cơ mắc phải bệnh lý này thường gặp như:
- Người trong độ tuổi từ 10-20 tuổi tiếp xúc với mầm bệnh.
- Những người có hệ miễn dịch, sức đề kháng kém.
- Người bị suy nhược, rối loạn chuyển hóa.
- Người mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, suy giảm hệ miễn dịch do nhiễm lupus ban đỏ, HIV/AIDS.
- Người vừa trải qua phẫu thuật ghép nội tạng.
- Những đối tượng có đời sống tình dục không đảm bảo, quan hệ bừa bãi dễ bị nhiễm HPV.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Mụn cóc xuất hiện với các nốt sần bất thường trên da. Tùy mỗi vị trí mụn cóc xuất hiện, mỗi loại mụn cóc mà hình dạng, cấu tạo có một vài điểm khác biệt. Dưới đây là chi tiết hơn về dấu hiệu nhận biết một vài loại mụn cóc điển hình:
- Mụn cóc thông thường: Các mụn cóc xuất hiện chủ yếu trên khu vực quanh tay, chúng có cấu trúc giống như bề mặt súp lơ. Không những vậy, cũng có nhiều trường hợp người bệnh phát hiện mụn cóc nổi với các chấm nhỏ màu sẫm, thông thường liên quan đến hiện tượng huyết khối mạch máu. Khi phát hiện mụn cóc này bệnh nhân cần chủ động đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ sớm.
- Mụn cóc bàn chân: Phát hiện nốt mụn, mảng cứng dưới lòng bàn chân, khi đi bộ, di chuyển sẽ gây cảm giác đau nhẹ. Mụn cóc bàn chân thường có khuynh hướng mọc ngược vào trong da do ảnh hưởng bởi sức ép của trọng lượng cơ thể. HPV xâm nhập vào trong bàn chân gây mụn cóc loại này từ những vết xước, vết nứt ở bàn chân.
- Mụn cóc hình chỉ: Quan sát mụn cóc loại này có màu sắc tương đồng với màu da. Mụn cóc hình chỉ xuất hiện phổ biến ở vùng quanh cổ, mũi, vai,...
- Mụn cóc Mosaic: Những nốt mụn cóc thường lan rộng và mọc thành từng cụm trên da người bệnh. Đây là dạng mụn cóc xuất hiện do hệ quả các mụn cóc hình chỉ không được kiểm soát.
- Mụn cóc phẳng: Đối với mụn cóc này bạn có thể quan sát thấy màu sắc của chúng nổi bật hơn. Bề mặt màu vàng, màu nâu nhạt, vùng nổi mụn cóc phẳng thường là vùng cổ, mặt. Đặc biệt, mụn cóc phẳng thường xuất hiện với số lượng lớn, nổi nhiều hạt cùng một lúc. Mụn cóc phẳng thường xảy ra ở thanh thiếu niên, trẻ em do hệ miễn dịch yếu khiến virus HPV lây lan nhanh chóng.
- Mụn cóc sinh dục: Nhận diện các nốt sần sùi xuất hiện ở bộ phận sinh dục. Chúng có hình dạng như súp lơ, gây đau và khó chịu cho bệnh nhân khi sinh hoạt.
- Mụn cóc ở miệng: Hình thành ở các khu vực môi, lưỡi, miệng, nướu,... khiến người bệnh gặp khó khăn khi ăn, khi nuốt.
Ngoài các triệu chứng tương ứng với vị trí mọc mụn cóc, loại mụn cóc đã được đề cập còn nhiều loại mụn cóc khác. Về cơ bản, mụn cóc xuất hiện do HPV thường không giống như mụn trứng cá, mụn thịt thông thường. Những nốt mụn có khả năng lan nhanh nếu bệnh nhân không tìm giải pháp khắc phục phù hợp do bệnh hình thành có liên quan đến virus HPV.
Chẩn đoán
Bác sĩ tiến hành kiểm tra các tổn thương trên cơ thể bệnh nhân. Một phần mụn cóc có thể được cắt ra để tiến hành kiểm tra, xét nghiệm chẩn đoán bệnh. Ngoài ra, một số trường hợp bác sĩ sẽ sinh thiết da, phân tích dưới kính hiển vi để kết luận chẩn đoán bệnh và định hướng giải pháp can thiệp phù hợp cho bệnh nhân.
Biến chứng và tiên lượng
Mụn cóc có thể lan ra các khu vực khác trên cơ thể, đồng thời có khả năng lây nhiễm sang người khác do nguyên nhân gây bệnh từ virus HPV. Khi phát hiện cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường bạn nên chủ động khám và điều trị sớm.
Bởi, nếu mụn cóc phát triển, lan rộng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, tình trạng mụn cóc nặng còn kéo theo nhiều hệ lụy đối với sức khỏe người bệnh. Các biến chứng có thể xuất hiện như:
- Mụn cóc gây đau đớn, chảy máu khi tiến triển nặng không được kiểm soát.
- Tăng rủi ro bội nhiễm mụn cóc nếu bệnh nhân chủ quan không điều trị kịp thời.
- Mụn cóc nếu không được điều trị đúng cách có thể gây viêm nhiễm, để lại thâm sẹo xấu xí, kém thẩm mỹ.
- Một số trường hợp mụn cóc bị ung thư hóa kéo theo nhiều biến chứng nặng nề.
Bệnh nhân được khuyến khích nên đến bệnh viện uy tín, có bác sĩ giỏi để khám và điều trị mụn cóc càng sớm càng tốt. Bên cạnh điều trị bệnh cho bản thân, người bệnh nên chủ động trong việc phòng tránh lây nhiễm virus sang người xung quanh.
Có thể bạn quan tâm: Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs)
Điều trị
Điều trị mụn cóc bằng các biện pháp bôi thuốc, đốt lạnh, đốt điện,... Tùy vào vị trí xuất hiện mụn cóc, loại mụn cóc bác sĩ sẽ chỉ định giải pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân. Dưới đây là những phương pháp thường được áp dụng:
- Sử dụng thuốc: Bôi thuốc giúp mụn cóc mau lành, tránh để lại thâm sẹo trên da. Phương án được áp dụng điều trị mụn cóc lành tính. Thuốc có tác dụng tại chỗ, loại bỏ virus gây hại trên da, kiểm soát lây lan mụn cóc. Loại được dùng như Cantharidin, Acid Salicylic. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách sử dụng thuốc phù hợp, liều lượng tương ứng với mức độ nổi mụn cóc. Dùng thuốc theo hướng dẫn để hạn chế nguy cơ gặp các tác dụng phụ không mong muốn.
- Đốt điện: Sử dụng dòng điện cao tần tác động trực tiếp lên các nốt mụn cóc kiểm soát sự phát triển của chúng. Áp dụng cho trường hợp nốt mụn nhỏ hơn 1cm, mọc tại các vị trí khó có thể can thiệp tiểu phẫu. Bác sĩ sẽ xem xét, đưa ra hướng can thiệp phù hợp. Bằng cách khoét sâu vào tổ chức của mụn cóc, loại bỏ nhân và phần rễ mụn lên khỏi da của người bệnh sẽ giúp mụn cóc không còn khả năng tái phát. Tuy nhiên biện pháp đốt điện cũng tìm ẩn một vài rủi ro đó là hiện tượng nhiễm trùng da nếu bệnh nhân không chăm sóc tốt, vết thương lâu lành.
- Áp lạnh: Phương pháp thực hiện theo nhiều đợt, sử dụng nito lỏng với nhiệt độ cực lạnh tác động lên mụn cóc. Vị trí điều trị sẽ hình thành nốt phỏng, mụn nước quanh mụn cóc. Người bệnh sẽ thấy đau đớn khi thực hiện giải pháp áp lạnh trong vòng vài ngày. Sau một thời gian khi tổ chức mụn nước bong ra sẽ không còn đau đớn nữa, vùng da bị tổn thương cũng lành lại nhanh chóng mà không để lại sẹo.
- Tiểu phẫu: Phương pháp được chỉ định cho đối tượng bị mụn cóc phẳng, kích thước nhỏ hơn 2cm. Bác sĩ sẽ tiến hành gây tê cho bệnh nhân trước khi thực hiện, vết thương sau đó cũng sẽ được khâu lại cẩn thận. Phương pháp tiểu phẫu loại bỏ mụn cóc có thời gian phục hồi nhanh, vết thương nhỏ, ít rủi ro nhiễm trùng. Mặc dù vậy trong nhiều trường hợp sau tiểu phẫu mụn cóc vẫn có khả năng tái phát cao do rễ mụn, nhân mụn còn sót lại.
Bác sĩ sẽ chỉ định giải pháp điều trị phù hợp với từng đối tượng bệnh nhân. Bất kỳ biện pháp điều trị nào cũng sẽ có ưu và nhược điểm riêng, bệnh nhân được khuyến khích đến bệnh viện uy tín, có bác sĩ giỏi, trang thiết bị đạt chuẩn để điều trị đạt kết quả tốt, đảm bảo an toàn sau điều trị.
Phòng ngừa
Mụn cóc có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào. Hiện nay các biện pháp phòng ngừa được áp dụng cũng chỉ có tác dụng giảm thiểu rủi ro lan rộng, lây nhiễm mụn cóc cho người xung quanh. Bởi trên thực tế bạn không thể kiểm soát virus gây bệnh một cách tuyệt đối.
Virus HPV có tốc độ lây lan nhanh, chúng phát triển mạnh mẽ ở những khu vực ẩm ướt như bộ phận sinh dục. Bạn có thể chủ động phòng ngừa lây nhiễm virus, bảo vệ cơ thể khỏi mụn cóc và các bệnh lý khác liên quan đến HPV qua một vài lưu ý:
- Thường xuyên rửa tay sạch sẽ, sử dụng xà phòng sát khuẩn để vệ sinh tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Đặc biệt cần vệ sinh, tắm rửa cơ thể sạch sẽ nếu tiếp xúc với người bị mụn cóc.
- Không sờ tay bẩn lên vùng có nốt mụn, vết thương hở, không dùng tay cào gãi hoặc nặn mụn cóc để tránh lan rộng viêm nhiễm đến các khu vực khác trên cơ thể.
- Trường hợp bị nhiễm bệnh, nổi mụn cóc nên chủ động phòng ngừa lây lan virus cho người xung quanh, sử dụng băng gạc che chắn nốt mụn đúng cách.
- Sử dụng riêng đồ dùng cá nhân, không dùng chung khăn tắm, bàn chải đánh răng, dao cạo râu,... với người khác.
- Quan hệ tình dục an toàn, không quan hệ bừa bãi với nhiều bạn tình, sử dụng bao cao su khi quan hệ.
- Thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra và test HPV đối với chị em phụ nữ. Chủ động tiêm ngừa HPV, ung thư cổ tử cung,... là cách giúp chị em phụ nữ bảo vệ sức khỏe sinh sản, phòng ngừa lây nhiễm mụn cóc sinh dục và nhiều vấn đề khác.
Những câu hỏi quan trọng khi khám
1. Nguyên nhân vì sao tôi bị mụn cóc?
2. Tôi có thể nhận biết mụn cóc qua các triệu chứng gì?
3. Tôi có cần thực hiện xét nghiệm gì không để chẩn đoán mụn cóc?
4. Nếu không điều trị mụn cóc có lan rộng không?
5. Tôi cần bôi thuốc gì để điều trị mụn cóc?
6. Dùng thuốc trong bao lâu có thể chữa khỏi mụn cóc?
7. Có cần cắt bỏ mụn cóc không? Khi nào cắt?
8. Trong thời gian điều trị tôi cần làm gì để tránh lây bệnh cho người thân?
Mụn cóc do HPV gây ra có thể xuất hiện ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể. Nếu không phát hiện và điều trị, mụn có có thể lan rộng, lây lan cho người xung quanh. Chính vì thế bác sĩ khuyến khích mỗi người nên chủ động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, phòng mụn cóc cũng như nhiều vấn đề khác do HPV gây ra.