Liều dùng của thuốc Isoniazid dự phòng và điều trị bệnh lao
Thuốc Isoniazid là loại thuốc đặc hiệu được sử dụng trong dự phòng và điều trị bệnh lao. Isoniazid thường được dùng phối hợp với các thuốc chống lao khác, như Pyrazinamid, Rifampicin, Ethambutol hoặc Streptomycin theo phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa.
- Tên thuốc: Isoniazid
- Tên khác: Isonicotinylhydrazide
- Phân nhóm: Thuốc chống lao
- Dạng bào chế: Viên uống, siro và thuốc tiêm
Những thông tin cần biết về thuốc Isoniazid
1. Tác dụng
Isoniazid là thuốc đặc hiệu trong điều trị bệnh lao. Thuốc nhạy cảm với khuẩn Mycobacterium tuberculosis và các Mycobacterium không điển hình như Mycobacterium kansasii, Mycobacterium bovis.
Isoniazid ức chế sinh tổng hợp acid mycolic nhằm phá vỡ thành tế bào của vi khuẩn gây bệnh lao. Isoniazid hấp thu nhanh sau khi uống và tiêm. Sau đó thuốc phân bố vào hang lao, chuyển hóa qua gan và thải trừ qua thận.
2. Chỉ định
Thuốc Isoniazid được chỉ định trong việc điều trị và dự phòng lao.
Dùng trong dự phòng lao:
- Người nhiễm HIV tiếp xúc với bệnh nhân có khuẩn lao hoặc test Mantoux cho kết quả dương tính.
- Bệnh nhân test Mantoux dương tính và đang điều trị bằng liệu pháp ức chế miễn dịch (sử dụng corticosteroid, thuốc ức chế miễn dịch, xạ trị, hóa trị,…).
- Người tiếp xúc với bệnh nhân đã được chẩn đoán lao, dương tính trong test Mantoux và chưa tiêm phòng BCG.
Dùng trong điều trị lao:
- Isoniazid thường được sử dụng phối hợp với Pyrazinamid, Rifampicin, Ethambutol hoặc Streptomycin trong điều trị lao.
- Thuốc Isoniazid chỉ được sử dụng khi có yêu cầu từ bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc cho các trường hợp nhiễm khuẩn khác.
3. Chống chỉ định
Chống chỉ định thuốc Isoniazid cho những trường hợp sau:
- Quá mẫn với Isoniazid hay bất cứ thành phần nào trong thuốc.
- Bệnh nhân suy giảm chức năng gan/ viêm gan nặng.
- Người mắc bệnh viêm đa dây thần kinh.
- Động kinh.
4. Dạng bào chế – hàm lượng
Thuốc Isoniazid có những dạng bào chế và hàm lượng sau:
- Ống tiêm – 1g/ 10ml
- Viên nén – 50mg, 100mg, 150mg và 300mg
- Sirô – 50mg/ 5ml
5. Cách dùng – liều lượng
Thuốc Isoniazid đường tiêm được sử dụng trong điều trị nội trú và được tiêm bởi nhân viên y tế. Bạn chỉ được dùng thuốc Isoniazid ở đường uống tại nhà.
Cách dùng:
- Viên nén: Nuốt trọn viên thuốc với nước lọc.
- Sirô: Đo lường đủ lượng thuốc cần sử dụng và uống trực tiếp.
- Nên uống trước ăn 1 giờ hoặc sau bữa ăn 2 giờ đồng hồ.
- Nếu bị kích ứng đường tiêu hóa, có thể uống thuốc cùng với thức ăn.
Liều dùng thuốc Isoniazid tùy thuộc vào mục đích sử dụng (dự phòng hay điều trị), độ tuổi và khả năng đáp ứng của cơ thể.
Phòng ngừa:
Liều dùng thông thường khi dự phòng bệnh lao cho trẻ em
- Thuốc uống: Dùng 5mg/ kg/ lần/ ngày
- Thuốc tiêm: Tiêm 10mg/ kg/ lần/ ngày
- Liều dùng tối đa: 300mg/ ngày
- Thời gian điều trị: 6 – 12 tháng
Liều dùng thông thường khi dự phòng bệnh lao cho người trưởng thành
- Thuốc uống: Dùng 5mg/ kg/ lần/ ngày
- Thuốc tiêm: Tiêm 300mg/ lần/ ngày
- Liều dùng tối đa: 300mg/ ngày
- Thời gian điều trị: 6 – 12 tháng
Điều trị bệnh lao:
Isoniazid phải được sử dụng kết hợp với các thuốc chống lao khác, chẳng hạn như Ethambutol, Rifampicin, Streptomycin và Pyrazinamide theo phác đồ điều trị của bác sĩ.
Liều dùng thông thường khi điều trị bệnh lao cho trẻ em
- Thuốc uống: Dùng 10mg/ kg/ lần, sử dụng 3 lần/ tuần
- Hoặc dùng 15mg/ kg/ lần, 2 lần/ tuần
- Thuốc tiêm: Tiêm 5mg/ kg/ lần/ ngày, tối đa: 200mg/ ngày
- Phải kết hợp với các thuốc chống lao khác
Liều dùng thông thường khi điều trị bệnh lao cho thiếu niên và người trưởng thành
- Thuốc uống: Dùng 300mg/ lần/ ngày
- Hoặc dùng 10mg/ kg/ lần/ ngày
- Thuốc tiêm: Tiêm 5mg/ kg/ lần/ ngày
- Phải điều trị phối hợp với những loại thuốc chống lao khác
Isoniazid chỉ phát huy tác dụng khi được sử dụng đều đặn. Vì vậy bạn cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng và tần suất dùng thuốc.
6. Bảo quản
Thuốc Isoniazid cần được bảo quản trong nhiệt độ từ 15 – 30 độ C, tránh ánh sáng. Với thuốc Isoniazid dạng tiêm, cần để thuốc ở nơi mát, tránh để hỗn dịch tiêm đóng băng.
Tham khảo thêm: Thuốc Chlorhexidine có công dụng gì?
Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Isoniazid
1. Thận trọng
Cần giảm liều ở bệnh nhân suy giảm chức năng thận (độ thanh thải creantinin <25ml/ phút). Dùng rượu và đồ uống có cồn trong thời gian sử dụng Isoniazid có thể tăng độc tính lên gan.
Isoniazid thường được dùng kết hợp với Rifampicin trong điều trị bệnh lao. Tuy nhiên sử dụng cùng lúc 2 loại thuốc này có thể gây hại cho gan. Vì vậy bạn chỉ nên kết hợp khi có yêu cầu từ bác sĩ.
Chỉ sử dụng thuốc Isoniazid cho phụ nữ mang thai trong trường hợp cần thiết. Nếu sử dụng trong thời gian mang thai, cần bổ sung vitamin B6 để giảm nguy cơ gặp phải tác dụng không mong muốn. Chưa có đủ tài liệu để xác định độ an toàn của thuốc đối với phụ nữ đang cho con bú.
Nhóm bệnh nhân có nguy cơ gặp phải tác dụng phụ của thuốc bao gồm: người nghiện rượu, tiểu đường, bệnh nhân cao tuổi, suy gan/ suy thận, suy dinh dưỡng, bệnh nhân đang sử dụng thuốc chống động kinh.
2. Tác dụng phụ
Tác dụng phụ thường gặp:
- Chán ăn
- Mệt mỏi
- Nôn mửa
- Đau vùng thượng vị
- Buồn nôn
- Ỉa chảy
- Viêm dây thần kinh ngoại vi (triệu chứng lâm sàng – tê bì tay hoặc chân)
- Viêm gan (triệu chứng – vàng mắt, vàng da và tăng transaminase)
Tác dụng phụ ít gặp:
- Mất bạch cầu hạt
- Viêm mạch
- Thiếu máu
- Giảm tiểu cầu
- Đau khớp
- Co giật
- Đau lưng
- Ban da
- Thay đổi tính tình
- Bí đái
- Đau tại vị trí tiêm
- Methemoglobin huyết
- Tăng cân
Các tác dụng không mong muốn của thuốc Isoniazid có xu hướng thuyên giảm sau khi ngưng thuốc. Tuy nhiên trường hợp bị viêm gan có thể tiếp diễn trong thời gian dài. Để làm giảm tác dụng phụ của Isoniazid, cần bổ sung vitamin B6 với liều 10mg/ ngày.
3. Tương tác thuốc
Isoniazid có thể tương tác với những loại thuốc sau:
- Alfentanil, benzodiazepine, theophylline, enfluran, cycloserin, thuốc chống đông máu, carbamazepin, phenytoin, disulfiram: Isoniazid làm tăng nồng độ và độc tính của những loại thuốc này. Nếu sử dụng kết hợp, phải điều chỉnh liều của những loại thuốc nói trên.
- Acetaminophen, rượu, Rifampicin: Dùng chung với Isoniazid có thể tăng độc tính lên gan. Cần chú ý khi điều trị phối hợp cho bệnh nhân suy giảm chức năng gan.
- Niridazol: Điều trị phối hợp với Isoniazid có thể gây tổn thương hệ thần kinh và làm phát sinh những tác dụng không mong muốn như rối loạn tâm thần và co giật.
- Ketoconazol: Isoniazid làm giảm nồng độ thuốc Ketoconazol trong huyết thanh. Do đó cần điều chỉnh liều Ketoconazol để tránh giảm tác dụng.
- Corticoid: Tăng khả năng thanh thải của Isoniazid.
- Thuốc kháng acid: Làm giảm hấp thu thuốc Isoniazid. Cần sử dụng 2 loại thuốc này cách nhau ít nhất 1 giờ đồng hồ.
4. Quá liều và cách xử lý
Các triệu chứng quá liều Isoniazid thường xuất hiện từ 30 phút – 3 giờ sau khi sử dụng.
Triệu chứng quá liều:
- Chóng mặt
- Mất định hướng
- Buồn nôn
- Thị lực giảm (nhìn mờ)
- Ảo thị giác
- Nôn mửa
- Nói ngọng
- Tăng phản xạ
Trong trường hợp sử dụng liều quá cao, bạn có thể bị ngộ độc nặng, dẫn đến tình trạng ức chế thần kinh trung ương (co giật kéo dài, hôn mê, tăng glucose huyết, aceton niệu, toan chuyển hóa). Với bệnh nhân ngộ độc nặng nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Xử lý quá liều:
Cần đến bệnh viện ngay khi cơ thể phát sinh những triệu chứng nêu trên. Với trường hợp quá liều Isoniazid, việc đầu tiên cần thực hiện là đảm bảo khả năng hô hấp của người bệnh.
Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm soát cơn co giật bằng cách tiêm tĩnh mạch Diazepam hoặc Barbiturat trong thời gian ngắn, có thể kết hợp với thuốc Pyridoxin hydroclorid.
Sau khoảng 2 – 3 giờ, các cơn co giật đã được kiểm soát, bác sĩ sẽ tiến hành sục rửa dạ dày, theo dõi máu, glucose, ure và điện giải trong huyết thanh. Dựa vào tình trạng của từng bệnh nhân mà bác sĩ có thể tiêm tuyền natri bicarbonate để chống toan chuyển hóa hoặc tiêm thêm Pyridoxin hydroclorid trong trường hợp bệnh nhân tiếp tục hôn mê.
Đồng thời tiến hành sử dụng thuốc lợi tiểu nhằm tăng khả năng thanh thải thuốc qua thận. Cần sử dụng liên tục cho đến khi các triệu chứng lâm sàng được cải thiện. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể kết hợp thẩm phân màng bụng và thẩm phân thận nhân tạo với thuốc lợi tiểu để tăng tốc độ thải trừ thuốc.
Có thể bạn quan tâm
- Thuốc Dapson có tác dụng gì? Liều dùng cụ thể?
- Thuốc Flagentyl: Công dụng, liều dùng, tác dụng phụ
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!