Bệnh bạch biến
Bệnh bạch biến xuất hiện khiến làn da của bạn trở nên kém thẩm mỹ với nhiều vùng da thay đổi sắc tố. Bệnh không gây ngứa ngáy khó chịu như một số bệnh da liễu khác. Tuy nhiên bạch biến lại gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần của người bệnh, đồng thời việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn.
Tổng quan
Bệnh bạch biến là bệnh lý da liễu đặc trưng với những vết loang màu sắc khác biệt trên bề mặt da. Tổn thương da hình thành do các tế bào sắc tố bị mất đi làm nổi lên những vùng khác màu. Tuy nhiên người bệnh bị bạch biến lại không có cảm giác đau rát, ngứa ngáy như các bệnh da liễu khác như vảy nến, mề đay, phát ban,...
Mặc dù vậy, các tổn thương ngoài da xuất hiện ở những khu vực dễ nhìn thấy gây mất thẩm mỹ, người bệnh thường lo lắng, tự ti khi mắc phải bệnh bạch biến. Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc phải chứng bệnh này, đặc biệt là người từ 10-30 tuổi. Một số trường hợp nhận thấy bạch biến xuất hiện trong gia đình qua nhiều thế hệ, tuy nhiên vẫn chưa có kết luận chính xác về tính di truyền của bệnh.
Bệnh bạch biến vẫn còn nhiều vấn đề trong việc tìm ra nguyên nhân và giải pháp điều trị không chỉ trong nước ta mà còn ở trên thế giới. Các trường hợp mắc bệnh đều tương đối khỏe mạnh, chỉ có sự bất thường xuất hiện trên bề mặt da. Nhưng do ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, thời gian phát bệnh kéo dài và khả năng tái phát cao nên nhiều bệnh nhân tự ti, lo âu quá mức.
Bên cạnh vấn đề thẩm mỹ, bạch biến có khả năng xuất hiện kèm theo các bệnh lý như bệnh về tuyến giáp, bệnh thiếu máu, thiểu sản tủy hoặc bệnh tiểu đường. Chính vì thế bạn nên thận trọng đối với các bệnh lý đi kèm theo đó, hãy chủ động đến gặp bác sĩ để được tư vấn hướng khắc phục, điều trị phù hợp.
Phân loại
Dựa trên vị trí xuất hiện bạch biến, người ta phân bệnh lý này thành 2 thể cơ bản:
Bạch biến khu trú: Tình trạng xuất hiện mảng khác màu trên bề mặt da xuất hiện ở từng điểm hoặc một đoạn cơ thể. Ngoài ra một số trường hợp còn phát hiện bạch biến niêm mạc. Cụ thể:
- Bạch biến điểm: Xuất hiện tại 1 điểm hoặc 1 vùng giảm sắc tố trên da.
- Bệnh biến đoạn: Vùng giảm sắc tố nằm dọc đường đi của thần kinh, xuất hiện 1 dát hay nhiều dát, tình trạng này gặp ở trẻ em phổ biến.
- Bạch biến niêm mạc: Chỉ xảy ra ở niêm mạc.
Bạch biến lan tỏa: Dạng bạch biến lan rộng, có thể gây ra tổn thương da ở nhiều khu vực. Người ta tiếp tục phân chia thể lan tỏa thành bạch biến các cực, dạng thông thường, hỗn hợp và toàn thể:
- Bạch biến các cực: Xuất hiện vùng giảm sắc tố ở các ngón tay, ngón chân hoặc ngay cả trên những hốc tự nhiên của khuôn mặt.
- Bạch biến thông thường: Những vùng da bị tổn thương xuất hiện riêng lẽ và phân tán.
- Bạch biến hỗn hợp: Xuất hiện ở trên ngón tay, chân, hốc mặt, phân tán rộng trên toàn cơ thể.
- Bạch biến toàn thể: Hiện tượng giảm sắc tố da xảy ra trên vùng da rộng, toàn cơ thể, song song với hội chứng nội tiết. So với các thể kể trên, dạng bạch biến này là phổ biến nhất.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Cho đến nay các nguyên nhân gây bạch biến vẫn chưa được kết luận chính xác. Căn nguyên gây bệnh khá mờ nhạt, không biểu thị rõ ràng qua chẩn đoán. Có nhiều khả năng gây bệnh, bao gồm nguyên nhân liên quan đến hiện tượng phá hủy tế bào sắc tố da, do tế bào sắc tố suy giảm sự sống hoặc tình trạng khiếm khuyết tế bào sắc tố nguyên phát.
Một vài giả thuyết được đưa ra trong quá trình xác định nguyên nhân gây bạch biến, bao gồm yếu tố tự miễn và di truyền. Trong đó, các gen có khả năng gây bạch biến kể đến như DR4, B13, BW35. Khi các tế bào kháng thể nhận định các tế bào sắc tố da là dị nguyên, sau đó tấn công chúng khiến các tế bào sắc tố bị phá hủy, quá trình sản xuất melanin giảm.
Ngoài ra, người ta cũng đưa ra một số nghiên cứu về sự ảnh hưởng qua lại giữa bệnh bạch biến với các vấn đề về thận, tuyến sinh dục, gan tụy. Bởi, có nhiều trường hợp mắc bạch biến cùng lúc với các bệnh lý về những cơ quan này. Các tự kháng thể ở bệnh nhân bạch biến chống lại những tế bào ở tuyến giáp, thận, sinh dục và gan tụy dẫn đến sự thay đổi sắc tố da, kèm theo bệnh lý liên quan.
Về tính di truyền, cho đến nay vẫn chưa có khẳng định về việc bạch biến di truyền từ đời bố mẹ sang con cái. Mặc dù đã ghi nhận được nhiều trường hợp xảy ra bệnh bạch biến trong gia đình. Các chuyên gia chỉ cảnh báo bạn có nguy cơ cao mắc bạch biến hơn những người khác nếu có bố mẹ hoặc người thân cận huyết mắc bạch biến.
Ngoài ra, một số trường hợp có rủi ro mắc bệnh cao kể đến như:
- Sự thay đổi màu sắc da do ảnh hưởng bởi các hóa chất như phenol, thiol,...
- Ảnh hưởng bởi một số thuốc ức chế hệ miễn dịch như pembrolizumab, nivolumab,...
- Ảnh hưởng bởi bệnh nhiễm trùng và những nguyên nhân liên quan đến vi khuẩn, nấm,...
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Bệnh bạch biến gây ra những tổn thương trên da có thể quan sát bằng mắt thường. Tùy từng giai đoạn, thể bệnh mà mức độ tổn thương da sẽ khác nhau. Nhận biết thông qua các biểu hiện về màu sắc trên da như:
- Da màu trắng nhạt: Khu vực tổn thương do bạch biến có màu trắng nhạt thường xuất hiện ở giai đoạn đầu. Sắc tố da nhạt màu hơn vùng da bình thường khác. So với giai đoạn tiến triển, những bất thường trên da giai đoạn đầu chưa rõ nét.
- Da màu trắng sữa: Vùng da bạch biến màu ban trắng như sữa, tổn thương da chưa quá nghiêm trọng. Tế bào bị tổn thương 20%-30%, phần trăm sắc tố vẫn còn tồn tại nhiều.
- Da màu mây trắng: Giai đoạn này các tế bào mất sắc tố đã tăng tỷ lệ lên nhiều hơn giai đoạn trước đó. Có đến hơn 70% số lượng sắc tố bị mất đi khiến da phai màu nặng hơn, tổn thương có màu như màu mây trắng.
- Da màu trắng sứ: Thể hiện qua tình trạng da chỉ còn lại khoảng 10% tế bào sắc tố, các tế bào bị tổn thương nặng hơn, da thay đổi màu sắc rõ rệt. Đây là giai đoạn nặng của bệnh.
Nhận biết bạch biến thông qua màu sắc da. Bên cạnh đó, bạn có thể dựa vào vị trí, kích thước, ảnh hưởng các cơ quan khác để nhận diện bạch biến. Cụ thể:
- Ranh giới các vùng da: Sự thay đổi sắc tố ở vùng da bị tổn thương ngày càng rõ ràng hơn. Vùng da bệnh có ranh giới phân biệt rõ bằng mắt thường với vùng da khỏe mạnh khác. Nền da không có bất kỳ phản ứng gì ngoài sự thay đổi sắc tố da. Không đau, không ngứa, không teo da. Một số trường hợp bên trong vùng da trắng xuất hiện một vài đốm nâu.
- Kích thước vùng da bạch biến lan rộng: Vùng da bị tổn thương, giảm sắc tố ngày càng lan rộng. Bắt đầu từ những chấm nhỏ sau đó thành những vết loang lổ kích thước lớn hơn. Thậm chí có trường hợp bạch biến lan ra toàn bộ da cơ thể, da mặt.
- Sự thay đổi tóc và lông: Tại vùng da bạch biến, tóc và lông cũng chuyển dần thành màu trắng đục như cước.
Bạch biến có thể xuất hiện ở bất kỳ vùng da nào, ngoài ra các biểu hiện nhận biết cũng không theo quy luật cụ thể. Một số trường hợp xảy ra khi người bệnh trải qua một cú sốc tinh thần, sự thay đổi thể trạng, mắc bệnh mãn tính hoặc do ảnh hưởng thời tiết,...
Chẩn đoán
Chẩn đoán bệnh bạch biến thông qua những tổn thương có thể quan sát bằng mắt thường. Ngoài ra, bác sĩ sẽ kết hợp thực hiện một số xét nghiệm củng cố chẩn đoán. Bao gồm:
- Sinh thiết da
- Xét nghiệm kiểm tra bệnh tự miễn
Mặc dù bạch biến không gây đau, không ngứa như các bệnh da liễu khác, tuy nhiên bạch biến lại ảnh hưởng không nhỏ đến tính thẩm mỹ, đời sống tinh thần của người bệnh. Cho đến nay việc điều trị bạch biến vẫn còn được nghiên cứu, tìm kiếm, chưa có giải pháp khắc phục triệt để.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh bạch biến là bệnh lý lành tính, không ảnh hưởng đến sức khỏe nghiêm trọng như các bệnh lý khác. Tuy nhiên, bệnh gây tổn thương rõ trên da khiến người bệnh tự ti khi tiếp xúc với người khác. Đặc biệt nếu người bệnh có làn da tối màu, các tổn thương da do bạch biến càng thể hiện rõ hơn.
Người bệnh lo lắng, tự ti khiến đời sống trở nên khó khăn. Do đó, bệnh nhân nên tìm giải pháp khắc phục, chia sẻ vấn đề gặp phải với người thân, bạn bè. Đồng thời đến gặp bác sĩ để được tư vấn, điều trị bệnh bạch biến. Mặc dù chưa có biện pháp điều trị dứt điểm, tuy nhiên người bệnh có thể áp dụng biện pháp điều trị bằng thuốc hoặc xâm lấn để cải thiện bệnh.
Điều trị
Nguyên nhân gây bạch biến chứa được kết luận chính xác, do đó hiện nay vẫn chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu chứng bệnh này. Các phương pháp được áp dụng nhằm giúp bệnh nhân cải thiện triệu chứng, giảm tổn thương sắc tố da tiếp diễn. Một số cách can thiệp như:
Điều trị bằng thuốc
Thuốc được chỉ định điều trị bạch biến dựa trên thể bệnh người bệnh đang gặp phải. Cụ thể:
Điều trị bạch biến còn tiến triển:
- Corticoid toàn thân: Dùng Betamethason hoặc Dexamethason mỗi tuần 2 ngày liên tiếp, đều đặn trong khoảng 4-6 tháng. Thuốc có tác dụng ức chế sự tiến triển của bệnh. Khi tổn thương ngừng tiến triển chỉ định kết hợp liệu pháp ánh sáng để điều trị kiểm soát.
- Methotrexat: Thuốc được chỉ định sử dụng trong khoảng 24 tuần để kiểm soát tình hình tiến triển bạch biến trên da.
- Minocyclin: Thuốc được chỉ định cho bệnh nhân, hiệu quả tương đương với thuốc Betamethasone, dùng mỗi ngày 100mg trong vòng 6 tháng.
Ngoài ra, bệnh nhân còn được chỉ định dùng Ginkgo biloba, Cyclophoshamid, Cyclosporin,...
Điều trị bạch biến ngừng tiến triển trong 12 tháng:
- Corticoid tại chỗ: Thuốc có tác dụng mạnh, dùng bôi ngoài da. Sử dụng ngày 1 lần, không sử dụng quá 90 ngày. Ngoài ra, bệnh nhân còn được chỉ định liệu pháp ánh sáng kết hợp trong thời gian dùng thuốc.
- Thuốc ức chế Calcinuerin: Bôi mỗi ngày 2 lần, dùng trong vòng 6-12 tháng. Kết hợp liệu pháp ánh sáng để tăng cường hiệu quả.
- Thuốc Calcipotriol: Dùng kết hợp Corticoid theo hướng dẫn của bác sĩ.
Liệu pháp ánh sáng
Chiếu UVB dải hẹp:
Phương pháp được chỉ định trong điều trị nội khoa bạch biến, kết hợp với thời gian điều tị bằng thuốc cho bệnh nhân. Trị liệu ánh sáng thích hợp cho tình trạng bạch biến không còn tiến triển, khả năng phục hồi sắc tố da lên đến hơn 75%, giảm rủi ro tái phát bệnh.
Điều trị trong tuần 2-3 lần, thực hiện đều đặn trong 3 tháng đến 1 năm. Một số phản ứng phụ khi điều trị chiếu UVB bao gồm ngứa, đỏ da, sạm da.
Laser Excimer:
Ngoài ra người bệnh có thể được chỉ định giải pháp chiếu laser để điều trị bạch biến. Phương pháp giúp phục hồi sắc tố da, tác dụng nhanh và ngăn chặn nguy cơ bạch biến tái phát trong nhiều năm. Bác sĩ sẽ sử dụng một thiết bị phát ánh sáng gần với NB-UVB, bước sống, năng lượng cao để điều trị bạch biến tại các vùng da nhỏ.
Phương pháp ưu tiên sử dụng cho bệnh nhân không có nhiều tổn thương da do bạch biến, kích thước vùng bị ảnh hưởng nhỏ. Hiệu quả điều trị hơn 50%, tổn thương tái tạo sắc tố phục hồi sau 3 lần chiếu laser lên đến hơn 75%.
Can thiệp ngoại khoa
Microneedling:
Tạo vi tổn thương trên da bằng dụng cụ chuyên biệt. Thực hiện từ vùng có sắc tố ổn định đến những vùng bị bạch biến nhằm lôi kéo, cấy tế bào hắc tố lên vùng da bệnh. Thủ thuật giúp phục hồi sắc tố da cho bệnh nhân bạch biến.
Phương pháp đồng thời cũng có tác dụng kích thích hiện tượng viêm, nhờ đó tế bào hắc tố được sản sinh, dịch chuyển và cải thiện vùng da nhạt màu. Chỉ định thực hiện cho những đối tượng sử dụng thuốc bôi, thuốc uống hoặc liệu pháp ánh sáng không đạt được hiệu quả như mong đợi.
Ghép da tự thân:
Phương pháp phẫu thuật được chỉ định cho tình trạng giảm tế bào sắc tố nặng ảnh hưởng tính thẩm mỹ. Các phương pháp thực hiện như:
- Ghép da
- Ghép da từng điểm
- Ghép da bọng nước
- Ghép da tế bào
- Ghép da tế bào có nuôi cấy hoặc không qua nuôi cấy
- Ghép da mỏng
Tùy nhu cầu của người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định giải pháp can thiệp ngoại khoa thẩm mỹ phù hợp. Tuy nhiên phương pháp ngoại khoa có thể gây ra di chứng nếu quy trình thực hiện có sai sót. Bệnh nhân nên đến các bệnh viện lớn, có bác sĩ giỏi, đảm bảo phẫu thuật ghép da an toàn, bảo vệ sức khỏe.
Có thể bạn quan tâm: Phân biệt lang ben và bạch biến để điều trị đúng
Phòng ngừa
Bệnh bạch biến không lây truyền, không phải là bệnh truyền nhiễm. Do đó khi gặp một người bị bạch biến bạn không nên xa lánh, bệnh lý không lây lan ngay cả khi bạn tiếp xúc gần, chạm vào vùng da bạch biến của người bệnh.
Chủ động bảo vệ da phòng ngừa bạch biến hay những bệnh da liễu khác thông qua một số giải pháp:
- Sử dụng kem chống nắng, che chắn da khi đi ra ngoài, nhất là những nơi khói bụi, ánh nắng mặt trời gay gắt.
- Không lạm dụng đồ uống chứa cồn, chất kích thích, rượu bia, thuốc lá.
- Chăm sóc da, cung cấp độ ẩm cho làn da để tránh tình trạng khô da, bong tróc.
- Dùng các sản phẩm làm sạch da phù hợp, không dùng những loại chứa hóa chất tẩy mạnh.
- Ăn uống đều độ, ăn những thực phẩm có lợi cho sức khỏe, không ăn nhiều đồ ăn cay nóng, đồ ăn dầu mỡ,...
- Lựa chọn quần áo thoải mái, thoáng mát, hạn chế tình trạng ẩm ướt da gây ngứa ngáy và nhiều vấn đề da liễu khác.
- Theo dõi tình trạng sức khỏe, nếu gặp phải biểu hiện bất thường nên đến bệnh viên thăm khám để điều trị bệnh sớm.
Những câu hỏi quan trọng khi khám
1. Những mảng trắng do bạch biến tôi đang gặp có biến chứng không?
2. Tôi cần làm những xét nghiệm gì khi chẩn đoán bạch biến?
3. Thoa thuốc ngoài da có chữa được bạch biến không?
4. Sử dụng thuốc uống điều trị bạch biến có tác dụng phụ không?
5. Nếu tôi không dùng thuốc bạch biến có lan rộng không?
6. Điều trị trong bao lâu thì khỏi? Có chữa dứt điểm được không?
7. Tôi cần làm gì để bảo vệ người thân khỏi chứng bạch biến?
8. Bệnh bạch biến có nên mang thai và sinh con không?
Bệnh bạch biến không phải là bệnh da liễu nguy hiểm. Tuy nhiên các tổn thương ngoài da có thể gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần và sức khỏe của người bệnh. Cho đến nay vẫn chưa có giải pháp đặc hiệu nào trong điều trị bạch biến, bạn có thể kiểm soát bệnh thông qua một số loại thuốc và biện pháp can thiệp xâm lấn.