Bệnh Kawasaki (Viêm mạch máu)
Kawasaki là bệnh lý viêm mạch máu khá hiếm gặp và là nguyên nhân gây ra những đợt sốt kéo dài. Bệnh lý này ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ em > 6 tháng đến < 5 tuổi. Bệnh Kawasaki gây ra các đợt bùng phát triệu chứng cấp nghiêm trọng và có thể biến chứng bệnh tim nếu không được điều trị kịp thời.
Tổng quan
Bệnh Kawasaki (Kawasaki Disease) là tình trạng viêm mạch máu, chủ yếu gây tổn thương động mạch vành, cản trở quá trình lưu thông và vận chuyển máu chứa oxy đến tim. Qua nhiều nghiên cứu và kết quả siêu âm tim, các mạch máu bị viêm khi mắc Kawasaki thường có xu hướng suy yếu và giãn kích thước gây phình động mạch vành.
Kawasaki không phải bệnh truyền nhiễm, nên không có khả năng lây lan giữa người với người. Bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ em > 6 tháng tuổi và < 5 tuổi, phổ biến ở các quốc gia như Nhật Bản, Hoa Kỳ... Các chuyên gia cho rằng, điều trị hiệu quả bệnh Kawasaki có giá trị cao trong việc phòng ngừa bệnh tim.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh Kawasaki vẫn còn là một ẩn số. Tuy nhiên, có một điều khẳng định chắc chắn căn bệnh này không phải bệnh truyền nhiễm. Những nhận định về căn nguyên gây bệnh còn rất mơ hồ, mặc dù nhiều trường hợp phát hiện bệnh đều xảy ra vào thời điểm cuối đông - đầu xuân.
Ngoài ra, còn một số yếu tố nguy cơ có liên quan đến cơ chế khởi phát bệnh Kawasaki (vẫn chưa được chứng minh) như:
- Nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn, nhưng bệnh không có khả năng lây nhiễm;
- Ảnh hưởng từ tình trạng rối loạn tự miễn trong cơ thể;
- Bệnh không có khả năng di truyền nhưng những người có người nhà mắc bệnh sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn;
- Tăng nguy cơ khi tiếp xúc với các loại độc tố, hóa chất độc hại hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc;
- Trẻ trai có nguy cơ mắc bệnh Kawasaki cao hơn trẻ gái;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Các triệu chứng của bệnh Kawasaki thường không đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý nhiễm trùng khác do virus, vi khuẩn. Bệnh đặc trưng với các dấu hiệu điển hình như:
- Sốt cao không hạ, > 38.5 độ C, kéo dài ít nhất 5 ngày và nhiều nhất 1 - 2 tuần;
- Các tổn thương da niêm mạc và hạch bạch huyết trong cổ họng, mũi, miệng... Nên bệnh Kawasaki còn được gọi là hội chứng Mucocutaneous;
- Da khô, bong tróc quanh móng hoặc toàn thân, hầu khô, phát ban đỏ;
- Lưỡi gai có màu dâu tây, môi khô, nứt nẻ;
- Lòng bàn tay, chân nổi đỏ, phù cứng;
- Nổi hồng ban toàn thân hoặc quanh khu vực hậu môn;
- Viêm kết mạc mắt, mắt đỏ, không có dử mắt;
Ngoài các triệu chứng chung vừa kể trên, tùy vào từng giai đoạn của bệnh Kawasaki, trẻ sẽ có kèm theo các triệu chứng như:
- Giai đoạn đầu:
- Sốt cao
- Mắt đỏ
- Môi khô
- Phát ban vùng sinh dục
- Sưng đỏ da lòng bàn chân và lòng bàn tay;
- Sưng hạch bạch huyết cổ;
- Giai đoạn giữa:
- Bong tróc, lột da bàn chân, bàn tay, ngón chân, ngón tay.
- Đau bụng
- Tiêu chảy
- Nôn mửa
- Chán ăn
- Đau nhức khớp
- Vàng da
- Giai đoạn cuối: Đây là giai đoạn thoái lui của các triệu chứng bệnh Kawasaki và khỏi bệnh hoàn toàn với điều kiện không có biến chứng. Bệnh nhi sẽ được theo dõi và đánh giá nguy cơ biến chứng tim mạch để có hướng điều trị kịp thời.
Chẩn đoán
Nếu chỉ đánh giá các triệu chứng trên vẫn chưa đủ cơ sở dữ liệu để chẩn đoán bệnh viêm mạch máu Kawasaki. Tuy nhiên, vì chưa rõ nguyên nhân gây bệnh nên chưa có biện pháp xác định bệnh. Thay vào đó, nếu một đứa trẻ bị sốt cao kéo dài sẽ được chẩn đoán loại trừ các nguyên nhân bệnh lý khác trước khi nghĩ đến bệnh Kawasaki.
Một vài xét nghiệm chẩn đoán bệnh Kawasaki được áp dụng phổ biến như:
- Xét nghiệm máu & nước tiểu: Trẻ sẽ được lấy mẫu máu và mẫu nước tiểu để mang đi xét nghiệm, nhằm kiểm tra yếu tố nhiễm trùng. Loại trừ viêm mạch máu do virus và cho phép chẩn đoán bệnh Kawasaki khi có kèm theo các tổn thương tim mạch.
- Siêu âm tim: Đây là kỹ thuật siêu âm không xâm lấn đơn giản cho phép quan sát cấu trúc và sự hoạt động của tim. Kết quả siêu âm cho thấy những bất thường về rõ ràng về tim mạch.
- Điện tâm đồ: Nếu siêu âm vẫn chưa cho thấy các tổn thương tim do bệnh Kawasaki gây ra, bệnh nhi sẽ phải đo điện tâm đồ. Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách đeo các miếng dán trên ngực để đo hoạt động điện tim, phát hiện các bất thường.
Ngoài ra, cần chẩn đoán phân biệt bệnh Kawasaki với các bệnh lý có biểu hiện và triệu chứng tương tự như:
- Bệnh phát ban đỏ;
- Bệnh sởi;
- Viêm khớp dạng thấp thiếu niên;
- Hội chứng Stevens - Johnson;
- Nhiễm virus Epstein-Barr hoặc Cytomegalovirus gây các bệnh bạch cầu đơn nhân;
- Sốt Rocky Mountain;
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh Kawasaki là một trong những nguyên nhân gây sốt ở trẻ nhỏ. Dưới sự tác động và ảnh hưởng của bệnh, bệnh nhi thường gặp một số biến chứng như:
- Giãn động mạch vành, suy động mạch vành mạn tính;
- Viêm cơ tim;
- Rối loạn nhịp tim;
- Hở van 2 lá;
- Nhồi máu cơ tim, tăng nguy cơ đột quỵ dẫn đến tử vong;
Ngoài ra, bệnh Kawasaki còn gây ra nhiều biến chứng ngoài tim như giảm thính lực, điếc vĩnh viễn, nhũn não, có huyết khối, viêm xơ thận, liệt mặt hoặc liệt nửa người. hoặc một số tổn thương mạch máu lân cận khác như hẹp động mạch chậu, giãn động mạch thận, mạch quai chủ...
Tiên lượng điều trị bệnh Kawasaki ở trẻ nhỏ khá tốt trong hầu hết các trường hợp phát hiện bệnh sớm và điều trị bằng biện pháp phù hợp. Việc điều trị tích cực có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng ngừa các vấn đề sức khỏe tim mạch nguy hiểm. Khuyến cáo các bậc phụ huynh cần chú ý theo dõi tình trạng sức khỏe của con, đưa trẻ đến bệnh viện khi các đợt sốt tái phát liên tục hoặc các triệu chứng khác ngày càng nặng hơn.
Điều trị
Trẻ được chẩn đoán mắc bệnh Kawasaki thường phải nhập viện để điều trị cải thiện triệu chứng và điều trị hoặc dự phòng biến chứng. Một số phương pháp điều trị bệnh Kawasaki phổ biến như:
Dùng thuốc
Để kiểm soát viêm nhiễm và giảm nguy cơ biến chứng tổn thương động mạch vành, bác sĩ sẽ kê toa một số loại thuốc sau:
- Aspirin: Liều cao thuốc Aspirin được chỉ định sử dụng phổ biến trong điều trị biến chứng tim mạch do Kawasaki gây ra. Thuốc có tác dụng chính là ngăn chặn hình thành phát triển các cục máu đông, giảm nguy cơ khởi phát cơn đau tim, nhồi máu cơ tim... Đồng thời, hỗ trợ hạ sốt, giảm đau, sưng viêm khớp. Tùy vào mục đích điều trị, bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng phù hợp:
- Liều chống viêm: khoảng 80 - 100mg/kg/24h x 4 lần uống hoặc 30 - 50mg/kg/24h đối với trẻ châu Á;
- Liều duy trì khoảng 3 - 7mg/kg/ngày, liên tục trong vòng 6 - 8 tuần;
- Tiêm tĩnh mạch IVIG: IVIG có tên đầy đủ là gamma globulin, một loại protein miễn dịch được dùng dưới dạng tiêm tĩnh mạch nhằm ngăn chặn các nguy cơ gây tổn thương động mạch vành. Thuốc thường được chỉ định dùng trong vòng 10 ngày đầu của bệnh hoặc sau 10 ngày nếu vẫn còn sốt và có dấu hiệu tổn thương động mạch vành.
- Liều dùng: Tối đa 2g/kg;
- Cách dùng: Có 2 cách chính là truyền tĩnh mạch cấp tốc, liên tục trong vòng 10 - 12 giờ hoặc truyền liều từ từ trong vòng 4 - 5 ngày liên tiếp;
- Trường hợp kháng IVIG (Noneresponder Resistant IVIG): Chỉ định điều trị trong trường hợp kháng IVIG gồm các biện pháp sau:
- Truyền IVIG liều 2g/kg liên tục từ 10 - 12 tiếng;
- Kết hợp dùng Aspirin liều 80mg/kg/24h;
Nếu kết quả của đợt điều trị này vẫn không đạt hiệu quả như mong đợi, trẻ vẫn tái phát sốt và các triệu chứng lâm sàng không thuyên giảm, chuyển sang liệu pháp tiêm IVIG liều 1g/kg kết hợp dùng methylprednisolone liều 30mg/kg/ngày dưới dạng truyền tĩnh mạch trong vòng 2 - 3 tiếng.
Chăm sóc và theo dõi
Trẻ nhập viện trong trạng thái sốt cao li bì với các triệu chứng khác sẽ được chăm sóc tích cực, xử lý lần lượt từng triệu chứng và theo dõi sức khỏe sau đợt điều trị ban đầu để ngăn chặn tiến triển bệnh.
- Uống hoặc truyền dịch để bù nước, bù dịch;
- Làm mát cơ thể trẻ giúp hạ sốt;
- Cho trẻ nghỉ ngơi tại giường;
- Ăn uống dinh dưỡng, đủ chất và dễ tiêu hóa;
- Giữ vệ sinh thân thể và răng miệng, tai mũi họng sạch sẽ;
Điều trị biến chứng
Các biến chứng tim mạch do bệnh Kawasaki gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và cả tính mạng của con trẻ. Do đó, điều trị biến chứng cần được thực hiện song song với điều trị triệu chứng dựa vào kết quả chẩn đoán.
Một số trường hợp trẻ bị Kawasaki gây phình động mạch và các bệnh lý tim mạch khác có thể được chỉ định điều trị bằng các biện pháp sau:
- Dùng thuốc chống đông máu: Giúp ngăn chặn hình thành các cục máu đông như aspirin, warfarin, heparin...;
- Thủ thuật nong mạch vành: Làm mở rộng các đoạn động mạch bị chít hẹp, giải phóng tắc nghẽn và thúc đẩy tuần hoàn máu đến tim thuận lợi hơn;
- Kỹ thuật đặt Stent: Thường được thực hiện cùng với thủ thuật nong mạch tim, sau đó đặt Stent vào ống động mạch bị tắc nghẽn để giữ cho nó luôn mở, giảm nguy cơ tái hẹp trở lại;
- Phẫu thuật ghép động mạch vành: Được thực hiện bằng sử dụng động mạch vành tự thân, lấy từ chân, tay hoặc ngực để thay thế đoạn động mạch vành đến tim bị tổn thương, tạo tuyến đường thay thể để bơm máu đến tim;
Phòng ngừa
Phòng ngừa bệnh Kawasaki cũng chính là phòng ngừa các bệnh lý tim mạch nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ. Vì nguyên nhân gây bệnh còn chưa rõ ràng nên không có biện pháp phòng ngừa đặc hiệu. Bệnh có thể xảy ra một lần duy nhất trong đời hoặc cũng có thể tái phát ngay sau đó vài tháng mà không hề có dấu hiệu báo trước.
Do đó, sau điều trị bố mẹ cần chú ý theo dõi sức khỏe của con và cho trẻ tái khám định kỳ ít nhất 3 - 5 năm/ lần hoặc 6 - 12 tháng/ lần tùy theo tình trạng bệnh, mức độ tổn thương động mạch vành.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Những dấu hiệu cảnh báo con tôi bị bệnh Kawasaki?
2. Nguyên nhân khiến con tôi bị bệnh Kawasaki?
3. Tiên lượng tình trạng bệnh Kawasaki của con tôi có nguy hiểm không?
4. Con tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh Kawasaki?
5. Phương pháp điều trị bệnh Kawasaki tốt nhất dành cho con tôi?
6. Bệnh Kawasaki có trị khỏi hoàn toàn được không? Có tái phát không?
7. Biến chứng nào nguy hiểm nhất khi mắc bệnh Kawasaki?
8. Những rủi ro và lợi ích xoay quanh việc điều trị bệnh Kawasaki?
Bệnh Kawasaki là nguyên nhân gây sốt kéo dài, các bệnh lý tim mạch nguy hiểm và ảnh hưởng đến các hệ thống cơ quan khác. Do đó, khuyến cáo các bậc phụ huynh cần chú ý theo dõi các bất thường về sức khỏe của trẻ và siêu âm tim định kỳ để tầm soát các vấn đề tim mạch, điều trị kịp thời ngăn ngừa các hệ lụy nguy hiểm cho sức khỏe trong tương lai.