Thuốc Warfarin có tác dụng gì?

Thuốc Warfarin thuộc nhóm thuốc tim mạch, thuốc chống đông máu kháng vitamin K. Thuốc có thành phần chính là hoạt chất Warfarin sodium. Thuốc thường được dùng trong điều trị nghẽn mạch ở bệnh nhân mang van tim nhân tạo, huyết khối mạch máu. Ngoài ra thuốc còn có tác dụng điều trị nhồi máu cơ tim cấp và dùng trong thời gian nghỉ heparin.

Thuốc Warfarin
Thông tin cơ bản về thành phần, công dụng, chỉ định, chống chỉ định, liều dùng và những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc chống đông máu Warfarin

  • Nhóm thuốc: Thuốc tim mạch, thuốc chống đông máu kháng vitamin K
  • Tên biệt dược: Coumadine
  • Tên chung: Warfarin

Thông tin về thuốc Warfarin

Thành phần

Thuốc Warfarin được bào chế từ hoạt chất Warfarin sodium và lượng tá dược vừa đủ trong một viên nén, bột đông khô.

Dạng bào chế và hàm lượng

Viên nén 1mg, 2mg, 3mg, 4mg ,5mg, 6mg, 7mg, 8mg, 9mg, 10mg warfarin natri

Bột đông khô warfarin natri lọ 5mg. Hòa tan thuốc cùng với 2,7ml nước cất pha tiêm. Sau khi hòa tan bạn sẽ có một lọ dung dịch chứa warfarin natri 2 mg/ml.

Công dụng

Thuốc Warfarin natri là một loại thuốc chống đông máu thuộc nhóm coumarin. Thuốc rất dễ tan trong nước. Chính vì thế thuốc được sử dụng ở dạng uống và dạng tiêm.

Thuốc Warfarin có khả năng ngăn cản sự tổng hợp của yếu tố đông máu thứ II – prothrombin, yếu tố đông máu thứ VII – proconvertin, yếu tố đông máu thứ IX – yếu tố antihemophilia và yếu tố đông máu thứ X – Stuart – Prower bằng cách ức chế và ngăn cản các hoạt động của vitamin K. Vitamin K vốn cần thiết cho sự tổng hợp các nguyên nhân cũng như các yếu tố đông máu nêu trên ở gan.

Dược động học

  • Hấp thu: Liều dùng thuốc Warfarin ở dạng uống có thể được hấp thu nhanh và hấp thu hoàn toàn.
  • Phân bố: Thuốc Warfarin có khả năng liên kết mạnh cùng với 98 – 99% protein huyết tương.
  • Chuyển hóa: Thuốc có khả năng chuyển hóa qua gan bởi cytocrom P450. Sự chuyển hóa này có thể bị ức chế bởi những loại thuốc điều trị khác tương tự như cimetidin ức chế. Sự chuyển hóa dẫn đến nguy cơ chảy máu rất nguy hiểm. Một số loại thuốc khác có khả năng ức chế sự chuyển hóa Warfarin. Cụ thể như propafenon. Đồng thời khiến nồng độ Warfarin trong máu tăng lên khoảng 40%.
  • Thải trừ: Lượng tá dược trong thuốc được đào thải chủ yếu qua thận. Thời gian bán thải của thuốc từ 22 – 35 giờ.

Dược lực học

Thuốc Warfarin thuộc nhóm coumarin. Đây là một loại thuốc chống đông máu kháng vitamin K.

Chỉ định

Thuốc Warfarin được chỉ định dùng trong những trường hợp sau:

Điều trị ngắn hạn

  • Huyết khối mạch máu, nghẽn mạch ở bệnh nhân mang van tim nhân tạo
  • Nhồi máu cơ tim cấp: Phẫu thuật và hỗ trợ điều trị tiêu cục huyết khối, phòng huyết khối tĩnh mạch
  • Dùng trong thời gian nghỉ heparin.

Điều trị dài hạn

  • Huyết khối tĩnh mạch và nghẽn mạch phổi tái phát
  • Bệnh tim có nguy cơ nghẽn mạch: Thay van tim, rung thấp, nghẽn mạch não, người bệnh thiếu máu cục bộ thoảng qua
  • Bệnh mạch vành: Nhồi máu cơ tim, cơn đau thắt ngực.
Chỉ định của thuốc Warfarin
Thuốc Warfarin được chỉ định dùng trong những trường hợp nhồi máu cơ tim cấp, huyết khối tĩnh mạch và nghẽn mạch phổi tái phát…

Chống chỉ định

Thuốc Warfarin chống chỉ định với những trường hợp sau:

  • Những người quá mẫn cảm với hoạt chất Warfarin sodium hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Những bệnh nhân bị loét dạ dày, tăng huyết áp nặng, viêm màng trong tim nhiễm khuẩn
  • Phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu và 2 tuần cuối kỳ thai
  • Những người có tiền sử hoặc đang bị bệnh nặng ở gan và thận
  • Những người bị xơ gan, rối loạn cầm máu nặng, chứng phân mỡ
  • Bệnh nhân bị u, loét đường niệu sinh dục, mới phẫu thuật hoặc có chấn thương cấp ở hệ thần kinh trung ương.

Cách dùng và liều lượng

Cách dùng

Thuốc Warfarin có thể được sử dụng thông qua đường miệng hoặc đường tiêm tĩnh mạch. Khi bạn không uống được thuốc hoặc bạn bị nôn sau phẫu thuật, người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định dùng thuốc thông qua đường tiêm tĩnh mạch. Liều dùng thuốc ở dạng uống và dạng tiêm tĩnh mạch đều giống nhau. Khi được tiêm tĩnh mạch, người bệnh cần phải tiêm chậm và tiêm liên tục trong khoảng thời gian từ 1 – 2 phút. Vị trí tiêm là một tĩnh mạch ngoại biên. Trước khi sử dụng thuốc, người bệnh cần pha toàn bộ lượng thuốc trong lọ cùng với 2,7ml nước cất pha tiêm vô khuẩn.

Ngoài ra trước khi tiêm thuốc, người bệnh cần kiểm tra không được để thuốc có vẩn đục. Đồng thời bạn chỉ nên sử dụng thuốc khi thuốc không bị biến màu. Sau khi pha, thuốc tiêm Warfarin có thể bền vững ở nhiệt độ trong phòng trong vòng 4 giờ. Thuốc đã pha nếu sử dụng không hết cần bỏ đi.

Liều lượng

Liều dùng thuốc Warfarin phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của từng đối tượng và thời gian đông máu.

  • Liều ban đầu: Dùng 30 – 50mg/ngày.
  • Liều duy trì: Dùng 3 – 10mg/ngày.

Lưu ý: Tùy thuộc vào đáp ứng của từng đối tượng, liều dùng thuốc Warfarin có thể thay đổi theo phác đồ điều trị và hướng dẫn liều dùng từ bác sĩ chuyên khoa.

Bảo quản

Thuốc độc bảng B.

Thuốc Warfarin cần được bảo quản ở nhiệt độ trong phòng. Bảo quản ở nơi thoáng mát. Tránh ẩm ướt và tránh ánh sáng mặt trời.

Đối với dung dịch tiêm, người bệnh cần sử dụng thuốc trong vòng 4 giờ sau khi pha. Dung dịch tiêm nếu không sử dụng hết cần phải vứt bỏ.

Bảo quản thuốc Warfarin
Thuốc Warfarin thuộc thuốc độc bảng B. Thuốc cần được bảo quản ở nhiệt độ trong phòng, tránh ánh sáng

Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Warfarin

Khuyến cáo khi dùng

Trước khi đưa thuốc Warfarin vào quá trình điều trị, người bệnh cần thận trọng với những điều sau đây:

  • Trong thời gian sử dụng thuốc Warfarin, người bệnh cần phải thật thận trọng trong trường hợp bạn có nguy cơ gây xuất huyết.
  • Người bệnh cần tránh sử dụng thuốc bằng cách tiêm bắp. Bởi điều này có thể làm tăng nguy cơ ổ tụ máu.
  • Những người có tiền sử hoặc đang bị bệnh gan, rung nhĩ, cường giáp, suy tim nặng, sốt cần thận trọng và được theo dõi chặt chẽ khi sử dụng thuốc Warfarin.
  • Thuốc Warfarin nếu được sử dụng ở người cao tuổi sẽ dễ có nguy cơ thay đổi sinh lý ở khoang khớp và các mô dưới da, chấn thương nặng như gãy xương đùi, thậm chí có thể gây chảy máu lan tỏa và không kiểm soát được.
  • Tác dụng chống đông máu của thuốc Warfarin có thể tăng lên khi sử dụng ở những bệnh nhân bị sút cân không rõ nguyên nhân, ốm nặng, người cao tuổi, ăn thiếu vitamin K, suy thận. Những đối tượng này cần được giảm liều sử dụng thuốc.
  • Những người bị nôn, tiêu chảy, tăng cân, sử dụng nhiều vitamin K, sử dụng nhiều chất béo và một số loại thuốc khác cần tăng liều duy trì ở thuốc Warfarin.
  • Trong trường hợp thay đổi dạng thuốc, người bệnh cần thực hiện một số xét nghiệm.
  • Tác dụng chống đông máu của thuốc Warfarin bị vitamin K làm đảo ngược.
  • Lượng tá dược trong thuốc Warfarin không bài tiết qua sữa mẹ. Chính vì thế, phụ nữ đang cho con bú có thể sử dụng thuốc.
  • Các chất đông máu thuộc nhóm cumarin kể cả thuốc Warfarin qua được hàng rào nhau thai. Điều này sẽ dẫn đến sự loạn xương có chấm, thai nhi chết lưu và chảy máu. Ngoài ra lượng tá dược trong thuốc Warfarin còn có khả năng khiến người mẹ tăng nguy cơ xuất huyết trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ. Chính vì thế thuốc Warfarin cũng như những loại thuốc chống đông máu khác thuộc nhóm cumarin không được khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ đang mang thai. Nếu việc sử dụng thuốc đông máu là cần thiết, phụ nữ mang thai nên được sử dụng thuốc Heparin. Bởi thuốc này không có khả năng tác động đến thai nhi và không đi qua nhau thai.

Tác dụng phụ

Trong thời gian sử dụng thuốc Warfarin, người bệnh có thể mắc phải một trong những tác dụng phụ sau:

Tác dụng phụ thường gặp

  • Chảy máu.

Tác dụng phụ ít gặp

  • Tiêu chảy
  • Rụng tóc
  • Phát ban da.

Tác dụng phụ hiếm gặp

  • Hoại tử da
  • Viêm mạch.

Người bệnh cần tạm ngưng sử dụng thuốc Warfarin khi nhận thấy cơ thể có nhiều dấu hiệu bất thường hoặc cơ thể mắc phải một trong những tác dụng phụ nêu trên. Bên cạnh đó người bệnh cần đến bệnh viện để kiểm tra. Đồng thời thông báo ngay với bác sĩ chuyên khoa về tác dụng phụ và tình trạng sức khỏe của bạn ở hiện tại. Khi được thông báo các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra và có những biện pháp xử lý phù hợp, tránh gây nguy hiểm.

Tương tác thuốc

Người bệnh cần đặc biệt thận trọng khi sử dụng thuốc chống đông máu Warfarin cùng với những loại thuốc điều trị khác. Bởi việc sử dụng đồng thời những loại thuốc điều trị có thể dẫn đến sự tương tác và gây nguy hiểm.

Tương tác thuốc Warfarin
Sự tương tác giữa thuốc Warfarin và những loại thuốc điều trị khác làm tăng giảm tác dụng đông máu và gây nguy hiểm

Tác dụng chống đông máu của thuốc Warfarin có thể tăng lên khi sử dụng đồng thời với những loại thuốc điều trị sau:

  • Vaccin chống cúm
  • Vitamin E
  • Amiodaron
  • Amitryptylin/nortriptylin
  • Cefamandol
  • Cloral hydrat
  • Azapropazon
  • Bezafibrat
  • Cloramphenicol
  • Steroid làm đồng hóa
  • Cimetidin
  • Clofibrat
  • Co- trimoxazol
  • Dextrothyroxin
  • Dipyridamol
  • Danazol
  • Dextropropoxyphen
  • Miconazol
  • Neomycin
  • Glucagon
  • Latamoxef
  • Metronidazol
  • Erythromycin
  • Feprazon
  • Salicylat
  • Sulfonamid (sulfinpyrazon, sulfaphenazol)
  • Phenyramidol
  • Quinidin
  • Oxyphenbutazon
  • Phenformin
  • Phenylbutazon
  • Tamoxifen
  • Tolbutamid và Triclofos
  • Urokinase
  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng.

Tác dụng chống đông máu của thuốc Warfarin có thể tăng lên hoặc giảm đi khi sử dụng đồng thời với những loại thuốc điều trị sau:

Tác dụng chống đông máu của thuốc Warfarin có thể giảm đi khi sử dụng đồng thời với những loại thuốc điều trị sau:

  • Rượu
  • Barbiturat
  • Carbamazepin
  • Aminoglutethimid
  • Griseofulvin
  • Dicloralphenazon
  • Ethclorvynol
  • Glutethimid
  • Methaqualon
  • Primidon
  • Spironolacton
  • Sucralfat
  • Vitamin K
  • Rifampicin
  • Thuốc ngừa thai chứa oestrogen dạng uống.

Tương kỵ

Người bệnh không được phép tiêm bất kỳ một dung dịch nào hoặc chất nào vào dung dịch tiêm Warfarin.

Thuốc Warfarin dạng dung dịch tiêm tương kỵ với những chất và những loại thuốc điều trị sau:

  • Adrenalin hydroclorid
  • Amikacin sulfat
  • Oxytocin
  • Promazin hydroclorid,
  • Metaraminol tartrat
  • Tetracyclin hydroclorid
  • Vancomycin hydroclorid.

Quá liều và xử lý

Trong trường hợp chảy máu hoặc nguy cơ chảy máu xảy ra, người bệnh cần tạm ngưng sử dụng thuốc Warfarin. Bên cạnh đó, nếu cần thiết cho quá trình xử lý quá liều, người bệnh nên được thay toàn bộ máu hoặc truyền huyết thanh mới. Bác sĩ cho bệnh nhân sử dụng vitamin K ở dạng thuốc uống hoặc thuốc tiêm với hàm lượng từ 5 – 10mg.

Sử dụng thuốc Warfarin quá liều và cách xử lý
Sử dụng thuốc Warfarin quá liều và cách xử lý

Bài viết là thông tin cơ bản về thành phần, công dụng, chỉ định, chống chỉ định, liều dùng và những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc chống đông máu Warfarin. Tuy nhiên những thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn.

Thuốc Warfarin chỉ nên được sử dụng khi có yêu cầu và hướng dẫn liều dùng từ bác sĩ chuyên khoa. Bởi ngoài tác dụng chữa bệnh, thuốc còn có khả năng gây ra nhiều tác dụng ngoại ý làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu muốn đưa thuốc Warfarin vào quá trình điều trị, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ chuyên khoa về công dụng, liều dùng và khả năng chữa bệnh của thuốc. Điều này sẽ giúp bạn nâng cao tác dụng điều trị bệnh và đảm bảo an toàn.

Huyết áp cao có uống được tam thất không?

Huyết Áp Cao Có Uống Được Tam Thất Không? Lưu Ý Gì?

Huyết áp cao có uống được tam thất không? Có thể bạn đã biết những công dụng tuyệt vời mà...

Một số lời khuyên từ chuyên gia

Nhồi máu cơ tim nên ăn gì? Các món ăn tốt cho người bệnh

Nhồi máu cơ tim nên ăn gì? Người sau khi trải qua cơn nhồi máu cơ tim cần bổ sung...

Một số tác dụng phụ của dầu cá bạn cần lưu ý

Người cao huyết áp có nên uống dầu cá (Omega 3) không?

Người cao huyết áp có nên uống dầu cá (Omega 3) không? Các chuyên gia cho biết, dầu cá chứa...

Những yếu tố quyết định chi phí điều trị đột quỵ

Chi Phí Điều Trị Đột Quỵ Bao Nhiêu? Bảng Giá Từ Bộ Y Tế

Chi phí điều trị đột quỵ bao nhiêu là vấn đề được nhiều người quan tâm. Đây chứng bệnh cực...

Cách bấm huyệt chữa bệnh tim mạch đơn giản

Cách bấm huyệt chữa bệnh tim mạch đúng cách theo Đông Y

Cách bấm huyệt chữa bệnh tim mạch mang lại tác dụng làm thuyên giảm các triệu chứng khó chịu. Áp...

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.