Hội Chứng Thận Hư

Hội chứng thận hư là một bệnh lý thường gặp ở thận, đặc trưng với các triệu chứng lâm sàng như tăng protein, giảm albumin máu, tăng lipid máu và tăng phù nề, kèm theo nhiều triệu chứng như nhiễm trùng, xuất hiện các cục máu đông, tăng cân, cao huyết áp... hội chứng thận hư xảy ra chủ yếu ở trẻ em do hệ miễn dịch kém.

Hội chứng thận hư là bệnh lý về thận xảy ra phổ biến ở cả trẻ em lẫn người lớn

Tổng quan

Hội chứng thận hư (Nephrotic Syndrome) là một dạng hội chứng lâm sàng và sinh hóa xảy ra khi thận bị tổn thương, bài tiết nhiều protein vào nước tiểu do sự ảnh hưởng của nhiều bệnh lý khác nhau. Chứng bệnh này đặc trưng với các biểu hiện đặc trưng như phù, đái ra mỡ do rối loạn lipid máu, protein niệu tăng và protein máu giảm.

Hiện nay tỷ lệ mắc hội chứng thận hư ngày càng tăng cao do sự ảnh hưởng bởi lối sống kém lành mạnh. Khi mắc bệnh, chức năng lọc thải độc tố khỏi cơ thể bị suy giảm, tích tụ trong cơ thể và gây ra nhiều ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe.

Hội chứng thận hư đặc trưng với các dấu hiệu tăng protein niệu, giảm albumin máu, bệnh nhân phù nặng và tăng chỉ số cholesterol

Nguyên nhân gây hội chứng thận hư vẫn chưa được xác định rõ. Bệnh được phân chia làm 2 dạng chính là nguyên phát và thứ phát. Trong đó, thể hội chứng thận hư nguyên phát thường xảy ra ở trẻ em (chiếm tỷ lệ 90%) với 4 type tổn thương là bệnh cầu thận thay đổi tối thiểu, bệnh thận màng, xơ cầu thận ổ cục bộ và viêm cầu thận màng tăng sinh. Chẩn đoán loại trừ các nguyên nhân thứ phát giúp chẩn đoán hội chứng thận hư nguyên phát hiệu quả nhất.

Phác đồ điều trị hội chứng thận hư chủ yếu là dùng thuốc liều tấn công và giảm dần sau đó ngưng lại khi bệnh đã ổn định. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp sau điều trị đều có thể tái phát lại do có tính chất chu kỳ và cứ tái đi tái lại thường xuyên gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người bệnh.

Phân loại

Dựa vào tính chất tổn thương, căn nguyên và tiến triển, triệu chứng bệnh để phân chia hội chứng thận hư làm 2 loại cơ bản là nhóm nguyên phát và nhóm thứ phát.

Hội chứng thận hư có 2 nhóm chính là nguyên phát và thứ phát được phân chia dựa theo căn nguyên gây bệnh

  • Hội chứng thận hư nguyên phát: Là những trường hợp mắc hội chứng thận hư nhưng là do xuất phát từ các tổn thương khu trú gây bệnh lý tại thận như thận nhiễm mỡ, viêm cầu thận... Thể này được chia làm 4 type nhỏ gồm:
    • Bệnh cầu thận sang thương tối thiểu;
    • Bệnh thận màng;
    • Bệnh xơ cầu thận ổ cục bộ;
    • Bệnh viêm cầu thận màng tăng sinh;
  • Hội chứng thận hư thứ phát: Là tình trạng khởi phát bệnh do ảnh hưởng từ các bệnh lý khác ngoài thận như lupus ban đỏ hệ thống, có khối u ung thư, các bệnh lý nhiễm trùng, bệnh rối loạn máu, biến chứng nhiễm độc thai nghén, các bệnh di truyền hoặc bệnh thoái hóa thận dạng bột...

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân 

Bản chất của hội chứng thận hư là tình trạng thay đổi tính thấm ở màng đáy cầu thận. Qua các xét nghiệm đo lường, các chuyên gia thấy rằng các điện tích âm (anion) giảm và các  chân túc bào (podocyte) dính với nhau ở trên màng chính là tác nhân giữ lại protein. Cộng với sự rối loạn hệ thống miễn dịch gây ảnh hưởng đến chức năng của các cytokine, tế bào lympho hoặc liên quan đến nhóm gen HLA DR7 khi xét về yếu tố cơ địa.

Hội chứng thận hư có cơ chế hình thành liên quan đến rất nhiều bệnh lý như di truyền, bệnh ác tính, bệnh hệ thống, bệnh nhiễm trùng...

Có nhiều nguyên nhân gây tổn thương cầu thận làm khởi phát hội chứng thận hư như:

  • Bệnh lý thay đổi tối thiểu: Đây được xem là nguyên nhân chính gây ra hội chứng thận hư ở trẻ em, khởi phát từ các bất thường về chức năng thận. Qua kiểm tra dưới kính hiển vi, phát hiện các tổn thương mô thận không xác định được.
  • Khiếm khuyết di truyền: Thường xuất hiện ở các tiêu phân đoạn glomeruloschlerosis. Tình trạng này đặc thù bởi quá trình hình thành sẹo rải rác trên các tiểu cầu thận do dị tật bẩm sinh di truyền. Hoặc cũng có nhiều trường hợp không rõ lý do.
  • Các tổn thương thận màng: Tổn thương màng tiểu cầu thận như có sẹo xơ, dày lên hoặc bị tác động bởi các loại vi sinh vật gây bệnh sốt rét, viêm gan B, khởi phát tế bào ung thư, bệnh lupus... cũng có thể gây ra hội chứng thận hư.
  • Các bệnh lý mạn tính khác: Hội chứng thận hư cũng có thể khởi phát do sự phát triển của các bệnh lý sau:
    • Đái tháo đường: Hay còn được gọi là bệnh thận tiểu đường;
    • Lupus ban đỏ hệ thống: Bệnh lý này là tác nhân làm tổn thương thận mức độ nặng;
    • Huyết khối tĩnh mạch thận: Là tình trạng hình thành các cục máu đông trong lòng tĩnh mạch thận và gây tổn thương hệ thống lọc của cầu thận, khởi phát hội chứng thận hư;
    • Amyloidosis: Là tình trạng rối loạn protein amyloid dẫn đến các tổn thương chức năng lọc của thận;
    • Suy tim: Bệnh nhân suy tim với đa dạng các dạng như suy tim tâm trương, viêm màng ngoài tim... đều có nguy cơ cao mắc hội chứng thận hư;

Yếu tố nguy cơ 

Ngoài những nguyên nhân chính vừa kể trên, còn có nhiều yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ khởi phát hội chứng thận hư như:

  • Tác dụng phụ của các loại thuốc như thuốc chống nhiễm trùng, thuốc chống viêm không steroid, thuốc giảm đau...;
  • Các bệnh lý nhiễm trùng làm tăng nguy cơ khởi phát hội chứng thận hư như viêm gan B, C, HIV, sốt rét...;
  • ...

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Một trong những nguyên nhân khiến hội chứng thận hư có nguy cơ biến chứng cao chính là do phát hiện trễ. Vì hầu hết những trường hợp mắc bệnh đều có ít hoặc không có triệu chứng rõ rệt trong giai đoạn đầu. Nhưng dựa trên các tiêu chí chẩn đoán lâm sàng thông qua triệu chứng, các chuyên gia nhận định bệnh nhân mắc hội chứng thận hư sẽ có các biểu hiện đặc trưng sau:

Sưng phù quanh mắt hoặc mắt cá chân là triệu chứng đầu tiên điển hình ở bệnh nhân bị mắc hội chứng thận hư

Triệu chứng cơ năng

  • Phù cục bộ ở một số vị trí nhất định như mí mắt, mặt, mắt cá chân, bàn chân hoặc phù toàn thân ở giai đoạn nặng.
  • Thay đổi tính chất nước tiểu, nước tiểu sẫm màu, nổi nhiều bọt;
  • Tăng cân đột ngột do tình trạng giữ nước trong thận;

Trong tất cả các triệu chứng này, phù là biểu hiện đặc trưng nhất của hội chứng thận hư. Phù có tính chất mềm, ấn lõm và thường xuất hiện ở những vị trí có áp lực mô kẽ thấp như mắt cá, mí mắt, hốc mắt... Cơ chế chính gây phù là do các yếu tố sau:

  • Giảm áp lực keo huyết tương làm kích thích quá trình tái hấp thu nước và muối ở ống thận nhằm bù trù mức độ giảm thể máu;
  • Tăng lipid máu do tăng nồng độ cholesterol, Triglyceride, lipoprotein...;
  • Cơ chế tăng tổng hợp Lipoprotein của gan (VLDL) làm giảm albumin máu;
  • Giảm men Lipoprotein (LPL) và men Lecithin cholesterol acyl transerase (LCAT);
  • Hiện tượng mất nước HDL và apo A1;
  • Tăng quá trình đông máu bất thường trong hội chứng thận hư;
  • ...

Triệu chứng thực thể

Gồm các biểu hiện đặc trưng thông qua các chẩn đoán đo lường sau:

  • Protein niệu tăng: Là nồng độ protein xuất hiện trong nước tiểu. Ở người mắc hội chứng thận hư, chỉ số này thường > 3.5g/24 giờ/1.73m2 diện tích cơ thể, thậm chí đạt ngưỡng 40g/24 giờ. Đây là dữ liệu quan trọng giúp chẩn đoán suy giảm chức năng thận, cụ thể hơn là bất thường về hàng rào cầu thận suy yếu làm giảm tính thấm có chọn lọc đối với các đại phân tử.
  • Albumin máu giảm: Là tình trạng chỉ số albumin trong máu giảm thấp do thoát ra nước tiểu. Chỉ số này có sự tương quan với chỉ số tăng protein niệu ở bệnh nhân mắc hội chứng thận hư. Giảm albumin máu giảm cụ thể < 30g/l, nghiêm trọng hơn là < 20g/l;

Chẩn đoán 

Bên cạnh thăm khám lâm sàng thông qua đánh giá các triệu chứng đặc trưng, bệnh nhân thường được yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm cần thiết khác để đưa ra kết luận chẩn đoán chính xác về nguyên nhân và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

Chẩn đoán hội chứng thận hư thông qua thăm khám lâm sàng và xét nghiệm máu/ nước tiểu

  • Xét nghiệm nước tiểu: Thông qua phân tích và đánh giá mẫu nước tiểu sẽ tiết lộ nhiều bất thường có liên quan đến hội chứng thận hư. Bệnh nhân thường được yêu cầu thu thập mẫu nước tiểu trong vòng 24 giờ để có kết quả chẩn đoán chính xác nhất.
  • Xét nghiệm máu: Bệnh nhân hội chứng thận hư có chỉ số albumin máu thấp và giảm tổng thể lượng protein huyết. Tình trạng này kéo dài làm tăng chỉ số lipid và cholesterol máu, ure và creatinine huyết thanh. Thông qua các chỉ số này để bác sĩ đưa ra đánh giá về mức độ suy giảm chức năng thận.
  • Sinh thiết thận: Chỉ những trường hợp xét nghiệm máu và nước tiểu không có kết quả mới bắt buộc phải sinh thiết thận. Mẫu mô thận được thu thập bằng một chiếc kim chuyên biệt, sau đó đưa vào phòng thí nghiệm để phân tích, tìm kiếm xác định các yếu tố có liên quan đến hội chứng thận hư.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Một số trường hợp bệnh nhân cũng được chỉ định thực hiện kết hợp các chẩn đoán hình ảnh nhằm đảm bảo đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác hội chứng thận hư, loại trừ các tổn thương bệnh lý khác, thông qua chụp X quang phổi hoặc siêu âm bụng.

Biến chứng và tiên lượng

Hội chứng thận hư là một trong những bệnh lý về thận nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Làm tăng nguy cơ phát sinh các biến chứng nguy hiểm sau thời gian dài bệnh tiến triển:

Hội chứng thận hư làm tăng nguy cơ khởi phát bệnh suy thận cấp hoặc mạn tính cùng nhiều vấn đề rủi ro về sức khỏe khác

  • Tai biến thuyên tắc: Bệnh nhân hội chứng thận hư có nguy cơ cao mắc các biến chứng thuyên tắc huyết khối tĩnh sâu và tĩnh mạch thận do sự hình thành của các cục máu đông. Kéo theo đó là biến chứng thuyên tắc phổi;
  • Tràn dịch màng: Dịch ứ đọng trong cơ thể do thận hư không lọc thải hết ra ngoài được khiến chúng rò rỉ ra ngoài và tràn vào các ổ, khoang gây ra triệu chứng phù nề và gây tràn dịch màng phổi. Ngoài ra, tràn dịch màng tim, màng tinh hoàn cũng khá dễ gặp.;
  • Suy thận cấp/ mạn tính: Đây là một trong những biến chứng nghiêm trọng của hội chứng thận hư. Tình trạng này đặc trưng bởi tình tạng tắc nghẽn mạch thận cấp hoặc mạn tính. Biến chứng này cực kỳ nguy hiểm, nếu người bệnh chủ quan. để bệnh tiến triển đến giai đoạn cuối có thể phải lọc thận nhân tạo để duy trì sự sống;
  • Một số biến chứng khác:
    • Suy dinh dưỡng;
    • Loãng xương;
    • Đái tháo đường;
    • Rối loạn cân bằng điện giải;
    • Xuất huyết tiêu hóa và viêm loét dạ dày tá tràng;
    • Hội chứng giả Cushing;
    • Rối loạn tâm thần;
    • Các dạng viêm đặc trưng như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tế bào, viêm mô;
    • Suy giảm sức đề kháng và giảm khả năng thực bào;
    • ...

Hội chứng thận hư là bệnh lý thận có tiến triển chậm, ít có biểu hiện rõ ràng trong giai đoạn đầu, hầu như đều được phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn mạn tính nên thường có tiên lượng xấu. Quá trình điều trị hội chứng khá phức tạp do tiến triển bệnh nặng kiến người bệnh rơi vào trạng thái suy kiệt sức khỏe.

Do đó, việc phát hiện và điều trị tích cực các triệu chứng thận hư ngay từ sớm là yếu tố quan trọng giúp bảo tồn chức năng thận, phục hồi sức khỏe và tránh những biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng.

Điều trị

Tùy thuộc vào tình trạng, tính chất của hội chứng thận hư ở từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phương pháp phù hợp. Trong đó, một số thể điều trị riêng biệt được đề cập như:

  • Hội chứng thận hư đơn thuần;
  • Hội chứng thận hư thuyên giảm;
  • Hội chứng thận hư đáp ứng với Corticoid;
  • Hội chứng thận hư tái phát hoặc tái phát không thường xuyên;
  • Hội chứng thận hư kháng Corticoid;
  • ...

1. Điều trị bằng Corticoid 

Bước đầu trong điều trị hội chứng thận hư đợt đầu thừng là dùng Corticoid. Kết quả khảo sát cho thấy tiên lượng tốt đối với hầu hết bệnh nhân đáp ứng phác đồ này và tiên lượng xấu với những trường hợp kháng Corticoid.

Hầu hết các trường hợp điều trị hội chứng thận hư lần đầu đều áp ứng tốt với phác đồ Corticoid

Phác đồ điều trị hội chứng thận hư lần đầu

  • Liều tấn công: Prednison liều cơ bản 60mgs/m2/ngày, liều tối đa 60mg/ngày, dùng trong vòng 4 tuần;
  • Theo dõi kiểm tra chỉ số đạm niệu:
    • Nếu đạm niệu trở về (-) có thể ngưng thuốc;
    • Nếu đạm niệu vẫn còn (+): Thay thế bằng Methylprednisolone 1000mg/1.73 m2/48 giờ, dùng dưới dạng truyền tĩnh mạch khoảng 3 liều;
  • Liều củng cố: Prednison 60mg/m2, dùng cách ngày trong vòng 8 tuần tiếp theo;
  • Liều duy trì: Prednison 15mg/m2 trong vòng 6 tuần tiếp theo;

Phác đồ điều trị hội chứng thận hư tái phát

Bệnh nhân hội chứng thận hư được chẩn đoán thể tái phát khi thực hiện thử que 3 ngày liên tiếp đều cho kết quả (+) hoặc chỉ số đạm niệu ≥ 50mg/kg/24 giờ. Trong trường hợp này, cần ưu tiên điều trị loại bỏ các ổ nhiễm trùng và áp dụng phác đồ như sau:

  • Prednison liều cơ bản 60mg/m2/ngày trong vòng 3 - 4 ngày;
  • Prednison liều cơ bản 60mg/m2 dùng cách ngày trong vòng 8 tuần;

Trường hợp bệnh nhân hội chứng thận hư tái phát có kèm theo một số biểu hiện ngộ độc thuốc sẽ được kê toa phối hợp dùng thêm thuốc ức chế miễn dịch như:

  • Mycophenolate Mofetil (MMF): Liều cơ bản 600mg/m2/ngày x 2 lần và có thể tăng dần đến liều tối đa là 1200mg/m2/ngày x 2 lần;
  • Corticoid dùng liều 1 - 1.5mg/kg/ngày và giảm dần xuống còn khoảng 0.1mg/kg dùng cách ngày;
  • Cyclosphosphamide (Endoxan): Liều khuyến cáo 3mg/kg/ngày, dùng trong vòng 8 tuần với tổng liều tối đa là 168mg/kg;

Phác đồ điều trị hội chứng thận hư kháng Corticoid

Dựa vào kết quả chẩn đoán sinh thiết thận để sử dụng phác đồ phù hợp hơn. Trường hợp có các sang thương tối thiểu, dạng xơ hóa cầu thận từng vùng hoặc khu trú, tăng sinh trung mô sẽ được chỉ định dùng Prednison hoặc Cyclosporin A. Khi hết thời gian sử dụng, kết quả điều trị thất bại có thể chuyển sang dùng Tacrolimus, Cyclophosphamide hoặc MMF ức chế men chuyển.

Thuốc Corticoid tuy đem đáp ứng tốt trong điều trị hội chứng thận hư nhưng nếu sử dụng không đúng cách có thể gây ra nhiều tác dụng phụ ngoài ý muốn như:

  • Nhiễm trùng
  • Tăng huyết áp
  • Hội chứng Cushing;
  • Rối loạn thị giác;
  • Loạn dưỡng xương;
  • Rối loạn tâm lý;
  • Trẻ chậm phát triển;
  • ...

2. Các biện pháp điều trị hỗ trợ

Bên cạnh dùng thuốc, bệnh nhân hội chứng thận hư cũng cần tập trung thực hiện các biện pháp hỗ trợ điều trị triệu chứng và xử lý biến chứng, sớm phục hồi sức khỏe, rút ngắn thời gian trị bệnh.

Điều trị hỗ trợ cải thiện triệu chứng và dự phòng biến chứng của hội chứng thận hư

  • Điều trị triệu chứng nhiễm trùng: Chủ yếu sử dụng thuốc kháng sinh, tùy dạng nhiễm trùng mà sử dụng loại thuốc phù hợp. Chẳng hạn như:
    • Viêm mô tế bào: dùng Vancomycine và Aminosid hoặc Oxacillin;
    • Viêm phúc mạc nguyên phát: dùng Aminosid và Cephalosporin thế hệ thứ 3;
  • Điều trị giảm thể tích: Các triệu chứng giảm thể tích do tiến triển hội chứng thận hư mức độ nặng gây phù, tổn thương da...
    • Truyền tĩnh mạch albumin 20%s 0.5 - 1g/kg trong vòng 2 giờ, không truyền quá 1g/kg;
    • Trường hợp nặng có thể truyền tĩnh mạch Albumin 0.5 - 1g/kg trong vòng 4 giờ phối hợp tiêm mạch Furosemid 1 - 2mg/kg;
  • Một số loại thuốc khác hỗ trợ cải thiện triệu chứng hội chứng thận hư: 
    • Thuốc lợi tiểu: giúp kiểm soát quá trình đào thải chất dịch dư thừa và cải thiện triệu chứng phù. Các thuốc thường dùng là Hydrochlorothiazide, Chlorothiazide, Furosemide (Lasix) hoặc Spironolactone (Aldactone);
    • Thuốc làm loãng máu: Có khả năng chống đông máu do ảnh hưởng từ biến chứng cao huyết áp ở bệnh nhân mắc hội chứng thận hư. Thường dùng nhất là Heparin hoặc Warfarin;
    • Thuốc Statin: Là nhóm thuốc giảm cholesterol hiệu quả cho bệnh nhân hội chứng thận hư. Thường dùng nhất là các loại:  fluvastatin (Lescol), pravastatin (Pravachol), atorvastatin (Lipitor), rosuvastatin (Crestor), lovastatin (Altoprev, Mevacor), simvastatin (Zocor)...;
  • Điều chỉnh chế độ ăn: Bệnh nhân đang điều trị hội chứng thận hư cần thực hiện chế độ ăn nhạt, giảm lượng muối < 3g/ ngày hoặc cắt hoàn toàn trong vòng 2 - 4 tuần nếu có biểu hiện phù nhiều và lượng natri máu giảm.
  • Dự phòng biến chứng tắc mạch: Thông qua các biện pháp sau:
    • Khuyến khích bệnh nhân hội chứng thận hư nên đi lại và vận động nhẹ nhàng nhằm thúc đẩy tuần hoàn máu;
    • Dự phòng tắc mạch cho bệnh nhân bằng cách dùng Aspirin, Anti-Vit K trong trường hợp chỉ số albumin máu giảm dưới 20g/l và anti thrombine III < 70% hoặc fibrinogen > 6g/l;
    • Bổ sung canxi với liều khuyến cáo 250 - 500mg/ ngày;
    • Phối hợp với thuốc Corticoid nhằm hỗ trợ cải thiện làm giảm biến chứng và kết hợp bảo vệ niêm mạc dạ dày bằng các loại thuốc đặc hiệu, dùng theo liều chỉ định của bác sĩ;
    • Trường hợp chỉ số kali máu bình thường có thể không cần bổ sung;

Phòng ngừa

Điều trị hội chứng thận hư là một quá trình lâu dài, tốn nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc nhưng bệnh vẫn có thể tái phát bất cứ lúc nào. Do đó, các chuyên gia luôn khuyến khích bệnh nhân hội chứng thận hư đã chữa khỏi và cả những người chưa từng mắc bệnh nên có một lối sống khoa học để dự phòng tốt nhất.

Chăm sóc sức khỏe toàn diện một cách khoa học là cách tốt nhất giúp phòng ngừa hội chứng thận hư

  • Thiết lập thời gian biểu sinh hoạt rõ ràng và tuân thủ đúng giờ giấc, tránh thực hiện mọi việc trì trệ, nhất là không được nhịn tiểu để tránh gây ảnh hưởng đến chức năng bài tiết và lọc thải của thận.
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học và cân bằng các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể thông qua bổ sung nhiều rau xanh, củ quả, trái cây tươi, ngũ cốc...
  • Hạn chế ăn các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo bão hòa dư thừa làm tăng lượng cholesterol và đặc biệt là không ăn quá mặn để tránh gây hại cho thận.
  • Nói không với rượu bia, nước ngọt có gas và các chất kích thích khác có hại cho sức khỏe.
  • Uống đủ lượng nước cần thiết trong ngày dựa theo nhu cầu của cơ thể.
  • Tập thể dục thể thao điều độ hàng ngày, vận động tích cực sẽ giúp quá trình trao đổi chất trong cơ thể và tốt cho thận. Tuy nhiên, chỉ tập vừa sức để đạt hiệu quả tích cực, tránh tập quá sức sẽ gây phản tác dụng.
  • Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, không nên hoạt động quá sức, thư giãn thoải mái đầu óc, tránh stress cũng giúp ổn định chức năng thận hoạt động bình thường.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Những dấu hiệu nào cho thấy tôi đang mắc bệnh thận?

2. Nguyên nhân khiến tôi bị mắc hội chứng thận hư?

3. Hội chứng thận hư có phải bệnh lý nguy hiểm không?

4. Tiên lượng mức độ hội chứng thận hư của tôi có đáng lo ngại không?

5. Hội chứng thận hư có chữa khỏi hoàn toàn được không?

6. Cách chữa hội chứng thận hư hiệu quả nhất dành cho trường hợp bệnh của tôi?

7. Nếu dùng thuốc trị hội chứng thận hư lâu dài có gây tác dụng phụ không? Tôi cần phải làm gì để xử lý chúng?

8. Chế độ ăn uống ra sao trong quá trình điều trị hội chứng thận hư?

9. Điều trị hội chứng thận hư mất bao lâu? Bệnh có tái phát không?

10. Chi phí điều trị hội chứng thận hư tốn bao nhiêu? Có được sử dụng BHYT không?

Hội chứng thận hư là bệnh lý về thận rất dễ mắc phải, kể cả ở trẻ em và gây ra những hệ lụy khó lường cho sức khỏe, vĩnh viễn không thể phục hồi. Do đó, tuyệt đối không nên chủ quan khi phát hiện các dấu hiệu bất thường và tiếp nhận phác đồ điều trị chuyên sâu do bác sĩ chỉ định. Kết hợp chăm sóc tích cực tại nhà và điều chỉnh lối sống để dự phòng nguy cơ bệnh tái phát trở lại.