Bàng quang tăng hoạt

Bàng quang tăng hoạt mặc dù không đe dọa tính mạng người bệnh tuy nhiên có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng đời sống. Bệnh nhân mất khả năng kiểm soát tiểu tiện, tăng cảm giác tự ti, lo lắng dẫn đến trầm cảm và nhiều vấn đề khác. 

Tổng quan

Bàng quang tăng hoạt tên khoa học là Overactive Bladder, gọi tắt là OAB còn có tên khác là bàng quang hoạt động quá mức. Đây là một hội chứng nhiều người gặp phải khi bàng quang co bóp không chủ động, người mắc phải thường xuyên đi tiểu, cảm giác buồn tiểu có thể xuất hiện đột ngột không kiểm soát.

Bàng quang tăng hoạt
Tình trạng bàng quang tăng hoạt làm người mắc phải đi tiểu liên tục nhiều lần trong ngày

Hiện tượng đi tiểu nhiều lần trong ngày xảy ra khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Các chuyên gia khuyến cáo những trường hợp đi tiểu nhiều hơn 8 lần mỗi ngày hãy chủ động đến bệnh viện để kiểm tra, điều trị hội chứng bàng quang tăng hoạt khi cần thiết để bảo vệ sức khỏe.

Mặc dù không nguy hiểm như các chứng bệnh khác, tuy nhiên hiện tượng mất kiểm soát tiểu tiện, đi vệ sinh liên tục nhiều lần trong ngày gây ra nhiều hệ lụy đến đời sống vật chất, tinh thần. Người bệnh tự ti, sợ hãi, lo lắng kéo dài là nguyên nhân gây ra các vấn đề tâm lý bất lợi.

Phân loại

Người ta phân chia tình trạng bàng quang tăng hoạt thành 2 dạng chính như:

  • Bàng quang tăng hoạt khô: Bệnh nhân không gặp phải tình trạng són tiểu. Đa số các trường hợp bàng quang tăng hoạt khô thường gặp phải tình trạng co bóp bàng quang một cách đột ngột, gây tình trạng mắc tiểu liên tục.
  • Bàng quang tăng hoạt ướt: Người mắc bệnh dạng này thường bị tiểu són gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Những đối tượng bị bàng quang tăng hoạt ướt có cảm giác tự ti, ngại ngùng khi làm việc, sinh hoạt ở nơi đông người. Cơ thể lâu dần mệt mỏi, khó chịu cả về thể chất lẫn tinh thần.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bàng quang đóng vai trò quan trọng trong hệ thống bài tiết, nơi đây chứa đựng nước thải từ thận hay còn gọi là nước tiểu, từ bàng quang nước tiểu được tống ra ngoài theo ống niệu đạo. Trường hợp cơ quan này hoạt động quá mức, co bóp không tự chủ khiến cơ thể có cảm giác mắc tiểu thường xuyên.

Nguyên nhân gây ra bệnh lý này có khả năng đến từ sự viêm nhiễm đường tiết niệu, cơ thể được bổ sung lượng nước quá lớn trong ngày, sử dụng thuốc hay thảo dược lợi tiểu không kiểm soát,... Ngoài ra, một số trường hợp bị bàng quang tăng hoạt do lạm dụng chất kích thích, uống bia rượu, có sỏi ở bàng quang,...

Dưới đây là những yếu tố gây bệnh thường gặp:

  • Bàng quang tăng hoạt do mắc bệnh về thần kinh, các rối loạn dẫn đến việc khó khăn trong tự chủ đại tiểu tiện. Chẳng hạn người vừa trải qua đột quỵ, bệnh nhân mắc đa xơ cứng,...
  • Trường hợp đi tiểu thường xuyên do ảnh hưởng từ biến chứng tiểu đường, viêm nhiễm đường tiết niệu kéo dài không điều trị.
  • Phụ nữ bị tăng hoạt động bàng quang ở giai đoạn tiền mãn kinh, đang mang thai.
  • Người gặp vấn đề về bàng quang, xuất hiện sỏi hoặc khối u bất thường.
  • Bệnh nhân bị táo bón kéo dài, người vừa phẫu thuật, bị phì đại tuyến tiền liệt.
  • Sử dụng thuốc lợi tiểu, chất kích thích, đi tiểu không sạch hết nước tiểu tăng rủi ro vi khuẩn tích tụ, tấn công bàng quang.
  • Bệnh nhân tuổi cao, hoạt động bàng quang cũng như cơ quan trong đường tiết niệu kém.
  • Phụ nữ mang thai nhiều lần, có cơ sàn chậu yếu.

Tình trạng đi tiểu nhiều lần, tiểu không kiểm soát, mắc tiểu đột ngột có thể xảy ra do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố từ sinh hoạt hàng ngày đến bệnh lý trong cơ thể. Người bệnh cần được thăm khám, chẩn đoán và xác định nguyên nhân để có biện pháp điều trị, khắc phục triệt để.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Người bệnh có thể nhầm lẫn tình trạng bàng quang tăng hoạt với các vấn đề hệ bài tiết thông thường khác. Triệu chứng khó chẩn đoán thông qua các thăm khám lâm sàng, bệnh nhân cần xét nghiệm để phát hiện sự co bóp bất thường hoặc các vấn đề rõ ràng hơn bên trong bàng quang.

Triệu chứng bàng quang tăng hoạt
Bệnh nhân đi tiểu liên tục nhiều lần, son tiểu, không kiểm soát được tiểu tiện

Khi có những triệu chứng dưới đây, nhất là khi chúng xuất hiện thường xuyên không thuyên giảm, bệnh nhân cần đặc biệt thận trọng, nên chủ động đến gặp bác sĩ:

  • Cảm giác cơ thể muốn đi vệ sinh liên tục, mắc tiểu, tiểu gấp gáp, cảm giác muốn tiểu ngay khó nhịn được như bình thường.
  • Số lần đi tiểu trong ngày có thể lên đến hơn 8 lần, tiểu nhiều lần cả ngày lẫn đêm.
  • Tiểu són, rỉ nước tiểu đột ngột không kiểm soát được cơn mắc tiểu. Một số trường hợp tiểu són ra quần khi vận động hay chỉ hắt hơi, ho.

Đừng chủ quan nhầm lẫn bệnh với những trường hợp viêm nhiễm thông thường. Tuy bàng quang tăng hoạt không quá nguy hiểm, tuy nhiên nếu bệnh xảy ra do viêm nhiễm, tổn thương hoặc xuất hiện khối u trong bàng quang có thể gây ra nhiều hệ lụy nếu không phát hiện bệnh từ sớm.

Vì thế, khi bệnh nhân phát hiện các biểu hiện kể trên xuất hiện thường xuyên, không thuyên giảm hãy chủ động đến gặp bác sĩ. Dựa vào tình trạng bàng quang tăng hoạt, nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ chỉ dẫn bệnh nhân cách kiểm soát, điều trị phù hợp và an toàn nhất.

Chẩn đoán

Khám lâm sàng, thăm hỏi triệu chứng người bệnh gặp phải. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ hỏi tiểu sử bệnh lý của bệnh nhân, thuốc đang dùng và các thông tin liên quan. Sau đó, chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng tìm ra nguyên nhân gây bệnh, mức độ tổn thương,... để có hướng can thiệp phù hợp nhất.

Các phương pháp xét nghiệm gồm xét nghiệm nước tiểu, chụp X quang đo lượng nước tiểu bên trong bàng quang, xét nghiệm niệu động học, siêu âm, soi bàng quang để phát hiện các vấn đề liên quan khác. Chỉ định điều trị bàng quang tăng hoạt dựa theo nguyên nhân và mức độ bệnh của mỗi bệnh nhân.

Biến chứng và tiên lượng

Tình trạng bàng quang tăng hoạt không nghiêm trọng và đe dọa tính mạng người bệnh, có thể khắc phục bằng thuốc và nhiều biện pháp khác. Tuy nhiên người bệnh không nên chủ quan, việc điều trị sai cách, không điều trị có thể gây ra nhiều ảnh hưởng cho người bệnh về vấn đề sinh hoạt đời sống, tâm sinh lý.

Trường hợp bệnh có liên quan đến các viêm nhiễm đường tiết niệu, xuất hiện khối u bất thường trong bàng quang,... bệnh nhân vẫn có khả năng gặp biến chứng nguy hiểm. Một số vấn đề mà người bệnh mắc hội chứng bàng quang tăng hoạt kéo dài:

  • Tăng rủi ro viêm nhiễm đường tiết niệu, vi khuẩn ngược dòng vào trong gây viêm phần phụ, tăng nguy cơ tái phát bệnh, điều trị khó khăn.
  • Người bệnh đi tiểu nhiều lần vào ban đêm làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, ngủ không ngon giấc. Điều này nếu kéo dài có thể gây ra nhiều hệ lụy cho thần kinh, tâm lý người bệnh rối loạn.
  • Việc đi tiểu không kiểm soát, đôi khi tiểu són có thể khiến nam giới, nữ giới gặp khó khăn trong quan hệ tình dục. Đây là một trong những hậu quả bệnh gây ra nếu người bệnh không kiểm soát đúng cách, dứt điểm.

Ngoài các vấn đề đã đề cập, hiện tượng bàng quang tăng hoạt còn có khả năng gây ra nhiều vấn đề khác ảnh hưởng đời sống bệnh nhân. Không nên chủ quan đối với bệnh lý này, thay vào đó người bệnh nên chủ động thăm khám y tế và có biện pháp khắc phục càng sớm càng tốt.

Điều trị bàng quang tăng hoạt
Khám và khắc phục tình trạng rối loạn hoạt động của bàng quang theo hướng dẫn của bác sĩ

Điều trị

Chỉ định điều trị bàng quang tăng hoạt bằng biện pháp tương ứng với nguyên nhân gây bệnh và tình hình sức khỏe của mỗi bệnh nhân. Dưới đây là các biện pháp được áp dụng phổ biến:

  • Điều trị bằng thuốc: Sử dụng thuốc giúp hỗ trợ cải thiện co bóp bàng quang, giảm viêm nhiễm cũng như phòng ngừa các rủi ro biến chứng. Nhóm thuốc thường được dùng là thuốc giãn cơ dạng uống, gel hay sử dụng miếng dán. Tùy tình hình sức khỏe của mỗi người, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách dùng và chỉ định thuốc phù hợp.
  • Sử dụng biện pháp tiêm botox: Sử dụng dung dịch tiêm vào bàng quang giúp thư giãn cơ, giảm tình trạng tiểu gấp, hỗ trợ cải thiện co bóp và kiểm soát tiểu tiện. Bác sĩ sẽ tiến hành gây tê cục bộ, sau đó đưa ống soi vào bên trong bàng quang, tiêm botulinum với lượng vừa đủ. Tình trạng bệnh được cải thiện, hiệu quả kéo dài nửa năm, giảm nguy cơ tái phát bàng quang tăng hoạt.
  • Biện pháp kích thích thần kinh: Điều hòa thần kinh ổn định chức năng bàng quang cho bệnh nhân. Bác sĩ sử dụng xung điện kích thích lên dây thần kinh, dẫn truyền tín hiệu đến bàng quang nhằm cải thiện hoạt động co bóp tại cơ quan này. Hai vị trí được kích thích chính là dây thần kinh cùng và dây thần kinh chày.
  • Phương pháp phẫu thuật: Can thiệp điều trị ngoại khoa bệnh nhân mắc bàng quang tăng hoạt liên quan đến tổn thương, khối u hoặc các vấn đề nghiêm trọng tại bàng quang. Phẫu thuật xâm lấn hoặc xâm lấn tối thiểu, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp can thiệp phù hợp cho từng người bệnh.
  • Chăm sóc tại nhà: Ngoài áp dụng các biện pháp y tế, bệnh nhân cũng được hướng dẫn chăm sóc tại nhà. Trường hợp nhẹ không cần dùng thuốc, điều chỉnh sinh hoạt có thể giúp bàng quang ổn định hoạt động. Một vài lưu ý bao gồm ăn uống khoa học, không nên uống nước quá nhiều, tập thói quen đi tiểu, tiểu sạch, tập kiểm soát cơn buồn tiểu,...

Phòng ngừa

Bàng quang tăng hoạt có thể xảy ra do thói quen sinh hoạt, ăn uống của người bệnh. Tuy nhiên tình trạng này cũng có khả năng xuất hiện do ảnh hưởng từ bệnh lý khác. Mặc dù được đánh giá không quá nguy hiểm, tuy nhiên bệnh nhân vẫn nên thận trọng.

Phòng ngừa bàng quang tăng hoạt
Chủ động phòng ngừa tình trạng bàng quang tăng hoạt

Tốt hơn hết hãy chủ động bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa bệnh bàng quang, tình trạng bàng quang tăng hoạt. Một vài lưu ý như sau:

  • Ổn định và duy trì cân nặng ở mức phù hợp, không tăng cân quá mức, không nên ăn nhiều đồ ngọt, chất béo để phòng tránh béo phì hoặc bệnh tiểu đường,... ảnh hưởng chức năng bàng quang.
  • Tập luyện thể dục, xây dựng lối sống lành mạnh, vận động giúp cơ thể dẻo dai, tăng cường đề kháng.
  • Không dùng các chất kích thích có hại cho sức khỏe, hạn chế sử dụng rượu bia, đồ uống chứa cồn, không nên hút thuốc lá.
  • Duy trì chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
  • Kiểm soát bệnh lý cơ thể đang gặp phải, đặc biệt là bệnh mãn tính, tránh trường hợp lạm dụng thuốc tân dược, dùng thuốc bừa bãi.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra các triệu chứng đang gặp phải do nguyên nhân nào gây ra để kịp thời can thiệp điều trị bảo vệ sức khỏe.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Bệnh bàng quang tăng hoạt là gì?

2. Nguyên nhân do đâu tôi mắc chứng bàng quang tăng hoạt?

3. Bàng quang tăng hoạt gây ra các triệu chứng gì?

4. Tôi cần làm xét nghiệm chẩn đoán bàng quang tăng hoạt nào?

5. Bàng quang tăng hoạt có gây biến chứng không?

6. Không điều trị bàng quang tăng hoạt có tự khỏi không?

7. Sử dụng thuốc gì chữa bàng quang tăng hoạt?

8. Tôi có gặp tác dụng phụ gì khi dùng thuốc trị bàng quang tăng hoạt không?

9. Tôi cần làm gì trong thời gian điều trị để kiểm soát bệnh tốt nhất?

10. Khả năng tái phát bàng quang tăng hoạt là bao nhiêu? Cần làm gì để phòng tránh tái phát?

Bàng quang tăng hoạt có thể cải thiện sau một thời gian chăm sóc và điều trị đúng cách. Tuy nhiên vẫn có nhiều bệnh nhân chủ quan không khám chữa sớm, viêm nhiễm hoặc tổn thuong bàng quang trở nên nặng nề. Người bệnh có thể gặp phải các bất lợi về mặt đời sống, tinh thần, sức khỏe. Do đó, tốt hơn hết bạn nên thăm khám sớm khi phát hiện cơ thể có các biểu hiện bất thường.