Hẹp Động Mạch Thận

Hẹp động mạch thận là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở thận, thường là hậu quả của chứng xơ vỡ động mạch. Tình trạng này gây tăng huyết áp, tạo áp lực lên các mạch máu, tăng nguy cơ suy thận, dẫn đến tử vong. Điều trị hẹp động mạch thận chủ yếu bằng thuốc, can thiệp phẫu thuật và kết hợp điều chỉnh lối sống sinh hoạt lành mạnh.

Theo cấu trúc giải phẫu chung, một người bình thường có 2 động mạch thận nhằm cung cấp máu cho thận trái và thận phải. Mỗi động mạch thận dài khoảng 4 - 6cm, bắt đầu từ động mạch chủ bụng, gồm nhiều nhánh như nephron, cầu thận, các ống thận và tĩnh mạch thận. Chúng là một phần quan trọng không thể thiếu của hệ thống tuần hoàn, giúp thận hoạt động khỏe mạnh, lọc thải độc tố, các chất dư thừa trong máu.

Hẹp động mạch thận là tình trạng một hoặc nhiều động mạch dẫn máu đến thận bị thu hẹp lại do tắc nghẽn

Hẹp động mạch thận (Renal artery stenosis - RAS) là tình trạng thu hẹp đường kính của một hoặc nhiều động mạch thận, gây cản trở tuần hoàn máu và lưu lượng máu từ tim đến thận. Bệnh lý này thường là hậu quả của chứng xơ vữa động mạch. Ngoài ra, một số trường hợp hẹp động mạch thận cấp tính được xác định là do huyết khối.

Máu từ tim chảy qua các động mạch thận bị thu hẹp khiến thận không nhận đủ máu, làm tăng huyết áp trong các mạch máu, tăng nguy cơ phát sinh biến chứng suy thận mạn tính, suy tim, đột quỵ... và nhiều biến chứng sức khỏe nguy hiểm khác như liệt chi, tử vong.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân 

Để làm hẹp động mạch thận cần phải có các yếu tố và điều kiện gây tắc nghẽn. Theo thông tin từ các chuyên gia, có 2 nguyên nhân chính gồm:

Xơ vữa động mạch

Hầu hết các trường hợp được chẩn đoán hẹp động mạch thận là do xơ vữa động mạch (chiếm tỷ lệ 90%). Các khối xơ vữa động mạch chủ yếu được tạo thành từ chất béo, cholesterol, canxi và nhiều chất cặn thừa khác. Chúng tích tụ lâu ngày trong động mạch hình thành các mảng bám cứng gây thu hẹp một phần hoặc toàn bộ lòng động mạch thận.

Đa phần các bệnh nhân bị hẹp động mạch thận đều là do chứng xơ vữa động mạch

Ngoài tác động đến động mạch thận, các mảng bám xơ vữa còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác như não, tim, cánh tay, chân, xương chậu... Bệnh thường khởi phát ở người lớn tuổi (> 50 tuổi), nam giới có tỷ lệ mắc cao hơn nữ giới. Nếu không điều trị sớm, hẹp động mạch thận sẽ tiến triển mạn tính sau 10 năm bị xơ vữa động mạch, gây biến chứng teo thận vĩnh viễn, suy thận mạn nguy hiểm đến tính mạng.

Loạn sản xơ cơ

Chứng rối loạn sản cơ (FMD) cũng là một trong những nguyên nhân gây hẹp động mạch thận, nhưng ít phổ biến hơn xơ vữa động mạch. Đây là tìn trạng thành động mạch tự dày lên và gây thu hẹp các động mạch thận, thường là ở lớp giữa của thận.

Bệnh tác động chủ yếu đến những người trẻ tuổi (từ 20 - 50 tuổi). Đặc biệt, những người có mối quan hệ huyết thống cận huyết độ 1 với người đã/ đang mắc bệnh loạn sản cơ xơ hoặc bẩm sinh di truyền có chứa gen ACE1 sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao, dễ gây hẹp động mạch thận.

Một số nguyên nhân khác

Ngoài 2 nguyên nhân chính trên, chứng hẹp động mạch thận còn là hậu quả của nhiều bệnh lý nguy hiểm khác (tỷ lệ < 1%) như:

  • Viêm động mạch Takayasu;
  • Bệnh u xơ thần kinh type 1;
  • Bệnh Kawasaki ở trẻ em;
  • Chứng phình tách động mạch chủ hoặc hematoma thành động mạch chủ;

Yếu tố nguy cơ 

Những trường hợp đối tượng dưới đây làm tăng nguy cơ khởi phát hẹp động mạch thận:

Người thừa cân béo với chỉ số cholesterol cao là đối tượng có nguy cơ cao bị hẹp động mạch thận

  • Người có tiền sử mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp;
  • Người có chỉ số cholesterol cao;
  • Thừa cân - béo phì;
  • Tuổi tác cao, lão hóa;
  • Nghiện hút thuốc lá;
  • Chế độ ăn uống không cân bằng, thiếu vitamin, khoáng chất và dư thừa chất béo, natri, đường...;

Triệu chứng và chẩn đoán

Hẹp động mạch thận thường không có triệu chứng đặc hiệu. Các biểu hiệu lâm sàng nhiều hay ít phụ thuộc vào mức độ hẹp động mạch thận và thời gian giảm tưới máu cho thận. Điển hình như:

Bệnh nhân hẹp động mạch thận có chỉ số huyết áp tăng cao gây đau đầu, mệt mỏi, khó thở, giảm trí nhớ...

  • Sưng phù cục bộ hoặc toàn thân do chức năng thận suy giảm gây tích tụ chất lỏng;
  • Rối loạn tiểu tiện, bệnh nhân tiểu nhiều hoặc ít hơn bình thường;
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân;
  • Da khô ráp, ngứa ngáy, sẫm màu;
  • Ăn kém, buồn nôn, nôn ói;
  • Đau cơ, chuột rút;
  • Giảm tập trung và suy giảm trí nhớ, lú lẫn;
  • Khó thở, khó ngủ và mệt mỏi;

Hầu hết các triệu chứng trên đều là biểu hiện của suy giảm chức năng thận, kèm theo tăng huyết áp bất thường.

Chẩn đoán 

Nếu chỉ dựa vào đánh giá các triệu chứng lâm sàng sẽ không thể chẩn đoán chính xác tình trạng hẹp động mạch thận. Rất hiếm trường hợp vô tình phát hiện khi thực hiện các chẩn đoán khác. Do đó, để đưa ra kết luận về nguyên nhân và mức độ của hẹp động mạch thận, bệnh nhân cần phải thực hiện các kỹ thuật y tế sau:

Xét nghiệm máu và nước tiểu giúp đánh giá chức năng, sự hoạt động của thận

  • Khám bằng ống nghe: Bác sĩ sử dụng ống nghe chuyên dụng đặt lên thận để nghe âm thanh máu chảy qua động mạch. Nếu âm thanh yếu chứng tỏ lượng máu chảy đến thận bị giảm.
  • Xét nghiệm đánh giá chức năng thận: Gồm 2 phương pháp chính là xét nghiệm máu và nước tiểu. Các chỉ số thu thập được từ 2 mẫu phẩm này cho phép đánh giá chính xác tình trạng hoạt động và chức năng thận, chẳng hạn như creatinin, protein, nitơ cùng nhiều chất dịch thải khác tích tụ trong máu do thận lọc kém.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Kết hợp với các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh giúp phát hiện bất thường, tổn thương, đo kích thước thận, mức độ máu tưới đến thận... Một số kỹ thuật hình ảnh giúp chẩn đoán hẹp động mạch thận như:
    • Siêu âm kép: Hình ảnh siêu âm 2 mặt thận cho thấy tình trạng tắc nghẽn bên trong động mạch thận, so sánh lượng máu chảy sang các động mạch khác ở gần đó sẽ thấy lưu thông máu ở động mạch thận có tốc độ chậm hơn. Kỹ thuật này được đánh giá cao về hiệu quả, an toàn không xâm lấn và hạn chế tiếp xúc với tia xạ;
    • Chụp CT scan cắt lớp vi tính (CTA): Đây là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại, kết hợp giữa công nghệ máy tính và tia X. Khi tiến hành có thể kết hợp tiêm thuốc cản quang tĩnh mạch giúp quan sát rõ nét cấu trúc, đánh giá chức năng và phát hiện tổn thương của các động mạch thận.
    • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Kỹ thuật này không sử dụng tia X, bệnh nhân sẽ được tiêm chất chất tương phản qua tĩnh mạch dưới da và đưa vào thiết bị máy MRI chuyên dụng. Hình ảnh MRI cho phép quan sát rõ nét cấu trúc của động mạch, nhờ đó giúp chẩn đoán chính xác tình trạng hẹp động mạch thận.
    • Chụp mạch qua ống thông: Sử dụng kết hợp tia X và thiết bị ống thông mềm, dài, mỏng được luồn vào trong các động mạch thận. Thuốc nhuộm màu hoặc chất tương phản sẽ được tiêm vào ống thông để các động mạch thận hiển thị rõ nét trên hình ảnh được tạo ra từ tia X. Đây là thủ thuật xâm lấn thường được thực hiện khi có chỉ định nong động mạch thận bằng bóng hoặc đặt stent.

Biến chứng và tiên lượng

Biến chứng

Hẹp động mạch thận không gây nguy hiểm tức thì đến sức khỏe của bệnh nhân. Theo thời gian, khi quá trình tuần hoàn và lưu lượng máu đến thận suy giảm quá lâu, thận sẽ không thể thực hiện tốt chức năng vốn có. Hậu quả là gây ra nhiều biến chứng tiềm ẩn như:

Bệnh nhân hẹp động mạch thận mạn tính gây nhiều biến chứng tiềm ẩn như tăng huyết áp, suy thận, suy tim đe dọa tính mạng

  • Ảnh hưởng từ triệu chứng hẹp động mạch thận:
    • Sưng phù chân, mắt cá chân, đau tức ngực, tim đập nhanh, mệt mỏi, dạ ày khó chịu ... gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và đời sống sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân;
    • Khó thở do hẹp động mạch thận gây tích tụ chất lỏng làm tăng nguy cơ khởi phát phù phổi cấp;
  • Tăng huyết áp do thận: Hẹp động mạch thận khiến 2 quả thận không nhận đủ máu, chúng sẽ phản ứng lại bằng cách tiết ra hormone làm tăng chỉ số huyết áp (thường là > 140/90 mmHg).
  • Bệnh thận mạn tính (Chronic Kidney Disease - CKD): Bệnh lý này đặc trưng với sự suy giảm chức năng thận nghiêm trọng, dễ tiến triển thành suy thận giai đoạn cuối. Trong giai đoạn này, bệnh nhân bắt buộc phải lọc máu nhân tạo hoặc ghép thận để duy trì sự sống.
  • Bệnh động mạch vành (Coronary Artery Disease - CAD): Hẹp động mạch thận có thể kéo theo hẹp động mạch vành, làm giảm lượng máu cung cấp đến tim. Tùy từng trường hợp bệnh tiến triển cụ thể mà người bệnh có thể mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ ổn định hoặc hội chứng mạch vành cấp tính.
  • Suy thận: Giảm tưới máu đến thận do hẹp động mạch khiến thận giảm dần kích thước (hội chứng teo thận), nghiêm trọng hơn là gây suy thận ở một hoặc cả hai quả thận. Suy thận được xem là biến chứng nguy hiểm nhất của các bệnh lý về thận, trong đó có hẹp động mạch thận.

Tiên lượng

Có thể thấy, các biến chứng của hẹp động mạch thận rất nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn đe dọa đến tính mạng nếu chủ quan, lơ là trong điều trị. Theo thống kê, tỷ lệ bệnh nhân hẹp động mạch thận > 95% có tỷ lệ sống sót sau 4 năm khoảng 48%.

Tiên lượng điều trị hẹp động mạch thận khá tốt trong giai đoạn đầu, chỉ cần bệnh nhân chủ động thăm khám sớm để được chẩn đoán và tiếp nhận điều trị bằng phác đồ phụ hợp.

Điều trị

Mục tiêu điều trị hẹp động mạch thận là giải phóng tắc nghẽn, tăng cường tuần hoàn máu đến thận, cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa các hệ lụy khó lường.

Có nhiều biện pháp điều trị hẹp động mạch thận gồm:

Điều trị bằng thuốc

Đối với bệnh nhân hẹp động mạch thận, thuốc được sử dụng nhằm cải thiện các triệu chứng bệnh, làm giảm huyết áp và ngăn chặn các tác nhân gây tắc nghẽn động mạch. Một số thuốc trị hẹp động mạch thận thường dùng như:

Điều trị hẹp động mạch thận chủ yếu bằng thuốc giảm huyết áp, cholesterol, thuốc lợi tiểu... nhằm cải thiện triệu chứng

  • Nhóm thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) và ức chế thụ thể angiotensin II (ARB): Thuốc có tác dụng ức chế sự sản sinh các loại hormone gây hại, có nguy cơ cao khiến các mạch máu bị thu hẹp. 2 loại thuốc này được dùng chủ yếu làm giảm huyết áp do hẹp bị hẹp động mạch thận. Các loại phổ biến như:
    • Thuốc ACE: Benazepril, Enalapril, Lisinopril, Captopril, Fosinopril, Perindopril...;
    • Thuốc ARB: Candesartan, Irbesartan, Azilsartan medoxomil, Eprosartan mesylat, Olmesartan, Losartan kali...;
  • Thuốc lợi tiểu: Giúp hỗ trợ loại bỏ lượng chất lỏng dư thừa tích tụ trong cơ thể do thận giảm chức năng vì giảm tưới máu, cải thiện các triệu chứng sưng phù, khó thở... Các loại thuốc lợi tiểu thường dùng là:
    • Nhóm Thiazide như Hydrochlorothiazide (Oretic, Microzide) hoặc Chlorthiazide (Thalitone, Hygroton);
    • Thuốc lợi tiểu quai henle như furosemide hoặc bumetanide;
    • Thuốc lợi tiểu giữ kali như amiloride hoặc triamterene;
  • Thuốc Statin: Nhóm thuốc này có tác dụng chính làm giảm lượng cholesterol xấu trong máu, ngăn chặn tác nhân gây thu hẹp động mạch thận. Một số loại thuốc Statin phổ biến như Fluvastatin, Pitavastatin, Atorvastatin, Lovastatin, Rosuvastatin, Simvastatin...
  • Thuốc chống thiếu máu: Có tác dụng bổ sung các chất giúp kích thích tái tạo mới các tế bào hồng cầu nhằm cải thiện tình trạng thiếu máu. Thuốc được điều chế dưới dạng viên với tên biệt dược là Erythropoietin.
  • Các thuốc khác: Tùy từng trường hợp khác mà bác sĩ sẽ chỉ định kết hợp thêm một số loại thuốc khác trong phác đồ điều trị hẹp động mạch thận như:
    • Aspirin liều cao giúp làm loãng máu, hỗ trợ máu di chuyển qua động mạch dễ dàng hơn;
    • Vitamin D và Calcitriol giúp giảm nguy cơ biến chứng hoại tử xương;
    • Chất kết dính phosphat hỗ trợ loại bỏ lượng phospho trong máu;

Can thiệp ngoại khoa 

Những trường hợp hẹp động mạch thận nghiêm trọng, gây biến chứng và không đáp ứng điều trị nội khoa sẽ được chỉ định phẫu thuật sớm. Các kỹ thuật phẫu thuật chính được áp dụng như:

Thủ thuật xâm lấn nong mạch và đặt stent làm giãn rộng động mạch giúp máu lưu thông dễ dàng đến thận

  • Nong mạch và đặt Stent: Đây là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, sử dụng ống thông mỏng, mềm, dẻo vào trong các động mạch thận bị hẹp. Sau đó tiến hành nong mạch bằng cách thổi phồng quả bóng, sau đó đặt stent (ống lưới đỡ động mạch) vào trong nhằm giữ cho động mạch luôn được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho máu chảy qua.
  • Phẫu thuật loại bỏ mảng bám động mạchTrường hợp động mạch có quá nhiều mảng bám xơ vữa gây tắc nghẽn, cản trở tuần hoàn máu đến thận sẽ phải tiến hành phẫu thuật loại bỏ chúng. Tùy từng trường hợp có thể thực hiện mổ nội soi hoặc mổ hở.
  • Phẫu thuật cắt bỏ động mạch thận: Động mạch thận bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn sẽ được cắt bỏ. Sau đó tận dụng các động mạch tự thân (thường lấy từ chân) để thay thế vị trí động mạch thận cũ hoặc dùng ống động mạch nhân tạo nhằm phục hồi con đường vận chuyển máu đến thận.

Phòng ngừa

Để phòng bệnh hẹp động mạch thận, mỗi người cần trang bị đầy đủ các kiến thức về sức khỏe thận và điều chỉnh lối sống sinh hoạt khoa học.

Lối sống khoa học về ăn uống đủ chất, vận động tích cực và sinh hoạt điều độ là giải pháp hiệu quả nhất giúp phòng ngừa hẹp động mạch thận

  • Xây dựng thực đơn ăn uống khoa học và cân bằng các nhóm dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Ưu tiên chọn nguồn thực phẩm lành mạnh như rau xanh, trái cây, củ quả, ngũ cốc, sữa ít béo, thay cho thức ăn nhanh, chiên xào dầu mỡ, đồ đóng hộp, nhiều muối, đường...
  • Bổ sung đủ lượng nước phù hợp với nhu cầu của cơ thể giúp duy trì hoạt động sống của các cơ quan nội tạng, trong có có thận.
  • Cắt giảm lượng đồ uống có cồn như rượu bia, nước ngọt có gas...
  • Nói không với thuốc lá và các chất kích thích khác có hại cho sức khỏe.
  • Tập thể dục mỗi ngày, vận động tích cực giúp rèn luyện, nâng cao thể chất, tăng cường miễn dịch và tốt cho thận. Các khuyến cáo khoa học cho thấy chỉ cần đi bộ ít nhất 30 phút/ ngày sẽ giúp phòng ngừa bệnh tật hiệu quả.
  • Duy trì cân nặng phù hợp trong mức ổn định hoặc giảm cân lành mạnh (nếu cần).
  • Giảm thiểu tối đa stress, căng thẳng và những bất ổn về mặt tâm lý, thường xuyên thiền định và tập yoga giúp xoa dịu thần kinh.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các vấn đề bất thường, trong đó có thận để sớm phát hiện bệnh lý và điều trị kịp thời.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi bị suy giảm sức khỏe đột ngột, sưng phù chân, khó thở, buồn nôn... là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Tại sao tôi bị hẹp động mạch thận?

3. Tiên lượng tình trạng bệnh của tôi có nghiêm trọng không?

4. Nếu tôi không điều trị hẹp động mạch thận sẽ gây ra những biến chứng nào?

5. Bị hẹp động mạch thận có gây ảnh hưởng đến tim mạch không?

6. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán hẹp động mạch thận?

7. Chứng hẹp động mạch thận có điều trị khỏi hoàn toàn được không?

8. Phương pháp điều trị hẹp động mạch thận hiệu quả nhất đối với trường hợp của tôi?

9. Tôi bị hẹp động mạch thận khi nào cần phẫu thuật?

10. Chi phí phẫu thuật hẹp động mạch thận bao nhiêu? BHYT có hỗ trợ chi trả không?

Chứng hẹp động mạch thận khởi phát chủ yếu từ các tắc nghẽn bất thường trong động mạch, gây tăng huyết áp và nhiều biến chứng tiềm ẩn khác về suy thận, suy tim. Do đó, người bệnh tuyệt đối không nên lơ là trước những dấu hiệu bất thường, hãy chủ động thăm khám chuyên khoa để được chẩn đoán và tư vấn điều trị bằng phương pháp phù hợp ngay từ bây giờ.