Bệnh Thận Ứ Nước
Thận ứ nước xảy ra do tình trạng tích tụ nước tiểu trong thận. Đây là một bệnh lý bất thường xảy ra ở đường tiết niệu, có thể xảy ra ở cả trẻ em lẫn người lớn. Thận ứ nước rất dễ tiến triển thành suy thận do các tổn thương xảy ra ở cấu trúc tế bào thận kéo dài không được điều trị kịp thời.
Tổng quan
Thận ứ nước (Hydronephrosis) là tình trạng thận giãn to bất thường do nước tiểu không thể thoát ra ngoài, ứ đọng tích tụ bên trong thận gây sưng thận. Các trường hợp phát hiện thận ứ nước thường chỉ xuất hiện ở 1 bên thận, nhưng một vài trường hợp hiếm cũng có thể gây xảy ra ở cả 2 thận.
Nguyên nhân khởi phát thận ứ nước chủ yếu đó là tắc nghẽn dòng nước tiểu hoặc tình trạng trào ngược nước tiểu từ vùng dưới của đường tiết niệu lên trên thận. Đối với trẻ em, thận ứ nước thường là do bẩm sinh, tổn thương thận được hình thành từ khi trẻ còn là bào thai.
Nếu không được điều trị kịp thời, thận sẽ dần mất đi khả năng lọc thải và nhiều chức năng khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Thậm chí có nguy cơ tử vong cao nếu không thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ điều trị duy trì sự sống như chạy thận nhân tạo hoặc lọc máu thẩm phân phúc mạc.
Bệnh thận ứ nước có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Nhưng phổ biến nhất là ở người lớn tuổi hoặc từ trung niên trở đi do ảnh hưởng từ các bệnh lý sản phụ khoa, nam khoa, bệnh thần kinh, miễn dịch,... Nhưng đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, thận ứ nước lại là nguyên nhân hàng đầu gây ra khối u ở bụng.
Dựa vào tính chất, đặc điểm triệu chứng, bệnh thận ứ nước được chia làm 4 cấp độ chính gồm:
- Cấp độ 1: Giai đoạn nhẹ khi bệnh vừa khởi phát. Trên lâm sàng, phát hiện cầu thận hơi sưng và giãn nhẹ, chỉ số dA-P ở khoảng 5 - 10m. Lúc này, nước tiểu có xu hướng trào ngược từ ống niệu quản và di chuyển vào thận;
- Cấp độ 2: Kích thước giãn thận có sự tăng nhẹ, khoảng 10 - 15mm. Diện tích ống niệu quản rộng hơn khiến nước tiểu thoát vào thận nhiều hơn giai đoạn 1;
- Cấp độ 3: Là tình trạng thận ứ nước mức độ trung bình, các triệu chứng bệnh bắt đầu biểu hiện rõ rệt, gây đau nhức dai dẳng, thường xuyên có cảm giác buồn tiểu, tăng lượng nước tiểu nhiều gấp 1.5 - 2 lần bình thường. Hình ảnh khám thận cho thấy cầu thận sưng, giãn rõ rệt, phần lớn nước tiểu tập trung ở bể thận;
- Cấp độ 4: Thận ứ nước cấp độ nặng nhất và cũng là giai đoạn nguy hiểm nhất. Kích thước cầu thận giãn > 15mm và gần như không còn phân biệt được đài thận - bể thận. Hình ảnh nhu mô thận mỏng, kích thước thận tăng rõ rệt với mức đánh giá tổn thương thận khoảng 75 - 90%. Các triệu chứng bệnh trong giai đoạn này bộc lộ rõ rệt rất nghiêm trọng, rối loạn chức năng tiểu tiện, sưng phù toàn thân và có nguy cơ tử vong cao nếu không điều trị kịp thời;
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Sự hình thành và bài tiết nước tiểu trong cơ thể là một quá trình diễn ra tự nhiên theo cơ chế một chiều, từ thận đến niệu quản, qua bàng quang và xuống niệu đạo sau đó bài tiết ra ngoài qua cơ quan sinh dục. Thận ứ nước là hậu quả của sự tắc nghẽn dòng chảy nước tiểu hoặc trào ngược dòng nước tiểu lên thận.
Cụ thể như sau:
Tắc nghẽn dòng nước tiểu
Bất kỳ sự tác động nào gây chèn ép lên đường tiết niệu đều có thể gây ra tình trạng tắc nghẽn dòng nước tiểu. Đa phần các trường hợp tắc nghẽn thường xảy ra ở bàng quang hoặc niệu quản, khiến nước tiểu bị ứ đọng tại thận và khởi phát thận ứ nước.
Một số nguyên nhân gây tắc nghẽn dòng nước tiểu như:
- Sỏi thận: Sự lắng đọng và tích tụ của các hoạt chất dư thừa trong máu đến thận tạo thành những viên sỏi có kích thước lớn nhỏ khác nhau, gây cản trở dòng chảy nước tiểu, khiến chúng ứ đọng trong thận;
- Các cục máu đông: Vì nhiều lý do mà các cục máu đông được hình thành trong thận hoặc niệu quản. Chúng cũng chính là vật cản đường gây tắc nghẽn dòng chảy của nước tiểu, khiến chúng không thể thoát ra ngoài;
- Phì đại tuyến tiền liệt: Tuyến tiền liệt bị tổn thương và phì đại vô tình tạo áp lực lớn lên hệ bài tiết, thu hẹp đường thoát của nước tiểu, gây ra thận ứ nước. Nam giới trung niên và lớn tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc phải thể bệnh này;
- Đường tiết niệu bị hẹp: Có nhiều tác nhân gây hẹp đường tiết niệu như viêm nhiễm, chấn thương, sau phẫu thuật hoặc khuyết tật bẩm sinh. Tình trạng này khiến đường tiết niệu không có đủ không gian để lưu thông nước tiểu, gây tắc nghẽn và tích tụ quá mức trong thận;
- Ung thư: Sự phát triển của các tế bào ung thư trong hệ tiết niệu khiến chúng đột biến bất thường và gây tắc nghẽn đường tiết niệu, ứ đọng nước tiểu trong thận. Có nhiều bệnh lý ung thư dẫn đến bệnh lý này như ung thư bàng quang, ung thư thận, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung...;
- Mang thai: Khi mang thai, tử cung của người phụ nữ ngày càng giãn ra để tạo điều kiện thuận lợi cho thai nhi phát triển tốt nhất. Đối với thai kỳ, thận ứ nước chỉ diễn ra tạm thời và thường không nghiêm trọng, có thể tự biến mất sau khi sinh con;
- Sa tử cung và bàng quang: Ở chị em phụ nữ, sa tử cung khiến hệ thống cơ, dây chằng ở vùng sàn chậu căng quá mức và suy yếu dần. Tình trạng này khiến tử cung trượt khỏi vị trí ban đầu, chèn ép lên các cơ quan xung quanh trong hệ tiết niệu và gây thận ứ nước. Ngoài sa tử cung, sa bàng quang cũng có cơ chế gây thận ứ nước tương tự;
Trào ngược dòng nước tiểu lên thận
Nước tiểu thường chảy theo cơ chế 1 chiều từ thận - niệu quản - bàng quang - niệu đạo và được thải ra ngoài. Nhưng ở những người có tổn thương khiếm khuyết bẩm sinh, dị tật van chức năng hoặc không đóng kín lại được khiến nước tiểu chảy ngược từ bàng quang vào trong niệu quản gây ứ nước ở 1 hoặc cả 2 thận. Tình trạng này trong y học gọi là hiện tượng trào ngược bàng quang niệu quản nguyên phát.
Còn những trường hợp cơ bàng quang suy yếu, hệ thống dây thần kinh tổn thương khiến bàng quang giảm chức năng đào thải và làm rỗng, khiến nước tiểu trào ngược lên thận khởi phát thận ứ nước. Dạng này được gọi là trào ngược bàng quang niệu quản thứ phát.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Bệnh nhân bị thận ứ nước thường gặp các triệu chứng điển hình sau:
- Đau âm ỉ hoặc dữ dội vùng hông, lưng và mạn sườn, nhanh chóng lan xuống dưới và ra sau;
- Cơn đau có thể kéo dài liên tục trong vòng 30 phút hoặc > 4 - 5 tiếng;
- Rối loạn chức năng phản xạ tiểu tiện như luôn có cảm giác mót tiểu gấp, tăng tần suất đi tiểu..;
- Kèm theo các triệu chứng toàn thân khác như sốt nhẹ, đau đầu, chóng mặt, hoa mắt do tăng huyết áp, buồn nôn, mệt mỏi do nước tiểu cô đặc trong cơ thể;
Chẩn đoán
Để chẩn đoán thận ứ nước, ngoài đánh giá các triệu chứng do bệnh nhân cung cấp, bác sĩ cũng sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng thông qua các tiêu chí nhất định. Đồng thời, kết hợp thực hiện với các biện pháp xét nghiệm chẩn đoán cận lâm sàng để tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
Có thể kể đến một số biện pháp sau:
- Xét nghiệm máu: Giúp đánh giá chức năng lọc máu của thận thông qua các chỉ số về công thức và sinh hóa máu;
- Xét nghiệm nước tiểu: Phát hiện nồng độ bất thường của các hoạt chất trong nước tiểu, giúp đánh giá các cặn sỏi và tìm kiếm dấu hiệu nhiễm khuẩn;
- Chẩn đoán hình ảnh: Như chụp X quang, chụp CT scan, chụp MRI, chụp hình ảnh y học hạt nhân (MAG3) nhằm phát hiện các tổn thương và đánh giá khả năng dẫn lưu cũng như chức năng thận;
Biến chứng và tiên lượng
Cũng như nhiều bệnh lý về thận khác, thận ứ nước thường rất khó khăn trong việc phát hiện sớm trong giai đoạn đầu gây ảnh hưởng đến tiến triển và chẩn đoán điều trị. Chỉ đến khi bệnh ngày càng xấu đi, triệu chứng ồ ạt, rầm rộ, bệnh nhân mới thăm khám và can thiệp điều trị.
Việc điều trị thận ứ nước tích cực bằng những biện pháp y tế chuyên sâu phù hợp với từng giai đoạn cụ thể đem lại rất nhiều lợi ích, giảm thiểu nguy cơ biến chứng gây hại cho sức khỏe. Trong đó:
- Đối với thận ứ nước độ 1 & 2: Các tổn thương chỉ vừa khởi phát, triệu chứng chưa nhiều nên thận vẫn có khả năng phục hồi cao sau điều trị tích cực hoặc tự thuyên giảm và khỏi hẳn;
- Đối với thận ứ nước độ 3 & 4: Tùy theo mức độ giãn thận nhiều hay ít, có nghiêm trọng hay không mà bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ suy thận ở bệnh nhân. Những trường hợp nặng, vách thận giãn tối đa và không có khả năng phục hồi thường sẽ được chỉ định ghép thận;
Điều trị
Điều trị thận ứ nước chủ yếu nhằm mục đích loại bỏ tắc nghẽn và khai thông dòng chảy nước tiểu, khi thận không còn áp lực sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
1. Điều trị bằng thuốc
Các chuyên gia cho biết, không có thuốc đặc trị thận ứ nước, việc dùng thuốc chủ yếu nhằm mục đích cải thiện triệu chứng và làm chậm tiến triển bệnh. Một số loại thuốc thường dùng như:
- Thuốc giảm đau: Bệnh nhân thận ứ nước thường được chỉ định dùng các loại thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol, Aspirin... Trường hợp không đáp ứng có thể chuyển sang dùng thuốc giảm đau chống viêm không steroid hoặc nhóm thuốc ức chế thần kinh trung ương có tác dụng hiệu quả hơn, hỗ trợ giảm viêm;
- Thuốc giãn cơ trơn đường tiết niệu: Đối với những trường hợp bệnh nhân bị hẹp đường tiết niệu gây thận ứ nước sẽ được chỉ định sử dụng nhóm thuốc giãn cơ nhằm làm giản rộng diện tích ống niệu quản, giúp khai thông tắc nghẽn và thúc đẩy sự lưu thông trơn tru của dòng nước tiểu. Gồm 2 loại phổ biến là thuốc ức chế thụ thể alpha và andrenergic, thuốc chẹn kênh calci;
- Thuốc trị sỏi thận: Bệnh nhân bị thận ứ nước do sỏi thận sẽ được chỉ định dùng các loại thuốc phù hợp với đặc tính của từng loại sỏi như:
- Sỏi canxi dùng thuốc lợi tiểu và thuốc kềm hóa nước tiểu;
- Sỏi acid uric dùng thuốc làm giảm và ổn kiểm soát ổn định nồng độ acid uric;
- Sỏi cystine dùng thuốc giảm nồng độ cystine, kết hợp với thuốc kiềm hóa nước tiểu;
- Sỏi Struvite dùng các loại thuốc kháng sinh nhằm loại bỏ các tác nhan gây nhiễm khuẩn;
Tùy theo trường hợp cụ thể mà mỗi bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng loại thuốc phù hợp. Bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối các chỉ định dùng thuốc của bác sĩ, tránh lạm dụng tùy tiện để tránh nguy cơ phát sinh tác dụng phụ gây hại cho sức khỏe.
2. Can thiệp phẫu thuật
Đối với những trường hợp thận ứ nước cấp độ 3 trở lên do các nguyên nhân như sỏi thận kích thước lớn (> 20 mm), dị tật bẩm sinh... sẽ được cân nhắc thực hiện phẫu thuật càng sớm càng tốt để phục hồi cấu trúc và chức năng thận, giảm thiểu nguy cơ biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Một số kỹ thuật mổ điều trị thận ứ nước phổ biến như:
- Phẫu thuật cho bệnh nhân sỏi thận:
- Mổ loại bỏ sỏi thận;
- Nội soi tán sỏi ngược dòng hoặc dùng tia laser, sóng xung kích;
- Phẫu thuật qua da loại bỏ sỏi;
- Phẫu thuật đặt ống Stent giúp dẫn lưu nước tiểu từ bàng quang ra ngoài;
- Mổ hở truyền thống loại bỏ sỏi, loại bỏ đoạn bị tắc nghẽn trên đường tiết niệu hoặc sửa chữa khuyết tật bẩm sinh;
Bệnh nhân sau khi phẫu thuật sẽ phải lưu lại bệnh viện khoảng 1 - 2 tuần tùy theo tiến triển phục hồi. Phẫu thuật là phương pháp điều trị hiệu quả, nhưng những rủi ro tiềm ẩn hậu phẫu rất khó lường như nhiễm khuẩn, vỡ mạch máu... Do đó, chỉ nên thực hiện phẫu thuật khi có chỉ định của bác sĩ và tuân thủ các hướng dẫn để đạt kết quả điều trị cao nhất.
3. Kết hợp chăm sóc tích cực
Dù điều trị thận ứ nước tại nhà hay ở bệnh viện, bệnh nhân cũng đều cần phải có một lối sống khoa học và lành mạnh nhằm hỗ trợ quá trình điều trị bệnh đạt kết quả tốt hơn.
- Điều chỉnh khẩu phần ăn khoa học mỗi ngày, đảm bảo bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết thông qua những loại thực phẩm lành mạnh, tươi sạch, ăn ít muối, đường và các loại gia vị nói chung để giảm áp lực cho thận.
- Tránh ăn các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo, thực phẩm đóng hộp chứa chất bảo quản, đồ len men, muối chua, thực phẩm chứa nhiều vitamin C và kali...
- Uống nhiều nước (trung bình 6 - 8 ly/ ngày), thường xuyên uống các loại nước mát thảo dược tốt cho thận như râu ngô, kim tiền thảo... và nước ép trái cây, sinh tố giàu vitamin, khoáng chất cân bằng các chất điện giải.
- Vận động tích cực mỗi ngày giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, giúp thận hoạt động khỏe mạnh, khai thông tuyến bàng quang, cải thiện tình trạng ứ tắc thận.
- Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và thư giãn đầu óc, tránh thức khuya, tránh làm việc quá sức, không dùng các chất kích thích để giảm áp lực cho thận.
Phòng ngừa
Thận là cơ quan đảm nhiệm rất nhiều chức năng trong cơ thể. Chúng ta chỉ có thể khỏe mạnh khi thận hoạt động tốt, chức năng bài tiết nước tiểu trơn tru. Hãy thực hiện các biện pháp tích cực sau đây để phòng ngừa thận ứ nước:
- Bổ sung đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể mỗi ngày, khoảng 2 - 3 lít nước tùy theo nhu cầu của cơ thể.
- Tuyệt đối không được nhịn tiểu, đi tiểu ngay khi có nhu cầu để tránh gây tổn thương cho thận.
- Hạn chế sử dụng muối trong chế biến thức ăn hàng ngày, thực hiện chế độ ăn nhạt để giảm áp lực cho thận.
- Giữ vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ ở cả nam và nữ giới, lau rửa từ trước ra sau để tránh sự tấn công xâm nhập của các loại vi khuẩn gây viêm nhiễm.
- Tránh ngâm mình dưới ao hồ sông suối có nguồn nước ô nhiễm.
- Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su và quan hệ nhẹ nhàng, chung thủy 1 vợ 1 chồng.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tôi bị đau lưng và vùng hố chậu kèm theo sốt, mệt mỏi có phải là dấu hiệu của bệnh thận không?
2. Nguyên nhân khiến tôi bị thận ứ nước?
3. Tiên lượng tình trạng bệnh thận ứ nước của tôi có nguy hiểm không?
4. Nếu tôi không điều trị thận ứ nước sớm có thể gây ra biến chứng gì?
5. Phương pháp điều trị thận ứ nước hiệu quả nhất dành cho trường hợp bệnh của tôi?
6. Bị thận ứ nước khi nào cần phẫu thuật?
7. Dùng thuốc trị thận ứ nước loại nào tốt nhất?
8. Chế độ ăn uống và sinh hoạt như thế nào trong quá trình điều trị thận ứ nước?
9. Điều trị thận ứ nước có khỏi toàn hoàn không? Bệnh có thể tái phát không?
10. Chi phí điều trị thận ứ nước có tốn kém không? Có sử dụng BHYT được không?
Thận ứ nước là bệnh lý về thận xảy ra phổ biến ở mọi giới. Bản chất của thận ứ nước là tắc nghẽn gây ứ nước tiểu dẫn đến viêm nhiễm. Vì có cơ chế bệnh sinh rõ ràng nên việc điều trị thận ứ nước không quá khó khăn do đáp ứng tốt với phác đồ điều trị tích cực. Do đó, hãy chủ động thăm khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và tư vấn các phương pháp điều trị phù hợp.