Bệnh lao hệ tiết niệu sinh dục

Lao hệ tiết niệu sinh dục gây ra các triệu chứng khó chịu cho nam giới và nữ giới. Trường hợp bệnh kéo dài không được kiểm soát tăng nguy cơ biến chứng ảnh hưởng sức khỏe người bệnh. Bệnh nhân khi phát hiện cơ thể có biểu hiện lạ nên chủ động thăm khám y tế, phòng tránh bệnh lan rộng.

Tổng quan

Lao tiết niệu sinh dục còn được gọi là chứng lao niệu sinh dục, một tình trạng lao ngoài phổi phổ biến. Theo đó, vi khuẩn gây bệnh lao sẽ tấn công và gây hại cho bộ phận tiết niệu và sinh dục. Chúng tấn công thông qua các vết thương sơ nhiễm, theo đường máu vào sâu bên trong cơ thể.

Trực khuẩn lao lan rộng tấn công hệ tiết niệu và sinh dục của người bệnh

Trực khuẩn lao không chỉ gây hại tại phổi mà còn ảnh hưởn đến nhiều cơ quan khác trên cơ thể. Trong đó có hệ tiết niệu - sinh dục. Bệnh nhân nhiễm vi khuẩn gặp phải các triệu chứng khó chịu tại khu vực này. Lao tiết niệu sinh dục kéo dài gây rối loạn chức năng hệ tiết niệu, thận.

Trực khuẩn có khả năng làm phát sinh các triệu chứng trên cả hai thận của bệnh nhân, tuy nhiên thông thường các bệnh cảnh lâm sàng chỉ xuất hiện ở một bên. Trực khuẩn lao ngày càng phát triển, u hạt lao ăn mòn các cơ quan trong đó có đài thận, niệu quản, bàng quan, bộ phận sinh dục.

Khối áp xe mãn tính hình thành khi tình trạng lao ngoài phổi tiến triển mà không có sự kiểm soát y tế. Đặc biệt là hiện tượng xơ hóa, hẹp đường tiểu. Các tổn thương cần được can thiệp sớm để tránh nguy cơ suy giảm nghiêm trọng chức năng thận, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Trực khuẩn lao có tên là Mycobacterium Tuberculosis là tác nhân gây lao hệ tiết niệu sinh dục. Trực khuẩn có khả năng xâm nhập vào cơ thể thông qua đường hô hấp. Người khỏe mạnh khi hít phải không khí có chứa trực khuẩn lao có khả năng bị mắc bệnh.

Một số trường hợp lây bệnh gián tiếp thông qua vật dụng của người bệnh có dính phải dịch chứa trực khuẩn lao. Nếu phát hiện và điều trị sớm, bệnh nhân có thể điều trị khỏi tình trạng lao cũng như lao ngoài phổi bằng thuốc và các biện pháp y tế phù hợp.

Thông thường trực khuẩn sẽ bị tiêu diệt trong nửa tháng đến 1 tháng khi dùng thuốc đều đặn. Lúc này chúng sẽ không có khả năng lây nhiễm bệnh cho người xung quanh. Tuy nhiên do các triệu chứng ban đầu của lao tiết niệu sinh dục khá dễ nhầm lẫn nên việc điều trị bệnh gặp nhiều khó khăn.

Các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh bao gồm người lớn và trẻ nhỏ, bệnh không phân biệt giới tính, bất kỳ ai cũng có khả năng nhiễm phải trực khuẩn. Trong đó người có nguy cơ cao được đề cập đến như:

  • Người trong độ tuổi sinh sản từ 20-50 tuổi.
  • Những bệnh nhân mắc bệnh hệ miễn dịch, chẳng hạn bệnh HIV, bệnh tự miễn mãn tính.
  • Bệnh nhân đang điều trị bằng biện pháp xạ trị có nguy cơ cao.
  • Người nghiện ma túy, sử dụng kim tiêm chung với nhiều người.
  • Bệnh nhân có thể là các nhân viên y tế điều trị cho người mắc ho lao.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Trực khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể gây ra các triệu chứng tại phổi. Bên cạnh đó, chúng còn có khả năng lan rộng rảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác, trong đó có hệ tiết niệu sinh dục. Bệnh nhân mắc lao ngoài phổi thường không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào ở giai đoạn đầu.

Người bệnh gặp phải các triệu chứng bất thường khi vi khuẩn tấn công

Đến khi tình trạng bệnh ngày càng nặng dần, tại bộ phận sinh dục và hệ tiết niệu bắt đầu xuất hiện các biểu hiện lạ. Nam giới lẫn nữ giới đều có khả năng mắc bệnh. Các triệu chứng cảnh báo như:

  • Triệu chứng ở nam giới: Bìu sưng to, đau tinh hoàn, đau mào tinh, viêm, u hạt di động có thể nhận biết trên da bìu. Trường hợp viêm kéo dài có thể gây hoại tử tinh hoàn, một số bệnh nhân bị áp xe nguy hiểm.
  • Triệu chứng ở nữ giới: Sốt, ra nhiều khí hư, kinh nguyệt rối loạn, bụng dưới đau âm ỉ đến nặng nề, chai cứng ống dẫn trứng, xương mu đau khó chịu.

Triệu chứng bất thường xuất hiện dễ nhầm lẫn với các chứng bệnh khác. Điều này làm bệnh nhân chủ quan, chậm trễ trong việc thăm khám và điều trị. Đa số các triệu chứng đều xuất hiện mãn tính, tuy nhiên không đặc hiệu. Tình trạng nhiễm trùng xảy ra thường xuyên, tái phát nhiều lần ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe.

Người bệnh cần đến gặp bác sĩ ngay nếu có các triệu chứng nặng như:

  • Tăng số lần đi tiểu, tiểu khó, đau thắt lưng, đôi khi tiểu ra máu, ra mủ.
  • Sưng tinh hoàn, sưng lỗ dò tầng sinh môn, loét sinh dục.
  • Đái mủ vô trùng khi hệ tiết niệu bị nhiễm trùng thứ phát có liên quan đến một loại khuẩn khác có tên là Coliform.
  • Tiểu máu đại thể, tiểu máu vi thể, kèm theo sốt cao.

Chẩn đoán

Bệnh lao hệ tiết niệu sinh dục là một bệnh lý tiềm ẩn, khó phát hiện. Bác sĩ cần thực hiện các xét nghiệm kiểm tra, có kiến thức chuyên môn vững mới tìm ra nguyên nhân thực sự gây ra các triệu chứng kể trên. Một số phương pháp chẩn đoán bệnh được tiến hành:

  • Thăm khám lâm sàng triệu chứng, tìm hiểu tiền sử bệnh lý gia đình, bệnh lý bệnh nhân đang gặp phải.
  • Xét nghiệm nước tiểu tìm ra có sự xuất hiện của vi khuẩn hay không.
  • Chụp X quang hệ tiết niệu và hệ sinh dục của bệnh nhân để xác định có sự tổn thương xảy ra không.
  • Chụp cản quang vòi trứng đối với nữ giới xác định nguyên nhân gây vô sinh.
  • Nếu cần thiết, bệnh nhân nữ cần tiến hành sinh thiết cổ tử cung, lấy niêm mạc tử cung phân tích trong phòng thí nghiệm tìm ra yếu tố ung thư.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể được chỉ định thực hiện các biện pháp chẩn đoán khác để tìm ra bệnh lý thực sự. Do lao ngoài phổi khó phát hiện nên một số trường hợp bệnh chuyển nặng gây biến chứng nguy hiểm. Bệnh nhân nên đến cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ giỏi để thăm khám và điều trị sớm.

Biến chứng và tiên lượng

Lao hệ tiết niệu - sinh dục là tình trạng nhiễm trùng thận do trực khuẩn lao gây ra. Người bệnh bị sốt, kèm theo các triệu chứng như đái mủ, đau lưng,... qua thăm khám không nhận thấy mầm bệnh liên quan đến hệ tiết niệu.

Bệnh nhân có thể gặp biến chứng khi lao tiết niệu sinh dục ngày càng nặng nề

Bệnh diễn biến âm thầm, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Tính từ lúc sơ nhiễm đến khi phát triệu chứng có thể kéo dài đến 5-10 năm hoặc thậm chí lâu hơn. Tình trạng nhiễm khuẩn lao ngoài phổi một khi trở nên nặng nề sẽ gây ra các triệu chứng vô cùng khó chịu tại hệ tiết niệu - sinh dục.

Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc phải chứng bệnh này. Trường hợp nam giới và nữ giới bị nhiễm khuẩn thận, sinh dục không điều trị kiểm soát có thể kéo theo các biến chứng nghiêm trọng, trong đó có tình trạng hiếm muộn, vô sinh.

Người bệnh cần khám kiểm tra sức khỏe sớm, đến bệnh viện chuyên môn có bác sĩ tay nghề giỏi để chẩn đoán chính xác tình trạng lao hệ tiết niệu - sinh dục, tránh nhầm lẫn ảnh hưởng quá trình điều trị bệnh và sức khỏe bệnh nhân.

Điều trị

Lao hệ tiết niệu sinh dục gây ra nhiều triệu chứng khó chịu. Bệnh lý có tính chất lan rộng nhanh, việc tầm soát trên các bộ phận hầu như rất khó thực hiện. Bệnh nhân cần xét nghiệm để tìm vi khuẩn lao, điều trị sớm để giảm thiểu các rủi ro không mong muốn.

Một số ít trường hợp bệnh nhân sau nhiều năm mắc lao tiết niệu sinh dục tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên con số này vô cùng thấp, trong khi đó hầu hết các trường hợp đều gặp phải tình trạng phá hủy thận, vi khuẩn gây hại tấn công đến các cơ quan lân cận.

Hiện nay, để điều trị chứng bệnh này bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh sử dụng thuốc hoặc áp dụng điều trị ngoại khoa khi cần thiết. Các biện pháp bao gồm:

Điều trị nội khoa

Sử dụng thuốc diệt khuẩn lao cho bệnh nhân nhằm ngăn chặn sự tấn công lan rộng của chúng trong hệ tiết niệu sinh dục. Thuốc được chỉ định phù hợp với từng bệnh nhân, các loại như:

  • Thuốc có tác dụng diệt khuẩn nội bào (Pyrafinamide) và thuốc kháng sinh diệt khuẩn ngoại bào (Streptomycine).
  • Thuốc kháng sinh có tác dụng diệt khuẩn sinh sản mạnh dùng kết hợp với thuốc diệt khuẩn sinh sản chậm nhằm tăng cường phòng vệ, loại bỏ vi khuẩn lao gây hại.

Trong tháng đầu tiên, thuốc cần được sử dụng với liều lượng tương đối mạnh. Sau khi có hiệu quả kiểm soát vi khuẩn, liều lượng sẽ giảm dần với mục đích duy trì, củng cố. Một số thuốc khác cũng được kết hợp khi cần thiết.

Kê đơn thuốc kháng sinh kiểm soát vi khuẩn lao cho người mắc lao tiết niệu sinh dục

Thời gian điều trị thông thường:

  • Trường hợp nhẹ: Sử dụng thuốc điều trị trong 9 tháng. Lúc này các nhóm thuốc được dùng thông thường là RPM, INH, AMB hoặc PZA, dùng riêng lẻ hoặc kết hợp sử dụng trong 3 tháng đầu. Sau đó sử dụng liều duy trì với liều lượng phù hợp trong 6 tháng tiếp theo.
  • Trường hợp nặng: Sử dụng các loại thuốc điều trị lao kéo dài 16 tháng nhằm loại bỏ vi khuẩn lao một cách hiệu quả nhất. Sử dụng liều tấn công mạnh trong 3 tháng đầu, sau đó duy trì điều trị xuyên suốt 13 tháng tiếp theo với các loại thuốc được phân bổ phù hợp.

Những đối tượng bị lao tại thận có dấu hiệu hẹp niệu quản đài thận cần sử dụng thuốc chống lao kết hợp với Corticoids. Sau khi niệu quản trở lại trạng thái bình thường thì ngưng sử dụng Corticoid. Trường hợp tình trạng không thuyên giảm phải chuyển sang điều trị ngoại khoa.

Điều trị ngoại khoa

Để giảm thiểu các rủi ro cho bệnh nhân, những trường hợp lao hệ tiết niệu sinh dục nặng cần thực hiện phẫu thuật để điều trị. Cắt một bên thận hoặc toàn bộ thận, niệu quản được chỉ định nếu hai bộ phận này bị tổn thương suy giảm chức năng nặng, xảy ra tình trạng ứ mủ.

Bệnh nhân sẽ được phẫu thuật để nạo sạch hang lao, dùng thuốc kháng sinh để diệt toàn bộ vi khuẩn. Nam giới bị ảnh hưởng tinh hoàn, mào tinh cần phải phẫu thuật để loại bỏ mủ, nang lao ống tinh,... Nữ giới bị lao tiết niệu sinh dục nặng phẫu thuật điều trị bằng biện pháp phù hợp.

Áp dụng điều trị ngoại khoa cho bệnh nhân mắc lao ngoài phổi không đáp ứng điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên phương án can thiệp xâm lấn cũng sẽ tiềm ẩn không ít rủi ro. Bệnh nhân nên đến bệnh viện lớn, có bác sĩ chuyên khoa giỏi để thăm khám và nhận tư vấn điều trị tốt nhất.

Phòng ngừa

Lao hệ tiết niệu sinh dục có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của người bệnh. Bệnh nhân cần chủ động thăm khám và điều trị ngay khi nhận thấy cơ thể có dấu hiệu nghi ngờ. Đối tượng chưa nhiễm bệnh cần tập trung phòng bệnh, một số lưu ý như sau:

Khám tầm soát chủ động phòng ngừa các chứng lao ngoài phổi nguy hiểm

  • Trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán lao phổi cần điều trị theo đúng phát đồ để tránh nguy cơ vi khuẩn lao lan rộng gây bệnh lao ngoài phổi, trong đó có tình trạng lao hệ tiết niệu, sinh dục.
  • Nếu phát hiện bị lao thận bệnh nhân cần điều trị triệt để. Bởi, thông thường lao sinh dục sẽ bùng phát sau khi bệnh nhân bị lao thận.
  • Vi khuẩn lao có thể lây lan giữa người với người thông qua tiếp xúc với đồ vật có chứa dịch tiết của bệnh nhân, nói chuyện gần, ăn uống chung với người bệnh,... Nếu trong gia đình có người mắc bệnh lý này, tốt hơn hết nên tạm thời ở riêng, hạn chế tiếp xúc, không ăn uống chung, đồng thời tầm soát bệnh lao cho thành viên trong gia đình.
  • Không đến những khu vực có dịch bệnh về đường hô hấp, bệnh lao để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh. Người chăm sóc bệnh nhân lao phải trang bị đồ bảo hộ, đeo khẩu trang và vệ sinh tay với xà phòng sát khuẩn thường xuyên.
  • Khi quan hệ tình dục nên đeo bao cao su nhằm tăng cường phòng vệ tránh lây nhiễm lao sinh dục.
  • Ăn uống, sinh hoạt lành mạnh giúp đề kháng được tăng cường, phòng ngừa các bệnh lý ảnh hưởng sức khỏe tổng thể.
  • Khám sức khỏe định kỳ, tầm soát bệnh lao nếu có dấu hiệu nghi ngờ. Điều trị bệnh theo đúng phát đồ giúp phòng nguy cơ lây lan vi khuẩn trong cơ thể ảnh hưởng đến các bộ phận, trong đó có hệ tiết niệu và sinh dục.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi đi tiểu ra mủ có phải bị lao tiết niệu sinh dục không?

2. Triệu chứng lao hệ tiết niệu sinh dục là gì?

3. Nguyên nhân nào tôi bị lao hệ tiết niệu sinh dục?

4. Tôi cần làm xét nghiệm gì để chẩn đoán lao hệ tiết niệu sinh dục?

5. Nếu không điều trị lao hệ tiết niệu sinh dục có tự khỏi không?

6. Tôi có thể uống thuốc điều trị lao hệ tiết niệu sinh dục không?

7. Dùng thuốc trong bao lâu có thể điều trị khỏi bệnh?

8. Khi nào cần phẫu thuật điều trị lao hệ tiết niệu sinh dục?

9. Có rủi ro nào khi thực hiện phẫu thuật không

10. Thời gian tái khám của tôi là bao lâu?

Lao hệ tiết niệu sinh dục là tình trạng lao ngoài phổi gây ra không ít vấn đề cho người bệnh. Tình trạng nhiễm khuẩn nếu kéo dài không được kiểm soát có thể gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe bệnh nhân. Người bệnh cần thăm khám sớm khi nhận thấy dấu hiệu bất thường, phòng biến chứng không mong muốn.