Bệnh viêm niệu đạo

Viêm niệu đạo có thể xảy ra ở cả nam giới và nữ giới. Trong đó, nữ giới có khả năng viêm nhiễm cao hơn do ống niệu đạo ngắn, nằm gần cơ quan sinh dục. Bệnh có thể điều trị bằng thuốc và các phương pháp can thiệp khác. Tuy nhiên nếu chủ quan, để bệnh kéo dài có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hại.

Tổng quan

Viêm niệu đạo (Urethritis) là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở đường tiểu. Đây là bệnh lý nhiều người gặp phải, nam giới và nữ giới đều là đối tượng mắc bệnh, trong đó số lượng bệnh nhân nữ cao hơn so với nam giới. Nguyên nhân là do ống niệu đạo của nữ ngắn.

Viêm niệu đạo
Viêm niệu đạo là một trong những bệnh lý phổ biến, nhiều người gặp phải

Có thể bạn cũng biết, niệu đạo là tên gọi của đường tiểu, đây là ống dẫn của bàng quang để đưa nước tiểu ra ngoài cơ thể thông qua lỗ sáo hay còn gọi là lỗ tiểu. Ống dẫn này ở nam giới và nữ sẽ có kích thước, độ dài khác nhau. So với phái mạnh, chiều dài ống niệu đạo của nữ ngắn, nằm gần với âm đạo.

Trong khi đó niệu đạo của nam giới dài, cũng là con đường tinh dịch xuất ra ngoài khi quan hệ tình dục. Nguyên nhân gây viêm nhiễm ống niệu đạo vô cùng đa dạng, người bệnh cần chủ động khám sức khỏe và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Tránh tình trạng viêm nhiễm kéo dài phát sinh nhiều hệ lụy đối với sức khỏe.

Phân loại

Dựa vào tác nhân gây viêm nhiễm, người ta phân chia bệnh viêm niệu đạo thành các nhóm chính như sau:

  • Lậu niệu đạo: Đây là bệnh lý xảy ra liên quan đến các vấn đề sinh dục ảnh hưởng đến ống niệu đạo. Viêm nhiễm xuất hiện ở bộ phận sinh dục do nhiều nguyên nhân như vệ sinh không sạch sẽ, quan hệ tình dục không lành mạnh,... Vi khuẩn bệnh lậu sinh dục tấn công niệu đạo dẫn đến viêm nhiễm gọi là lậu niệu đạo. Trong số các bệnh nhân mắc viêm niệu đạo thì có khoảng 20% rơi vào trường hợp này.
  • Viêm niệu đạo không do lậu: Ngoài nguyên nhân kể trên, tình trạng viêm nhiễm ống niệu đạo còn có khả năng xảy ra do ảnh hưởng từ rất nhiều yếu tố khác. Trong đó, Chlamydia được xem là tác nhân thường gặp nhất trong các trường hợp thuộc nhóm bệnh không liên quan đến vi khuẩn lậu. Bên cạnh đó các tác nhân viêm nhiễm lây nhiễm từ đường tình dục cũng khá cao. Một số trường hợp do chấn thương, tác dụng phụ của thuốc,...

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bệnh viêm niệu đạo có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính. Trong đó nữ giới do có ống niệu đạo ngắn và gần với cơ quan sinh dục nên khác dễ viêm nhiễm so với nam giới có ống niệu đạo dài. Có rất nhiều yếu tố tác động gây viêm niệu đạo, một số trường hợp kể đến như:

Nguyên nhân gây viêm niệu đạo
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng viêm nhiễm niệu đạo ở nam giới và nữ giới

  • Viêm niệu đạo do dị ứng, kích ứng: Đây là nguyên nhân gây viêm niệu đạo thường gặp hiện nay. Một số bệnh nhân sử dụng sà phòng tắm, dung dịch vệ sinh, bao cao su,... có chứa các hoạt chất dị ứng, độc hại khiến vùng kín bị kích ứng. Không chỉ khiến vùng da bên ngoài ngứa rát, khó chịu, bệnh nhân còn gặp phải các biểu hiện của viêm niệu đạo. Cần ngưng sử dụng các sản phẩm nghi ngờ và đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
  • Sự tấn công của vi khuẩn, virus: Có rất nhiều loại virus, vi khuẩn gây hại cho cơ quan sinh dục, niệu đạo, đường tiểu. Trong đó kể đến một số loại như nấm, e.coli, lậu cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn,... chúng lưu trú ở vùng kín, bộ phận sinh dục, tấn công lan rộng đến đường tiểu, dẫn đến viêm niệu đạo. Đặc biệt xảy ra phổ biến ở những người không giữ gìn vệ sinh vùng kín sạch sẽ.
  • Quan hệ tình dục không lành mạnh: Quan hệ quá mạnh bạo, không vệ sinh vùng kín sạch sẽ trước và sau khi quan hệ, sử dụng bao cao su không chất lượng, thụt rửa sâu sau quan hệ,... khiến cho vùng kín dễ bị viêm nhiễm. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng viêm đường tiết niệu nói riêng và các viêm nhiễm vùng kín nói chung khác.
  • Các nguyên nhân khác: Viêm niệu đạo ở nam giới, nữ giới còn có khả năng xảy ra do ảnh hưởng bởi yếu tố môi trường sống, nguồn nước không đảm bảo, quần lót không được giặt sạch sẽ, do thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh,... Những yếu tố này có khả năng khiến đường tiểu bị vi khuẩn tấn công nhiều hơn, tăng nguy cơ viêm niệu đạo.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Bệnh viêm niệu đạo ở nam giới và nữ giới đều gây ra một số biểu hiện bất thường như sau:

  • Người bệnh có cảm giác đi tiểu nhiều hơn trong ngày, tuy nhiên lượng nước tiểu ít, không nhiều.
  • Cảm giác buốt, rát khó chịu dọc niệu đạo.
  • Tiểu ra mủ, máu tươi, quan sát lỗ tiểu bị sưng, xuất hiện cảm giác ngứa kèm theo.
  • Chất dịch xuất hiện, tiết ra nhiều có màu xanh, trắng hay vàng xanh bất thường, xảy ra phổ biến vào buổi sáng sớm khi ngủ dậy.
  • Bộ phận sinh dục cũng có những biểu hiện bất thường như đau khi giao hợp, đau bụng dưới khó chịu.
  • Ngoài ra, bệnh nhân còn gặp phải các dấu hiệu bất thường khác kể đến như hiện tượng hạch nổi vùng bẹn, sưng khớp, buồn nôn, thân nhiệt tăng cao bất thường,...

Nhận thấy những biểu hiện cơ thể lạ, tốt nhất bệnh nhân nên đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, kiểm tra tình hình sức khỏe để có biện pháp can thiệp, điều trị sớm.

Triệu chứng viêm niệu đạo
Các triệu chứng bất thường xuất hiện cần được thăm khám và điều trị khắc phục sớm

Chẩn đoán

Bác sĩ thăm hỏi triệu chứng bệnh nhân gặp phải, một số xét nghiệm cần thiết sẽ được thực hiện nhằm chẩn đoán viêm niệu đạo một cách chính xác hơn. Chẳng hạn:

  • Xét nghiệm nước tiểu: Phương pháp giúp bác sĩ xác định được có hay không có sự xuất hiện của vi khuẩn bên trong nước tiểu. Thông qua xét nghiệm cũng giúp bác sĩ phát hiện được nhiều vấn đề khác cho người bệnh.
  • Soi dịch niệu đạo: Chất dịch bất thường ở niệu đạo được lấy và đưa đến phòng thí nghiệm soi dưới kính hiển vi để kiểm tra điểm bất thường.
  • Xét nghiệm máu: Phương pháp xét nghiệm máu giúp kiểm tra có sự xuất hiện của vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục hay không.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng được chỉ định thực hiện các xét nghiệm khác như protein nước tiểu, siêu âm vùng chậu, nội soi bàng quang,... Sau khi có kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho người bệnh.

Biến chứng và tiên lượng

Viêm niệu đạo có thể điều trị bằng thuốc hoặc các biện pháp khác. Tuy  nhiên, nhiều bệnh nhân chủ quan, không thăm khám và điều trị dẫn đến tình trạng viêm lan rộng, tác nhân gây hại tấn công sâu gây ra các hệ lụy khôn lường khác. Chẳng hạn kể đến như:

  • Viêm niệu đạo cấp tính kéo dài, không điều trị đúng cách và triệt để có thể tái phát nhiều lần, thành viêm niệu đạo mãn tính.
  • Viêm nhiễm lan rộng, vi khuẩn, virus tấn công làm tổn thương cơ quan trong đường tiết niệu nặng nề. Nhất là rủi ro tác nhân gây hại di chuyển vào thận, gây tổn thương thận, suy giảm chức năng của cơ quan này.
  • Nguy cơ nhiễm trùng huyết tăng nếu vi khuẩn, virus xâm nhập sâu, hệ thống miễn dịch rối loạn dẫn đến các rủi ro nghiêm trọng hơn, trong đó đặc biệt là nguy cơ gây tử vong nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời.
  • Đe dọa chức năng sinh sản ở nam giới và nữ giới. Viêm niệu đạo kéo dài không được kiểm soát gây viêm nhiễm bộ phận sinh dục, viêm âm đạo, vòi trứng, ống dẫn trứng ở nữ, viêm tinh hoàn, ống dẫn tinh ở nam giới,...

Chính vì những nguy cơ kể trên, bệnh nhân nên chủ động thăm khám bác sĩ, điều trị viêm niệu đạo càng sớm càng tốt. Không nên chủ quan, không tùy tiện sử dụng thuốc để giảm thiểu nguy cơ gây ra các rủi ro, biến chứng ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Điều trị

Để điều trị viêm niệu đạo, trước hết bác sĩ sẽ kiểm tra và chẩn đoán bệnh cụ thể cho bệnh nhân. Sau đó tùy tình trạng sức khỏe của mỗi người, phương pháp điều trị được chỉ định sao cho phù hợp nhất. Dưới đây là phác đồ điều trị thường được áp dụng:

Điều trị viêm niệu đạo do lậu:

Đối với trường hợp viêm niệu đạo do lậu có phần nguy hiểm, khó điều trị hơn các trường hợp khác. Người bệnh được chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh, ngoài ra cần điều trị luôn cho cả bạn tình. Trong thời gian dùng thuốc người bệnh nên nghỉ ngơi và tái khám theo lịch hẹn.

Những loại thuốc điều trị viêm niệu đạo chưa có biến chứng thường được dùng như SpectinomycinDoxycyclin. Mỗi loại thuốc dùng theo liều lượng phù hợp. Trong thời gian điều trị nếu có biểu hiện bất thường, bệnh nhân cần thông báo để được bác sĩ hỗ trợ.

Điều trị viêm niệu đạo
Bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị viêm niệu đạo tùy theo tình hình sức khỏe của mỗi người

Đối với những bệnh nhân đã xuất hiện biến chứng viêm niệu đạo do lậu, phác đồ điều trị bằng thuốc sẽ dùng theo liều mạnh hơn. Các thuốc kể đến như Ceftriaxone, Doxycyclin,... Thuốc tân dược có thể gây ra một vài phản ứng phụ khi dùng, bệnh nhân cần theo dõi và sớm báo lại bác sĩ để có sự điều chỉnh khi cần thiết.

Điều trị viêm niệu đạo không do lậu:

  • Trường hợp nhiễm Chlamydia, Mycoplasma: Sử dụng các thuốc như Axithromycin, Doxycyclin, Ofloxacin, Erythromycin,... Liều dùng theo hướng dẫn, điều trị cho cả bạn đời, người có quan hệ tình dục cùng để tránh nguy cơ tái phát viêm nhiễm.
  • Trường hợp nhiễm Trichomonas: Thuốc được chỉ định như Metonidazol uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 500mg. Uống cách nhau 12 tiếng/lần, dùng trong khoảng 1 tuần.
  • Trường hợp nhiễm nấm: Dùng thuốc chống nấm như Fluconazol, Itraconazol. Sử dụng theo liều được bác sĩ chỉ định.
  • Trường hợp nhiễm khuẩn thông thường: Sử dụng thuốc khác sinh nhóm Fluoroquinolone, Beta-lactam, Trimethoprim-Sulfamethoxazol,...
  • Trường hợp khác: Thuốc sẽ được kê theo tình hình sức khỏe, nguyên nhân gây viêm niệu đạo.

Dùng thuốc điều trị cho người bệnh và người có quan hệ tình dục chung để đảm bảo không lây nhiễm chéo, gây tái phát viêm niệu đạo sau điều trị. Không tùy tiện thay đổi liều dùng thuốc, ngưng thuốc khi chưa được bác sĩ hướng dẫn để tránh tác dụng phụ và giúp thuốc phát huy hiệu quả tối đa nhất.

Phòng ngừa

Viêm niệu đạo có thể điều trị bằng thuốc, tuy nhiên nhiều người chủ quan không khám chữa sớm. Đến khi viêm nhiễm nặng nề, lan rộng khả năng điều trị bệnh phức tạp hơn. Người bệnh thậm chí còn có rủi ro gặp phải các biến chứng, ảnh hưởng khả năng sinh sản, sinh lý.

Do đó, tốt hơn hết mỗi người nên nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa bệnh viêm niệu đạo từ sớm. Một số lưu ý như sau:

  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, lựa chọn dung dịch vệ sinh lành tính, chứa hoạt chất an toàn cho da, không gây kích ứng. Không nên dùng những loại có chứa chất tẩy mạnh.
  • Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su, dùng loại không chứa chất gây kích ứng. Chung thủy đời sống 1 vợ 1 chồng, không quan hệ bừa bãi với nhiều người.
  • Vệ sinh cơ quan sinh dục trước và sau khi quan hệ để giảm nguy cơ viêm nhiễm bộ phận sinh dục gây viêm niệu đạo hoặc ngược lại.
  • Bổ sung cho cơ thể đầy đủ dưỡng chất, lựa chọn những thực phẩm có lợi cho sức khỏe, tăng cường đề kháng như rau củ quả, trái cây tươi. Hạn chế ăn nhiều đồ ăn dầu mỡ, đồ ăn có nhiều đường,....
  • Xây dựng lối sống lành mạnh, tập thể dục, vận động cơ thể duy trì vóc dáng, tăng cường đề kháng, nâng cao hệ miễn dịch chống lại nhiều bệnh lý.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi, làm việc hợp lý, không nên để cơ thể bị stress, căng thẳng trong thời gian dài.
  • Khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra khi cơ thể xuất hiện các biểu hiện bất thường. Can thiệp điều trị bệnh càng sớm càng giúp bạn phòng ngừa được nhiều rủi ro.

Có thể bạn quan tâm: Các thuốc trị viêm niệu đạo tốt nhất hiện nay và lưu ý

Những câu hỏi quan trọng khi khám

1. Bệnh viêm niệu đạo do nguyên nhân nào gây ra?

2. Tôi có thể phát hiện viêm niệu đạo qua những triệu chứng nào?

3. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm viêm niệu đạo gì?

4. Nếu không điều trị viêm niệu đạo tôi sẽ gặp biến chứng gì?

5. Điều trị viêm niệu đạo bằng thuốc có trị dứt điểm không?

6. Tôi cần dùng thuốc trong bao lâu? Có tác dụng phụ không?

7. Tôi cần làm gì trong thời gian điều trị để bệnh nhanh khỏi?

8. Trường hợp tôi bị biến chứng viêm niệu đạo phải làm sao?

9. Khi nào tôi cần đến bệnh viện tái khám?

10. Bệnh viêm niệu đạo có lây từ người này sang người khác không?

Viêm niệu đạo là bệnh lý thường gặp, ai cũng có khả năng mắc bệnh, trong đó nữ giới chiếm tỷ lệ cao hơn so với nam giới. Chủ động thăm khám và điều trị viêm niệu đạo càng sớm càng giúp bạn phòng tránh được nhiều rủi ro, đặc biệt là nguy cơ biến chứng nguy hại.