Tiểu rắt

Tiểu rắt có thể xảy ra do ảnh hưởng bởi thói quen sinh hoạt hàng ngày hoặc bệnh lý và nhiều nguyên nhân khác. Trường hợp tình trạng tiểu rắt kéo dài kèm theo các biểu hiện bất thường khác cần được thăm khám sớm. Phòng ngừa nguy cơ bệnh lý gây tiểu rắt biến chứng có thể gây ra nhiều ảnh hưởng sức khỏe và đời sống của người bệnh.

Tổng quan

Bệnh tiểu rắt là vấn đề về đường tiết niệu có thể xảy ra ở cả nam giới lẫn nữ giới, nguyên nhân gây bệnh đa dạng. Người bị tiểu rắt có lượt đi tiểu nhiều hơn nhiều lần so với bình thường, tuy nhiên lượng nước tiểu rất ít.

Tiểu rắt
Tiểu rắt có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào do ảnh hưởng thói quen, bệnh lý nền,...

Bên cạnh đó, một số người còn gặp tình trạng mắc tiểu nhưng tiểu không ra. Tình trạng rối loạn tiểu tiện này có thể khắc phục bằng các biện pháp tại nhà nếu nguyên nhân gây bệnh liên quan đến sinh hoạt, chế độ ăn uống hàng ngày.

Ngược lại, nếu hiện tượng tiểu rắt không thuyên giảm, ngày càng trở nên nặng nề rất có thể bệnh nhân đang mắc phải các vấn đề sức khỏe nặng hơn. Hãy cảnh giác với biểu hiện bất thường của cơ thể, việc điều trị kịp thời là rất quan trọng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân gây tiểu rắt có thể đến từ thói quen sinh hoạt, đời sống và các vấn đề sức khỏe. Cụ thể:

Tiểu rắt do thói quen sống:

  • Sử dụng các đồ uống chứa ga, chứa cồn, chất kích thích quá nhiều.
  • Không bổ sung đủ nước cho cơ thể, uống nước quá ít.
  • Ăn quá nhiều đồ ăn cay nóng, đồ ăn quá ngọt, đồ nóng.
  • Vận động, làm việc quá sức, khiêng vác nặng,... ảnh hưởng đến hệ bài tiết của cơ thể.
  • Tác dụng phụ khi dùng các thuốc giãn cơ, thuốc huyết áp.
  • Tiểu rắt ở phụ nữ đang mang thai, nhất là các mẹ bầu gần cuối thai kỳ kích cỡ em bé lớn chèn lên bàng quang.
  • Tổn thương do tai nạn, té ngã ảnh hưởng đến khu vực đường tiết niệu.
  • Tổn thương do quan hệ tình dục thô bạo.

Tiểu rắt do bệnh lý:

  • Các bệnh lý về thận là nguyên nhân gây tiểu rắt nhiều người gặp phải. Người bệnh nhận thấy nhiều dấu hiệu bất thường khi đi tiểu. Một số trường hợp phổ biến như bệnh thận yếu, suy thận, viêm nhiễm đường tiểu, thận ứ nước,...
  • Liên quan đến bệnh lý trực tràng như nhiễm giun kim, bệnh trực tràng, thậm chí là ung thư.
  • Phụ nữ tiểu rắt do viêm phần phụ, có u xơ, u nang, ung thư. Nam giới viêm đường tiết niệu, gặp vấn đề niệu đạo, ống dẫn tinh, mắc bệnh sinh lý nam,...

Những đối tượng có nguy cơ gặp phải tình trạng tiểu rắt là người già, trẻ em, những người đang có bệnh nền, sử dụng thuốc điều trị bệnh, người bị dư cân, béo phì. Ngoài ra, theo thống kê số lượng bệnh nhân nữ được ghi nhận cao hơn nhiều so với nam giới.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Người bệnh gặp phải các dấu hiệu bất thường ở khi đi tiểu:

  • Mắc tiểu thường xuyên, đi tiểu nhiều lần trong ngày.
  • Nước tiểu ít, khi tiểu có cảm giác khó chịu.
  • Tiểu ra dịch, lẫn máu, cục máu đông.
  • Đau vùng bụng dưới, cảm thấy căng tức bàng quan, đau khu vực thắt lưng.
  • Mắc tiểu nhưng tiểu không ra.

Trường hợp nước tiểu có màu sắc lạ cần chú ý, người bệnh có khả năng mắc phải các viêm nhiễm, bệnh về thận,... Nếu gặp phải một số triệu chứng đã liệt kê bên trên, bệnh nhân cần đến bệnh viện thăm khám, chẩn đoán bệnh và điều trị sớm.

Chẩn đoán tiểu rắt
Gặp bác sĩ thăm khám kiểm tra tình trạng tiểu rắt do nguyên nhân nào gây ra

Chẩn đoán

Người bệnh được chỉ định thực hiện các xét nghiệm nhằm phân tích, đánh giá bệnh lý, đưa ra phương án điều trị thích hợp nhất. Các xét nghiệm như:

  • Xét nghiệm nước tiểu
  • Xét nghiệm máu
  • Chụp X quang
  • Các xét nghiệm chuyên biệt niệu động học

Sau khi có kết luận về bệnh lý, tình hình tổn thương hay những vấn đề liên quan mà bệnh nhân gặp phải, phác đồ điều trị được xây dựng phù hợp. Người bệnh nên đến bệnh viện uy tín, khám và chữa trị tình trạng tiểu rắt, tránh nguy cơ viêm nhiễm, tổn thương nặng gây hại sức khỏe.

Biến chứng và tiên lượng

Tình trạng tiểu rắt có thể được cải thiện nếu người bệnh điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống đều độ. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giúp giảm viêm, điều trị vấn đề gây tiểu rắt. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người chủ quan khiến bệnh ngày càng nặng nề, biến chứng.

Trường hợp tiểu rắt do viêm nhiễm có thể lan rộng, ảnh hưởng đến các cơ quan khác khi vi khuẩn ngược dòng xâm nhập thận, niệu quản, túi tinh, ống dẫn tinh, tinh hoàn,... Đây là biến chứng có khả năng xảy ra nếu bệnh nhân không khắc phục, điều trị nguyên nhân gây tiểu rắt đúng cách.

Ngoài ra, tình trạng tiểu rắt còn có thể gây ra các hệ lụy đến bộ phận sinh dục, tăng nguy cơ rối loạn cương dương ở nam giới, viêm nhiễm phụ khoa ở nữ, ảnh hưởng đời sống tình dục và sức khỏe sinh sản. Do đó, bệnh nhân nên đến bệnh viện thực hiện các xét nghiệm, kiểm tra tìm ra nguyên nhân gây tiểu rắt để có cách can thiệp phù hợp.

Điều trị

Tiểu rắt có thể tự khỏi mà không cần điều trị bằng biện pháp phức tạp, người bệnh có thể điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt để ổn định hoạt động tiểu tiện. Tuy nhiên trường hợp tiểu rắt liên quan đến bệnh về thận, bàng quang, niệu đạo,... người bệnh cần được điều trị kiểm soát bằng thuốc hoặc biện pháp y khoa chuyên nghiệp hơn.

Dưới đây là những cách chữa tiểu rắt thường được áp dụng:

Điều trị không dùng thuốc:

  • Lựa chọn các thực phẩm lành mạnh, không ăn đồ cay nóng, dầu mỡ, đồ ăn quá ngọt, quá béo,...
  • Không nên uống nhiều bia rượu, đồ uống chứa cồn, nước ngọt có ga, tốt nhất nên uống nước lọc hoặc xen kẽ các loại nước ép trái cây nguyên chất.
  • Đi tiểu cố định vào các khoảng thời gian trong ngày, cố gắng kéo dài thời gian giữa các lần đi tiểu rắt. Việc này hỗ trợ tập thói quen giữ nước cho bàng quan để hạn chế đi tiểu quá nhiều lần.
  • Uống đủ nước mỗi ngày, không nên uống nhiều nước vào buổi tối trước khi đi ngủ để hạn chế việc đi tiểu vào ban đêm.

Điều trị bằng thuốc:

Sử dụng thuốc tân dược điều trị tiểu rắt liên quan đến các bệnh về thận, đường tiểu, viêm nhiễm,... Mỗi trường hợp được chỉ định loại thuốc phù hợp. Bệnh nhân không nên lạm dụng thuốc để tránh rủi ro gặp phải các tác dụng phụ nguy hiểm.

Điều trị tiểu rắt
Dùng thuốc điều trị tiểu rắt theo phác đồ tương ứng tình trạng sức khỏe của bệnh nhân

Dựa trên kết quả chẩn đoán, thuốc trị bệnh lý tương ứng được chỉ định. Một số loại phổ biến gồm:

  • Thuốc kháng sinh: Chỉ định điều trị tiểu rắt do viêm đường tiết niệu, viêm nhiễm phụ khoa,... Thuốc giúp ngăn chặn tình trạng vi khuẩn lan rộng, ảnh hưởng đến các cơ quan khác. Các loại kháng sinh như trimethoprim, fosfomycin, sulfamethoxazole, nitrofurantoin,... Sử dụng thuốc trong vòng 1 tuần hoặc kéo dài, tùy mức độ viêm nhiễm.
  • Thuốc giãn cơ trơn: Đây cũng là nhóm thuốc được dùng cho bệnh nhân mắc chứng tiểu rắt. Thuốc giúp giảm đau, giảm khó chịu khi đi tiểu cho bệnh nhân. Một số loại như nospa, thuốc nhóm alpha 1,...
  • Thuốc ức chế thần kinh: Chỉ định cho bệnh nhân rối loạn chức năng bàng quang, các loại như oxybutynin, darifenacin, tolterodin,... Mục đích hỗ trợ người bệnh cải thiện các vấn đề liên quan đến dây thần kinh trung ương, giúp thư giãn bàng quang, phục hồi khả năng kiểm soát cơ vòng giúp hoạt động tiểu tiện sớm ổn định.

Các phương pháp khác: Ngoài các phương pháp kể trên, bệnh nhân có thể được chỉ định tiêm botox vào cơ bàng quang, tác dụng giúp thư giãn bộ phận này, hạn chế tình trạng rò rỉ nước tiểu. Trường hợp nặng, người bệnh phải phẫu thuật để cấy loại thiết bị nhân tạo nhằm hỗ trợ người bệnh kiểm soát cơn co cơ sàn chậu. Mỗi tình trạng bệnh sẽ có cách điều trị sao cho hiệu quả và an toàn nhất.

Phòng ngừa

Tiểu rắt có thể cải thiện sau một thời gian mà không cần điều trị quá chuyên sâu. Những trường hợp tiểu rắt do liên quan đến bệnh lý nền khác sẽ có phác đồ điều trị riêng. Việc chủ quan không khám và khắc phục tiểu rắt có thể gây biến chứng, đặc biệt là khi rối loạn tiểu tiện liên quan đến viêm nhiễm, tổn thương.

Ngoài các lưu ý về việc thăm khám chữa bệnh sớm, chuyên gia luôn khuyến khích người dân nên chủ động bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa tiểu rắt nói riêng và các bệnh lý liên quan khác. Trong đó, việc điều chỉnh thói quen sinh hoạt, ăn uống được ưu tiên hàng đầu.

Bên cạnh một số vấn đề khác như vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ hàng ngày, trước khi quan hệ và sau khi quan hệ, loại bỏ các thói quen xấu có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng đời sống và sức khỏe. Tránh xa những thực phẩm, thức uống không có lợi cho sức khỏe,...

Người bệnh xây dựng một thói quen sống, chế độ dưỡng lành mạnh và khoa học giúp nâng cao sức khỏe, tăng đề kháng giúp chống lại các tác nhân gây hại. Kết hợp thăm khám sức khỏe định kỳ, phát hiện các bệnh lý nguy cơ càng sớm càng giúp bạn có nhiều cơ hội điều trị, bảo đảm an toàn sức khỏe.

Có thể bạn quan tâm: Khô miệng khát nước tiểu nhiều là bệnh gì?

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tiểu rắt do nguyên nhân nào gây ra?

2. Triệu chứng tiểu rắt là gì?

3. Tôi cần xét nghiệm những gì để chẩn đoán bệnh?

4. Tiểu rắt có liên quan đến bệnh lý nguy hiểm nào không?

5. Nếu không điều trị tiểu rắt có tự khỏi không?

6. Tôi cần sử dụng thuốc gì để điều trị tiểu rắt?

7. Sử dụng thuốc trong bao lây thì tình trạng tiểu rắt chấm dứt?

8. Tôi có gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc trị tiểu rắt không?

9. Trường hợp bệnh lý nào tôi cần phải áp dụng biện pháp can thiệp chuyên sâu hơn?

10. Khả năng tái phát bệnh là bao nhiêu?

Tiểu rắt là hiện tượng bất thường ở đường tiết niệu gặp phải ở rất nhiều người. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây tiểu rắt mà biện pháp điều trị được áp dụng tương ứng. Đặc biệt trường hợp tiểu rắt kéo dài do bệnh lý thận, bàng quang,... không điều trị có thể gây biến chứng nguy hiểm. Do đó, tốt hơn hết bệnh nhân nên sớm thăm khám để được hỗ trợ khắc phục sớm.