Bệnh Rối Loạn Lipid Máu
Rối loạn lipid máu là bệnh lý sinh học phổ biến ở những người thừa cân béo phì, tiểu đường, huyết áp... hoặc chính tình trạng này làm tăng nguy cơ gây ra các vấn đề sức khỏe này. Nếu bệnh tiến triển lâu ngày không điều trị có thể gây biến chứng xơ vữa động mạch và các rối loạn tim mạch nguy hiểm khác đe dọa tính mạng người bệnh. Điều trị rối loạn lipid máu chủ yếu dựa vào điều chỉnh ăn uống sinh hoạt hoặc dùng thuốc hạ lipid máu.
Tổng quan
Lipid (chất béo/mỡ) tồn tại trong màng tế bào và có nhiều nhiệm vụ quan trọng như:
- Là tiền thân của các loại hormone, acid mật;
- Duy trì tính toàn vẹn của các tế bào bào;
- Là nơi dự trữ năng lượng dư thừa trong cơ thể;
- Truyền dẫn tín hiệu nội bào, ngoại bào;
- Hỗ trợ các tế bào phân chia thành những cơ quan khác nhau;
Thông thường, trong cơ thể con người có 3 nhóm lipid chính gồm cholesterol, phospholipid và triglyceride. Để có thể di chuyển thuận lợi trong máu, mang dưỡng chất cung cấp cho các tế bào cần có sự hỗ trợ của các apoprotein được hình thành từ các nhóm lipoprotein với 4 nhóm chính gồm: Chylomicron, LDL, LVDL và HDL. Trong đó, LDL-C là loại cholesterol có hại tăng nguy cơ gây xơ vữa động mạch, còn HDL-C là loại tăng cường bảo vệ thành mạch.
Rối loạn lipid máu (Dyslipidemia) là tình trạng rối loạn bất thường các chỉ số lipid máu như tăng cholesterol (TC), triglyceride (TG), LDL-C và giảm HDL-C. Điều này đồng nghĩa với việc trong máu có quá nhiều lipid gây hại. Bệnh lý này còn được gọi bằng các cái tên khác như rối loạn mỡ máu, rối loạn chuyển hóa lipid máu, rối loạn chuyển hóa mỡ máu...
Tình trạng này thường xảy ra kèm theo hoặc là yếu tố làm tăng nguy cơ khởi phát các bệnh lý tim mạch, chuyển hóa, nội tiết... Rối loạn lipid máu là bệnh lý có tiên lượng xấu nếu người bệnh chủ quan trong điều trị. Có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như gan nhiễm mỡ, nhiễm lipid võng mạc, viêm tụy cấp, nhồi máu cơ tim...
Phân loại
Bệnh rối loạn lipid máu được phân chia làm 2 dạng chính dựa vào căn nguyên, mức độ tiến triển bệnh gồm:
- Rối loạn lipid máu nguyên phát: Là tình trạng tăng các lipid có hại và giảm lipid có lợi do gen và thường khi gặp phải;
- Rối loạn lipid máu thứ phát: Là những trường hợp rối loạn lipid máu xảy ra sau các đợt rối lạn chuyển hóa như nghiện rượu, thừa cân béo phì, cường giáp, suy giáp, thận hư, suy thận...;
Ngoài ra, dựa theo các tiêu chuẩn quy ước của một số Tổ chức lớn trên giới, bệnh rối loạn lipid máu được chia làm nhiều loại khác như sau::
- Phân loại theo Fredrickson:
- Nhóm I: Tăng Chylomicron và TGs;
- Nhóm II: Tăng LDL-C và Cholesterol;
- Nhóm III: Tăng LDL-C và VLDL-C cùng TDs và cholesterol;
- Nhóm IV: Tăng VLDL-C và TGs;
- Nhóm V: Tăng Chylomitron và VLDV cùng TGS và cholesterol;
- Phân loại theo EAS (European Atherosclerosis Society):
- Lipoprotein tăng, tăng cholesterol (LDL), triglycerides (VLDL) hoặc thể hỗn hợp LDL + VLDL;
- Lipid tăng, tăng Cholesterol toàn phần, tăng triglycerides hoặc thể tăng kết hợp giữa cholesterol toàn phần + triglycerides;
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân
Có 2 nguyên nhân chính gây rối loạn lipid máu là nhóm nguyên phát và thứ phát. Cụ thể từng nhóm cụ thể với các nguyên nhân như sau:
Nguyên nhân rối loạn lipid máu nguyên phát
Rối loạn lipid máu do gen là nguyên nhân hiếm gặp, xảy ra do tình trạng tăng đột biến quá trình tổng hợp cholesterol và triglyceride, LDL-C, nhưng lại giảm đào thải chúng kèm theo giảm tổng hợp hoặc tăng thải HDL-C. Nguyên nhân này thường xảy ra ở trẻ nhỏ hoặc người trẻ tuổi, có liên quan đến các rối loạn gen và ít khi kèm theo tình trạng béo phì.
Nhóm nguyên nhân nguyên phát đươc chia làm 2 dạng chính gồm:
- Tăng Lipid máu hỗn hợp: Là tình tăng cholesterol máu có tính chất gia đình dị hợp tử. Đặc trưng của tình trạng này là tăng quá trình tổng hợp hoặc giảm các lipoprotein. Dựa trên các biểu hiện lâm sàng, thường xuất hiện kèm theo béo phì, tăng acid uric máu, phát ban vàng, kháng insulin gây đái tháo đường type 2.
- Tăng Triglyceride: Là dạng rối loạn lipid máu nguyên phát do di truyền theo gen lặn. Khác với dạng trên, bệnh nhân nhóm này thường không có dấu hiệu béo phì, cường lách, lách lớn, nhồi máu lách, tình trạng thiếu máu giảm tiểu cầu, đau bụng do viêm tụy cấp...
Nguyên nhân gây rối loạn lipid máu thứ phát
Nhóm bệnh này thường khởi phát sau các rối loạn chuyển hóa khác do các yếu tố tác nhân sau:
- Người có lối sống tĩnh tại, thừa cân béo phì làm giảm lượng HDL-C;
- Bệnh nhân đái tháo đường, nghiện rượu, suy thận mạn thường tăng TG và Cholesterol toàn phần hoặc tăng HDL-C;
- Người bị ngược giáp tăng cholesterol toàn phần, còn bị cường giáp sẽ giảm cholesterol toàn phần;
- Bệnh nhân xơ gan và các bệnh ác tính khác làm giảm cholesterol toàn phần;
- Hội chứng Cushing, hội chứng thận hư, bệnh gan tắc nghẽn hoặc sử dụng các loại thuốc tránh thai, ức chế beta, lợi tiểu... thường bị tăng cholesterol toàn phần. Có thể kèm theo giảm HDL-C, tăng TG;
Yếu tố nguy cơ
Một số đối tượng làm tăng nguy cơ gây rối loạn lipid máu như:
- Người lớn tuổi;
- Phụ nữ sau giai đoạn mãn kinh;
- Người ít vận động, nghiện rượu, hút thuốc lá, lối sống sinh hoạt kém khoa học, tiêu thụ quá mức các loại thực phẩm giàu chất béo chuyển hóa, chất béo bão hòa;
- Người có bố hoặc mẹ mắc bệnh rối loạn lipid máu;
- Ảnh hưởng từ các bệnh lý như hội chứng Cushing, hội chún chuyển hóa, suy giáp, bệnh thận, gan mãn tính, tiểu đường type 2, bệnh viêm ruột;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Các chuyên gia cho biết, rối loạn lipid máu thường ít có các triệu chứng đặc hiệu nên rất khó nhận biết thông qua lâm sàng. Một số dấu chứng điển hình của rối loạn lipid máu được biểu hiện cả bên ngoài lẫn bên trong nội tạng như:
- Ban vàng (Xanthomas)
- Thể trạng béo phì
- Biến chứng ở tim như tai biến mạch máu não, xơ vữa gây bệnh mạch vành...
- Viêm tụy cấp
- Nhiễm lipid võng mạc (lipemia retinalis)
- Gan nhiễm mỡ (hepatic steatosis)
- Cung giác mạc (arc cornea)
- U vàng da (cutaneous hoặc tuberous xanthomas), u vàng gân (tendon xanthomas) và u vàng dưới màng xương
- ...
Chẩn đoán
Một người được chẩn đoán mắc rối loạn lipid máu khi có các triệu chứng lâm sàng sau:
- Tăng Triglyceride > 1.7 mmol/L (tương đương 150mg/dL);
- Tăng Cholesterol toàn phần > 5.2 mmol/L (tương đương 200mg/dL);
- Tăng LDL-C > 2.58 mmol/L (tương đương 100mg/dL);
- Giảm HDL-C < 1.03 mmol/L (tương đương 40mg/dL);
Để thu thập được các chỉ số này để phục vụ công tác chẩn đoán rối loạn lipid máu, bệnh nhân sẽ được chỉ định làm xét nghiệm máu, định lượng thành phần mỡ máu. Mẫu máu được lấy vào buổi sáng sớm khi chưa ăn để có kết quả chính xác nhất.
Ngoài ra, đối với những trường hợp rối loạn lipid máu hỗn hợp khi xét nghiệm máu sẽ có chỉ số cholesterol > 6.2 mmol/L và TG dao động trong khoảng 2.26 - 4.5 mmol/L. Tùy theo từng hợp bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng khác như:
- Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu;
- Đo chỉ số đường huyết khi đói, creatinine, AST, ALT, BUN...;
- Đo điện tim;
- Chụp X quang tim phổi;
- Siêu âm bụng;
- ...
Biến chứng và tiên lượng
Tình trạng rối loạn lipid máu được đánh giá là vấn đề sức khỏe tim mạch đáng lo ngại. Vì khi lượng mỡ dư thừa tích tụ quá mức trong máu sẽ khiến hệ thống động mạch bị tổn thương nghiêm trọng. Áp lực lớn từ dòng máu tác động nghiêm trọng đến các nội mạc động mạch, hình thành tổn thương, khiến chúng xơ hóa, dày lên và tập hợp thành các mảng xơ vữa, mất khả năng đàn hồi.
Đây cũng chính là lý do vì sao đa phần bệnh nhân rối loạn lipid máu đều phải đánh giá bệnh lý tim mạch đầu tiên. Trường hợp chủ quan, lơ là không điều trị sớm làm tăng nguy cơ khởi phát một số biến chứng nguy hiểm như:
- Nhồi máu cơ tim
- Nhồi máu não
- Viêm tắc thiếu máu hoại tử bàn chân do động mạch hai chi dưới bị tổn thương
- Thiếu máu cơ tim (chứng thiểu năng vành)
- Hẹp lòng mạch máu (chứng tắc mạch)
- Đột quỵ
- Tăng cao huyết áp bất thường do tim co bóp nhiều để bơm máu
- Gan nhiễm mỡ
- Bệnh thận
- Bệnh lý mạch máu ngoại biên
- Thừa cân béo phì, hội chứng chuyển hóa, tăng nguy cơ đái tháo đường...
Tiên lượng bệnh rối loạn lipid máu khá tốt nếu phát hiện bệnh sớm và áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp ngay từ đầu. Tùy vào kết quả chẩn đoán bệnh ở từng trường hợp cụ thể sẽ có các chỉ định điều trị chuyên biệt. Có người chỉ cần điều chỉnh lối sống khoa học, ăn uống và vận động lành mạnh để cải thiện bệnh, nhưng cũng có nhiều trường hợp phải sử dụng thuốc theo toa của bác sĩ để đạt và tái khám thường xuyên.
Ngược lại, nếu chủ quan và chậm trễ trong việc điều trị, để chỉ số triglyceride tăng liên tục vượt ngưỡng cho phép gây các biến chứng nguy hiểm, bệnh nhân sẽ phải nhập viện điều trị nội trú trong trạng thái tụt huyết áp, suy thận, suy hô hấp cấp. Điều trị biến chứng trong giai đoạn này là điều cần thiết, tuy nhiên tiên lượng lúc này thường rất xấu, tỷ lệ tử vong cao.
Điều trị
Theo các tài liệu y học, nguyên tắc điều trị rối loạn lipid máu luôn hướng đến mục tiêu bảo tồn chức năng các tạng, ổn định chỉ số lipid máu, cải thiện triệu chứng bệnh và dự phòng biến chứng. Để đạt hiệu quả điều trị tối ưu, bác sĩ thường chỉ định phối hợp thực hiện 2 biệ pháp sau:
Điều chỉnh sinh hoạt & ăn uống
Chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị rối loạn lipid máu và giảm nguy cơ biến chứng như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tiểu đường, suy tim, ung thư...
Chế độ dinh dưỡng
Nguyên tắc dinh dưỡng cho bệnh nhân rối loạn lipid máu gồm các tiêu chí sau:
- Giảm nguồn năng lượng nạp vào cơ thể nhằm duy trì cân nặng ở mức phù hợp;
- Loại bỏ các loại thực phẩm chứa nhiều acid béo no;
- Giảm lượng cholesterol nạp vào cơ thể, < 250mg/ngày, thay bằng nguồn chất béo thực vật;
- Tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin & khoáng chất phù hợp với nhu cầu của cơ thể;
- Bổ sung khoảng 20 - 30g chất xơ/ngày;
Một số loại thực phẩm bệnh nhân rối loạn lipid máu nên ăn và nên kiêng:
- Thực phẩm nên ăn:
- Nhóm chất béo (lipid): dầu thực vật, tỏi, các loại cá giàu omega-3;
- Nhóm chất đạm (protein): thịt gia cầm bỏ da, thịt nạc heo, bò, đậu nành, đậu đỗ, sữa tươi ít béo hoặc tách béo;
- Nhóm bột đường (glucid): bánh mì đen hoặc gạo, ngũ cốc nguyên cám, còn nguyên hạt;
- Nhóm rau củ quả: Rau xanh, trái cây, củ quả giàu chất xơ, các chất chống oxy hóa, vitamin C, E, selen, beta-carotene như rau chân vịt, bông cải xanh, cà chua, cà rốt, bơ, việt quất, măng tây, rau má, đậu hà lan, măng khô, giá đậu xanh, cải cúc, cam, đào,...;
- Thực phẩm nên kiêng:
- Thức phẩm chứa nhiều chất béo như da, mỡ;
- Các loại thực phẩm chứa nhiều cholesterol như gan gà, óc lợn, gan bò, mề gà, lòng gà...;
- Giảm bớt lượng muối trong chế biến thức ăn hoặc hạn chế ăn những món ăn mặn;
- Thực phẩm nhiều đường như bánh, kẹo, socola, nước ngọt có gas...;
- Gạo xay kỹ, bánh mì trắng, các loại mì miến...;
- Rượu bia, thuốc lá;
Chế độ sinh hoạt
Bên cạnh chế độ ăn uống, bệnh nhân rối loạn lipid máu cũng cần thực hiện điều chỉnh lối sống sinh hoạt khoa học để hỗ trợ trị bệnh hiệu quả.
- Vận động tích cực bằng những bộ môn thể thao vừa sức như đi bộ, yoga, đạp xe... giúp duy trì cân nặng (chỉ số < 22 là tốt nhất);
- Việc tập luyện nên được duy trì mỗi ngày hoặc ít nhất 5 ngày/ tuần, mỗi lần 30 phút.
- Ngủ đủ giấc, không thức khuya, cân đối với thời gian làm việc, không làm việc quá sức;
- Tránh stress, căng thẳng;
Dùng thuốc
Sử dụng thuốc điều trị rối loạn lipid máu thường được chỉ định cho những trường hợp mắc bệnh do rối loạn chuyển hóa do bất thường về gen hoặc di truyền từ gia đình. Hoặc sau đợt chăm sóc tích cực 2 - 3 tháng nhưng bệnh không thuyên giảm cũng sẽ được chỉ định dùng thuốc.
Một số loại thuốc có tác dụng hạ rối loạn lipid máu thường dùng như:
Nhóm Statin (HMG-CoA reductase inhibitors)
Thường chỉ định dùng trong trường hợp tăng TC và LDL-C. Có tác dụng ức chế sự hình thành enzyme tổng hợp TC. Khi chỉ số TC nội sinh giảm sẽ kích thích làm tăng các thụ thể LDL-C ở gan. Không những vậy, thuốc còn có tác dụng giảm viêm, giảm nguy cơ hình thành các mảng xơ vữa và thúc đẩy tổng hợp oxide nitric (ON). Các loại thuốc Statin phổ biến và liều dùng khuyến cáo như:
- Rosuvastatin liều 10 - 20mg/ngày;
- Lovastatin liều 20 - 40mg/ngày;
- Pravastatin liều 20 - 40mg/ngày;
- Rosuvastatin liều 10 - 20mg/ngày;
- Simvastatin liều 10 - 20mg/ngày;
- Fluvastatin liều 20 - 40mg/ngày;
Lưu ý, dùng nhóm thuốc Statin trị rối loạn lipid máu cần tuân thủ liều dùng để tránh gây ra tác dụng phụ như tăng men gan hoặc tránh kết hợp với các thuốc kháng sinh nhóm macrolid vì có thể làm giảm tác dụng của thuốc. Người cao tuổi và người có bệnh lý về gan cũng cần thận trọng trước khi sử dụng.
Nhóm thuốc Resin gắn mật
Được chỉ định dùng cho bệnh nhân rối loạn lipid máu tăng LDL-C. Thuốc có tác dụng kích thích làm tăng bài tiết mật, tăng quá trình tổng hợp acid mật để làm giảm cholesterol tại gan, tăng quá trình thanh thải LDL-C.
Một số loại thuốc thường dùng như:
- Colestipol liều 5 - 10g/ngày;
- Cholestyramin liều 4 - 8g/ngày;
- Colessevelam liều 3750g/ngày;
Lưu ý một số tác dụng phụ của thuốc như táo bón, buồn nôn, chướng bụng, đầy hơi...
Nhóm thuốc acid nicotinic
Bệnh nhân rối loạn lipid máu tăng TG, LDL-C và giảm HDL-C thường được chỉ định dùng loại thuốc này. Tác dụng chính của thuốc là giảm TG, giảm LDL, VLDL, tăng HDL và tăng thoái biến apo B, nhờ khả năng ức chế tổng hợp acid béo ở gan.
Các loại thuốc phổ biến trong nhóm này là các biệt dược như Niaspan, Niacor và Slo-niacin. Liều dùng được chỉ định bởi bác sĩ trong từng trường hợp cụ thể. Trong quá trình dùng thuốc, cần chú ý một số tác dụng phụ ngoài ý muốn như: rối loạn tiêu hóa, tăng men gan, suy gan, phát ban, ngứa da, sỏi mật, kháng insulin... Nhất là với người cao tuổi hoặc người có tiền sử bệnh gan, thận.
Nhóm thuốc dẫn xuất Fibrate (acid fibric)
Có tác dụng giảm TG, tăng thanh thải số lượng lớn lipoprotein chứa TG và VLDL, đồng thời tăng HDL. Một số loại thuốc phổ biến như:
- Clofibrat liều 1000mg/ngày;
- Gemfibrozil liều 600mg/ngày;
- Fenofibrat liều 145mg/ngày;
Chú ý tuân thủ liều dùng để tránh gặp các tác dụng phụ như buồn nôn, khó tiêu, phát ban, sỏi mật, tăng men gan, tăng men cơ... Chống chỉ định sử dụng với người suy gan, thận và phụ nữ có thai, đang cho con bú.
Một số loại thuốc khác
- Thuốc Ezetimibe: Giúp ức chế ruột hấp thu TG, nhờ đó giảm LDL-C và tăng HDL-C. Liều dùng khuyến cáo khoảng 10mg/ngày;
- Thuốc Omega-3: Dùng cho trường hợp tăng TG, có tác dụng tăng quá trình dị hóa tại gan với liều khuyến cáo là 3g/ngày và liều tối đa là 6g/ngày;
- Thuốc thay thế hormone sinh dục nữ: Chị em phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh bị rối loạn lipid máu có thể sử dụng estrogen để hỗ trợ tăng HDL-C và giảm LDL-C;
Các chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân khi được chỉ định sử dụng thuốc trị rối loạn lipid máu cần chú ý tuân thủ tuyệt đối liều dùng. Và vì hầu hết thuốc đều được chuyển hóa và đào thải qua gan nên cần sử dụng kết hợp với một số loại thuốc bảo vệ chức năng gan. Đồng thời, định kỳ xét nghiệm máu kiểm tra chỉ số TG và Cholesterol 3 - 4 lần/tuần.
Phòng ngừa
Để phòng ngừa rối loạn lipid máu và những tai biến khó lường của bệnh, hãy chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng tích cực sau đây:
- Nghiêm khắc với bản thân hơn trong việc ăn uống hàng ngày, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản về dinh dưỡng khỏe mạnh để tránh làm dư thừa chất béo trong cơ thể, giảm nguy cơ gây rối loạn lipid máu.
- Vận động nâng cao sức khỏe thể trạng, tăng cường miễn dịch, đốt cháy mỡ thừa và làm tiêu hao năng lượng dư thừa trong ngày, tránh thừa cân béo phì và hỗ trợ tuần hoàn máu qua động mạch.
- Bắt tay vào công cuộc giảm cân lành mạnh ngay từ bây giờ bằng những phương pháp an toàn nhất, đó là kết hợp giữa ăn uống và tập luyện.
- Những người đã có bệnh lý nền như tiểu đường, huyết áp, tim mạch cần kiểm soát tốt tiến triển bệnh để tránh nguy cơ khởi phát thêm rối loạn lipid máu.
- Định kỳ thăm khám sức khỏe tổng quát và xét nghiệm chỉ số lipid máu ít nhất 6 tháng - 1 năm, nhất là với những người có tiền sử di truyền từ gia đình để sớm phát hiện bất thường.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tôi có những dấu hiệu lạ như ban vàng mí mắt, ở lòng bàn tay, nếp gấp ngón tay, nổi u dưới da... là dấu hiệu của bệnh gì?
2. Lý do khiến tôi mắc bệnh rối loạn lipid máu?
3. Bệnh rối loạn lipid máu có phải do tôi ăn nhiều đồ dầu mỡ và bị béo phì không?
4. Tiên lượng tình trạng bệnh của tôi có nguy hiểm không?
5. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không điều trị rối loạn lipid máu?
6. Tôi cần phải làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán rối loạn lipid máu?
7. Bệnh rối loạn lipid máu có thể điều trị khỏi dứt điểm được không?
8. Phương pháp điều trị rối loạn lipid máu nào tốt nhất dành cho trường hợp của tôi?
9. Nếu dùng thuốc trị rối loạn lipid máu lâu dài có gây tác dụng phụ không? Tôi càn cần làm gì để xử lý?
10. Điều trị rối loạn lipid máu mất bao lâu thì khỏi? Chi phí như thế nào?
11. Chế độ ăn uống và sinh hoạt cụ thể tôi cần tuân thủ trong quá trình điều trị rối loạn lipid máu?
12. Sau điều trị, bệnh rối loạn lipid máu có tái phát không?
Rối loạn lipid máu gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và cả tính mạng do các biến chứng tim mạch, viêm gan, viêm tụy... Do đó, khuyến cáo bệnh nhân nên thăm khám tại bệnh viện chuyên khoa để chẩn đoán và điều trị kịp thời bằng các biện pháp tích cực. Kết hợp điều chỉnh lối sống khoa học để dự phòng nguy cơ mắc và tái phát rối loạn lipid máu.