Bệnh Sỏi Thận

Sỏi thận là căn bệnh khá phổ biến trong xã hội hiện đại do những thói quen tiêu cực trong sinh hoạt hàng ngày như uống ít nước, ăn mặn, lười vận động, ngồi nhiều, nghiện caffein... Hầu hết trường hợp phát hiện và thăm khám chẩn đoán ra sỏi thận khi bệnh đã tiến triển ở mức độ nặng với những biểu hiện đau nhức, nhiễm trùng nặng, bắt buộc phải can thiệp y tế để điều trị càng sớm càng tốt.

Sỏi thận là kết quả của quá trình lắng đọng và tích tụ các hoạt chất dư thừa như oxalat, phosphat... nhưng không được thải ra ngoài

Tổng quan

Sỏi thận (Kidney Stone) là những khối cứng chắc với nhiều hình dạng khác nhau được hình thành và phát triển từ những tinh thể dư thừa lắng đọng trong nước tiểu. Tùy vào kích thước, số lượng khối sỏi to nhỏ khác nhau mà đưa ra kết luận chẩn đoán về mức độ bệnh.

Phần lớn trường hợp sỏi thận được chẩn đoán thường chứa hoạt chất oxalat (gốc muối acid oxalic) và phosphat (gốc acid phosphoric). Nhóm sỏi urat do acid uric ít gặp hơn. Bệnh sỏi thận thường diễn ra âm thầm trong thời gian dài và chỉ bùng phát khi kích thước sỏi lớn.

Phân loại

Sỏi thận là một trong những bệnh lý sỏi tiết niệu phổ biến, bên cạnh sỏi niệu quản, sỏi niệu đạo và sỏi bàng quang. Sỏi được phân chia làm nhiều dạng khác nhau, được phân loại dựa theo cấu tạo thành phần hóa học. Gồm 4 loại sau đây:

Sỏi đường tiết niệu nói chung gồm 4 loại cơ bản là sỏi canxi, sỏi struvite, sỏi acid uric, sỏi cystine

  • Sỏi canxi: Dạng sỏi này chiếm 85% trong tổng số các trường hợp bệnh sỏi thận. Có 3 dạng nhỏ gồm sỏi oxalat canxi màu đen, sỏi carbonat canxi màu trắng, sỏi phosphat canxi màu trắng bẩn hoặc màu vàng nhạt;
  • Sỏi struvite: Còn được gọi là sỏi san hô hoặc sỏi nhiễm trùng, được hình thành trong điều kiện nhiễm trùng đường tiết niệu. Dạng sỏi này chủ yếu xảy ra ở nữ giới mắc bệnh viêm đường tiết niệu, khối sỏi cứng chắc, có màu vàng trắng;
  • Sỏi acid uric: Dạng sỏi này được hình thành do tình trạng acid uric trong nước tiểu ở trạng thái bão hòa. Sỏi có màu đỏ cam như gạch cua, xảy ra ở những bệnh nhân có tiền sử bệnh acid uric máu, mắc bệnh gout hoặc các bệnh lý di truyền khác;
  • Sỏi cystine: Đây là hậu quả của quá trình đào thải cystine quá mức qua thận nhưng lại ít có khả năng hòa tan, chúng lắng đọng và tích tụ với nhau thành sỏi. Sỏi cystine thường có liên quan đến yếu tố di truyền, đây là loại sỏi không cản quang, có màu vàng nhạt, bề mặt trơn nhẵn. Dạng sỏi này có tỷ lệ mắc rất ít nhưng khi đã mắc lại rất hay tái phát;

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Như đã biết, bản chất của những khối sỏi thận là sự lắng đọng và kết tinh của các tinh thể dư thừa trong hệ tiết niệu. Các tinh thể này chính là các hóa chất dư thừa như acid uric, calci, cystine... Có nhiều nguyên nhân gây ra sự dư thừa và tích tụ quá mức của các hoạt chất này như sau:

Uống ít nước, ăn nhiều thực phẩm giàu canxi, đạm, lười vận động... là những nguyên nhân hàng đầu gây ra sỏi thận

  • Chế độ dinh dưỡng kém khoa học, ăn nhiều thực phẩm giàu đạm và canxi, nhiều muối, đường...;
  • Uống ít nước khiến nước tiểu cô đặc, không thể loại bỏ hết các các hóa chất dư thừa tạo điều kiện hình thành sỏi;
  • Lạm dụng quá mức và gây ra tác dụng phụ khi sử dụng các loại thuốc như thuốc chống co giật, thuốc lợi tiểu... Ngoài ra, tùy tiện sử dụng các loại thực phẩm chức năng giàu canxi cũng có thể gây sỏi thận;
  • Thói quen nhịn tiểu khiến các hoạt chất dư thừa tích tụ trong thời gian dài và khởi phát sỏi thận;
  • Ảnh hưởng từ tình trạng nhiễm trùng tại thận, cơ quan sinh dục hoặc đường tiết niệu gây viêm nhiễm, giảm chức năng lọc thải và lắng đọng độc tố trong thận, hình thành sỏi thận;
  • Các bất thường dị dạng bẩm sinh về hệ tiết niệu hoặc có tiền sử bệnh u xơ bàng quang, phì đại tuyến tiền liệt cũng có thể tích trữ nước tiểu, tạo thành các khối sỏi trong thận;

Yếu tố nguy cơ

Ngoài các nguyên nhân kể trên, một số yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ khởi phát sỏi thận như:

  • Tiền sử bệnh gia đình, độ tuổi và giới tính;
  • Môi trường sống và sinh hoạt, làm việc ô nhiễm, nhiều khói bụi, hóa chất;
  • Tinh thần căng thẳng, stress kéo dài;
  • Thừa cân béo phì;
  • Yếu tố chủng tộc, theo nghiên cứu nhóm người da trắng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người da đen;
  • Những người đang mắc bệnh hoặc đã từng phẫu thuật điều trị các bệnh đường tiêu hóa như viêm ruột, tiêu chảy mãn tính gây cản trở quá trình hấp thụ nước, canxi...;
  • ...

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Hầu hết bệnh nhân khi đến bệnh viện thăm khám và được chẩn đoán sỏi thận đều có những triệu chứng dưới đây với mức độ nặng nhẹ khác nhau:

Cảm giác đau lưng, hông kèm theo nôn mửa, sốt cao là những dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân sỏi thận

  • Đau nhức: Cảm giác đau xuất hiện đột ngột, kéo dài âm ỉ hoặc dữ dội ở vùng thắt lưng, hông, khu vực niệu quản hoặc gò mù và thường kèm theo cảm giác buồn nôn, nôn mửa liên tục. Đặc biệt, cơn đau cũng có thể xảy ra khi bệnh nhân đi tiểu;
  • Sốt: Bệnh nhân sỏi thận có dấu hiệu viêm thận, viêm ống thận kẽ hoặc viêm đài bể thận... thường kèm theo tình trạng sốt cao, ớn lạnh, rét run thường xuyên;
  • Tiểu ra máu: Bề mặt sỏi xù xì di chuyển trong thận gây tổn thương niêm mạc, làm rỉ máu. Nên khi thận bài tiết nước tiểu thường sẽ thấy có lẫn máu;
  • Tiểu buốt, rát: Sỏi di chuyển khi bài tiết nước tiểu gây đau nhức và kèm theo cảm giác rát, buốt, tiểu khó khiến người bệnh có xu hướng sợ việc tiểu tiện;
  • Thận gồ to: Ở giai đoạn nặng của sỏi thận, bạn có thể sờ thấy vùng lưng thận gồ lên do kích thước sỏi ngày càng lớn trong thận;

Chẩn đoán 

Chẩn đoán sỏi thận không thể chỉ dựa vào đánh giá các triệu chứng lâm sàng, nhất là trong giai đoạn đầu khi các triệu chứng vẫn còn đang trong thời điểm tiến triển âm thầm, chưa đặc hiệu. Bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng giúp phát hiện sỏi thận như:

Chẩn đoán sỏi thận chủ yếu dựa vào các xét nghiệm công thức và sinh hóa máu, nước tiểu cùng các chẩn đoán hỗ trợ

  • Xét nghiệm nước tiểu giúp đo lường nồng độ acid uric và canxi, đánh giá chức năng sỏi và nguy cơ hình thành sỏi;
  • Xét nghiệm công thức và sinh hóa máu nhằm xác định các chất có khả năng hình thành sỏi trong thận;
  • Nuôi cấy tìm tế bào và xác định vi khuẩn gây nhiễm trùng;
  • Xét nghiệm soi cặn lắng và đo nồng độ pH nước tiểu;
  • Các chẩn đoán hình ảnh giúp tìm kiếm và phát hiện sỏi, quan sát hình dạng, kích thước viên sỏi. Thường áp dụng nhất là:
    • Chụp X quang bụng;
    • Chụp CT scan;
    • Siêu âm;
    • Nội soi bàng quang;
    • Chụp hệ tiết niệu thông qua đường tĩnh mạch;

Biến chứng và tiên lượng

Sỏi thận là bệnh lý vô cùng phổ biến trong xã hội hiện nay, đến mức nhiều người quên mất rằng đây cũng là một bệnh lý về thận khá nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Một số hậu quả và rủi ro khó lường khi mắc bệnh sỏi thận như:

Bệnh nhân sỏi thận phải đối mặt với nhiều rủi ro và biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe

  • Tắc nghẽn đường tiết niệu: Sự xuất hiện ở khu vực đài bể thận di chuyển xuống niệu quản, niệu đạo và mắc kẹt tại đây gây tắc nghẽn dòng chảy bài tiết nước tiểu. Tình trạng này kéo dài khiến nước tiểu không thể thoát ra ngoài, ứ đọng lại trong bàng quang và cả thận, tăng nguy cơ khởi phát thận ứ nước với nhiều cấp độ từ nhẹ đến nặng và phát sinh nhiều biến chứng nguy hiểm khác như giãn vách thận, giãn niệu quản, giãn đài bể thận...
  • Viêm đường tiết niệu: Đây là một trong những biến chứng thường gặp nhất khi bị sỏi thận. Tình trạng nhiễm trùng xảy ra khi viên sỏi cọ xát vào các mô niêm mạc gây trầy xước, chảy máu và hình thành viêm nhiễm. 2 cơ quan đường tiết niệu dễ bị nhiễm trùng nhất là viêm bàng quang và viêm niệu đạo. Một số ít trường hợp nặng hơn là viêm nhiễm ngược dòng lên thận, khiến thận ứ mủ với các triệu chứng nhiễm trùng nghiêm trọng.
  • Suy thận: Suy thận là biến chứng nghiêm trọng nhất của sỏi thận. Xảy ra do tai biến thận ứ nước hoặc nhiễm trùng thận kéo dài khiến thận không đủ khả năng thực hiện tốt chức năng lọc thải độc tố dư thừa. Tùy theo tiến triển của bệnh và thời gian xảy ra mà suy thận xảy ra mức độ cấp hoặc mạn tính. Nghiêm trọng nhất của biến chứng này là tổn thương chức năng thận hoàn toàn, không thể phục hồi và người bệnh phải chạy thận nhân tạo lọc máu để duy trì sự sống.
  • Vỡ thận đột ngột: Biến chứng vỡ thận ở người bị sỏi thận khá hiếm gặp, chỉ khoảng 1 - 2% trường hợp. Chỉ khi lượng nước tiểu tích tụ đến mức độ nhất định tạo áp lực lớn cho thận, khiến vách thận bị giãn ra. Theo thời gian, vách thận ngày càng mỏng và vỡ ra đột ngột, bệnh nhân trong trường hợp này có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời.

Tuy là một bệnh lý về thận tương đối phức tạp về cơ chế hình thành với những tiến triển khó lường. Nhưng tiên lượng bệnh sỏi thận khá tốt, có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm và áp dụng can thiệp kịp thời bằng các biện pháp y tế phù hợp.

Điều trị

Tùy theo kích thước viên sỏi và mức độ nghiêm trọng của sỏi thận mà bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phương pháp điều trị phù hợp.

1. Trường hợp sỏi nhỏ, không có triệu chứng nặng

Đối với những trường hợp sỏi có kích thước nhỏ ≤ 4mm, cấu trúc khối sỏi trơn láng không gây triệu chứng nặng thường được ưu tiên điều trị nội khoa bằng các biện pháp sau:

Điều trị bằng thuốc kết hợp điều chỉnh chế độ ăn uống để cơ thể tự đào thải sỏi có kích thước nhỏ ra khỏi đường tiết niệu

  • Điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt:
    • Trung bình uống 2 - 2.5 lít nước/ ngày;
    • Bổ sung các loại thực phẩm chứa canxi với hàm lượng phù hợp, ăn ở mức vừa đủ các loại sản phẩm chế biến từ sữa như sữa tươi, sữa chua, phô mai... để tránh làm cho khối sỏi thận ngày càng phát triển;
    • Tăng cường sử dụng các loại thực phẩm giàu vitamin A và B6. Vì các loại thực phẩm này có tác dụng giảm nồng độ oxalat trong nước tiểu và ngăn chặn quá trình kết tủa sỏi oxalat. Đồng thời, hỗ trợ hệ thống bài tiết nước tiểu hoạt động trơn tru. Liều khuyến cáo khoảng 20 - 30g vitamin B6 và khoảng 5000 IU vitamin A trong ngày;
    • Giảm lượng muối nạp vào cơ thể, < 3g/ ngày, kèm theo giảm mỡ, giảm đường và tránh ăn các loại thực phẩm đóng hộp chứa nhiều chất bảo quản, thực phẩm muối chua;
    • Tránh sử dụng chất kích thích từ rượu bia, nước ngọt, trà đặc, cà phê...;
  • Dùng thuốc: Kết hợp song song với điều chỉnh thói quen ăn uống và sinh hoạt bằng các loại thuốc hỗ trợ để đạt hiệu quả điều trị cao. Có thể kể đến một số loại thuốc như:
    • Nhóm thuốc hỗ trợ đẩy sỏi ra ngoài như:
      • Thuốc giảm đau như như Ibuprofen, Naproxen..., thường dùng nhất là nhóm thuốc chẹn alpha giúp giãn cơ niệu quản;
      • Thuốc chống viêm không steroid, điển hình là Diclofenac (biệt dược Voltarene dạng ống 75mg) tiêm truyền tĩnh mạch;
      • Thuốc làm giãn cơ trơn dùng dưới dạng tiêm truyền tĩnh mạch như Drotaverin, Buscopan...;
      • Kiềm hóa nước tiểu bằng nhóm thuốc Bicarbonate de Sodium liều 5 - 10g/ ngày hoặc ức chế kiểm soát purine bằng thuốc Allopurinol liều khuyến cáo 100 - 300mg/ ngày đối với sỏi acid uric;
      • Loại thuốc trị sỏi thận thường dùng nhất là tamsulosin hoặc kết hợp tamsulosin + dutasteride;
    • Kết hợp dùng thuốc kháng sinh nếu có dấu hiệu nhiễm trùng do ảnh hưởng của các khối sỏi thận. Thuốc kháng sinh thường đáp ứng tốt với những loại vi khuẩn gram âm. Chẳng hạn như Quinolone, Cephalosporin thế hệ III, nhóm Aminoside... Cân nhắc liều dùng phù hợp và thể trạng sức khỏe, biến chứng suy thận (nếu có);

Lưu ý: Dùng thuốc đúng loại, đúng liều theo chỉ định của bác sĩ để tránh gây ra các tác dụng phụ ngoài ý muốn như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, phát ban, nổi mẩn ngứa da, suy giảm chức năng gan, thận...

2. Trường hợp sỏi lớn gây triệu chứng nghiêm trọng 

Sự phát triển của y học hiện đại với sự phát minh và ra đời của nhiều kỹ thuật ngoại khoa tân tiến, đem lại lợi ích rõ rệt trong việc điều trị loại bỏ các khối sỏi trong thận.

Tán sỏi

Trường hợp sỏi có kích thước > 2mm cần phải thực hiện tán sỏi càng sớm càng tốt để phục hồi chức năng thận và đường tiết niệu, giảm thiểu nguy cơ rủi ro nguy hiểm và phát sinh biến chứng phải phẫu thuật.

Tán sỏi là kỹ thuật tân tiến điều trị sỏi thận hiệu quả, an toàn và được áp dụng phổ biến nhất hiện nay

Một số kỹ thuật tán sỏi được áp dụng phổ biến hiện nay như:

  • Tán sỏi ngoài cơ thể: Kỹ thuật này thường được chỉ định cho những trường hợp khối sỏi có kích thước < 2mm. Sử dụng thiết bị tán sỏi chuyên dụng dùng sóng xung kích hoặc tia laser để phá vỡ, đập nát vụn khối sỏi để hệ bài tiết dễ dàng đào thải ra ngoài qua đường nước tiểu.
  • Tán sỏi qua da: Thường được chỉ định sỏi thận có kích thước lớn > 2mm, sỏi cứng, san hô, sỏi bể thận, sỏi nhóm đài dưới... Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách tạo một lối nhỏ dẫn vào thận để luồn ống nội soi khoảng 10 - 15mm đến tiếp cận khối sỏi. Sau đó tạo áp lực bằng laser, khí nén hoặc sóng siêu âm để nghiền vỡ nát sỏi và loại bỏ ra khỏi thận.
  • Tán sỏi nội soi ngược dòng: Ống nội soi được luồn vào cơ thể từ đường tiểu lên vùng niệu quản và bể thận, tiếp cận đến các đài thận và tiến hành tán nát các vụn sỏi... Phương pháp này thường áp dụng cho bệnh nhân bị sỏi bàng quang, sỏi niệu quản 1/3 vị trí giữa & dưới. Kỹ thuật này được đánh giá khá an toàn, bảo tồn chức năng thận, được thực hiện tại bệnh viện và có thể xuất viện sau 1 - 2 ngày, ít đau, ít để lại sẹo.

Phẫu thuật loại bỏ sỏi

Hiện nay, phẫu thuật loại bỏ sỏi đã ít được chỉ định hơn do sự phát triển của các kỹ thuật tán sỏi hiện đại, đem lại hiệu quả tối ưu và an toàn hơn. Tuy nhiên, những trường hợp không thể tán sỏi vẫn phải áp dụng đến phương pháp mổ lấy sỏi. Cụ thể trong một số chỉ định sau:

Phẫu thuật loại bỏ sỏi chỉ định cho những trường hợp kích thước sỏi lớn và có biến chứng nguy hiểm

  • Khối sỏi có kích thước > 20mm, đặc biệt là dạng sỏi san hô;
  • Bệnh nhân sỏi thận giai đoạn nặng, đã tiến triển đến giai đoạn biến chứng như suy thận, thận ứ nước, thận nhiễm mủ, giãn đài bể thận...;
  • Sỏi nằm ở các vị trí phức tạp, nhất là những trường hợp dị dạng đường tiết niệu;
  • Sỏi thận không đáp ứng với các biện pháp điều trị nội khoa như dùng thuốc hoặc tán sỏi...;

Phòng ngừa

Có rất nhiều biện pháp đơn giản giúp phòng ngừa bệnh sỏi thận mà mỗi người trong chúng ta đều có thể thực hiện ngay bây giờ như:

Uống đủ nước hỗ trợ thận bài tiết độc tố giảm nguy cơ hình thành sỏi thận

  • Uống đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể, trung 2 - 3 lít nước/ ngày tùy theo nhu cầu (trung bình khoảng 6 - 8 ly).
  • Hạn chế lượng muối nạp vào cơ thể, < 2.3g muối/ ngày đối với người trưởng thành.
  • Có chế độ ăn uống khoa học, ưu tiên sử dụng những loại thực phẩm lành mạnh, tươi sạch như rau xanh, củ quả, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt...
  • Tránh sử dụng các loại thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp chứa chất bảo quản, thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, thực phẩm chứa nguồn natri cao như bột ngọt, bột nở... Đặc biệt hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chứa chất canxi oxalat cao (như nước ép bưởi, đậu phộng, hạt điều, rau chân vịt, khoai tây, măng tây...), giảm nguy cơ hình thành sỏi struvite, acid uris hoặc cysteine.
  • Giảm lượng các loại thực phẩm có tính axit cao như các loại thịt đỏ, trứng, cá, pho mát... ở mức độ phù hợp để phòng ngừa sỏi thận.
  • Giảm lượng caffein trong ngày hoặc ngưng sử dụng càng tốt. Vì caffein có khả năng thúc đẩy quá trình trao đổi chất, gây mất nước và dễ hình thành sỏi thận.
  • Giảm lượng đường trong thực phẩm và khi chế biến thức ăn hàng ngày để giảm nguy cơ hình thành sỏi thận.
  • Tăng cường bổ sung các loại vitamin khoáng chất tự nhiên giúp giảm nguy cơ sỏi thận như viên uống dầu cá, vitamin D, B6, B12, canxi...

Tham khảo thêm: 10 cách trị sỏi thận tại nhà bạn có thể áp dụng thay vì phẫu thuật

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi tiểu rát buốt, tiểu ra máu, sốt, nôn mửa... có phải dấu hiệu của sỏi thận không?

2. Dạng sỏi thận tôi mắc phải là gì?

3. Nguyên nhân khiến tôi bị suy thận?

4. Tiên lượng mức độ bệnh sỏi thận của tôi có nghiêm trọng không?

5. Nếu không điều trị sỏi thận, tôi có thể gặp phải những biến chứng nào?

6. Tôi cần thực hiện xét nghiệm nào để chẩn đoán sỏi thận?

7. Đối với trường hợp sỏi thận của tôi, điều trị bằng phương pháp nào tốt nhất?

8. Bị sỏi thận khi nào cần phẫu thuật?

9. Khối sỏi thận có tự đào thải qua đường nước tiểu không?

10. Điều trị sỏi thận mất bao lâu? Có tốn kém không? BHYT có hỗ trợ chi trả viện phí không?

Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh sỏi thận do lối sống sinh hoạt kém khoa học hoặc ảnh hưởng từ nhiều bệnh lý mạn tính khác. Những hệ lụy khó lường của sỏi thận rất đáng lo ngại, nặng nhất là khởi phát suy thận cấp/ mạn tính ảnh hưởng sức khỏe thể chất và chất lượng cuộc sống về sau, giảm tuổi thọ. Do đó, hãy chủ động thăm khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán chuyên sâu và chỉ định phác đồ điều trị phù hợp nhất, loại bỏ khối sỏi thận sớm để ngăn chặn biến chứng.