Vẩy nến thể mủ là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Vẩy nến thể mủ là một dạng của bệnh vẩy nến nhưng không thường gặp (chỉ chiếm 3% trong tổng số người bệnh vảy nến – Theo NPF). Tuy nhiên, đây là một thể bệnh nặng có diễn biến phức tạp, thường xuyên tái phát và có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng.
Bệnh vẩy nến thể mủ là gì?
Bệnh vẩy nến thể mủ là tình trạng da bị bong tróc thành những mảng đỏ, có mụn mủ màu trắng, đóng vẩy tại chân tay, thậm chí toàn bộ cơ thể ngoại trừ mặt. Bệnh phổ biến ở đối tượng người lớn, hiếm gặp ở trẻ em. Vẩy nến thể mủ có thể xuất hiện độc lập hay kết hợp với vẩy nến mảng bám.
Nguyên nhân gây bệnh vẩy nến thể mủ
Mặc dù chưa xác định được cụ thể nguyên nhân gây bệnh nhưng giới chuyên môn đã tìm ra được những yếu tố liên quan mật thiết, làm tăng nguy cơ mắc bệnh vảy nến thể mủ, bao gồm:
1. Do dùng thuốc:
Một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh vảy nến hoặc khiến bệnh bùng phát bao gồm:
- Thuốc giảm đau hạ sốt Aspirin
- Thuốc chống viêm không Steroid (ibuprofen , naproxen )
- Thuốc chống trầm cảm (lithium hoặc trazodone)
- Penicillin (kháng sinh)
- Calcipotriol (thuốc trị vẩy nến)
- Than đá (cũng được sử dụng để điều trị bệnh vẩy nến)
- Kẽm pyrithione (hoạt chất trong dầu gội trị gàu)
2. Steroid (Prednison)
Nến bạn tự ý ngưng dùng thuốc trên trong quá trình điều trị, triệu chứng bệnh vẩy nến thể mủ có thể được kích hoạt.
3. Ánh sáng mặt trời
Tia UV có trong ánh sáng mặt trời có tác dụng làm chậm quá trình tăng sinh tế bào da. Tuy nhiên, tiếp xúc với ánh sáng quá lâu và mạnh sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh vảy nến.
4. Mang thai
Theo một kết quả nghiên cứu bệnh vảy nến trên đối tượng phụ nữ mang thai do Viện sức khỏe quốc gia, Trung tâm tài nguyên nghiên cứu quốc gia và Quỹ vẩy nến quốc gia tài trợ, có 23% đối tượng khảo sát có triệu chứng bệnh vảy nến nặng hơn khi bước vào thai kỳ.
5. Stress
Căng thẳng, stress kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân kích hoạt vảy nến thể mủ.
Triệu chứng bệnh vẩy nến thể mủ
Quan sát trên bề mặt da của người bị bệnh vảy nến thể mủ thấy xuất hiện mụn mủ bên trên lớp da đỏ. Sau một thời gian, mụn mủ bắt đầu bong ra, để lộ làn da sáng bóng hoặc có vảy.
Vảy nến thể mủ xuất hiện chủ yếu tại:
- Lòng bàn tay
- Lòng bàn chân
- Ngón tay và ngón chân
Tham khảo thêm: Hình ảnh bệnh vảy nến của tất cả các thể (giọt, mủ…)
Các loại bệnh vảy nến thể mủ và cách điều trị
Bệnh vẩy nến thể mủ có 3 loại chính, đó là:
1. Bệnh vẩy nến Von Zumbusch
Bệnh vẩy nến Von Zumbusch còn được gọi là bệnh vẩy nến tổng quát cấp tính. Bệnh thường tái phát theo chu kì, mỗi chu kì cách nhau từ vài ngày đến vài tuần. Khi phát bệnh, lòng bàn tay, bàn chân xuất hiện những đốm đỏ kèm theo mụn mủ. Sau một thời gian, mụn mủ chuyển sang màu nâu, bong tróc lớp vỏ. Một số triệu chứng đi kèm gồm:
- Ngứa dữ dội
- Sốt
- Nhịp tim nhanh
- Yếu cơ
- Thiếu máu
- Ớn lạnh
- Mất nước
Hướng điều trị: Dùng kháng sinh, bù nước, bôi kem. Nếu như những giải pháp trên không hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định một số thuốc kê đơn Steroid để cải thiện triệu chứng. Người bệnh cần tuân thủ chỉ định của chuyên gia, dùng thuốc đúng giờ, đúng liều lượng, không tự ý bỏ thuốc. Việc ngưng steroid đường uống đột ngột có thể khiến cho bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
2. Vẩy nến Palmoplantar (PPP)
Đây là loại vẩy nến được hình thành ở lòng bàn tay (thường là ngón cái), lòng bàn chân, gót bàn chân. Những đốm mủ này có thể chuyển sang màu nâu, bong tróc để lại những vết nứt nẻ trên da. Tương tự như bệnh vẩy nến Von Zumbusch, vảy nến PPP cũng tái phát theo chu kì.
Hướng điều trị: Việc điều trị bệnh vảy nến thể mủ PPP cần có sự kết hợp của nhiều phương pháp khác nhau như: điều trị tại chỗ, quang trị liệu, dùng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch như: methotrexate.
3. Bệnh vẩy nến Acropustulosis
Acropustulosis là dạng vẩy nến hiếm. Bệnh gây tổn thương ở đầu ngón tay ngón chân. Khi mụn mủ vỡ, chúng để lộ mảng vẩy đỏ tươi. Vẩy nến Acropustulosis thường là kết quả của nhiễm trùng hay tổn thương da. Một số trường hợp nghiêm trọng, Acropustulosis có thể gây biến dạng móng chân, móng tay và xương.
Hướng điều trị: Dùng thuốc mỡ và thuốc bôi
Thuốc điều trị bệnh vẩy nến thể mủ
Điều trị sớm bệnh vẩy nến mụn mủ giúp kiểm soát triệu chứng, tránh bệnh diễn biến nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
1. Đối với bệnh vẩy nến mụn mủ nhẹ, bùng phát cục bộ:
Trước tiên, dùng kem bôi Steroid để điều trị vết loét. Bôi coal tar (dẫn xuất của than đá) hoặc axit salicylic để lấy đi lớp vẩy chết trên da. Thoa kem dưỡng để làm dịu da, cải thiện tình trạng da khô, nứt nẻ.
Đối với các dạng vẩy nến thể mủ PPP và acropustulosis, nên dùng phương pháp quang trị liệu.
Bên cạnh đó, người bệnh sẽ được chỉ định một số thuốc:
- Thuốc giảm phản ứng của hệ thống miễn dịch trên cơ thể như: methotrexate hoặc cyclosporine;
- Thuốc Acitretin (Soriatane) làm chậm sự bùng phát trên da
- Retinoid – dạng tổng hợp của vitamin A.
2. Đối với vẩy nến mụn mủ nặng, bệnh phát trên diện rộng:
Nếu bị vảy nến toàn thân hay vảy nến Von Zumbusch, người bệnh cần được nghỉ ngơi, bổ sung nước, thuốc điều trị nhiễm trùng, hạ sốt. Nên sớm đến cơ sở y tế để có biện pháp chăm sóc và điều trị đặc biệt.
Biện pháp phòng ngừa bệnh vẩy nến thể mủ
Giống như nhiều thể vẩy nến khác, bệnh vẩy nến thể mủ không thể điều trị triệt để nên có thể tái phát khi gặp điều kiện phù hợp. Để tránh bệnh bùng phát, gây ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe, sinh hoạt hằng ngày, bạn nên chủ động áp dụng một số biện pháp phòng ngừa sau:
1. Duy trì cân nặng
Bệnh vẩy nến và thừa cân có mối liên hệ mật thiết với nhau. Ở những người bị thừa cân, tế bào chất béo sẽ sản sinh một loại protein có tên là TNF-alpha – một chất kích thích bệnh vảy nến bùng phát. Trọng lượng cơ thể càng lớn, bệnh vẩy nến sẽ chuyển biên nghiêm trọng hơn. Vì thế, nếu như bị thừa cân, bạn nên có biện pháp giảm cân lành mạnh để phòng bệnh hiệu quả.
2. Bỏ thuốc lá
Nhiều nghiên cứu cho thấy, phần lớn những người bị bệnh vẩy nến là đối tượng thường xuyên hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc. Nicotin và một số tạp chất trong thuốc lá có thể gây kích hoạt bệnh vẩy nến bùng phát.
3. Tránh dùng rượu, bia
Rượu, bia không tốt cho người bị bệnh vẩy nến vì chúng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Hơn nữa, các chất có trong rượu, bia có thể gây tương tác, làm giảm hiệu quả của một số loại thuốc điều trị bệnh vẩy nến thể mủ.
4. Hạn chế căng thẳng
Sau thời gian làm việc và học tập, bạn nên tham gia một số hoạt động để làm giảm căng thẳng như: đọc sách, đọc báo, xem phim, nghe nhạc, trò chuyện với bạn bè, thiền…
5. Không tắm nắng quá nhiều
Tắm nắng giúp cải thiện tình trạng da bị vẩy nến. Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp với giải pháp điều trị trên. Vẫn có nhiều người có triệu chứng vẩy nến thể mủ nghiêm trọng hơn khi tắm nắng nên bạn cần chú ý.
Bài viết vừa cung cấp cái nhìn tổng quan về bệnh vẩy nến. Nếu có bất kì thắc mắc, liên hệ với chuyên gia để được giải đáp thắc mắc.
ThuocDanToc.vn không đưa ra lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.
Có thể bạn quan tâm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!