Ung thư dạ dày giai đoạn cuối: dấu hiệu, điều trị & cách chăm sóc

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII BÁC SĨ TRẦN THỊ HƯƠNG LAN – Khoa Nội – Tiêu hóaGiám đốc Chuyên môn Thuốc Dân Tộc Chi Nhánh phía Nam – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Cơ sở TP Hồ Chí Minh

Tùy theo sự phát triển và kích thước của khối u dạ dày trong cơ thể, bệnh ung thư dạ dày được chia thành nhiều giai đoạn. Khi bệnh nhân đã chuyển sang ung thư dạ dày giai đoạn cuối, nguy cơ tử vong là rất cao. Mọi biện pháp điều trị lúc này chủ yếu nhằm duy trì sự sống và giảm bớt sự đau đớn cho bệnh nhân.

I. Ung thư dạ dày là gì? Các giai đoạn phát triển của bệnh ung thư dạ dày

Thành dạ dày được chia thành ba lớp: lớp niêm mạc (lớp trong cùng), lớp cơ (lớp giữa) và lớp huyết thanh (lớp ngoài cùng). Ung thư dạ dày là hiện tượng tế bào ác tính hình thành và phát triển trong các tế bào lớp lót niêm mạc và xâm lấn ra lớp bên ngoài và di căn vào máu, hạch bạch huyết, các cơ quan lân cận khi khối u phát triển.

Hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ung thư dạ dày. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho biết, bệnh ung thư dạ dày có liên quan mật thiết đến các yếu tố như: nhiễm vi khuẩn Hp dạ dày, viêm dạ dày mãn tính, hút thuốc, chế độ ăn uống (ăn mặn, ăn nhiều đồ xông khói, nướng cháy…), béo phì, tiền sử thành viên trong gia đình bị ung thư dạ dày, tuổi tác…

Dựa vào sự phát triển của khối u và triệu chứng biểu hiện, bệnh ung thư dạ dày được phân thành 4 giai đoạn. Ở những giai đoạn đầu, triệu chứng bệnh thường mơ hồ, không rõ ràng và dễ gây nhầm lẫn với các biểu hiện của bệnh đường tiêu hóa thông thường. Tuy nhiên, khi sang đến giai đoạn cuối, tế bào ung thư phát triển nhanh chóng, xâm lấn hơn 15 hạch bạch huyết và cơ quan xa như: gan, phổi, phúc mạc, xương. Giai đoạn này còn được gọi là ung thư dạ dày di căn.

ung thư dạ dày giai đoạn cuối
4 giai đoạn của bệnh ung thư dạ dày.

Theo đánh giá của các chuyên gia, ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư khá phổ biến trên thế giới. Ở Việt Nam, tỉ lệ bệnh nhân tử vong do ung thư dạ dày xếp thứ 2, chỉ đứng sau bệnh ung thư phổi.

II. Dấu hiệu nhận biết bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối

Không giống như giai đoạn sớm, triệu chứng bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối rất rõ ràng. Một số triệu chứng có thể gặp phải của bệnh nhân bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối là:

1. Đau quặn bụng

Bệnh nhân thường xuyên bị đau bụng, các triệu chứng khá dữ dội, gây toát mồ hôi. Cơn đau có thể xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào, có thể là khi mới ăn no hoặc khi đang đói. Tần suất đau bụng cũng dày đặc hơn, người bệnh không cảm thấy thuyên giảm dù đã sử dụng thuốc giảm đau.

triệu chứng ung thư dạ dày giai đoạn cuối
Đau quặn bụng là triệu chứng thường gặp của người bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối.

2. Khô miệng, ăn kém

Hệ quả của tác dụng phụ phương pháp hóa trị, xạ trị, dùng thuốc chống trầm cảm, an thần đó là bệnh nhân có cảm giác khô miệng, ăn kém.

3. Nôn ra máu

Người bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối sẽ thường xuyên nôn ra máu lẫn với thức ăn. Triệu chứng này cho thấy khối u ở dạ dày đã phát triển lớn, loét, gây chảy máu.

4. Táo bón

Táo bón thường được gặp ở bệnh nhân bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối là do:

  • Sự suy yếu sàn chậu và cơ bụng ở đối tượng ung thư làm giảm khả năng bài tiết của đại tràng.
  • Người bệnh ít hoạt động, uống nước nên dễ bị táo bón.
  • Ảnh hưởng bởi tác dụng phụ của thuốc giảm đau, thuốc kháng cholin, thuốc chống trầm cảm.

Ngược lại với táo bón, tiêu chảy xuất hiện khi bị rối loạn hệ sinh vật đường ruột, rối loạn tiêu hóa trong suốt quá trình áp dụng các phương pháp chữa trị bệnh ung thư dạ dày.

5. Đi ngoài phân đen

Khối u dạ dày bị vỡ gây chảy máu. Máu sẽ được “tiêu hóa”. Trải qua quá trình biến đổi dài, khi đến hậu môn máu có màu đen. Do đó, người bệnh có thể thấy phân đi ngoài có màu đen và mùi hôi thối như hắc ín.

6. Thiếu máu

Bệnh nhân bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối thường có triệu chứng như: chóng mặt, đau đầu, hoa mắt, vàng da do thiếu máu.

7. Sụt cân nghiêm trọng

Tế bào ung thư phát triển sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe, người bệnh có xu hướng mệt mỏi, chán ăn, ăn kém, gây sụt cân nhanh chóng chỉ trong thời gian ngắn.

8. Sờ thấy khối u ở trong bụng

Ở giai đoạn này, bệnh nhân có thể cảm nhận được khối u trong ổ bụng, sờ nắn thấy đau.

Ngoài những dấu hiệu được liệt kê trên, người bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối có thể gặp phải một số biểu hiện khác như: vàng da, sốt, nuốt nghẹn… Theo các bác sĩ, nếu gặp phải các triệu chứng trên thì đồng nghĩa với việc bệnh đã chuyển biến rất nặng, bạn nên tìm đến các chuyên gia để được tư vấn biện pháp điều trị và chăm sóc sức khỏe.

III. Điều trị ung thư dạ dày giai đoạn cuối

Đối với bệnh nhân bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối, khối u lúc này đã lớn và di căn sang các cơ quan ở xa nên việc chữa trị gần như là không thể. Tuy nhiên, những biện pháp điều trị ung thư dạ dày có tác dụng kiểm soát bệnh ung thư và cải thiện triệu chứng bệnh.

Các biện pháp điều trị bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối gồm:

1. Phẫu thuật

Cắt bỏ một phần dạ dày hay thậm chí toàn bộ dạ dày  để giữ cho dạ dày hoặc ruột không bị tắc nghẽn hoặc kiểm soát chảy máu.

Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chiếu tia laser vào khối u bằng một dụng cụ nội soi (một ống dài, linh hoạt truyền qua cổ họng) để thu nhỏ khối u, giảm sự tắc nghẽn trong đường tiêu hóa mà không cần phẫu thuật. Nếu cần thiết, chuyên gia sẽ đặt stent (một ống kim loại rỗng) tại thực quản và dạ dày (hoặc dạ dày và ruột non) để thức ăn có thể đi qua.

2. Hóa trị và xạ trị

Hóa trị và xạ trị có thể được chỉ định để thu nhỏ khối u trước khi tiến hành phẫu thuật hoặc tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật, giúp kéo dài thời gian sống sót và giảm bớt đau đớn cho người bệnh.

3. Liệu pháp điều trị đích

Hóa trị nhằm vào những tế bào phân chia nhanh. Tuy nhiên, tế bào ung thư cũng có những điểm khác thường. Do đó, trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã phát triển loại thuốc mới nhắm vào tế bào khác biệt dùng trong trường hợp hóa trị không đem lại kết quả.

Khoảng 1/5 đối tượng bị ung thư dạ dày có nhiều protein thúc đẩy sự tăng trưởng HER2 trên bề mặt của tế bào ung thư. Thuốc Trastuzumab (Herceptin) có thể được thêm vào hóa trị liệu cho những bệnh nhân có khối u dương tính với HER2, giúp bệnh nhân sống lâu hơn so với khi dùng hóa trị liệu thông thường. Thuốc điều trị khác gồm có: Ramucirumab (Cyramza) cũng được dùng trong một số trường hợp.

Phương pháp này cũng có thể ứng dụng trong điều trị ung thư dạ dày tiến triển.

IV. Hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối

Bước sang giai đoạn cuối, người bị ung thư dạ dày không còn đủ sức khỏe để tiến hành phương pháp điều trị nhưng chế độ chăm sóc chuyên biệt vẫn cần được thực hiện để giảm đau đớn, kéo dài sự sống, giúp họ thoải mái trong những ngày cuối đời.

1. Chế độ dinh dưỡng

Người bệnh hầu như không có hứng thú ăn, không tiêu hóa được thức ăn hoặc thường xuyên bị cơn đau ngăn cản việc ăn. Lúc này, người nhà nên chia bữa ăn chính thành nhiều bữa phụ nhỏ, nên chọn những món lỏng, dễ tiêu. Bệnh nhân cũng cần chú ý nạp nhiều hoa quả, rau xanh, nước, protein, glucid. Song song với đó, hạn chế lipid. Tuy nhiên, bệnh nhân nên kiêng khem quá nhiều để tránh cơ thể bị suy nhược, bệnh sẽ chuyển biến tồi tệ hơn.

2. Hỗ trợ tinh thần

Người trong gia đình và người thân nên tôn trọng và đáp ứng những nhu cầu cuối cùng của người bệnh. Thông thường, trong giai đoạn này bệnh nhân thường cảm thấy cô đơn, tuyệt vọng. Do đó, người thân trong gia đình nên cố gắng an ủi, động viên, vực dậy tinh thần cho bệnh nhân.

3. Thường xuyên theo dõi

Trong giai đoạn cuối của ung thư dạ dày, bệnh nhân thường gặp phải cơn đau dữ dội và bất ngờ, không báo trước. Người nhà nên chú ý theo dõi và tìm hiểu thêm một số biện pháp giảm đau.

Có một số trường hợp bệnh nhân vẫn tỉnh táo, người nhà nên mời bác sĩ châm cứu, thôi miên để tạm quên đi cơn đau.

Trong trường hợp cơn đau trở nên nghiêm trọng, người nhà hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia để bệnh nhân tiêm hoặc uống morphin để giảm đau. Tránh tuyệt đối tự ý cho bệnh nhân dùng thuốc khi chưa có sự cho phép của bác sĩ.

Ngoài ra, trong giai đoạn này, bệnh nhân ít vận động nên dễ bị viêm loét tỳ đè. Vì vậy, người nhà nên xoa bóp khu vực da tiếp xúc với giường bệnh, vỗ lưng 2 lần mỗi ngày đối với bệnh nhân nằm nhiều để tránh tình trạng dịch ứ đọng ở phổi gây bệnh viêm phổi.

Khi bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối, các khối u đã phát triển lớn, di căn lên các cơ quan ở xa nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, người bệnh cần phải lạc quan, gia đình cũng cần quan tâm, săn sóc, động viên để bệnh nhân vui vẻ để hỗ trợ việc điều trị diễn ra hiệu quả và thuận lợi.

Thông tin trên đây chỉ mang tính tham khảo, ThuocDanToc.vn không đưa ra lời khuyên, chẩn đoán và phương pháp điều trị thay thế chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Click xem thêm

Giai đoạn ung thư dạ dày di căn hạch

Tế bào ung thư dạ dày thường có xu hướng xâm nhập vào hạch bạch huyết và làm xuất hiện khối u thứ phát tại cơ quan này. Ung thư...

Người bị ung thư dạ dày nên uống sữa gì là phù hợp nhất?

Sữa là một trong những lựa chọn phổ biến để bổ sung dinh dưỡng và cải thiện sức khỏe cho...

triệu chứng và điều trị ung thư dạ dày giai đoạn đầu

Ung thư dạ dày giai đoạn đầu: Triệu chứng & hướng điều trị

Ung thư dạ dày là một căn bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ người mắc bệnh và khả năng di...

Ung thư dạ dày di căn: những điều không phải ai cũng biết!

Tình trạng di căn là giai đoạn cuối của bệnh ung thư dạ dày, lúc này các tế bào đã...

chế độ ăn cho người bị ung thư dạ dày

Chế độ ăn dành riêng cho người bị ung thư dạ dày

Chế độ ăn uống luôn đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe của bạn, nhất là khi...

Các nguyên nhân gây ra bệnh ung thư dạ dày ai ai cũng mắc phải

Ung thư dạ dày có thể là biến chứng của các bệnh lý trong cơ thể hoặc bắt nguồn từ...

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.