Phương pháp xạ trị ung thư dạ dày và điều cần biết
Xạ trị ung thư dạ dày là phương pháp điều trị phổ biến. Xạ trị giúp thu nhỏ khối u, giảm đau và kiểm soát hoạt động của các tế bào ung thư. Mặt hạn chế của phương pháp này là có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Xạ trị ung thư dạ dày là gì?
Xạ trị là phương pháp điều trị sử dụng các tia bức xạ ion hóa (tia X, gama,…) hoặc các hạt năng lượng (electron, notron, proton,…) để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị được chỉ định nhằm:
- Tiêu diệt các tế bào ung thư trong cơ thể
- Thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật
- Giảm đau và kiểm soát các triệu chứng ung thư dạ dày tiến triển
Mục tiêu của việc xạ trị cho bệnh nhân ung thư dạ dày là tiêu diệt các tế bào ung thư, hạn chế tình trạng tế bào phát triển và di căn. Xạ trị ung thư dạ dày được áp dụng cho các trường hợp không thể thực hiện phẫu thuật, bao gồm:
- Ung thư biểu mô dạ dày
- U lympho của dạ dày
Tia bức xạ có thể gây hại đến các mô và cơ quan khỏe mạnh, do đó bác sĩ phải tiến hành những xét nghiệm cần thiết trước khi chỉ định phương pháp này cho bệnh nhân.
Các phương pháp xạ trị phổ biến
Bệnh nhân ung thư dạ dày được tiếp cận với các phương pháp điều trị xạ trị tiên tiến nhất, bao gồm:
Liệu pháp xạ trị chùm tia ngoài (EBRT)
Liệu pháp xạ trị chùm tia ngoài thường được áp dụng trong điều trị ung thư dạ dày. Chuyên viên sẽ sử dụng máy chiếu chùm tia ngoài bức xạ qua da đến khối u và các mô xung quanh.
Liệu pháp xạ trị có thể ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận dạ dày như gan, ruột non, thận, tủy sống và tim. Nếu các tia xạ trị có năng lượng cao, những cơ quan xung quanh có thể bị tổn thương nghiêm trọng. Do đó, bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp bảo vệ các cơ quan này trước khi thực hiện chiếu chùm tia ngoài.
Liệu pháp xạ trị 3 chiều (3-D CRT)
Liệu pháp xạ trị ba chiều cho phép bác sĩ cung cấp các chùm bức xạ phù hợp với kích thước, hình dạng và vị trí của ung thư dạ dày. Liệu pháp này được thực hiện mỗi ngày một lần trong khoảng 5 ngày/ tuần và kéo dài trong khoảng 5 – 7 tuần.
Liệu pháp hồ quang điều biến thể tích (VMAT)
Trong liệu pháp bức xạ hồ quang điều biến thể tích, máy gia tốc tuyến tính di chuyển xung quanh cơ thể bệnh nhân. Với liệu pháp này, bức xạ có thể đưa đến mọi góc độ, cho phép các bác sĩ tập trung vào khối u, đồng thời tránh các mô khỏe mạnh xung quanh.
Tác dụng phụ của xạ trị ung thư dạ dày
Xạ trị ung thư dạ dày có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Trước khi quyết định thực hiện bạn nên cân nhắc với bác sĩ giữa lợi ích và nguy cơ do xạ trị gây ra.
- Tiêu chảy: tia bức xạ có thể kích thích ruột non và gây ra tình trạng tiêu chảy. Khi gặp tình trạng này, bạn nên thông báo với bác sĩ để được chỉ định loại thuốc thích hợp. Tuyệt đối không dùng thuốc trị tiêu chảy khi chưa có yêu cầu từ bác sĩ.
- Mệt mỏi: là tác dụng phụ phổ biến do xạ trị gây ra. Tình trạng này có thể là hệ quả của các chất độc hại được tạo ra khi các tế bào ung thư bị phá vỡ. Hơn nữa, khi xạ trị cơ thể mất rất nhiều năng lượng, điều này khiến bạn luôn cảm thấy mệt mỏi.
- Phản ứng da: da ở khu vực tiếp xúc với tia bức xạ sẽ có xu hướng khô, đỏ và thay đổi màu sắc (thường có màu sắc tối hơn vùng da thông thường). Các phản ứng trên da thường hình thành sau 2 tuần xạ trị và biến mất sau vài tuần. Một số người bị sẹo, sạm da vĩnh viễn khi xạ trị ung thư dạ dày, tuy nhiên có những trường hợp không gặp phải bất cứ phản ứng da nào.
- Giảm tế bào máu: xạ trị có thể ảnh hưởng đến cấu trúc máu, khiến tiểu cầu và bạch cầu có xu hướng giảm. Nguyên nhân có thể do tia bức xạ ức chế hoạt động của tủy xương khiến tế bào máu suy giảm. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ được cải thiện khi quá trình điều trị kết thúc.
- Sút cân: Xạ trị khiến bạn mệt mỏi, tiêu chảy, buồn nôn,…những triệu chứng này khiến bạn không thể ăn uống đầy đủ và gây sút cân. Chế độ dinh dưỡng lành mạnh sẽ giúp cơ thể chống lại bệnh tật và đối phó với những ảnh hưởng của tế bào ung thư, do đó hãy cố gắng ăn uống đầy đủ trong thời gian điều trị.
- Rụng tóc: tia bức xạ được sử dụng trong xạ trị có thể khiến bạn bị rụng tóc. Rụng tóc thường xuất hiện từ 2 – 3 tuần thực hiện xạ trị. Tóc sẽ mọc lại sau 3 – 6 tháng khi kết thúc xạ trị, tuy nhiên tóc có thể có màu sắc và cấu trúc khác tóc cũ.
- Tổn thương tim và phổi: tim và phổi là những cơ quan gần dạ dày, do đó tia bức xạ có thể ảnh hưởng đến những cơ quan này. Nếu bạn nhận thấy các triệu chứng như khó thở, đau ngực, sưng tay hoặc chân, bạn nên báo với bác sĩ vì đây có thể là dấu hiệu của tổn thương tim và phổi.
- Tổn thương thận: tương tự như tim và phổi, thận là cơ quan nằm gần dạ dày, do đó thận cũng có nguy cơ bị tổn thương khi thực hiện xạ trị.
- Phát sinh ung thư mới: tia bức xạ là nguyên nhân kích thích các tế bào biến đổi hình thành và cấu trúc. Nếu các tia này chiếu vào những cơ quan khỏe mạnh trong thời gian dài, các tế bào có thể chuyển sang giai đoạn loạn sản và chuyển biến thành ung thư.
Trung bình một đợt xạ trị ung thư dạ dày có chi phí khoảng 5 – 7 triệu, chi phí có thể cao hơn nếu khối u có kích thước lớn.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!
Có thể bạn quan tâm
- Người bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối nên ăn gì là tốt nhất?
- Ung Thư Dạ Dày Giai Đoạn 3: Triệu Chứng Và Cách Điều Trị
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!