10 Loại Nước Uống Trị Nhiệt Miệng Thơm Ngon và Hiệu Quả

Nhiệt miệng là nỗi ám ảnh của rất nhiều người vì cảm giác đau nhức, rát xót, gây bất tiện trong việc ăn uống. Tuy nhiên đừng quá lo lắng vì các triệu chứng này hoàn toàn có thể được cải thiện bằng những loại nước uống trị nhiệt miệng như nước trà xanh, rau má, nước dừa, nước bột sắn dây, nước khế chua, trà hoa cúc, nước trà xanh, nước cam… 

Nước uống trị nhiệt miệng
Các loại nước uống trị nhiệt miệng phù hợp với những trường hợp bệnh do nóng trong người, cần thanh lọc, giải độc cơ thể

Bị nhiệt miệng nên uống nước gì là tốt nhất?

Nhiệt miệng là tình trạng xuất hiện các đốm mụn trắng ứ nước, khi vỡ ra sẽ để lại những vết loét nhỏ trên các mô niêm mạc miệng gây đau nhức, rát xót trong lúc ăn uống hoặc nói chuyện. Các chuyên gia cho biết nhiệt miệng là bệnh lý cực kỳ phổ biến và là bệnh lành tính, kéo dài từ 7 – 15 ngày tùy theo mức độ nặng hay nhẹ, sau đó sẽ tự khỏi.

Các vết loét nhiệt miệng thường nông và có kích thước nhỏ với đường kính từ 1 – 3mm. Bên trong vết loét có màu trắng hoặc vàng, xung quanh là viền đỏ tươi. Ngoài sưng đau, khó chịu khi ăn uống, người bệnh còn gặp phải những biểu hiện đi kèm khác như sốt, nổi hạch, hôi miệng, đau răng, lưỡi đỏ, hay đói, táo bón…

Đa phần những trường hợp bị nhiệt miệng đều là do thiếu chất (thường là các loại vitamin nhóm B), chế độ ăn uống nhiều dầu mỡ, cay nóng, rượu bia…, suy giảm chức năng gan, rối loạn nội tiết tố hoặc do các yếu tố khách quan khác như thời tiết nóng bức, uống ít nước hoặc ô nhiễm môi trường…

Có rất nhiều cách chữa nhiệt miệng, tuy nhiên nguyên tắc chung áp dụng cho hầu hết mọi trường hợp là tập trung làm mát cơ thể từ bên trong và bổ sung các dưỡng chất cần thiết. Và một trong những giải pháp đơn giản nhất đó là tăng cường sử dụng các loại nước uống có tính mát.

Dưới đây là gợi ý 10 loại nước uống chữa nhiệt miệng hiệu quả bạn có thể tham khảo:

1. Nước dừa

Dừa là loại quả đặc trưng của miền nhiệt đới, có tác dụng làm mát và bổ sung nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong 1 quả dừa khoảng 240ml nước dừa nguyên chất có chứa hàm lượng lớn các nguyên tố vi lượng, vitamin, các chất điện giải, ít calo và chất béo.

Chính nhờ các chất này mà nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, tăng cường sức khỏe và phòng ngừa các bệnh lý do vi khuẩn, virus, nấm gây ra… Không những vậy, uống nước dừa còn giúp giảm sưng, viêm, đau rát do tổn thương niêm mạc, điển hình như chứng nhiệt miệng.

Nước uống trị nhiệt miệng
Nước dừa là một trong những loại thức uống trị nhiệt miệng tốt được nhiều người yêu thích

Cách sử dụng:

  • Đối với người bị viêm loét nhiệt miệng có thể sử dụng nước dừa 2 lần/ ngày. Tránh uống nhiều hơn mức khuyến cáo, đặc biệt không uống vào buổi tối để tránh gây áp lực cho hệ tiêu hóa.
  • Người dị ứng với nước dừa, cơ thể có tính hàn, đang sốt cao, chướng bụng, rối loạn tiêu hóa, huyết áp cao hoặc vừa đi nắng về không nên uống nước dừa.

2. Nước trà xanh

Nước trà xanh được biết đến là loại thức uống thơm ngon và tốt cho sức khỏe. Theo các nghiên cứu, trong trà xanh có chứa hàm lượng lớn EGCG, catechins, tannin và caffein… có khả năng chống oxy hóa, làm đẹp da, hỗ trợ giảm cân, ngăn ngừa ung thư. Đặc biệt, nhiều người còn sử dụng nước trà xanh với mục đích làm mát cơ thể từ bên trong, cải thiện triệu chứng nhiệt miệng và bảo vệ sức khỏe răng miệng.

Cách thực hiện

  • Chuẩn bị 1 nắm lá trà xanh tươi, rửa sạch và ngâm nước muối loãng 15 phút rồi vớt ra để ráo.
  • Vò sơ lá trà xanh tươi, cho vào ấm, đổ ngập nước và đun sôi 1 phút thì chắt bỏ phần nước đầu này đi. Bước này được gọi là trần trà để giúp giảm bớt vị đắng và mùi ngái nồng của lá trà tươi.
  • Đổ nước sôi vào lại ngập bề mặt trà, đậy kín nắp và đun thêm trong 20 – 30 phút trên lửa nhỏ.
  • Phần nước thu được bạn có thể dùng để uống nhiều lần trong ngày để xoa dịu tổn thương nhiệt miệng.

3. Nước rau má

Rau má là loại dược liệu tốt được sử dụng nhiều trong các bài thuốc Đông y và đặc biệt dùng nhiều trong chữa trị nhiệt miệng. Loại dược liệu này có khả năng thanh nhiệt, giải độc, làm mát cơ thể và cải thiện các vấn đề về sức khỏe răng miệng. Ngoài ra, theo các nghiên cứu hiện đại, rau má chứa hoạt chất triterpenoids có khả năng cải thiện các vết loét nhiệt miệng, giảm sưng đau và lành lại nhanh chóng.

Nước uống trị nhiệt miệng
Rau má có tính mát, thanh nhiệt giải độc và trị chứng nhiệt miệng hiệu quả

Cách thực hiện

  • Rau má rửa sạch, ngâm nước muối loãng và để ráo.
  • Cho rau má vào máy xay sinh tố xay nhuyễn và lọc lấy nước.
  • Thêm đường hoặc sữa đặc vào để tạo vị ngọt dễ uống. Ngon hơn khi dùng lạnh.
  • Lưu ý, người bị nhiệt miệng không nên dùng nước rau má liên tục trong vòng 6 tuần vì rau má có tính hàn, dễ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ngoài ra, người bị ung thư, bệnh suy gan không nên dùng rau má.

4. Nước cam tươi

Cam tươi là loại trái cây chứa hàm lượng cao vitamin C, vitamin B, hoạt chất folate cùng các chất chống oxy hóa có khả năng kháng viêm, chống khuẩn, làm lành vết loét nhiệt miệng và hỗ trợ hình thành tế bào mới hiệu quả. Bên cạnh đó, thường xuyên sử dụng nước cam còn giúp bổ sung các dưỡng chất thiết yếu (sắt, magie, kẽm…) giúp tăng cường sức đề kháng tự nhiên chống lại bệnh tật.

Cách sử dụng:

  • Người bệnh nhiệt miệng nên dùng từ 1 – 2 ly nước cam/ ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.
  • Lưu ý không nên uống nhiều nước cam trước giờ đi ngủ. Vì nước cam có khả năng lợi tiểu, dễ gây tiểu đêm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và dễ gây tiêu chảy.
  • Ngoài nước cam, người bị nhiệt miệng cũng có thể dùng nước chanh. Hàm lượng vitamin C cao trong nước chanh giúp chuyển hóa và đào thải độc tố, thanh nhiệt, làm mát và tăng sức đề kháng tốt.

5. Nước râu ngô

Râu ngô được ghi nhận là loại dược liệu tốt trong Đông y với vị ngọt thanh, tính bình có khả năng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, mát gan… Đặc biệt, với những người bị nhiệt miệng, thường xuyên sử dụng nước râu ngô giúp xoa dịu sưng đau tại vết loét và làm mát cơ thể từ bên trong, phòng ngừa tái phát.

Cách thực hiện

  • Rửa sạch râu ngô, ngâm nước muối loãng cho sạch rồi vớt ra để ráo.
  • Cho râu ngô vào ấm, đổ ngập nước và đun trên lửa nhỏ trong vòng 20 phút.
  • Lọc lấy phần nước râu ngô, để nguội và uống hết trong ngày. Có thể cho vào tủ lạnh uống sẽ ngon hơn.
  • Kiên trì sử dụng loại nước này cho đến khi các triệu chứng nhiệt miệng thuyên giảm hoàn toàn.

6. Trà hoa cúc

Trà hoa cúc là loại trà thảo mộc được nhiều người ưa thích nhờ vị ngọt tự nhiên, hơi đắng chát nhẹ và mùi thơm dễ chịu. Theo y học cổ truyền, hoa cúc khô có tác dụng thanh nhiệt, giải độc và làm mát gan từ bên trong cơ thể, ngăn ngừa tái phát nhiệt miệng. Còn theo các nghiên cứu hiện đại, trong trà hoa cúc chứa 2 hoạt chất là Azulene và Levomenol giúp sát trùng, chống viêm, cải thiện triệu chứng nhiệt miệng hiệu quả.

Nước uống trị nhiệt miệng
Người bị nhiệt miệng sử dụng trà hoa cúc mỗi ngày giúp đẩy lùi cơn đau rát, khó chịu nhanh chóng

Cách thực hiện

  • Cho trà hoa cúc khô vào ấm sắc như bình thường để sử dụng. Nếu không có hoa cúc khô có thể thay thế bằng trà túi lọc.
  • Thời điểm uống trà hoa cúc khô tốt nhất là sau bữa ăn ít nhất 30 phút và trước giờ đi ngủ 30 phút.
  • Lưu ý không dùng trà hoa cúc chữa nhiệt miệng khi đang đói, phụ nữ mang thai cần thận trọng trước khi dùng.

7. Nước bột sắn dây

Sắn dây trong Đông y có tính bình, vị ngọt nhẹ và có nhiều công dụng chữa bệnh tốt cho sức khỏe. Và một trong những tác dụng lớn nhất của bột sắn dây là tính mát, khả năng thanh nhiệt, giải độc từ bên trong cơ thể. Vì vậy, đối với người bị nhiệt miệng do nóng trong người hoàn toàn có thể sử dụng nước bột sắn dây để cải thiện tình trạng bệnh.

Cách thực hiện

  • Pha 2 – 3 thìa bột sắn dây dùng một ít nước sôi để nguội..
  • Khuấy cho tan đều và sử dụng.
  • Đối với trẻ nhỏ muốn dùng bột sắn dây cần đun sôi trước khi sử dụng.
  • Mỗi ngày chỉ nên dùng tối đa 1 ly nước bột sắn dây để tránh làm phản tác dụng.

8. Các loại nước ép

Nếu là tín đồ của các loại nước ép, đừng bỏ qua các loại nước ép vừa thơm ngon bổ dưỡng vừa tốt cho việc cải thiện nhiệt miệng dưới đây:

Nước ép khế

Khế là loại quả rất quen thuộc và được nhiều người yêu thích vì tốt cho sức khỏe, đặc biệt dùng khế chua còn có tác dụng cải thiện các vết viêm loét nhiệt miệng hiệu quả. Vì theo các nghiên cứu, trong khế chua có chứa hàm lượng lớn acid oxalic và đa dạng các loại vitamin gồm vitamin C, B1, B2, K, P… có đặc tính kháng viêm, chống khuẩn và sát trùng tự nhiên.

Cách thực hiện

  • Chuẩn bị 2 – 3 quả khế chua, rửa sạch và ngâm nước muối loãng 15 phút trước khi sử dụng.
  • Cắt khế thành từng múi, bỏ hạt rồi cho vào máy ép lấy nước.
  • Phần nước ép khế thu được khá chua, có thể thêm mật ong hoặc đường để tạo vị ngọt dễ uống.

Nước ép cà chua

Cà chua nổi tiếng với nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe nhờ sở hữu đa dạng các loại vitamin, khoáng chất có lợi như vitamin C, B, C, E, magie, kali, natri, phospho… Những chất này đóng vai trò quan trọng giúp ức chế quá trình oxy hóa, giảm nguy cơ ung thư vú, các bệnh tim mạch… Đặc biệt, cà chua có vị ngọt nhẹ, chua thanh, tính mát giúp thanh nhiệt, giải độc hiệu quả nên được rất nhiều người truyền tai nhau về công dụng chữa nhiệt miệng.

Nước uống trị nhiệt miệng
Nước ép cà chua có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, làm mát cơ thể từ bên trong và cải thiện triệu chứng nhiệt miệng

Cách thực hiện

  • Chuẩn bị 3 – 4 quả cà chua, 1 quả cam, vài lá bạc hà và 1/4 quả chanh.
  • Sơ chế rửa sạch nguyên liệu, cho cà chua vào máy ép để thu phần nước nguyên chất.
  • Vắt nước ép cam vào để tạo vị chua trung hòa với vị ngọt của cà chua.
  • Mỗi ngày uống từ 2 – 4 ly nước ép cà chua cam sẽ giúp các vết loét nhiệt miệng được cải thiện rõ rệt.

Nước ép củ cải

Khi nhắc đến các loại củ quả có khả năng thanh nhiệt, giải độc tốt thì không thể bỏ qua củ cải. Đặc biệt, sử dụng củ cải trắng để làm nước ép uống hàng ngày còn giúp xoa dịu vết loét nhiệt miệng, các tổn thương trên da,  phục hồi cấu trúc các mô mềm niêm mạc, tăng cường chức năng gan và chống lại sự phát triển của các loại vi khuẩn, nấm gây hại cho cơ thể.

Cách thực hiện

  • Chuẩn bị 1 củ cải trắng tươi, 300gr giá đỗ, 1 – 2 miếng gừng tươi, vài lá bạc hà và 1/2 quả chanh.
  • Sơ chế sạch các nguyên liệu, sau đó cho lần lượt từng loại vào máy ép chuyên dụng (trừ chanh).
  • Phần nước ép thu được cho ra ly, vắt vào 1/2 quả chanh, khuấy đều và uống hết.

Nước ép cà rốt

Hàm lượng cao beta – carotene, chất xơ và chất chống oxy hóa trong cà rốt là những thành phần chính giúp giải độc gan, thanh nhiệt, làm mát, tăng cường năng lượng, tốt cho các mô niêm mạc, da tóc… Nhờ những công dụng này mà nước ép cà rốt luôn được nhiều người chọn lựa dùng để cải thiện triệu chứng nhiệt miệng. Theo khuyến cáo, người bệnh chỉ nên dùng khoảng 100ml nước ép cà rốt mỗi ngày, tránh dùng quá 500ml để đảm bảo sức khỏe.

Cách thực hiện

  • Chuẩn bị 2 -3 củ cà rốt, 1 quả cam, vài lát gừng và một ít mật ong.
  • Cà rốt rửa sạch, để vỏ, cắt thành từng khúc nhỏ, cam vắt lấy nước cốt.
  • Cho cà rốt và gừng vào máy ép, phần nước ép thu được rót ra ly.
  • Đổ nước cam và mật ong vào chung, khuấy đều và thưởng thức.

9. Nước rau diếp cá

Rau diếp cá còn được gọi là rau dấp cá được ghi nhận là một trong những loại dược liệu quý trong y học cổ truyền. Vị thuốc này có vị cay, tính lạnh, có khả năng giải độc, sát trùng, thanh nhiệt và làm mát. Đặc biệt, trong một vài nghiên cứu mới đây cho thấy các hoạt chất trong rau diếp cá có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, xoa dịu vết thương lở loét ở người bị nhiệt miệng.

Nước uống trị nhiệt miệng
Uống nước rau diếp cá giúp cải thiện rõ rệt các triệu chứng nhiệt miệng

Cách thực hiện

  • Chuẩn bị 100gr rau diếp cá tươi, không sâu rầy, héo úa, rửa sạch, ngâm nước muối rồi vớt ra để ráo.
  • Giã nát rau diếp cá rồi vắt lấy nước cốt hoặc cho vào máy ép để tiết kiệm thời gian.
  • Mỗi ngày bạn uống nước rau diếp cá từ 2 – 3 lần, kiên trì dùng liên tục trong vòng 3 – 4 ngày sẽ đạt hiệu quả cải thiện rõ rệt.
  • Nếu không chịu được mùi nồng của rau diếp cá tươi, bạn có thể sắc lấy nước uống cũng rất hiệu quả.

10. Nước nhân trần

Nhân trần là loại dược liệu quý được sử dụng phổ biến trong các bài thuốc Đông y với mục đích thanh nhiệt, giải độc cơ thể, cải thiện chức năng gan, ức chế sự phát triển của vi khuẩn, cải thiện hiệu quả các triệu chứng viêm loét, nhiệt miệng , nổi mẩn ngứa, nấm da, mụn nhọt…

Cách thực hiện

  • Chuẩn bị 30 – 40g nhân trần, một ít lá sen phơi khô rồi mang đi tán nhuyễn thành bột.
  • Mỗi lần sử dụng lấy một lượng bột nhỏ pha với nước lọc và mật ong để sử dụng.
  • Lưu ý khi các vết loét nhiệt miệng đã lành lại hãy ngưng sử dụng loại nước này vì lạm dụng quá mức có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu cho sức khỏe.

Lưu ý cần biết khi dùng các loại nước chữa nhiệt miệng

Để cải thiện triệu chứng nhiệt miệng nhanh chóng bằng các loại nước uống quen thuộc vừa kể trên, người bệnh cần lưu ý thực hiện các vấn đề sau:

Nước uống trị nhiệt miệng
Hầu hết các loại nước uống trị nhiệt miệng đều có tính mát nên không được dùng quá mức để tránh gây hại cho sức khỏe
  • Không quá lạm dụng các thức uống trên, tốt nhất chỉ sử dụng trong mức cho phép. Vì bất kỳ chất gì trong cơ thể ở mức dư thừa cũng đều gây ra những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.
  • Trong quá trình sử dụng, nếu xảy ra các triệu chứng bất thường như tiêu chảy, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, nôn ói… tốt nhất nên ngưng sử dụng và thông báo ngay cho bác sĩ để được xử lý kịp thời.
  • Bên cạnh thức uống, người bệnh cần điều chỉnh thực đơn ăn uống phù hợp. Bổ sung đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết, đặc biệt ưu tiên thực phẩm có tính mát, giàu vitamin, khoáng chất. Hạn chế thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, cay, nóng, quá chua, quá mặn… vì sẽ càng làm tổn thương nhiệt miệng ngày càng nặng hơn.
  • Uống đủ 2 lít nước/ ngày để tăng cường quá trình trao đổi chất, thanh lọc và đào thải các chất độc hại ra khỏi cơ thể.
  • Giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ bằng cách chải răng nhẹ nhàng ít nhất 2 lần/ ngày, sử dụng chỉ nha khoa, nước súc miệng để làm sạch khoang miệng. Đồng thời, thăm khám sức khỏe nha khoa định kỳ để sớm phát hiện các bất thường về răng miệng.
  • Tập luyện thể dục thể thao, vận động thể chất với các bộ môn nhẹ nhàng như yoga, thiền, thái cực quyền… nhằm tăng cường sức khỏe, nâng cao sức đề kháng và giảm stress, căng thẳng.

Sử dụng các loại nước uống trị nhiệt miệng thực chất không có tác dụng điều trị, thay vào đó là khả năng hỗ trợ cải thiện triệu chứng hiệu quả mà lại lành tính, tốt cho sức khỏe. Hy vọng những gợi ý trên đã giúp quý bạn đọc dễ dàng chọn lựa loại thức uống phù hợp với sở thích. Những trường hợp nhiệt miệng nặng nên kết hợp thăm khám, chẩn đoán và tuân thủ các chỉ định điều trị của bác sĩ để đẩy lùi bệnh tốt hơn.

Có thể bạn quan tâm

Cách chữa nhiệt miệng tại nhà đơn giản hiệu quả

11 Cách Chữa Nhiệt Miệng Tại Nhà Hiệu Quả Đến Khó Tin

Súc miệng bằng nước muối, dùng bột nghệ, mật ong,... là các cách chữa nhiệt miệng đơn giản áp dụng...

Uống kháng sinh gây nhiệt miệng có phải không?

Uống Kháng Sinh Gây Nhiệt Miệng và Cách Khắc Phục An Toàn

Uống kháng sinh gây nhiệt miệng là một trong những vấn đề thường gặp hiện nay. Nhất là những trường...

Các loại thuốc trị nhiệt miệng cho bé an toàn

Top 8 Loại Thuốc Trị Nhiệt Miệng Cho Bé Tốt, An Toàn Nhất

Sử dụng thuốc trị nhiệt miệng cho bé loại nào tốt? Đây là câu hỏi nhận được nhiều lượt quan...

Lưu ý khi dùng thuốc uống trị nhiệt miệng

Nhiệt Miệng Uống Thuốc Gì Để Cho Bệnh Nhanh Khỏi?

Nhiệt miệng uống thuốc gì? Thực tế tình trạng nhiệt miệng xuất hiện và có thể thuyên giảm sau 1...

Trẻ bị nhiệt miệng

Trẻ Bị Nhiệt Miệng Nên Làm Gì? Cách Chữa và Ngăn Ngừa

Trẻ bị nhiệt miệng không phải tình trạng hiếm gặp và cũng không quá nguy hiểm. Tuy nhiên các triệu...

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.