Rau diếp cá: tính vị, công dụng và các bài thuốc từ cây
Rau diếp cá là cái tên khá quen thuộc đối với người dân nước ta, nó được sử dụng phổ biến hằng ngày từ việc chế biến các món ăn đến sử dụng làm dược liệu chữa trị bệnh vô cùng hiệu quả. Rau diếp cá mọc hoang và được trồng nhiều trên khắp các tỉnh thành từ Bắc vào Nam.
1/ Tên gọi, chủng loại
Tên gọi khác: giấp cá, lá giấp, rau dấp, ngư tinh thảo.
Tên khoa học: Houttuynia cordata.
Họ: cây thuộc họ Giấp cá có pháp danh khoa học là Saururaceae.
2/ Đặc điểm sinh thái
Mô tả
Rau diếp cá là một loài cây thân thảo nhỏ, sống lâu năm thường mọc ở những nơi ẩm ướt, cây có thân rễ mọc ngầm dưới đất. Rễ cây nhỏ, mọc ra từ các đốt ở trên thân. Thân cây cao từ 15 – 50cm, thân có màu lục hoặc tím đỏ. Thân cây rất giòn và dễ gãy.
Lá rau có hình tim mọc so le với nhau, khi vò lá có mùi hơi tanh như mùi cá. Mặt trên của lá có màu xanh thẫm, mặt dưới có màu xanh hơi xám. Rau diếp cá có cụm hoa nhỏ hình bông sao màu trắng. Quả nang mở ở đỉnh, hạt hình trái xoan, nhẵn. Mùa hoa thường có từ tháng 5 – 8, mùa quà thường từ tháng 7 – 10.
Phân bố
Rau diếp cá là loài rau thuộc lục địa Châu Á vì vậy nó có nhiều ở một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và các nước Đông Dương. Ở Việt Nam: rau diếp cá mọc hoang khắp cả nước ở những khu vực ẩm ướt. Hiện nay, người ta thường trồng để làm món ăn và chế biến thành dược liệu.
3/ Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản
Bộ phận sử dụng: toàn bộ cây.
Thu hái: cây có thể thu hái lá quanh năm khi cây xanh tốt và có nhiều cụm quả. Vào lúc trời khô ráo thì cắt toàn bộ cây để chế biến.
Chế biến: diếp cá sau khi hái xong đem cắt bỏ phần rễ rồi rửa sạch, sau đó cắt thành đoạn nhỏ và phơi khô.
Bảo quản: diếp cá sau khi phơi khô xong nên bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát để tránh bị ẩm mốc hay hư hỏng.
4/ Thành phần hóa học
Diếp cá có các thành phần hóa học bao gồm:
- Các flavonoid: quercitrin, isoquercitrin.
- Tinh dầu: thành phần của tinh dầu diếp cá gồm methylnonylceton, laurylaldehyd, caprylaldehyd và decanonyl acetaldehyd.
- Các thành phần khác gồm: aristolactam, các alcaloid nhân pyridin.
5/ Tính vị, quy kinh
Rau diếp cá có vị chua, mùi tanh và tính mát. Quy vào kinh phế.
6/ Tác dụng dược lý
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại
Trong cây diếp cá có chứa hoạt chất decanoyl-acetaldehyd như một loại kháng sinh tự nhiên, nó có tác dụng kháng khuẩn như ức chế tụ cầu vàng, liên cầu, phế cầu, trực khuẩn bạch hầu, e.coli. Ngoài ra, nó còn có tác dụng diệt ký sinh trùng và nấm.
Bên cạnh đó, diếp cá còn có tác dụng lợi tiểu nhờ hoạt chất quercitrin làm chắc thành mao mạch, chữa trĩ nhờ tác dụng của chất dioxy – flavonon. Nó còn có tác dụng lọc máu, giải độc, giải nhiệt, kháng viêm và tăng cường sức miễn dịch của cơ thể.
Theo Y học cổ truyền
Tác dụng: thanh nhiệt giải độc, bài nùng, tiêu thũng.
Công dụng: chữa trị các vấn đề như phế ung, phế nhiệt, thực nhiệt ly, nhiệt lâm, mụn nhọt, đau mắt, trĩ, kinh nguyệt không đều, nhiễm trực khuẩn mủ xanh.
7/ Liều dùng và cách dùng
Đối với dược liệu khô thì dùng 15 – 20g mỗi ngày đem đi sắc nước uống.
Đối với rau tươi thì dùng 30 – 50g đem đi giã vắt lấy nước uống.
Nếu chỉ sử dụng bên ngoài thì dùng một lượng vừa đủ đem giã đắp vào vị trí cần chữa trị hoặc nấu nước xông, rửa vết thương.
8/ Bài thuốc từ rau diếp cá
Lợi tiểu, trị tiểu buốt
Rau diếp cá 20 – 50g, rau má 50g, rau mã đề 40- 50g đem đi rửa sạch rồi giã để vắt lấy nước uống mỗi ngày 1 – 3 lần. Thực hiện trong 7 – 10 ngày sẽ thấy hiệu quả.
Giúp hạ sốt
- Bài thuốc 1: rau diếp cá 30g đem đi rửa sạch rồi giã nát. Sau đó thêm nửa bát nước sôi để nguội vào để uống. Còn bã đem đi đắp lên vùng thái dương.
- Bài thuốc 2: rau diếp cá 15g, lá hương trà loại nhỏ 12g đem đi rửa sạch rồi sắc nước uống mỗi ngày 2 lần sau mỗi bữa ăn. Áp dụng bài thuốc đến khi hết sốt thì ngưng.
Chữa đau mắt đỏ do trực khuẩn mủ xanh
Dùng khoảng 35g rau diếp cá đem đi rửa sạch rồi tráng qua nước đun sôi để nguội. Để cho thật ráo nước rồi giã nát để đắp lên vùng mắt bị sưng đau khi đi ngủ. Áp dụng bài thuốc từ 3 – 5 ngày.
Chữa viêm tai giữa
Dùng các dược liệu gồm lá diếp cá khô 20g, táo đỏ 10g, nước 600ml sắc còn 200ml chia thành 3 lần uống trong ngày.
Trị viêm phổi do sởi
Dùng rau diếp cá 50g, rau dền đỏ 50g, lá đậu săng 50g, cam thảo đất 50g đem đi sắc với 3 bát nước, đến khi cạn còn 1 bát thì tắt bếp chia làm 3 lần uống trong ngày.
Trị bênh trĩ
Dùng rau diếp cá 6 – 12g đem sắc lấy nước xông và rửa vùng bị trĩ. Đồng thời, bạn hãy kết hợp với việc bổ sung rau diếp cá sống trong bữa ăn để cải thiện tình trạng táo bón – là nguyên nhân gây nên bệnh trĩ.
Trị sỏi thận
- Bài thuốc 1: dùng rau diếp cá 20g, rau dệu 15g, cam thảo đất 10g đem đi sắc nước uống mỗi ngày 1 thang.
- Bài thuốc 2: lấy 100g rau diếp cá đem đi sao vàng rồi nấu sôi với 1 lít nước trong vòng 20 phút, dùng nước này để uống hằng ngày trong hai tháng.
Điều hòa kinh nguyệt
Dùng diếp cá 40g, ngải cứu 30g, đem đi giã nhỏ và lọc bằng nước sôi để nguội để lấy nước uống. Chia làm hai lần uống trong ngày, uống liên tục trong vòng 5 ngày trước chu kỳ kinh nguyệt 10 ngày.
Chữa viêm âm đạo
Dùng rau diếp cá 20g, bồ kết 10g và 1 củ tỏi. Cho thuốc vào nồi cùng với 5 bát thuốc đun sôi thật kỹ. Dùng nước này xông hơi và rửa vào vùng âm đạo bị viêm mỗi ngày 1 lần, trong vòng 7 ngày.
9/ Lưu ý khi sử dụng
Những người mắc các bệnh như nguyên khí hư, đau chân không nên sử dụng các bài thuốc từ rau diếp cá.
Một số thông tin về rau diếp cá trên đây được đưa ra để bạn có thể tham khảo, nếu người bệnh muốn sử dụng diếp cá để chữa trị bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Dược liệu nên kết hợp
- Cây nha đam: mô tả, tính vị, công dụng và các bài thuốc chữa bệnh
- Cây cơm cháy: Công dụng, cách dùng và những điều cần lưu ý
Hỏi đáp cùng chuyên gia
Tôi bị đau thần kinh tọa do sẹp đốt sống lưng có ăn rau diếp cá được không