Ngứa ở cổ họng do đâu? Làm thế nào để phòng ngừa và điều trị?
Viêm mũi dị ứng, dị ứng thực phẩm hay dị ứng thuốc có thể là một trong những nguyên nhân gây nên triệu chứng ngứa ở cổ họng. Chính vì thế, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà bệnh nhân có thể sử dụng các phương pháp điều trị khác nhau để khắc phục triệu chứng khó chịu này.
Nguyên nhân gây ngứa ở cổ họng
Theo các chuyên gia khoa hô hấp, ngứa gây khó chịu ở cổ họng có thể là do các nguyên nhân sau đây:
1. Viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ngứa ở cổ họng. Bệnh xảy ra chủ yếu là do hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng thái quá với các chất vô hại từ tự nhiên. Phản ứng này sản sinh ra một hoạt chất gây dị ứng gọi là histamin. Chính hoạt chất trung gian này đã kích thích niêm mạc họng dẫn đến ngứa.
Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng có thể là do:
- Phấn hoa
- Nước hoa
- Chất kích thích như khói bụi, khói thuốc lá
- Lông động vật
- Môi trường ô nhiễm
2. Dị ứng thực phẩm
Phản ứng dị ứng với thực phẩm xảy ra khi cơ thể phản ứng với một hoặc một vài loại thực phẩm nhất định mà chúng ta ăn. Phản ứng dị ứng thường phát triển trong vòng vài phút hoặc sau đó vài giờ kể từ khi thực phẩm được tiêu thụ.
Ngứa cổ họng hoặc ngứa miệng là một trong những triệu chứng điển hình rất hay gặp ở những người bị dị ứng thực phẩm. Triệu chứng này có thể được cải thiện sau đó vài ngày nếu bệnh nhân biết cách xử lý. Tuy nhiên, nếu dị ứng ở thể nặng, chúng có thể gây sốc phản vệ và đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Một số thực phẩm gây dị ứng như:
- Đậu phộng
- Động vật có vỏ
- Lúa mì
- Sữa
- Trứng
3. Nhiễm vi khuẩn hoặc vi rút
Viêm amidan hoặc viêm họng là hai căn bệnh liên quan đến nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra. Triệu chứng nhận biết ban đầu của bệnh có thể là ngứa ở cổ họng. Bên cạnh đó, người bệnh có thể gặp phải các biểu hiện khó chịu như đau rát ở cổ họng, ho, khó thở,…
Ngoài ra, các loại vi rút gây cảm lạnh thông thường hoặc cảm cúm cũng có thể gây ngứa họng. Nếu bạn bị cảm cúm, ngoài đau họng bệnh nhân có thể bị sốt hoặc cảm thấy đau nhức, khó chịu ở ngực.
4. Mất nước
Mất nước có thể gây khô miệng và dẫn đến ngứa cổ họng. Nguyên nhân là do lượng nước bọt không được điều tiết đủ để làm ẩm và ướt niêm mạc họng. Thông thường, mất nước thường gặp chủ yếu sau khi tập thể dục hoặc trong những ngày thời tiết oi bức.
5. Dị ứng thuốc
Dị ứng thuốc là hiện tượng cơ thể phản ứng lại với các hoạt chất chứa trong thuốc. Mức độ nghiêm trong của dị ứng thường dao động từ nhẹ đến nặng. Nếu dị ứng nhẹ, triệu chứng bệnh xuất hiện ngay sau đó hoặc trễ hơn vài giờ.
Trong trường hợp, dị ứng thuốc nghiêm trọng, phản ứng dị ứng sẽ xuất hiện sau đó vài giờ hoặc vài ngày kèm theo các hội chứng như Lyell, Stevens – Johnson. Còn đối với người bị dị ứng nặng gây sốc phản vệ, làm tăng nguy cơ tử vong.
6. Trào ngược axit dạ dày
Ngứa ở cổ họng có thể liên quan đến chứng trào ngược acid dạ dày thực quản. Nguyên nhân dẫn đến trào ngược có thể là do bạn mắc phải các bệnh lý dạ dày hoặc do thói quen xấu sử dụng nhiều bia, rượu,….
Ngoài triệu chứng đau và ngứa ở cổ họng, người bệnh trào ngược thực quản có thể gặp các biểu hiện sau viêm họng, ợ chua, nóng rát ngực,… Tuy nhiên, ở một số người đau dạ dày mãn tính, ngứa ở cổ họng được xem là dấu hiệu lặng lẽ duy nhất giúp nhận biết bệnh.
5. Tác dụng phụ của thuốc
Đôi khi ngứa ở cổ họng không phải do phản ứng dị ứng gây ra mà là do tác dụng phụ của thuốc. Người bệnh sử dụng một số loại thuốc như thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) có thể gây ngứa họng và dẫn đến ho khan.
Thông thường, các triệu chứng ngứa sẽ bắt đầu ngay sau khi người bệnh dùng thuốc. Ngoài triệu chứng này ra, bệnh nhân không còn gặp bất kỳ biểu hiện nào khác kèm theo.
Giải đáp chi tiết: Ngứa cổ họng và ho khan phải làm sao?
Các triệu chứng kèm theo ngứa ở cổ họng
Ngứa ở cổ họng dường như không phải là triệu chứng duy nhất. Các triệu chứng kèm theo ngứa họng có thể thay đổi tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Cụ thể:
- Viêm mũi dị ứng: Ngoài triệu chứng ngứa ở cổ họng, bệnh nhân có thể gặp phải một số biểu hiện bệnh khác như chảy nước mũi, nghẹt mũi, nặng ở xoang, cơ thể cảm thấy mệt mỏi, hắt xì, mí mắt sưng, đỏ hoặc chảy nước mắt, ngứa mắt,….
- Dị ứng thực phẩm: Một vài triệu chứng thường gặp của dị ứng thực phẩm như khó thở, phát ban, đỏ da xung quanh mắt, buồn nôn, nôn, ngứa mí mắt, tiêu chảy, đau bùng. Ngoài ra, khó chịu ở cổ họng có thể xuất hiện với một vài triệu chứng nặng như khó thở, khó nuốt, môi và lưỡi, miệng bị sưng, giảm nhận thức, tụt huyết áp,….
- Trào ngược dạ dày: Triệu chứng có thể bao gồm: viêm thanh quản, ợ nóng, ợ chua, mòn men răng gây ê răng, ợ hơi, hôi miệng,…
- Dị ứng thuốc: Triệu chứng thường gặp như nổi mề đay, phát ban, sưng mặt , khó thở, ngứa, sốc phản vệ,…
Biện pháp ngăn ngừa và điều trị ngứa cổ họng
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ngứa ở cổ họng mà người bệnh sử dụng các biện pháp điều trị khác nhau. Bệnh nhân có thể sử dụng nước muối sinh lý súc miệng mỗi ngày để làm giảm cảm giác ngứa rát ở cổ họng.
Hoặc bạn có thể làm dịu cơn ngứa họng bằng cách massage dái tai. Các bạn chỉ cần dùng hai đầu ngón tay trỏ và giữa xoa nhẹ lên dái tai. Động tác này sẽ tác động tới dây thần kinh nằm trong tai và kích hoạt các phản xạ ở cổ họng giúp làm giảm cảm giác ngứa, khó chịu.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể xoa dịu cơn ngứa bằng mật ong nguyên chất. Với đặc tính chống viêm và kháng khuẩn, mật ong không chỉ giúp tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh mà còn giúp làm lành vết thương nhanh chóng. Người bệnh chỉ cần xoa một ít mật ong vào cổ họng hoặc pha nước uống giúp cải thiện triệu chứng ngứa.
Ngoài các biện pháp khắc phục, bệnh nhân có thể thực hiện các cách sau đây để ngăn ngừa kích ứng gây ngứa ở cổ họng.
- Người bệnh nên tránh xa các loại thực phẩm và thức uống chứa chất kích thích như rượu, cà phê, bia, soda,…
- Nếu cơ địa bị dị ứng, bạn nên tránh xa các chất gây dị ứng như phấn hoa, lông động vật, nước hoa,… Tốt nhất, nên đóng chặt cửa và không nên đi ra ngoài trong mùa dị ứng.
- Tránh xa những thực phẩm gây dị ứng và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khử khuẩn trong mùa cảm cúm hoặc cảm lạnh thông thường.
- Nên từ bỏ hút thuốc lá hoặc tránh xa khói thuốc.
- Thường xuyên thăm khám định kỳ.
Ngứa ở cổ họng không phải lúc nào cũng cần đến sự chăm sóc từ bác sĩ. Bởi triệu chứng này có thể cải thiện ngay sau đó vài ngày. Tuy nhiên, nếu ngứa ở cổ họng kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm sau khi chăm sóc, bệnh nhân nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị.
Có thể bạn quan tâm:
- Ngứa cổ họng gây ho và cách xử lý nhanh chóng
- 9 cách trị ho ngứa cổ họng hiệu quả ngay tại nhà
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!