Ngứa lông mày: Dấu hiệu cảnh báo nhiều căn bệnh
Có nhiều nguyên nhân gây ngứa lông mày như bệnh vẩy nến, viêm da tiếp xúc, viêm da tiết bã, zona,… Tùy thuộc vào nguyên nhân mà sẽ có cách điều trị phù hợp.
Nguyên nhân gây ngứa lông mày
Có nhiều nguyên nhân khiến bạn bị ngứa lông mày, cụ thể nó gồm:
1. Tẩy lông và những dịch vụ làm đẹp
Các phương pháp làm đẹp như tẩy lông, nhổ lông có thể khiến vùng da mỏng manh quanh lông mày bị kích ứng. Thông thường, tình trạng kích ứng này biểu hiện với triệu chứng sưng, ngứa nhẹ và biến mất trong vài ngày. Nhưng nếu nó không biến mất, có thể bạn đã bị nhiễm trùng da.
2. Viêm da tiết bã
Viêm da tiết bã thường ảnh hưởng đến vùng da đầu nhưng nó cũng có thể xuất hiện ở vùng lông mày. Triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm da tiết bã là:
- Các mảng da vàng hoặc trắng, bong tróc
- Ngứa hoặc rát da
- Đỏ
- Da sưng, nhờn
Các nhà khoa học vẫn chưa tìm hiểu được nguyên nhân cụ thể gây viêm da tiết bã. Nhưng những người có vấn đề về thần kinh như mắc bệnh Parkinson hoặc hệ thống miễn dịch suy giảm như HIV có nguy cơ bị viêm da tiết bã nhiều hơn người bình thường.
3. Bệnh vẩy nến
Bệnh vẩy nến có thể xuất hiện trên khuôn mặt, đặc biệt là vùng lông mày, da giữa mũi, môi trên, đỉnh trán và chân tóc. Bệnh vẩy nến gây ra những mảng da dày, đỏ với vẩy màu bạc và ngứa. Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, gồm:
- Nhiễm trùng
- Dùng một số loại thuốc
- Chấn thương da
4. Bệnh zona
Zona là một loại phát ban gây đau, ngứa ở khắp nơi trên cơ thể, bao gồm lông mày. Tình trạng phát ban kèm theo mụn nước đóng vảy xuất hiện từ 7-10 ngày rồi biến mất trong vòng 2-4 tuần. Nhưng trong một số trường hợp nó cũng gây nên biến chứng nguy hiểm như gây giảm thị lực.
Các triệu chứng của bệnh zona bao gồm:
- Ngứa da
- Sốt
- Đau đầu
- Ớn lạnh
- Đau dạ dày
Tham khảo thêm: Ngứa lòng bàn tay là dấu hiệu của bệnh gì?
5. Dị ứng
Ngứa lông mày có thể là do một phản ứng dị ứng với những sản phẩm làm đẹp da. Dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức với một chất trong sản phẩm làm đẹp. Những triệu chứng dị ứng có thể xảy ra gồm:
- Ngứa da
- Chóng mặt
- Ho
- Hắt xì, chảy nước mũi
- Tức ngực
- Sốc phản vệ
Dị ứng cũng có thể xảy ra do chất hóa học trong sản phẩm tẩy rửa hoặc chất bẩn từ môi trường tiếp xúc với vùng lông mày khi bạn chạm tay vào.
6. Viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc là bệnh về da xảy ra khi bạn chạm vào chất gây kích ứng. Triệu chứng như ngứa, bong tróc vùng lông mày xuất hiện ngay lập tức hoặc vài giờ sau khi bạn tiếp xúc với chất gây dị ứng.
Những tác nhân gây dị ứng phổ biến là nước hoa, dầu gội đầu, kim loại, sữa tắm hoặc mỹ phẩm.
7. Chấy
Chấy thường sống trên da đầu nhưng trong một số trường hợp nó có thể di chuyển đến vùng lông mày hoặc lông mi. Loại ký sinh trùng này ăn máu người và lây lan trực tiếp qua tiếp xúc. Khi chấy cắn, bạn sẽ có cảm giác ngứa ngáy tại lông mày.
Ngoài ra còn có dấu hiệu khác như:
- Cảm giác nhột như có gì đó di chuyển trên lông mày
- Khó ngủ vì chấy hoạt động mạnh nhất trong bóng tối
- Vết loét trên đầu do gãi
8. Bệnh tiểu đường
Những người bị bệnh tiểu đường có nhiều nguy cơ mắc các bệnh về da hơn người khỏe mạnh. Các vấn đề về da phổ biến có thể gây ngứa ở người bị bệnh tiểu đường gồm:
- Viêm nang lông có thể gây kích ứng, ngứa xung quanh lông mày
- Nhiễm nấm, chẳng hạn như candida gây ngứa, nổi mụn nước nhỏ và bong tróc da
- Tuần hoàn kém gây ngứa khắp cơ thể
Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Nếu như tình trạng ngứa lông mày kéo dài trong thời gian dài hoặc trở nên nghiêm trọng hơn thì người bệnh nên gặp bác sĩ để được xác định đúng nguyên nhân gây ngứa. Bác sĩ sẽ hỏi một số vấn đề xung quanh triệu chứng, tiền sử bệnh,…và thực hiện một cuộc kiểm tra sức khỏe.
Bác sĩ có thể hỏi bạn một số câu sau:
- Triệu chứng bắt đầu khi nào?
- Ngứa có nghiêm trọng không? Nó có ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày không?
- Bạn có thực hiện biện pháp điều trị tại nhà nào trước khi thăm khám với bác sĩ?
- Có điều gì khiến triệu chứng thêm nghiêm trọng?
- Những loại thuốc, vitamin hoặc thảo dược mà bạn đang hoặc đã sử dụng
- Gần đây bạn có căng thẳng nhiều hay không?
Tham khảo thêm: Trẻ nổi mẩn ngứa ở tay chân cần nhận biết sớm để điều trị
Điều trị ngứa lông mày
Việc điều trị còn phụ thuộc vào các nguyên nhân gây ngứa lông mày.
1. Điều trị phản ứng với các biện pháp làm đẹp
Nếu kích ứng hoặc viêm do tẩy lông là nguyên nhân khiến lông mày bạn bị ngứa thì bác sĩ có thể khuyến khích bạn điều trị tại nhà. Hãy nhẹ nhàng chườm đá để giúp giảm viêm và làm dịu da tại khu vực này. Nhưng bạn nên lưu ý là hãy bọc đá trong chiếc khăn sạch, mềm để tránh làm tổn thương vùng da mỏng manh quanh mắt.
2. Điều trị viêm da tiết bã
Bác sĩ sẽ chỉ định một loại thuốc chống nấm hoặc kháng sinh kê đơn (hoặc không kê đơn) để điều trị viêm da tiết bã. Những loại thuốc này là kem bôi tại chỗ hoặc dưới dạng dầu gội.
Các loại thuốc sinh học hoặc liệu pháp điều trị ánh sáng có thể được chỉ định nếu tình trạng viêm da tiết bã của bạn nghiêm trọng.
3. Điều trị bệnh vẩy nến
Thuốc steroid có thể được kê đơn để điều trị các triệu chứng của bệnh vẩy nến. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý rằng vùng da trên mặt rất nhạy cảm nên hãy sử dụng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Cố gắng sử dụng kem hoặc thuốc mỡ với liều lượng thấp để không gây kích ứng đến mắt.
Nếu bạn bị vẩy nến nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng thuốc kháng nấm, steroid đường uống/bôi hoặc liệu pháp ánh sáng. Điều quan trọng nữa là bạn nên tự quản lý căng thẳng, chế độ ăn uống và sử dụng thuốc để tránh kích hoạt tình trạng vẩy nến.
Nếu tình trạng ngứa lông mày do vảy nến hoặc viêm da tiết bã đã dùng nhiều thuốc không khỏi, người bệnh nên chuyển sang các bài thuốc y học cổ truyền đã được nghiên cứu và kiểm định.
4. Điều trị chấy
Chấy dễ dàng lây lan nên tốt nhất bạn nên tránh tiếp xúc với những người bị chấy. Hãy luôn giặt sạch chăn ga gối đệm, mũ, khăn quàng cổ, các vật dụng cá nhân tiếp xúc với da đầu.
Bạn có thể điều trị chấy bằng các sản phẩm không cần kê đơn như kem dưỡng permethrin 1% hoặc các sản phẩm có chứa hỗn hợp pyrethrin và piperonyl butoxide. Bác sĩ cũng có thể kê toa thuốc bôi và dầu gội để trị cháy, chẳng hạn như các sản phẩm có chứa các thành phần gồm rượu benzyl, ivermectin hoặc malathion.
5. Điều trị bệnh zona
Không có cách chữa bệnh zona hoàn toàn, các biện pháp điều trị chỉ làm giảm sự khó chịu và biến chứng của bệnh. Bác sĩ sẽ kê đơn một số thuốc kháng vi-rút để kiểm soát vi-rút. Ngoài ra còn có các loại thuốc khác như corticosteroids, thuốc tê,… Thông thường bệnh zona thường kéo dài từ 2-6 tuần và hầu hết chỉ có 1 đợt bùng phát bệnh. Nếu bạn trên 60 tuổi thì nên tiêm ngừa bệnh zona.
Trên đây là những nguyên nhân và cách điều trị ngứa lông mày. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, người bệnh nên hỏi trực tiếp bác sĩ để được tư vấn và có biện pháp điều trị phù hợp.
Có thể bạn quan tâm
- Nổi mẩn ngứa có mủ là bệnh gì và cách điều trị?
- Bệnh á sừng có lây không? Cách phòng ngừa hiệu quả
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!