Khám bệnh trĩ là làm gì? Quy trình và lưu ý khi đi khám
Khám bệnh trĩ là điều bắt buộc trước khi đề ra các phương pháp chữa bệnh thích hợp, giúp người bệnh mau chóng khắc phục bệnh lý. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân trì hoãn việc thăm khám do chưa hiểu quy trình và cách khám bệnh trĩ. Việc chậm trễ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để bệnh trĩ phát triển theo chiều hướng xấu. Vậy trĩ được khám như thế nào? Quy trình và lưu ý những gì khi đi khám? Thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về vấn đề này.
Khám bệnh trĩ là làm gì?
Khám bệnh trĩ là một phương pháp có khả năng chẩn đoán chính xác bệnh lý thông qua quá trình khám lâm sàng và nội soi. Thông thường các phương pháp chẩn đoán sẽ được thực hiện ngay sau khi có nghi ngờ mắc bệnh trĩ và trước khi sử dụng thuốc hoặc đề ra các phương pháp điều trị khác.
Để chẩn đoán chính xác bệnh lý, bác sĩ chuyên khoa sẽ hỏi bạn một số câu hỏi liên quan đến triệu chứng, quan sát vùng hậu môn, cuối cùng tiến hành nội soi hậu môn trực tràng để xác định chính xác loại trĩ (trĩ ngoại, trĩ nội, trĩ hỗn hợp), mức độ tổn thương và mức độ nghiêm trọng của bệnh lý.
Việc người bệnh ái ngại, chần chừ, không muốn hoặc trì hoãn quá trình thăm khám và điều trị sẽ tạo điều kiện thuận lợi để bệnh trĩ phát triển theo chiều hướng xấu. Đồng thời làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể và các hoạt động sinh hoạt thường ngày.
Chính vì thế, để phòng ngừa những rủi ro không mong muốn, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để tiến hành thăm khám và điều trị ngay khi các dấu hiệu đầu tiên của bệnh xuất hiện. Từ đó có hướng điều trị thích hợp ngay từ giai đoạn đầu. Việc điều trị bệnh trĩ nhẹ sẽ dễ dàng hơn so với các giai đoạn tiến triển.
Tìm hiểu thêm: Phân biệt các loại bệnh trĩ thường gặp
Quy trình khám bệnh trĩ
Bạn có thể dễ dàng phát hiện bệnh trĩ thông qua những biểu hiện bên ngoài. Chính vì thế, khi có nghi ngờ bạn có thể tiến hành thăm khám bệnh trĩ tại nhà nếu chưa thể đến bệnh viện.
Trong trường hợp nhận thấy búi trĩ lòi ra kèm theo triệu chứng ngứa ngáy vùng hậu môn, chảy máu khi đi đại tiện, đau rát, xuất hiện dịch nhầy, người bệnh nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế uy tín để bác sĩ chuyên khoa có thể kiểm tra xác định chính xác bệnh lý, nguyên nhân gây bệnh. Đồng thời xác định mức độ nghiêm trọng, mức độ tổn thương và loại trĩ. Từ đó đề ra phác đồ điều trị thích hợp cho từng trường hợp cụ thể.
1. Cách khám bệnh trĩ tại nhà
Bệnh trĩ có hai loại chính gồm trĩ ngoại và trĩ nội. Tùy thuộc vào từng loại trĩ mà dấu hiệu nhận biết và cách khám bệnh cũng sẽ khác nhau.
Đối với bệnh trĩ ngoại
So với bệnh trĩ nội, bệnh trĩ ngoại dễ phát hiện hơn thông qua quá trình thăm khám bằng mắt thường. Điều này xuất hiện là do búi trĩ hình thành ngoài ống hậu môn.
Búi trĩ hình thành và phát triển ngay tại các nếp gấp xung quanh rìa hậu môn. Khi búi trĩ mới xuất hiện, người bệnh sẽ nhận thấy rìa hậu môn có dấu hiệu sưng hoặc hơi căng phồng, kích thước chỉ như hạt đậu tương hoặc hoặc như hạt gạo.
Khi quan sát người bệnh sẽ nhận thấy vùng da bên ngoài hậu môn có biểu hiện đỏ, sưng tấy. Bên cạnh đó hình thái tự nhiên của nếp nhăn ngay tại rìa và xung quanh hậu môn cũng bị thay đổi.
Bệnh càng nặng thì kích thước của búi trĩ càng lớn kèm theo biểu hiện đau rát. Đối với những trường hợp nghiêm trọng, búi trĩ phình to, nằm chắn ngang khiến lỗ hậu môn bị bít tắc, quá trình đào thải phân bị cản trở.
Đáng chú ý: Bệnh trĩ ngoại độ 4 – Điều trị sớm, tránh biến chứng
Đối với bệnh trĩ nội
Người bệnh không thể phát hiện búi trĩ nội thông qua mắt thường. Bởi đối với trĩ nội, búi trĩ sẽ hình thành và phát triển trong ống hậu môn trực tràng. Người bệnh chỉ có thể phát hiện bệnh lý khi búi trĩ đã sưng to ở mức độ nghiêm trọng và sa ra khỏi ống hậu môn.
Hình dáng của búi trĩ giống như một cục thịt thừa. Khi dùng tay sờ vào, người bệnh sẽ nhận thấy bề mặt của búi trĩ căng nhẵn, mềm, quan sát thấy có màu đỏ hoặc màu hồng. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh lý mà búi trĩ có hình dáng và kích thước to nhỏ khác nhau.
Thông thường, ở giai đoạn đầu và giai đoạn 2, búi trĩ nội nằm tận sâu bên trong ống hậu môn. Đối với giai đoạn 3, kích thước búi trĩ tăng đáng kể, có dấu hiệu sa ra ngoài mỗi khi đi đại tiện. Ở giai đoạn này, búi trĩ không thể tự co lên được mà người bệnh phải dùng lực từ tay đẩy và nhét búi trĩ vào trong.
Khi trĩ nội phát triển đến giai đoạn 4, búi trĩ có kích thước lớn, sa và nằm thường trực bên ngoài hậu môn. Đồng thời gây ra cảm giác khó chịu, đau đớn, người bệnh gặp nhiều khó khăn trong quá trình đi đại tiện, thường xuyên chảy máu.
Ngoài ra, để phát hiện bệnh trĩ nội ở giai đoạn nhẹ, người bệnh có thể dựa vào một số biểu hiện sau:
- Căng tức và có cảm giác vướng víu tại vùng hậu môn
- Có máu dính vào trong giấy vệ sinh khi đi đại tiện hoặc lẫn vào phân
- Dịch nhầy được tiết ra khiến vùng hậu môn luôn ẩm ướt kèm theo cảm giác ngứa ngáy nghiêm trọng.
Dựa vào những đặc điểm nêu trên, người bệnh có thể tự thăm khám và xác định bệnh trĩ tại nhà. Tuy nhiên một số triệu chứng của bệnh trĩ cũng có ở những bệnh lý, vấn đề về hậu môn trực tràng khác. Do đó, nếu bạn là người không có kinh nghiệm, bạn có thể khám và chẩn đoán sai lệch.
Tốt nhất ngay khi nhận thấy những biểu hiện đầu tiên xuất hiện, người bệnh nên đến cơ sở y tế và nhờ đến sự giúp đỡ của bác sĩ chuyên khoa.
Xem thêm: Trĩ Nội Độ 1 : Đặc Điểm Và Cách Chữa Bệnh Trĩ Giai Đoạn Đầu
Quy trình khám bệnh trĩ tại cơ sở y tế
Nếu có nghi ngờ mắc bệnh trĩ, người bệnh nên đến chuyên khoa Hậu môn – trực tràng hoặc chuyên khoa Tiêu hóa để tiến hành thăm khám và chẩn đoán bệnh lý.
Quy trình khám bệnh trĩ tại cơ sở y tế như sau:
Bước 1: Thăm khám sơ bộ
Ngay khi vào phòng khám, bác sĩ chuyên khoa có thể trao đổi và đặt cho bạn một vài câu hỏi liên quan đến những vấn đề sau:
- Tính chất công việc
- Thói quen sinh hoạt
- Thói quen vận động
- Tiền sử gia đình và tiền sử bản thân
- Các loại thuốc tân dược, vitamin, thảo dược và thực phẩm chức năng mà người bệnh sử dụng trước đó hoặc đang sử dụng, liều dùng
- Thói quen đi đại tiện
- Một số thói quen trong ăn uống như lượng nước và hàm lượng chất xơ được cung cấp cho cơ thể mỗi ngày, thói quen uống bia, rượu (nếu có)
- Triệu chứng, thời điểm xuất hiện, các triệu chứng kéo dài trong bao lâu và mức độ nghiêm trọng.
Trong thời gian trao đổi thông tin cùng với bác sĩ chuyên khoa, người bệnh nên đặt câu hỏi nếu có bất kỳ thắc mắc nào. Điều này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh lý và hướng điều trị. Cụ thể:
- Các triệu chứng xuất hiện do đâu?
- Triệu chứng xảy ra vĩnh viễn hay chỉ xảy ra tạm thời?
- Bệnh có gây biến chứng không?
- Biện pháp chăm sóc và hướng điều trị…
Bước 2: Thăm khám bên ngoài hậu môn
Sau khi đặt một số câu hỏi liên quan đến triệu chứng và tiền sử mắc bệnh, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành thăm khám bên ngoài hậu môn. Bước này sẽ giúp bác sĩ tìm kiếm và xác định những dấu hiệu có liên quan đến bệnh. Bao gồm:
- Vết nứt ở hậu môn
- Kích ứng da
- Chất nhầy ở hậu môn
- Sa búi trĩ
- Sưng và nổi cục ở hậu môn
- Huyết khối tĩnh mạch (bên trong tĩnh mạch xuất hiện một cục máu đông).
Bước 3: Khám trực tràng
Khám trực tràng là một phương pháp giúp phát hiện bệnh trĩ và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bất kỳ bệnh nhân nào cũng phải trải qua. Phương pháp chẩn đoán này có thể khiến nhiều bệnh nhân cảm thấy ngại ngùng và bối rối, đặc biệt là phụ nữ và người khám lần đầu.
Tuy nhiên, trong suốt thời gian khám bệnh trĩ, người bệnh không nên quá lo lắng. Thay vào đó bạn nên giữ tâm lý thoải mái, cố gắng phối hợp với bác sĩ để thực hiện một cách nhanh chóng, đồng thời không cảm thấy đau và bất tiện.
- Trước khi tiến hành thăm khám, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân cởi trang phục cá nhân từ vùng bụng trở xuống, thay thế bằng đồ do bệnh viện cung cấp.
- Bác sĩ mang gân tay, sau đó đưa một ngón tay vào trong trực tràng. Điều này sẽ giúp bác sĩ kiểm tra cấu trúc bên trong hậu môn, xác định và ghi nhận những sự thay đổi bất thường. Để không gây ra cảm giác đau đớn, bác sĩ sẽ dùng chất bôi trơn thoa vào trong trực tràng trước khi đưa ngón tay vào trong.
Bác sĩ có thể xem xét thêm một số dấu hiệu khác để chẩn đoán bệnh trĩ. Cụ thể như có chất nhầy hoặc có máu dính vào bao tay.
Tuy nhiên không phải tất cả trường hợp bị trĩ nội đều được chẩn đoán và xác định thông qua cách khám bằng găng tay. Nếu quá trình thăm khám và chẩn đoán không diễn ra suôn sẻ, bác sĩ chuyên khoa sẽ yêu cầu bạn thực hiện thêm một hoặc nhiều xét nghiệm cận lâm sàng để đưa ra kết luận chính thức.
Bước 4: Thực hiện các xét nghiệm cần thiết
Trước khi đưa ra kết luận chính thức, một số xét nghiệm dưới đây có thể được yêu cầu áp dụng:
- Xét nghiệm máu
Bệnh trĩ khiến bệnh nhân thường xuyên đi ngoài ra máu dẫn đến thiếu máu. Việc tiến hành xét nghiệm máu có thể hỗ trợ bác sĩ trong việc phát hiện tình trạng này. Ngoài ra kết quả cho thấy bạn bị nhiễm trùng hậu môn khi hàm lượng bạch cầu trong máu tăng cao. Đây là một biến chứng xảy ra phổ biến của bệnh trĩ.
- Nội soi hậu môn, trực tràng
Nội soi hậu môn, trực tràng là phương pháp có khả năng cho ra kết quả chính xác về bệnh trĩ và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Khi áp dụng phương pháp chẩn đoán này, bác sĩ sẽ dùng một ống nội soi mềm, trên đầu có gắn camera đưa vào trong hậu môn và trực tràng dưới để quan sát. Điều này cho phép bác sĩ phát hiện sự tăng sinh và những dấu hiệu bất thường ở mô lót. Đồng thời xác định được những vấn đề mà bạn đang gặp phải.
Do thường không gây đau nên phương pháp nội soi hậu môn, trực tràng được thực hiện mà không cần gây mê. Thời gian thực hiện phương pháp chẩn đoán này chỉ kéo dài trong vài phút.
Bước 5: Chẩn đoán phân biệt
Bệnh trĩ khiến bệnh nhân chảy máu khi đi đại tiện kèm theo cảm giác đau đớn. Tuy nhiên một số bệnh lý, vấn đề khác ở vùng hậu môn và trực tràng cũng gây ra biểu hiện tương tự. Bác sĩ sẽ chú ý đến một số đặc điểm trong quá trình thăm khám hoặc dựa vào kết quả nội soi để chẩn đoán phân biệt bệnh trĩ với nhiều bệnh lý khác. Bao gồm:
- Nứt kẽ hậu môn
Vết nứt xuất hiện tại niêm mạc hậu môn tương tự như hình giọt nước. Vết nứt này ăn sâu vào trong dẫn đến chảy máu và gây đau. Tình trạng chảy máu và đau sẽ nghiêm trọng hơn khi đi đại tiện. Đa số bệnh nhân có thể phát hiện tình trạng nứt kẽ hậu môn thông qua quan sát bằng mắt thường.
- Polyp đại trực tràng
Polyp đại trực tràng xuất hiện chủ yếu ở những người trên 50, một số ít trường hợp là trẻ nhỏ và người trưởng thành. Khi polyp đại trực tràng còn nhỏ, nó thường gây ra triệu chứng không rõ ràng hoặc ít khi gây ra triệu chứng.
Ở một số trường hợp, bệnh nhân có thể đi cầu ra máu tươi. Để giúp phân biệt bệnh trĩ với polyp đại trực tràng, bệnh nhân cần tiến hành nội soi.
- Bệnh viêm ruột
Bệnh viêm ruột bao gồm bệnh viêm loét đại tràng, bệnh Crohn hay bệnh viêm đại tràng co thắt. Trong trường hợp mắc chứng chảy máu khi đi đại tiện kèm theo tình trạng đau bụng dưới, tiêu chảy… bác sĩ chuyên khoa có thể yêu cầu bạn tiến hành nội soi trực tràng hoặc áp dụng một số xét nghiệm chẩn đoán khác để loại trừ khả năng bệnh nhân mắc phải các bệnh lý này.
- Rò hậu môn
Lỗ rò hậu môn thường hình thành và phát triển thông qua một ổ áp xe chứa nhiều dịch mủ. Tình trạng này tạo thành một đường nối thông từ niêm mạc tồn tại trong ống hậu môn ra vùng da bên ngoài (quanh hậu môn). Việc tiến hành kiểm tra lỗ rõ sẽ giúp bác sĩ chuyên khoa phát hiện lỗ rò.
Bước 6: Ra kết luận và tư vấn điều trị
Ra kết luận và tư vấn điều trị là bước cuối cùng trong quy trình khám bệnh trĩ. Thông quan các thông tin, hình ảnh thu thập được, bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác. Sau đó đề ra phác đồ điều trị thích hợp.
Ngoài việc sử dụng thuốc và áp dụng các phương pháp chuyên sâu khác, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách xây dựng chế độ sinh hoạt và thực đơn dinh dưỡng để hỗ trợ quá trình điều trị bệnh trĩ.
Đối với những trường hợp được hẹn tái khám, bệnh nhân nên trở lại phòng khám đúng với lịch hẹn. Điều này sẽ giúp bác sĩ theo dõi bệnh lý và có phương pháp điều trị thích hợp hơn khi cần thiết.
Những điều cần lưu ý khi khám bệnh trĩ
Khi khám bệnh trĩ, người bệnh cần lưu ý những điều sau đây:
- Việc tự khám bệnh trĩ cho bản thân không được các chuyên gia khuyến khích, đặc biệt là đối với các trường hợp bệnh nặng. Bạn chỉ nên thăm khám tại nhà để nhận biết sớm triệu chứng và gặp bác sĩ chuyên khoa.
- Khi nhận thấy vùng hậu môn trực tràng xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào, người bệnh cũng cần gặp bác sĩ giàu kinh nghiệm và đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám.
- Người bệnh nên đến bệnh viện vào buổi sáng sớm để tránh tình trạng xếp hàng, mệt mỏi.
- Khi đi khám trĩ, bạn nên mặc những bộ trang phục thoáng mát và rộng rãi.
- Bạn nên nhịn ăn sáng để tránh trường hợp phải tháo thụt khi khám tại bệnh viện.
- Không nên e ngại, chần chừ, giấu diếm các loại thuốc mà bạn đang sử dụng hoặc tiền sử bệnh lý.
- Sau khi có kết quả chẩn đoán và cần phải điều trị, bạn nên tuân thủ phác đồ điều trị và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, không tự ý sử dụng thuốc hoặc thay đổi liều dùng thuốc. Đối với những trường hợp buộc phải cắt trĩ, người bệnh nên chuẩn bị tâm lý, thu xếp thời gian đến bệnh viện và áp dụng các biện pháp chăm sóc vết thương theo đúng hướng dẫn.
Hy vọng thông qua những thông tin trong bài viết, người bệnh có thể hiểu hơn về quy trình khám bệnh trĩ và những điều cần lưu ý. Trong trường hợp có nghi ngờ mắc bệnh trĩ, người bệnh nên sớm đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Không nên e ngại, trì hoãn việc thăm khám bởi điều này có thể khiến bệnh tình trở nên nghiệm trọng hơn, khó điều trị.
Có thể bạn quan tâm
- Bệnh viện nào có bác sĩ nữ khám bệnh trĩ giỏi?
- Khám và chữa bệnh trĩ ở đâu tốt nhất?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!