Bạn đã biết gì về bệnh viêm họng liên cầu khuẩn?
Viêm họng liên cầu khuẩn (tên khác: viêm họng do nhiễm liên cầu khuẩn) là một căn bệnh thường gặp ở trẻ em trong độ tuổi từ 5-15. Có những kiến thức cơ bản về bệnh sẽ giúp bạn hạn chế tối đa khả năng mắc phải.
Bệnh viêm họng liên cầu khuẩn là gì?
Viêm họng liên cầu khuẩn là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Streptococcus nhóm A gây viêm và đau rát. Đối tượng mắc bệnh không có sự giới hạn nào nhưng độ tuổi dễ bị vi khuẩn tấn công nhất là từ 5-15.
Các triệu chứng của viêm họng liên cầu khuẩn nhìn chung nghiêm trọng hơn nhiều so với viêm họng do virus. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Đây là một bệnh có khả năng lây nhiễm từ người này sang người khác, qua đường hắt hơi.
Nguyên nhân gây bệnh
Như đã nói ở trên, nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm họng liên cầu khuẩn là sự xâm nhập của vi khuẩn Streptococcus pyogenes (còn được gọi là streptococcus nhóm A). Tuy nhiên, không phải ai bị nhiễm vi khuẩn Streptococcus cũng đều bị bệnh, vi khuẩn sẽ tồn tại trong cơ thể một thời gian và lây sang người khác mặc dù bản thân không hề có những biểu hiện của bệnh.
Loại vi khuẩn này lại rất dễ lây lan, chúng có thể theo không khí đi vào cơ thể của con người. Nói như vậy có nghĩa là nếu vô tình hít phải không khí mà người bệnh vừa ho, hắt hơi hoặc dùng chung các vật dụng cá nhân của họ thì bạn sẽ bị viêm họng liên cầu khuẩn.
Bên cạnh đó cũng có các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, cụ thể gồm:
- Tuổi tác: Trẻ em từ 5 đến dưới 15 tuổi là đối tượng chủ yếu bị Streptococcus nhóm A tấn công, có thể là do hệ thống miễn dịch không được hoàn thiện như người trưởng thành.
- Thời tiết: Mặc dù bệnh có thể khởi phát ở bất cứ thời điểm nào trong năm, nhưng theo thống kê thì nó có xu hướng lây lan mạnh hơn vào mùa đông và mùa xuân.
Triệu chứng viêm họng liên cầu khuẩn
Tuy là một bệnh lây truyền nhưng mức độ nghiêm trọng của viêm họng liên cầu khuẩn có thể khác từ người này sang người khác. Trong đó có bệnh nhân gặp phải các triệu chứng thoáng qua, trong khi một số người lại gặp phải nhiều vấn đề hơn. Các dấu hiệu phổ biến của viêm họng do liên cầu khuẩn bao gồm:
- Sốt đột ngột, đặc biệt là có lúc sốt khá cao (trên 38 độ C).
- Cảm giác đau họng, khi soi dưới đèn thì thấy cổ họng đỏ hơn bình thường và có thể nhìn thấy các mảng trắng bằng mắt thường.
- Thường xuyên đau đầu, cảm thấy ớn lạnh.
- Chán ăn, ăn không ngon, buồn nôn sau khi ăn.
- Sưng bạch huyết (ở cổ).
- Gặp khó khăn trong việc nuốt thức ăn.
- Trên da có thể xuất hiện các ban đỏ.
- Đau dạ dày.
- Đau cơ, cứng cơ.
Thông thường, các triệu chứng của bệnh sẽ phát triển trong vòng 5 ngày sau khi bạn tiếp xúc với vi khuẩn.
Ngoài ra, viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A có thể dẫn đến các phản ứng viêm nhiễm như:
- Sốt phát ban
- Sốt thấp khớp: Một tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng có thể dẫn đến bệnh tim, khớp, hệ thần kinh và da.
- Viêm thận (viêm cầu thận).
- Rối loạn thần kinh tự miễn ở trẻ em: Còn được gọi với thuật ngữ PANDAS, dùng để mô tả một số trẻ em có các triệu chứng về thần kinh như rối loạn ám ảnh cưỡng chế, bệnh trở nên nghiêm trọng hơn khi trẻ bị viêm họng liên cầu khuẩn.
Tham khảo thêm: Trẻ bị viêm họng sốt mấy ngày? Sốt cao liên tục nên đi viện?
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Liên hệ với bác sĩ ngay khi bạn nhận thấy những dấu hiệu sau:
- Đau họng dữ dội kèm theo các hạch bạch huyết mềm lại và sưng lên.
- Cơn đau họng kéo dài liên tục hơn 48 giờ.
- Sốt cao kéo dài.
- Đau họng kèm theo phát ban khắp bề mặt da.
- Khó thở.
Nếu không được các bác sĩ can thiệp kịp thời, bệnh nhân sẽ phải đối diện với các biến chứng bao gồm nhiễm trùng trong xoang, máu, da hoặc nhiễm trùng tai, vẩy nến đường ruột, viêm xương chũm… rất nguy hiểm và khó điều trị dứt điểm.
Chuẩn đoán và điều trị viêm họng liên cầu khuẩn
1. Chẩn đoán
Để có thể xác định được một bệnh nhân có bị viêm họng liên cầu khuẩn hay không, đầu tiên các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra cổ họng của bệnh nhân nhằm xác định các dấu hiệu viêm. Song song với đó là kiểm tra các hạch bạch huyết có bị mềm hay sưng không.
Sau các bước kiểm tra bằng cách quan sát, các bác sĩ sẽ xác định bạn có nhiễm vi khuẩn Streptococcus bằng 2 cách sau đây:
- Lấy mẫu dịch: Một mẫu dịch từ cổ họng sẽ được các bác sĩ lấy ra và đem đi xét nghiệm, để có thể nhận biết được sự hiện diện của vi khuẩn gây bệnh.
- Xét nghiệm kháng nguyên: Bệnh nhân sẽ được thực hiện phương pháp này trong trường hợp kết quả thu được từ việc lấy mẫu dịch ở trên không đáp ứng được yêu cầu.
Thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm mẫu dịch chỉ có vài phút, nhưng đối với xét nghiệm kháng nguyên thì bạn phải đợi một vài ngày.
2. Điều trị
Viêm họng liên cầu khuẩn không phải là một bệnh khó điều trị, vì vậy bạn không cần phải quá lo lắng nếu chẩn đoán dương tính với vi khuẩn Streptococcus. Nói thêm về phương pháp điều trị bệnh, các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng sinh (thường dùng nhất là Penicillin) để có thể giảm đi khả năng bạn lây lan bệnh sang những người xung quanh.
Trong trường hợp người mắc bệnh là trẻ em, bác sĩ sẽ thay thế Penicillin bằng dung dịch uống Amoxicillin vì thuốc này dạng lỏng và có vị dễ uống hơn. Tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống Aspirin do nó sẽ dẫn đến nguy cơ phát triển hội chứng Reye.
Đối với bệnh nhân bị dị ứng với kháng sinh Penicillin thì toa thuốc sẽ được thay thế bởi Cephalosporin (Cephalexin) hoặc Macrolide (Azithromycin). Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dùng thêm Paracetamol để giảm đau – hạ sốt.
Trong quá trình điều trị bệnh, bạn nên cho cơ thể lẫn đầu óc được nghỉ ngơi nhiều hơn, đồng thời uống nhiều nước (ưu tiên nước ấm và nước chanh), ăn nhiều thực phẩm mềm, thường xuyên súc miệng với nước muối và tránh các thức uống có chứa chất kích thích.
Cách phòng ngừa viêm họng liên cầu khuẩn
Sau khi được điều trị bệnh, bạn cũng không nên chủ quan vì có thể vi khuẩn Streptococcus nhóm A vẫn còn lưu lại một ít trong cơ thể. Thay vào đó, hãy học cách kiểm soát chúng bởi các gợi ý dưới đây:
- Tập thói quen rửa tay thường xuyên: Trước khi ăn, mỗi buổi sáng, sau khi đi vệ sinh là 3 thời điểm mà bạn bắt buộc phải rửa tay với xà phòng diệt khuẩn. Hành động này không chỉ giúp hạn chế sự lây lan của viêm họng liên cầu khuẩn, mà còn có thể ngăn ngừa sự hình thành nhiều bệnh lây nhiễm khác.
- Làm theo chỉ định của bác sĩ: Cần uống đầy đủ thuốc theo toa thuốc của bác sĩ, ngay cả khi bạn cảm thấy cơ thể của mình đã khá hơn rất nhiều. Ngưng điều trị khi chưa có sự cho phép sẽ khiến cho bệnh nhân bị kháng thuốc.
- Tự bảo vệ bản thân: Viêm họng liên cầu khuẩn có thể xảy ra rất nhiều lần trong cuộc đời nếu bạn cứ không ngần ngại mà tiếp xúc với các bệnh nhân. Hãy tự bảo vệ mình bằng cách tránh tiếp xúc và dùng chung đồ với người bị liên cầu khuẩn.
- Thay đổi chế độ ăn: Ưu tiên chọn ăn những thức ăn mềm như soup, ngũ cốc, khoai tây nghiền v.v…sẽ tốt hơn cho cổ họng của bạn. Ngược lại, thực phẩm cay nóng khiến cho cổ họng bị đau rát, tốt nhất không nên ăn.
Trên đây là các thông tin cơ bản về bệnh viêm họng liên cầu khuẩn, nếu có bất cứ thắc mắc nào thì bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ. ThuocDanToc.vn không đưa ra lời khuyên hay chẩn đoán, điều trị bệnh.
Có thể bạn quan tâm
- 10 thực phẩm trị viêm họng, giảm đau và bảo vệ cổ
- Cách chữa viêm họng dân gian bằng 8 bài thuốc cực hay
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!