Bệnh Khô Miệng Ở Người Già và Biện Pháp Điều Trị
Người cao tuổi là đối tượng dễ bị khô miệng nhất với tỷ lệ 20 – 25%. Lượng nước bọt tiết ra quá ít không đủ để duy trì độ ẩm, gây đau rát, khó khăn trong việc ăn nhai. Mặc dù không quá nguy hiểm nhưng nếu chứng khô miệng ở người già kéo dài không điều trị có thể gây ra nhiều hệ lụy khó lường như chán ăn, thiếu chất, suy nhược, các bệnh về răng miệng…
Bệnh khô miệng ở người già gì?
Khô miệng là kết quả của tình trạng suy giảm chức năng tuyến nước bọt, khiến lượng nước bọt trong khoang miệng ít hoặc thậm chí không có. Thực chất tình trạng này không đủ các điều kiện để hình thành bệnh lý mà nó là một dạng triệu chứng rối loạn do cơ thể chịu sự tác động của nhiều yếu tố.
Tình trạng này có thể xảy ra với bất kỳ ai, tuy nhiên so với người trẻ tuổi, trung niên thì người già là đối tượng có nguy cơ gặp phải cao hơn. Thường là do phải sử dụng nhiều thuốc hoặc các biện pháp điều trị bệnh khác.
Mặc dù khô miệng ở người già không phải vấn đề đáng lo ngại nhưng nếu không được can thiệp và cải thiện thì nó lại là tiền đề để phát triển các rủi ro bệnh lý khác. Điển hình là tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, hình thành cao răng gây sâu răng, viêm nướu răng, áp xe răng… Ngoài ra, còn nhiều biến chứng nguy hiểm khác như gây nấm lưỡi, áp xe tuyến mang tai…
Nhưng trước hết, khi người già bị khô miệng sẽ gây khó khăn trong việc ăn nhai, ăn uống không ngon miệng, suy giảm vị giác, liên tục khát nước, phải thức giấc nhiều lần trong đêm để uống nước. Tình trạng này kéo dài lâu ngày dẫn đến hậu quả suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể, mất ngủ triền miên, tâm lý căng thẳng… và kéo theo hàng loạt các vấn đề hoặc làm tăng nặng tình trạng sức khỏe hiện tại.
Nguyên nhân khiến người già dễ bị khô miệng
Có rất nhiều nguyên nhân khiến người già bị khô miệng, trong đó có 2 nguyên nhân chính gồm:
- Thiểu tiết nước bọt: Người già thường có nhu cầu uống nước ít hơn người trẻ tuổi do gần như không có cảm giác khát nên thường xuyên không uống đủ nước. Bên cạnh đó, một số người lớn tuổi sau khi trải qua các bệnh như tai biến mạch máu não, phẫu thuật xương khớp… gây khó khăn trong việc vận động, chứng u xơ tiền liệt tuyến gây tiểu nhiều hoặc chứng đái dầm… khiến họ không có nhu cầu uống nhiều nước. Hậu quả là khiến lượng nước bọt giảm đi.
- Nuốt nhiều nước bọt: Tình trạng nuốt nước bọt nhiều ở người già gây khô miệng thường xuất hiện ở những trường hợp có các bệnh lý răng miệng như sâu răng, viêm nha chu, áp xe răng nướu, khuyết răng, đeo hàm giả không chắc chắn… Hoặc người lớn tuổi có tâm lý không ổn định, thường xuyên lo âu, trầm cảm, rối loạn thần kinh, trào ngược axit dạ dày, nhiễm trùng xoang… là những nguyên nhân kích thích phản xạ nuốt nước bọt liên tục dẫn đến khô miệng.
Bên cạnh 2 nguyên nhân chính này, còn rất nhiều yếu tố làm ức chế sự hoạt động của tuyến nước bọt và gây ra khô miệng cho người cao tuổi. Có thể kể đến như:
- Lão hóa: Càng lớn tuổi tốc độ lão hóa càng nhanh và bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể cũng có sự suy giảm chức năng nhất định, bao gồm cả tuyến nước bọt. Việc này khiến khoang miệng luôn trong tình trạng thiếu nước bọt và khô khốc khó chịu. Đây cũng là lý do vì sao người lớn tuổi thường có thói quen chép miệng liên tục.
- Tác dụng phụ của thuốc: Người lớn tuổi thường phải dùng khá nhiều thuốc để kiểm soát bệnh lý đang mắc phải. Và tác dụng phụ của thuốc chính là nguyên nhân gây ra khô miệng. Theo thống kê có gần 400 loại thuốc, dược phẩm nằm trong danh sách gây tác dụng phụ khô miệng. Điển hình như thuốc trị trầm cảm, loạn thần, giảm đau dây thần kinh, giảm đau thông thường, thuốc dị ứng kháng histamin, thuốc thông mũi, thuốc cầm tiêu chảy, thuốc huyết áp,…
- Rối loạn nội tiết tố: Chủ yếu xảy ra ở phụ nữ đang trong giai đoạn mãn kinh, phụ nữ mang thai… Sự thay đổi chỉ số nội tiết tố dẫn đến tình trạng chậm sản xuất nước bọt và gây ra khô miệng.
- Tổn thương não bộ: Bất kỳ các tác động mạnh, chấn thương nào do tai nạn, va đập hoặc tổn thương sau phẫu thuật tại vùng đầu, cổ đều phát sinh chứng khô miệng.
- Hóa – xạ trị: Người lớn tuổi mắc các bệnh ung thư nói chung thường phải tiếp nhận hóa trị và xạ trị để tiêu diệt, loại bỏ tế bào ung thư. Trong đó, khi thực hiện xạ trị ở vùng đầu và cổ chính là nguyên nhân phá hủy cấu trúc cũng như ức chế sự hoạt động của tuyến nước bọt, từ đó làm sụt giảm lượng nước bọt tiết ra.
- Hút thuốc lá/ dùng chất kích thích: Thói quen hút thuốc lá hoặc nhai thuốc lá trong nhiều năm liền tuy không phải nguyên nhân trực tiếp gây ra khô miệng, nhưng nó lại là yếu tố góp phần làm tăng nặng mức độ khô miệng. Trường hợp sử dụng methamphetamine bất hợp pháp cũng là nguyên nhân làm khô miệng nghiêm trọng, thậm chí đẩy nhanh quá trình làm hư hỏng răng. Tình trạng này còn được gọi là “miệng meth”. Ngoài ra, thường xuyên sử dụng rượu bia, cà phê cũng vô tình làm tăng triệu chứng khô miệng.
- Viêm tuyến nước bọt: Ở người lớn tuổi, khi bị khô miệng có thể nghĩ ngay đến căn bệnh viêm tuyến nước bọt. Tình trạng viêm gây tắc nghẽn và ức chế quá trình sản sinh nước bọt. Từ đó khiến nước bọt ít đi và đặc hơn, gây khó khăn trong việc ăn nhai các loại thức ăn thô cứng.
- Hội chứng Sjogren: Đây là một dạng bệnh khá đặc biệt thuộc nhóm bệnh tự miễn với cơ chế bạch cầu trong cơ thể tấn công đến tuyến nước bọt và tuyến lệ. Bệnh đặc trưng bởi một số triệu chứng như khô miệng, khô mắt, một vài trường hợp còn khô niêm mạc họng, thanh phế quản, da, âm đạo…
- Khô miệng do các bệnh lý khác: Một số bệnh lý khác gây ra chứng khô miệng ở người già như:
- Các bệnh tự miễn khác như viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ hệ thống…;
- Các bệnh nội tiết như đái tháo đường, bệnh cường giáp, suy giáp…;
- Các bệnh về thần kinh, tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, tai biến mạch máu não, u lympho, Alzheimer, u não, Parkinson, đa xơ cứng, u não, đau nửa đầu Migraine…;
- Các bệnh toàn thân như suy gan, suy thận, HIV/AIDS, xơ nang, quai bị…;
- Các bệnh về máu như xuất huyết giảm tiểu cầu, bệnh bạch cầu, rối loạn đông máu, nhiễm trùng huyết, rối loạn sinh tủy…;
Dấu hiệu nhận biết chứng khô miệng ở người già
Khô miệng ở người lớn tuổi thực chất chỉ là một dạng rối loạn của cơ thể và thường không xuất hiện đơn độc. Khi bị khô miệng, người lớn tuổi sẽ phải đối mặt với nhiều triệu chứng liên quan khác như:
- Giảm tiết nước bọt, nước bọt đặc quánh, kéo sợi;
- Khô môi, khô niêm mạc má;
- Lưỡi khô, nứt nẻ, sần sùi, xuất hiện các rãnh trên lưỡi;
- Gặp khó khăn khi ăn nhai và nói chuyện;
- Thay đổi vị giác;
- Hôi miệng;
Các triệu chứng này kéo dài dai dẳng và chuyển sang khô miệng mãn tính. Ngoài ra, tùy theo từng trường hợp khô miệng ở người già do bệnh lý nào mà xuất hiện kèm theo các triệu chứng toàn thân khác.
Điều trị bệnh khô miệng ở người già như thế nào hiệu quả?
Điều trị chứng khô miệng ở người cao tuổi thường dựa theo nguyên tắc điều trị nguyên nhân gây bệnh và kết hợp các biện pháp kích thích sự hoạt động của tuyến nước bọt tự nhiên. Có như vậy, khoang miệng mới có đủ lượng nước bọt cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng.
Tuy nhiên, trước khi bước vào điều trị, bạn sẽ phải trải qua các bước thăm khám kiểm tra kỹ lưỡng nhằm tìm ra nguyên nhân cũng như đánh giá mức độ khô miệng nặng hay nhẹ. Để chẩn đoán chứng khô miệng do nguyên nhân gì sẽ dựa vào các cách như:
- Điều tra tiền sử bệnh lý, biểu hiện thực thể lâm sàng;
- Các xét nghiệm gồm đo lượng nước bọt, đo độ pH trong nước bọt, sinh thiết tuyến nước bọt, chụp đồng vị phóng xạ tuyến nước bọt, chụp X quang tuyến nước bọt mang tai…;
Sau khi có kết quả thăm khám, tùy theo từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Đối với những trường hợp khô miệng ở người già do các bệnh lý vừa nêu trên, cần lên phác đồ điều trị chi tiết để chữa dứt điểm hoặc ít nhất kiểm soát mức độ, diễn tiến của bệnh.
Ngoài ra, người lớn tuổi bị khô miệng có thể áp dụng ngay các biện pháp sau đây:
1. Ngưng dùng các loại thuốc gây khô miệng
Một số tài liệu ghi nhận có gần 400 loại thuốc trị bệnh theo đơn và nhiều loại thuốc không kê đơn (OTC) khác có thể gây ra tình trạng giảm tiết nước bọt và khô miệng. Có thể kể đến một số loại phổ biến như thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ, thuốc tăng huyết áp, thuốc trị trầm cảm, chứng loạn thần, thuốc kháng histamine, thuốc kháng cholinergic, thuốc chống tăng sinh, thuốc chống co giật…
Và để cải thiện chứng khô miệng do tác dụng phụ của thuốc, bạn sẽ được bác sĩ điều chỉnh liều lượng sử dụng thuốc, ngưng thuốc hoặc thay đổi loại thuốc đang dùng bằng một loại thuốc khác phù hợp hơn. Trường hợp người lớn tuổi bị khô miệng đang dùng thuốc không thể đổi, có thể chuyển thời điểm dùng thuốc vào ban ngày để hạn chế khô miệng khó chịu vào ban đêm, nhất là giảm nguy cơ sâu răng.
2. Dùng nước bọt nhân tạo
Dùng nước bọt nhân tạo là một trong những giải pháp khắc phục tình trạng khô miệng ở người già hiệu quả trong trường hợp chưa thể kích hoạt sự hoạt động trở lại của tuyến nước bọt tự nhiên. Loại nước bọt nhân tạo hoặc các chất thay thế nước bọt thường có chứa thành phần hydroxyethyl cellulose hoặc carboxymethyl cellulose nhằm duy trì độ ẩm, bôi trơn các mô niêm mạc miệng.
Hiện nay, nước bọt nhân tạo được sản xuất dưới nhiều dạng khác nhau như dạng gel, xịt, nước súc miệng, miếng gạc hoặc viên ngậm tan trong miệng. Các chuyên gia cho biết, dùng nước bọt nhân tạo chỉ có tác dụng cải thiện triệu chứng khó chịu tạm thời. Và do không có tác dụng hóa học như các loại thuốc Tây nên không có khả năng kích thích tuyến nước bọt tự nhiên sản sinh nước bọt. Ngoài ra, người bệnh cũng không nên lạm dụng cách làm này vì có thể gây ra nhiều hệ lụy khó lường cho sức khỏe.
3. Liệu pháp Florua
Liệu pháp Florua được hiểu là việc sử dụng florua nhằm mục đích ngăn ngừa các bệnh lý răng miệng, điển hình như sâu răng do chứng khô miệng kéo dài gây ra. Đồng thời, florua còn là một loại khoáng chất tự nhiên giúp duy trì độ ẩm trong khoang miệng và cải thiện chứng khô miệng. Hiện nay có 2 phương pháp bổ sung Florua chính gồm:
- Bổ sung Florua tại chỗ: Dùng kem đánh răng, gel bôi răng, nước súc miệng, miếng dán răng… tùy theo nhu cầu sử dụng của từng người.
- Bổ sung Florua toàn thân: Sử dụng các loại nước uống có chứa Flour, các loại thuốc kê toa dạng viên nén, viên ngậm… chứa natri florua.
Lưu ý: Để bổ sung Florua an toàn, đặc biệt với đối tượng là người lớn tuổi cần chú ý bổ sung đúng liều lượng dưới sự chỉ định và giám sát của chuyên gia, nha sĩ.
4. Dùng thuốc tăng tiết nước bọt
Một cách hiệu quả giúp cải thiện tình trạng khô miệng nói chung chính là dùng thuốc tăng cường tiết nước bọt. Có 2 loại thuốc được dùng phổ biến nhất là Pilocarpine và Cevimeline, đây là 2 loại thuốc chủ vận nhóm cholinergic.
Về liều dùng:
- Cevimelive dùng liều 30mg, uống 3 lần/ ngày. Đặc điểm của loại thuốc này là có thời gian bán hủy lâu và có ít hoạt động của thụ thể M2 (tim). Tác dụng phụ thường gặp nhất là buồn nôn.
- Pilocarpine dùng liều 5mg, uống 3 lần/ ngày. Dùng thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ như da đỏ bừng, đổ nhiều mồ hôi và gây chứng đa niệu.
Lưu ý: Người bị khô miệng cần tuân thủ tuyệt đối liều dùng thuốc do bác sĩ chỉ định, tránh tự ý dùng thuốc theo cảm tính để tránh gây tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe.
5. Điện châm trị khô miệng
Điện châm được chữa khô miệng là một trong những phương pháp mới nổi trong thời gian gần đây. Theo nghiên cứu của các nha khoa học Anh, người lớn tuổi bị ung thư và sau xạ trị thường gây ra tình trạng khô miệng, ít nước bọt, khô môi hoàn toàn có thể được cải thiện sau vài tuần thực hiện châm cứu điện.
Điện châm là một hình thức của châm cứu khi kết hợp giữa châm cứu theo y học cổ truyền và dòng điện trong y học hiện đại. Phương pháp này đem lại hiệu quả khả quan, an toàn và ít tác dụng phụ hơn so với dùng thuốc Tây. Qua các thử nghiệm, người bị khô miệng sau điều trị ung thư có thể cải thiện tình trạng này bằng liệu trình điện châm 8 tuần, mỗi lần 20 phút tại vùng đầu và ngón tay nhằm kích thích đến các tuyến nước bọt.
6. Mẹo cải thiện khô miệng tại nhà
Để hỗ trợ cải thiện khô miệng cũng như kích thích sự hoạt động của tuyến nước bọt, người bệnh lớn tuổi có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Nhai kẹo cao su không đường: Cử động nhai kẹo cao su là mẹo khá hay giúp kích thích tuyến nước bọt hoạt động mạnh và nhiều hơn một cách tự nhiên. Đồng thời, giữ cho khoang miệng luôn sạch và duy trì độ ẩm cần thiết. Tuy nhiên, chỉ dùng kẹo cao su không đường, tránh dùng loại có đường để phòng ngừa sâu răng.
- Gừng: Khi có cảm giác miệng khô khó chịu hãy nhai trực tiếp một lát gừng tươi sẽ cải thiện tức thì cảm giác này. Ngoài ra, bạn cũng nên duy trì thói quen uống trà gừng mỗi ngày vừa tốt cho sức khỏe vừa hỗ trợ cải thiện chứng khô miệng ở người già hiệu quả.
- Nha đam: Uống nước hoặc súc miệng bằng nước nha đam đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Ngoài đẹp da, tốt cho dạ dày mà còn có tác dụng bảo vệ niêm mạc và kích thích vị giác, giảm khô miệng hiệu quả và an toàn cho người cao tuổi.
- Chanh: Nước cốt chanh có khả năng khử khuẩn, làm sạch tốt và đặc biệt giúp thúc đẩy quá trình sản sinh nước bọt trong khoang miệng, cải thiện mùi hôi miệng khó chịu.
7. Hydrat hóa
Hydrat hóa là quá trình bổ sung các phân tử nước vào trong những hợp chất hữu cơ tạo thành hợp chất mới. Thông thường, một người trưởng thành khỏe mạnh sẽ chứa 75% là nước trong cơ thể, nhưng khi càng về già thì lượng nước sẽ hao hụt dần và chỉ còn 50%, khiến các tế bào trong cơ thể mất nước và khô miệng là một trong những triệu chứng thường gặp nhất.
Đối với khô miệng ở người già, áp dụng hydrat hóa được hiểu là việc bổ sung nước uống và các loại thức uống không đường liên tục. Điều này sẽ giúp cơ thể tối ưu hóa được số lượng tế bào khỏe mạnh, ổn định theo thời gian. Từ đó cải thiện hiệu quả mức độ khô miệng, duy trì độ ẩm, hạn chế tổn thương, khó chịu, đau rát khi ăn uống.
8. Thở bằng mũi
Thói quen ngủ há miệng hoặc thở bằng miệng chính là nguyên nhân dẫn đến khô miệng ở người già. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này tốt nhất bạn nên học cách thở hoàn toàn bằng mũi trong bất kỳ tình huống nào, kể cả lúc ngủ. Hãy nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ và các dụng cụ giúp đóng chặt miệng trong lúc ngủ để cải thiện nhanh chóng tình trạng này.
Bên cạnh đó, chứng khô miệng thường tăng nặng hơn khi thời tiết hanh khô, thiếu ẩm. Do đó hãy đặt máy tạo độ ẩm hoặc một chậu nước trong phòng để duy trì độ ẩm phù hợp.
9. Duy trì sức khỏe răng miệng
Giữ vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng là một trong những yếu tố quan trọng giúp cải thiện hiệu quả chứng khô miệng ở người lớn tuổi. Hãy đảm bảo tuân thủ thực hiện các biện pháp sau:
- Đánh răng ít nhất 2 lần/ ngày, kết hợp dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng để tăng hiệu quả làm sạch khoang miệng;
- Ưu tiên sử dụng các loại kem đánh răng có chứa hàm lượng florua và xylitol cao nhằm bảo vệ sức khỏe răng nướu, hỗ trợ kích thích phục hồi chức năng bài tiết nước bọt.
- Sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm môi để duy trì độ ẩm, tránh làm môi khô nứt nẻ;
10. Điều chỉnh chế độ ăn uống và ổn định tâm lý
Người lớn tuổi bị khô miệng thường gặp các vấn đề về ăn nhai, rối loạn vị giác làm thay đổi mùi vị món ăn và ảnh hưởng đến việc tận hưởng các món ăn ngon. Do đó, ngoài dùng thuốc và các biện pháp hỗ trợ vừa kể trên, cần chủ động điều chỉnh chế độ ăn uống sao cho phù hợp:
- Uống nước trái cây: Theo khuyến cáo của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, người lớn tuổi bị khô miệng nên uống từ 8 – 10 ly chất lỏng, trong đó gồm nước lọc thông thường và đa dạng các loại nước ép trái cây để bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
- Ưu tiên thực phẩm mềm, loãng: Thay vì các loại thực phẩm thô, cứng, dai cần nhiều nước bọt để làm mềm, tốt nhất người bị khô miệng nên ưu tiên dùng các loại thực phẩm mềm như thịt gà, cá, bơ đậu phộng, súp, cháo, khoai tây nghiền, sinh tố…
Bên cạnh đó, duy trì tâm lý ổn định, giảm căng thẳng, stress thông qua nhiều hình thức khác nhau cũng góp phần quan trọng giúp cải thiện chứng khô miệng do tâm lý.
Khô miệng ở người già là tình trạng rất khó chịu, bệnh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn kéo theo nhiều phiền toái trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, hãy chủ động trong việc thăm khám khi cần thiết để được tư vấn phương pháp điều trị thiết thực, cải thiện triệu chứng và dứt điểm bệnh lý hiệu quả, an toàn.
Có thể bạn quan tâm:
- 9 Mẹo Vặt Chữa Khô Miệng Ngay Tại Nhà Hay Mà Ít Ai Biết
- Miệng Bị Khô và Hôi: Nguyên Nhân, Hướng Chữa Trị, Xử Lý
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!